Có những người cả đời đi tìm cái Tôi mà không bao giờ tìm được. Có nhiều cái Tôi khi gặp nhau sẽ cộng hưởng, thăng hoa và mang lại hiệu quả. Có những cái Tôi không thể đội trời chung. Lại có những cái Tôi cần phải thu xếp, dẹp bỏ…
NHÂN VẬT CỦA “CÁI TÔI”
Lần này là Hà gọi điện rủ đi cà phê. Thi thoảng, tôi lại nhận được những cuộc gọi bất chợt như thế. Hà thông báo: Tao mới bỏ việc chỗ ấy rồi! “Chỗ ấy” của Hà là một doanh nghiệp dịch vụ lớn, lương bổng cũng khá. Sau nhiều lần nhảy việc, những tưởng Hà đã “cắm sào” tại đây rồi cứ thế mà phấn đấu. Vậy mà, mới hơn 3 năm, cô nàng đã lại đùng đùng tuyến bố bỏ công ty. Cô bạn của tôi cằn nhằn: Công việc thì tốt, nhưng chán nhân viên, chán cái tụi thiếu hợp tác, thiếu chuyên nghiệp, chán cả sếp ù lì thiếu quyết đoán, chán cái nghề dịch vụ, chán cả khách hàng và nhất là “không chịu nổi nhục” mỗi khi phải vác mặt đi thuyết phục từ thằng khách hàng vắt mũi chưa sạch đến những lão bụng bia tưởng tiền to hơn trái núi. “Tính tao không hợp với việc ấy!”, Hà kết luận.
À, lại là vấn đề cái Tôi. Hà là người thông minh, cá tính quyết liệt, có nhiệt huyết làm việc nhưng hơi ngang ngạnh và bảo thủ. Với cô ấy, cái gì đã thành quan điểm thì rất khó thay đổi, kể cả những thói quen, sở thích. Hồi sinh viên, Hà vẫn thường làm những điều khác người, khăng khăng không muốn “đụng hàng”, không muốn làm theo những gì người khác đã làm, dù sai hay đúng. Một cá tính riêng biệt với cái Tôi đầy trời như thế, Hà từng bị khá nhiều người ghét bởi hay tạo ra những xung đột, bất đồng. Tôi là một trong số ít người không ghét, thậm chí còn khá thân với cô. Có lẽ cũng bởi thuở đó hai người có nhiều suy nghĩ tương đồng. Hà nổi loạn bên ngoài, còn tôi có kiểu “nghịch ngầm” của riêng mình. Bao năm qua đi, tính cách Hà vẫn thế. Từ cô, tôi nghiệm ra rằng càng thành công, càng dày dạn kinh nghiệm thì cái Tôi trong con người càng to, dễ bị mê hoặc để họ luôn nghĩ mình là… số một.
TÔI “VA CHẠM” TÔI
Chúng ta thường định lượng giá trị chính mình qua thước đo của cái Tôi, tự hào hay kiêu hãnh cũng đều qua cái Tôi ấy. Sẽ chẳng ảnh hưởng đến ai nếu bạn chỉ ngồi nhà tự kỷ và chỉ tự đối diện, vuốt ve, chiều chuộng chính mình. Tuy nhiên, cái Tôi chỉ đầy đủ ý nghĩa khi có một cộng đồng quanh mình, khi được “va chạm” với tập thể. Cuộc sống đa dạng nên có những Tôi nhu mì hiền lành, cũng có những Tôi quyết liệt, kiêu ngạo. Bạn là ai trong số đó? Và, cái Tôi của bạn tương tác ra sao với những cái Tôi khác? Bạn có nhường nhịn, giữ mình? Bạn có thiếu kiềm chế? Bạn đặt mình ở đâu giữ muôn vàn vị trí xung quanh? Bạn cho mình là tâm điểm, là mặt trời, hay chỉ là những vì sao nhỏ nhoi thắp sáng?
Ta hãy cứ biết rằng ở bất kỳ đâu người ta cũng muốn khuyến khích tối đa những nhân tố cá tính, sáng tạo, nơi những cái Tôi gặp nhau sẽ cộng hưởng, thăng hoa và cho những thành quả tích cực. Thế nhưng, người ta sẽ khó mà yêu thích những cá nhân có cái Tôi quá lớn. Sẽ ra sao nếu bạn giữ chặt cái Tôi to lớn của mình đễn nỗi không hợp tác được với đồng nghiệp, không tìm được tiếng nói chung với những người xung quanh? Cái Tôi ấy có đồng nghĩa với sự cô độc? Làm sao để hòa nhập chứ không hòa tan? Làm sao để bạn vẫn có bản sắc, có tính cách riêng và không lẫn vào muôn người trong cộng đồng đông đúc này? Từ bỏ cái Tôi của mình ư? Đó chưa bao giờ là chuyện dễ. Và, kỹ năng để điều chỉnh, “gia giảm” chính mình không đơn giản chút nào.
Chính bản thân chúng ta là người tự chiêm nghiệm, tự biết, tự nhận ra khi nào thì cần ve vuốt cái Tôi, khi nào cần biểu dương cái Tôi và khi nào thì cần “từ bỏ” nó. Và, cũng chính chúng ta thôi, phải tự nhận ra những cái Tôi tích cực trong mình cũng như trong người khác. Nhận rõ phần tích cực của cái Tôi để thấy cần được nuôi dưỡng, trân trọng và khuyến khích. Người ta trưởng thành lên khi biết đưa cái Tôi vào khuôn khổ. Người ta mạnh mẽ lên khi không để cái Tôi vượt lên trên lý trí, biến mình thành kẻ mù quáng, ngạo nghễ. Cái Tôi biết cúi đầu khi cần thiết không phải là thấp hèn, nhục nhã. Nó chỉ là đã chín chắn, lịch duyệt và thông thái hơn xưa. Bởi sống, làm việc cùng nhau, giao du cùng nhau, sinh sống cùng nhau là một nghệ thuật. Trong đó, ta đều cần phải “thu xếp”, “dàn hòa” cái Tôi dù ít dù nhiều.
—————
“Bạn đặt mình ở đâu giữ muôn vàn vị trí xung quanh? Bạn cho mình là tâm điểm, là mặt trời, hay chỉ là những vì sao nhỏ nhoi thắp sáng?”
—————
TÔI ĐI TÌM TÔI
Những ngày này, cô bạn của tôi lại bắt đầu đi tìm một “miền đất” mới, để gieo cái tôi của mình vào đó. Với năng lực hiện có, tôi biết rằng cô sẽ sớm tìm được một chốn dừng chân mới. Thế nhưng, tôi cũng biết chắc chắn một điều: Hà sẽ còn tiếp tục nhảy việc, nếu Hà vẫn là Hà của ngày xưa và của cả bây giờ. Tính cách ấy, con người ấy, hành động hay lối suy nghĩ ấy của cô, tôi thấy không phải là cá biệt trong xã hội hôm nay. Hà luôn hiện ra trong suy nghĩ của tôi bằng một cái Tôi bản sắc rõ nét, có khi đáng yêu, nhiều lúc đáng ghét.
Tôi biết ngoài kia, có những người cả đời không bao giờ thỏa mãn với cái Tôi của chính mình. Ngoài kia, có những người cả đời đi tìm cái Tôi mà không bao giờ tìm được. Ngoài kia, có nhiều người khác nữa tự ném cái Tôi của mình đi, chấp nhận phụ thuộc hoàn toàn vào những cái Tôi khác. Ngoài kia, cũng có nhiều người chẳng bao giờ biết coi trọng hay đánh giá đúng giá trị của bản thân. Và nhiều cái Tôi khác ngạo nghễ nữa, chẳng bao giờ cần phải thu xếp, dẹp bỏ… Thì đấy, cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ!
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm: