Ở thành phố, người ta dần quen với hình ảnh những ô cửa sổ sáng đèn xuyên đêm. Nơi đó, các vị giám đốc, chủ doanh nghiệp dường như quên mất bản thân họ cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, vui sống sau giờ làm việc như bao người. Liệu với vai trò là những ông chủ bận rộn, họ có cách nào quẳng bớt gánh lo để vui sống?
Khi nỗi lo trở nên thái quá
Mỗi tối chủ nhật, vợ chồng bạn tôi đều chung tay đẩy xe nôi đưa con đi chơi ở một trung tâm mua sắm sầm uất. Nhìn hình ảnh ấy ai cũng nghĩ họ là một gia đình thảnh thơi, ngập tràn niềm vui, hạnh phúc. Chỉ khi lại gần người ta mới thấy thương đứa bé – cậu con trai đang bị bố mẹ của bỏ rơi cùng chiếc iPad. Trong khi đó, hai vợ chồng mải mê “bê” toàn bộ công việc của cái văn phòng địa ốc cùng hơn chục nhân viên vào siêu thị và thảo luận không ngừng.
Họ viện đủ lý do cho hành động của mình. Nào là hiện tại công việc kinh doanh đang lâm vào tình trạng không hề “dễ thở”. Suốt một tuần sáu ngày, ngày nào họ cũng chong đèn làm việc đến tối mịt nhưng vẫn không tìm ra lối thoát, vẫn thấy thiếu hụt thời gian. Mãi rồi hai vợ chồng hình thành thói quen lôi hết công việc ở cơ quan về nhà, mang ra siêu thị. Thậm chí, có khi hai vợ chồng còn đưa cả bất đồng công việc lên giường ngủ… Họ quên hẳn giường ngủ chính là “thánh địa” cuối cùng để người ta được quyền ngơi nghỉ sau một ngày lao động mệt mỏi.
Tình trạng các vị giám đốc, chủ doanh nghiệp quá lo lắng trước thực trạng kinh doanh đang rơi vào “vùng trũng” như vợ chồng anh bạn tôi ngày một phổ biến. Không lo sốt vó sao được khi lợi nhuận tháng này thấp, khách hàng tháng này vắng hơn tháng trước, đối tác có đủ lý do rời bỏ mình. Đâu chỉ có vậy, các khoản chi cố định không thể trốn tránh mỗi ngày: chi phí mặt bằng, lương nhân viên, thuế má, các khoản “bôi trơn” các mối quan hệ… Tất cả trở thành nỗi nỗi ám ảnh thường trực mà với vị trí là các vị giám đốc, là chủ doanh nghiệp… họ gần như không thể có được cuộc sống thông thường – làm việc, nghỉ ngơi như bao người khác.
Và một khi họ luôn bày ra trước mắt người khác – kể cả với người thân trong gia đình và bên ngoài xã hội cũng vậy – những nỗi phiền toái công việc thì chẳng khác nào đang tự dựng lên một bức tường ngăn cách bản thân với môi trường vui vẻ, thân thiện xung quanh. Thực tế không mấy ai đủ hào hứng tán chuyện cho khuây khỏa, mời gọi tham gia một cuộc vui… đối với những ông giám đốc, bà chủ doanh nghiệp suốt ngày cau có, chỉ toàn nói về những mối lo lắng, những gánh nặng trên vai chưa có lối thoát.
Thương trường vốn dĩ cũng chính là chiến trường trên mặt trận kinh tế. Khi đã chọn lựa thì ai cũng như ai, luôn phải sẵn tinh thần làm việc như một “chiến binh”. Và đã là “chiến binh” thì không nên để những khó khăn, rào cản trước mắt trở thành nỗi ám ảnh thái quá, khiến bản thân kiệt sức, mất hết khả năng chiến đấu.
Vui sống bao nhiêu thì đủ
Không lo lắng thái quá thì lo lắng ở mức độ nào là đủ, nhất là khi doanh nghiệp được lập ra từ chính những đồng vốn mồ hôi xương máu của mình đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản? Hẳn nhiên đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Tuy nhiên, có một thực tế khác nữa là trong bất cứ trường hợp nào con người ta cũng cần phải rạch ròi phân biệt những khái niệm về niềm vui trong cuộc sống và niềm vui trong công việc. Khi phân tách được như thế, người ta có thể bình tĩnh nhìn nhận rằng có thể công việc trong giai đoạn này không tốt nhưng cuộc sống vẫn có niềm vui.
Rất nhiều người, khi lâm vào giai đoạn khó khăn nhất của công việc đã chợt nhận ra rằng bên cạnh mình đang có những người anh em, cộng sự thực sự tốt. Bởi những người này đã luôn ở bên cạnh, động viên, giúp đỡ họ trong những khả năng có thể. Khi ấy, dù mối lo từ công việc có nặng nề đến mấy, dẫu đang thua lỗ về mặt doanh thu bao nhiêu thì người ta chưa hẳn đã đánh mất đi niềm vui sống. Thậm chí đó còn là lúc họ còn được nhân lên niềm tin vào những điều tốt đẹp là tình anh em, tình đồng chí, sự tương thân tương ái ngay trên “chiến trường” vốn khốc liệt.
Quẳng gánh lo để vui sống, vì thế không có nghĩa người ta sẽ bỏ cuộc, vứt bỏ tất cả công việc để vĩnh viễn thoát khỏi những mối lo. Quẳng gánh lo có khi cũng chỉ giản đơn là cố gắng tìm những điểm sáng tích cực như sự tin yêu, sự sát cánh của bè bạn, những người thân xung quanh mình lúc khó khăn. Và quẳng nỗi lo ở đây đôi khi chỉ là cố gắng đừng bày ra trước mắt mọi người xung quanh những mối lo thường trực của bản thân mình. Vì điều này chỉ càng khiến bản thân bị cô lập trong cái ốc đảo lo lắng, phiền muộn. Trong khi đó những niềm vui bình dị từ cuộc sống thì cứ lặng lẽ dắt tay nhau rời xa mình vĩnh viễn.
Và dĩ nhiên, việc quẳng gánh lo trong công việc với những người mang nhiều trọng trách không phải để họ tìm thấy niềm vui của một sống cuộc đời nông nổi, rày đây mai đó đầy ngẫu hứng như những người trẻ nhiều bốc đồng. Với các giám đốc, chủ doanh nghiệp, doanh nhân nói chung thì việc chú ý dành thời gian quý báu cho việc xây đắp một gia đình vui vẻ, đầm ấm thực sự chứ không chỉ là về hình thức – như vợ chồng anh bạn tôi trên đây – sẽ góp phần tạo nên một hậu phương vững chắc để họ tiếp tục vượt khó, vươn đến những thành công trong sự nghiệp.
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.
Có thể bạn quan tâm: