GIAO TIẾP ẢO VÀ HỆ LỤY • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

GIAO TIẾP ẢO VÀ HỆ LỤY

Khi công nghệ ngày càng phát triển, không gian giao tiếp được mở rộng tối đa trong thế giới ảo thì nhu cầu trao đổi, trò chuyện trực tiếp giữa người với người ở thự tế dường như đang ngày càng ít đi. Kéo theo đó, những giá trị tốt đẹp từ văn hóa giao tiếp bị xem nhẹ, thả nổi.

Thiết bị số thành người bạn tri kỉ!

Một bà mẹ kể chuyện con trai mình thi trượt đại học, suốt một năm nằm nhà ôn thi gần như ngày nào cậu cũng không rời laptop nửa bước. Khuyên nhủ thế nào con trai cũng bảo thích ôn bài, làm bài trắc nghiệm trên mạng. Tuy nhiên, theo quan sát của chị thì con trai dành hơn 3 phần 4 thời gian chỉ để lướt web, facebook, xem phim, nghe nhạc và chơi game. Chị càng lo lắng khi thấy con trai “ghiền” facebook hơn cả việc đi đá banh với đám bạn. Con trai cũng trở nên lầm lì, ít “trút bầu tâm sự” với bố mẹ như trước kia khiến đôi khi chị cảm giác con trai đã trở thành một người hoàn toàn xa lạ.

Trong một gia đình ba thế hệ hiện đại, không khó bắt gặp hình ảnh mọi người quây quần nơi phòng khách sau bữa ăn tối nhưng lại không phải để hàn huyên tâm sự. Các ông bố, bà mẹ với lý do công việc kinh doanh đang trong giai đoạn khó khăn nên tranh thủ thời gian bật laptop kiểm tra công việc, trả lời phản hồi của khách hàng qua email. Những đứa trẻ thay vì quấn quýt ông bà thì chúng mải mê lướt web, chơi game trên smartphone… Lựa chọn của ông và bà nội (hoặc ngoại) lúc này hẳn là dán mắt lên chiếc TV màn hình phẳng. Giá trị gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong buổi tụ họp gia đình đã hoàn toàn biến mất.

Giữa các quán cà phê đông đúc, cảnh tượng một nhóm bạn trẻ tụ tập nhưng ai nấy “dán”mắt vào những chiếc smartphone, iPad… của riêng mình đã trở nên phổ biến. Họ có thể phá ra cười nắc nẻ với chiếc điện thoại của riêng mình, thay vì quay qua hỏi han, lưu ý đến những tâm sự vui buồn của những người bạn đang hiện hữu xung quanh. Bước ra đường, cũng dễ dàng thấy cảnh người ta sẵn sàng móc điện thoại ra chụp, quay phim một vụ đụng xe chỉ để đăng lên facebook thay vì ra tay giúp đỡn người bị nạn. Người ta đang nghiện những cái like ảo, mà chúng thậm chí có khi được đánh đổi bằng cả mạng người đang trong cơn hấp hối.

Nhìn thấy, nghe kể về những cảnh tượng như thế ai cũng dễ lắc đầu ngao ngán trước văn hóa ứng xử, giao tiếp thực tế giữa người với người trong đời sống hiện đại. Thế nhưng, chính bạn đôi khi cũng phải thừa nhận bản thân mình đã và đang xem các thiết bị công nghệ số có vai trò tương tự những bạn tri kỉ. Chúng thậm chí có thể thay thế cho những con người bằng xương bằng thịt đang hiện diện ngay bên cạnh mình.

Tìm lại giá trị thực của giao tiếp

Giao tiếp thực tế, trong mọi hoàn cảnh luôn tạo nên những giá trị thiết thực, giúp củng cố các mối quan hệ xã hội, thúc đẩy các cơ hội hợp tác phát triển trong lĩnh vực kinh tế. Trong nội bộ gia đình, giao tiếp thực tế ít đi sẽ khiến con cái và cha mẹ không thấu hiểu lẫn nhau, cháu chắt không biết biết trân quý, tôn trọng sự hiện diện của ông bà. Cao hơn nữa, cách thức con người ta giao tiếp với nhau còn tạo nên nét văn hóa giao tiếp mang tính chất nền tảng, hình thành nên bộ mặt văn hóa đạo đức, xã hội của mỗi vùng miền, quốc gia, dân tộc. Mặt trận ngoại giao của một quốc gia có tốt hay xấu cũng góp phần không nhỏ tạo nên thế hưng suy cho cả dân tộc.

Không bàn đến những vấn đề to tát, ở góc độ giáo dục, nhất là đối trẻ nhỏ và tuổi vị thành niên, giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Đã có không ít trường hợp trẻ em trong giai đoạn tập nói, tập tiếp cận thế giới xung quanh nhưng bị bố mẹ bỏ rơi, phó thác cho các bảo mẫu, các bảo mẫu lại bận bịu công việc nên lại bỏ mặc các bé làm bạn với các thiết bị công nghệ số như tivi, máy tính bảng… khiến chúng dần thu mình vào thế giới riêng và dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh tự kỉ. Khi không có khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài, cũng có nghĩa những đứa trẻ này vĩnh viễn không tiếp cận được những giá trị tốt đẹp mang lại từ quá trình giao tiếp giữa người này với người khác. Tương lai của chúng trở nên mù mịt, không thể cứu vãn.

Ở xã hội hiện đại, người ta nhận thức đủ những tác hại của việc thiếu giao tiếp thực tếmang lại. Nhưng người ta cũng rất khó lòng cưỡng lại sức hút từ các thiết bị công nghệ đã được tích hợp trong nó quá nhiều những tiện ích. Chỉ cần một chiếc smartphone có khả năng lướt web, tạo tài khoản facebook hoặc zalo, sau một cú click là người ta ngay lập tức tiếp cận được tất tần tật những sự kiện thú vị xảy ra trên phạm vi… toàn cầu. Không cưỡng lại được niềm đam mê tính tiện ích ấy thì hệ quả tất yếu là nhu cầu gặp gỡ, lắng nghe thông tin giữa người với người ngày càng bị chi phối và ít đi. Theo đó cơ hội để sẻ chia, tâm sự dần bị quên lãng. Người ta chỉ còn nỗi lo sợ bản thân mình trở nên lạc hậu nếu không kịp cập nhật một phần mềm phiên bản mới.

Theo một nguyên cứu xã hội học, người ta đã chỉ ra rằng khi xã hội ngày càng hiện đại con người ta càng đánh mất khả năng tưởng tượng, liên kết, kể xúc tích các diễn tiến của một câu chuyện. Người ta thậm chí có khả năng thủ ác mà không mường tượng được những hậu quả tiếp theo của việc mình làm sẽ tệ hại đến đâu. Thực tế cũng chứng minh, rất nhiều bạn trẻ chỉ quen giao tiếp ảo với xã hội thông qua bộ mặt hào nhoáng giả tạo nên sẽ lúng túng, thiếu tự tin trong các tình huống giao thiệp thông thường. Nhiều người là anh hùng nhưng chỉ có thể núp sau bàn phím, suốt đời không dám lộ diện. Đứng trước một nỗi buồn thực tế của kẻ khác đang hiển bày trước mắt người ta không thực hiện nổi một cái ôm chia sẻ song lại sẵn sàng lên facebook để bấm comment những lời thương xót. Mọi giá trị của văn hóa giao tiếp bị thả trôi.

Không thể trách hoặc phủ nhận những tiện ích từ sự phát triển không ngừng của công nghệ mang lại cho cuộc sống con người ở xã hội hiện đại, nhất là trong công việc làm ăn. Nhưng nếu quá phụ thuộc vào công nghệ, mải mê sống và giao tiếp ảo thì con người ta sẽ đánh mất mối dây liên kết tình người ở trong thực tiễn. Nếu là một người khéo léo, bạn cần tận dụng triệt để thời giờ hiếm hoi hiện diện bên cạnh nhau để hâm nóng mối quan hệ với những ai mà mình yêu quý. Cho dù đó là tình cảm gia đình, tình bạn bè, đồng nghiệp thì chúng cũng luôn cần đến những hành động, lời nói thiện chí, thiết thực và cả một không gian giao tiếp cụ thể. Thay vì bấm một ngàn cái like rên mạng, hãy chìa bàn tay ra nắm lấy bàn tay thực tế của người mà bạn yêu thương.

Thành Thuận

Comment