Nỗi đau của một mối quan hệ đã kết thúc, cần bao lâu để phục hồi? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Nỗi đau của một mối quan hệ đã kết thúc, cần bao lâu để phục hồi?

Nỗi đau của một mối quan hệ đã kết thúc là một vết thương mà nhiều người đã từng nếm trải qua trong đời. Thậm chí, nỗi đau đó còn để lại một vết sẹo không dễ gì chữa lành.

Không giống những bộ phim tình cảm luôn có cái kết hạnh phúc, những cuộc tình trong đời thực của chúng ta không phải lúc nào cũng có một kết thúc êm đẹp và viên mãn. Quá trình và thời gian vỗ về nỗi đau của mỗi người đều không giống nhau. Điều đó phụ thuộc vào câu chuyện cá nhân và những vấn đề mà họ đang mắc phải. Mặc dù không thể biết chắc chắn thời gian để phục hồi một trái tim là bao lâu. Nhưng có một số cách khiến bạn có thể ổn định và cân bằng, dần quay trở về cuộc sống trước đây.

“Giá trị bản thân đến từ chính con người chúng ta,
chứ không phải là người bạn đời đi kèm.”

Làm sao để vỗ về nỗi đau khi một mối quan hệ kết thúc?

Ảnh: Pinterest

1. Đừng để cảm xúc dẫn dắt 

Cố gắng đừng xem việc kết thúc một mối quan hệ là một sự thất bại. Thay vào đó, hãy nghĩ về nó như một cơ hội để học hỏi và phát triển. Không quan trọng đó có là mối quan hệ đầu tiên hay trong vô số mối quan hệ đã từng. Đừng xem đó là một thất bại, hãy xem đó là cơ hội để nhìn nhận lại mọi thứ và nỗ lực cải thiện kỹ năng quan hệ giao tiếp của mình.  

“Tổn thương người khác sẽ không làm bạn bớt đau đớn.”

Bạn có thể trải qua những cảm xúc tiêu cực khi phải nói lời tạm biệt cho mối quan hệ đó. Trong lòng bạn, thậm chí còn dâng lên những suy nghĩ “trả thù” người yêu cũ hoặc mơ tưởng về việc phá vỡ cuộc sống hiện tại của họ — bao gồm cả các mối quan hệ mới. Hãy nhớ rằng làm tổn thương người khác sẽ không làm bạn bớt đau đớn. Trên thực tế, nó có khả năng khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn và sẽ làm chậm quá trình phục hồi vết thương của bạn. 

2. Chăm sóc bản thân thật tốt

Hãy tự chăm sóc bản thân thật tốt trong thời gian này về các khía cạnh: cảm xúc, thể chất và tinh thần. Bạn nên có những hành động cụ thể trong mỗi khía cạnh, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên, thường xuyên cầu nguyện hay liệt kê ra những điều giúp bạn vượt qua căng thẳng.

Bạn hãy thật kiên nhẫn và biết nhường nhịn chính bản thân mình. Có thể nói đây là thời điểm bạn nên yêu thương bản thân mình nhiều nhất để dễ dàng vỗ về nỗi đau và tổn thương mà bản thân đã hứng chịu. Sau chia tay, nỗi đau bạn phải nhận lấy không chỉ đơn thuần là những tổn thương tinh thần; đó còn là cảm giác đau đớn của một nỗi mất mát lớn đến từ thể chất.

 Tình yêu lãng mạn không phải là thứ duy nhất
tồn tại trên đời.

Làm sao để vỗ về nỗi đau khi một mối quan hệ kết thúc?

Ảnh: Pinterest

Bạn cũng có thể cần phải cân bằng lại tầm quan trọng của các mối quan hệ khác trong đời. Khi bạn đang ở trong một mối quan hệ lãng mạn, nó có thể là một phần trung tâm của cuộc đời bạn. Nhưng tình yêu lãng mạn không phải là thứ duy nhất tồn tại trên đời. Tiếp tục nuôi dưỡng các mối quan hệ với bạn bè, gia đình và bản thân, đừng đặt nặng tình yêu vào vị trí trung tâm để rồi bị cuốn hút vào nó.

Nếu bạn cảm thấy tội lỗi về bản thân mình trong một mối quan hệ đã kết thúc, bạn sẽ khó đối xử tốt với bản thân khi đang mang những cảm xúc tiêu cực này. Hãy thực hành lòng trắc ẩn đối với chính mình và có thể năng lượng của bạn sẽ thu hút được một người xứng đáng bước tới cuộc đời bạn hơn.

Nếu bạn vẫn mãi không thể từ bỏ một mối quan hệ hay tự vỗ về nỗi đau và sự tổn thương của mình (ngay cả khi có sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình). Hãy làm việc với một nhà trị liệu đáng tin cậy, có kỹ năng là cách chăm sóc bản thân tốt nhất trong bất kỳ giai đoạn thay đổi lớn nào trong cuộc sống.

3. Đừng mắc kẹt trong quá khứ

Tất cả chúng ta đều có xu hướng nhìn lại cuộc sống và các mối quan hệ của mình qua “lăng kính màu hồng”. Hiệu ứng của “lăng kính” này có thể khiến chúng ta từ chối nhìn nhận vào những cái khó và chỉ tập trung vào những phần tốt của vấn đề. Và khi cả hai dòng ký ức tốt, xấu đan xen nhau như một vòng lặp vô tận trong tâm trí bạn. Những suy nghĩ xâm nhập này có thể làm chậm quá trình vỗ về nỗi đau của bạn và có thể khiến bạn càng đau khổ thêm vì chúng. 

Mặc dù sẽ có những khó khăn, nhưng hãy đừng để lạc mất đi nhìn nhận đúng đắn của mình. Không có mối quan hệ nào hoàn toàn xấu và cũng không có mối quan hệ nào hoàn hảo tuyệt đối. Nếu bạn vẫn đang tôn vinh và quan tâm về một người cũ, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần phải tạo cho mình một khoảng cách và giới hạn nhất định trong tình cảm đối với người đó. Nói cách khác, đừng lấn sâu vào một tình yêu không có một kết cục đẹp.

Làm sao để vỗ về nỗi đau khi một mối quan hệ kết thúc?

Ảnh: Hassan OUAJBIR

“Không có mối quan hệ nào hoàn toàn xấu và cũng không có mối quan hệ nào hoàn hảo tuyệt đối.”

Ví dụ, bạn có thể khó từ chối việc theo dõi cuộc sống của người yêu cũ qua mạng xã hội. Nếu không thể cưỡng lại sự cám dỗ và tò mò, đã đến lúc bạn nên mạnh dạn hủy kết bạn hoặc chặn tất cả thông tin về người đó. Bạn sẽ không thể phục hồi và vỗ về nỗi đau của chính mình nếu cứ liên tục bị cuốn vào cuộc sống của họ và nghĩ về những gì đã từng có hoặc không bao có với nhau.

Nếu người yêu cũ của bạn đang bắt đầu một mối quan hệ mới và họ đăng tải câu chuyện đó trên mạng xã hội. Những điều trên có thể khiến tình cảm cũ bên trong của bạn trỗi dậy không? Điều đó có thể thúc đẩy những mối bận tâm về bất kỳ khía cạnh nào chưa được giải quyết trong mối quan hệ của bạn với họ. 

4. Trân trọng những kỷ niệm tốt đẹp

Ngay cả khi mối quan hệ của bạn được kết thúc trong tổn thương và chua chát. Hãy cố gắng nhìn vào những điểm tốt đẹp của nó. Và bạn có thể thấy mình đã bỏ lỡ một điều gì đó với tình yêu cũ bạn đã từng có. Khi làm vậy, bạn có thể cảm thấy choáng ngợp bởi không gian trống trải còn lại khi mối quan hệ kết thúc hoặc có thể nuôi dưỡng sự oán giận khi nghĩ về sự tan rã đó. Nhưng khi vượt qua tất cả những thay đổi này chính là một phần thành công của quá trình phục hồi. Khi một kỷ niệm vui xuất hiện, hãy cho phép bản thân biết ơn về nó — sau đó hãy cố gắng tiếp tục sống một cuộc đời thật đẹp đẽ.

5. Đừng phủ nhận nhu cầu của mình

Thành thật với chính mình về những mong muốn, nhu cầu của bản thân (đặc biệt là những nhu cầu không được đáp ứng) có thể là một quá trình khó khăn. Vì bạn có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi bỏ qua chúng.

Hãy cứ khóc hay giải tỏa hết những suy nghĩ. Những điều trên có thể giúp bạn mau chóng phục hồi hơn là cứ cố gắng tự “làm tê liệt” bản thân trước những tổn thương. Giả vờ rằng mình không có nhu cầu gì cần phải thực hiện, chỉ khiến bạn không thể phát triển, cả trong mối quan hệ của bạn với người khác và mối quan hệ của bạn với chính mình.

Hãy cứ khóc và giải tỏa hết những suy nghĩ, sẽ làm bạn
dễ chịu hơn là cố gắng “làm tê liệt” bản thân trước những
tổn thương.

 

Làm sao để vỗ về nỗi đau khi một mối quan hệ kết thúc?

Ảnh: Vincenzo Malagoli

6. Đánh giá lại các mong muốn của bản thân

Sau khi chia tay là thời điểm tốt để suy nghĩ về mong muốn và nhu cầu của bạn trong một mối quan hệ lãng mạn. Bạn có thể viết ra những suy nghĩ ấy. Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như:” Có phải do tôi đã chọn những đối tượng không đủ khả năng để xây dựng một mối quan hệ trưởng thành hay không?” và “Liệu tôi có thay đổi được họ hay họ sẽ vì tôi mà thay đổi?”

Có thể sẽ rất đau đớn khi thừa nhận rằng mối quan hệ trước đây của bạn không thể đáp ứng nhu cầu của bạn. Dành thời gian để phản ánh một cách trung thực về nó, sẽ có thể làm rõ những phẩm chất cần tìm kiếm ở một người bạn đời khác trong tương lai. 

7. Không nhảy vào một mối quan hệ “phục hồi”

Mối quan hệ “phục hồi” là mối quan hệ thường xảy ra ở một người vừa kết thúc mối tình của mình và đang cố thay thế tình yêu đã mất ấy bằng một người mới. Bạn có thể cảm thấy cấp bách về việc tìm kiếm một người bạn đời lãng mạn mới, nhưng những mối quan hệ “phục hồi” sẽ ngăn cản bạn vượt qua rào cản của các mối quan hệ trước đó. 

Nếu bạn không dành thời gian để ngẫm nghĩ về một mối quan hệ đã kết thúc gần đây, bạn có thể sẽ lặp lại những khuôn mẫu hoặc mắc phải những sai lầm tương tự trong mối quan hệ mới. Cố thoát khỏi những lối suy nghĩ và hành vi cũ là bước đầu tiên để thực hiện sự thay đổi này.

Làm sao để vỗ về nỗi đau khi một mối quan hệ kết thúc?

Ảnh: Cammy Madelle

8. Bắt đầu lại chỉ khi đã sẵn sàng

Đôi khi, một người sẽ khó chấp nhận việc bản thân mình là một người độc thân khi đang ở quá lâu trong một mối quan hệ, đặc biệt là một cuộc hôn nhân lâu dài. Hãy nhớ rằng giá trị của bản thân đến từ chính con người chúng ta, chứ không phải là người bạn đời đi kèm.

Trong lúc này, đừng cố gắng tự cô lập bản thân mình. Bạn có thể không cần ra ngoài tụ tập vào tối thứ Sáu, nếu muốn ở nhà đọc một quyển sách hay. Nhưng nếu như bạn muốn dành nhiều thời gian hơn cho một ai đó và không muốn ra ngoài một mình, hãy hỏi và kết nối với những người bạn để có thể ra ngoài cùng nhau. Bạn không cần vội vàng ép mình bước tiếp một mối quan hệ mới. Nhưng sau một thời gian, hãy thử mở ra cho mình những cơ hội mới, gặp gỡ thêm nhiều người mới. Biết đâu bạn sẽ gặp được một người phù hợp?

Ảnh: Andrea Piacquadio

“Tình yêu sẽ xuất hiện vào thời điểm không thể ngờ được.”

Có thể sẽ rất đáng sợ khi nghĩ đến việc yêu lần nữa, nhất là sau khi đã bị tổn thương. Nhưng bạn hãy nhớ rằng với bao nhiêu nỗi đau của một trái tim tan vỡ, là bấy nhiêu nỗi sâu sắc trong tình yêu mà trái tim ấy đã trải qua.

Bạn sẽ không ngờ rằng tình yêu sẽ xuất hiện vào thời điểm không thể ngờ được. Hãy lui tới những địa điểm mà mình yêu thích để có những trải nghiệm tốt nhất có thể nhé! Cho dù nơi đó là nhà thờ, đội thể thao hay một thư viện nhỏ,… Bạn sẽ có những kết nối tích cực với nhiều người hơn và tìm thấy những mối quan hệ lâu dài (không nhất thiết là tình yêu) ở những nơi bạn cảm thấy an toàn và thoải mái khi là chính mình. 

9. Tha thứ cho người khác là cách bao dung chính mình

Tha thứ cho một người cũ đã gây ra bao tổn thương cho mình, có thể sẽ mất rất nhiều thời gian và không hề dễ dàng. Đặc biệt nếu người đó đã bội ước trong mối quan hệ này. Điều quan trọng cần lưu ý là: tha thứ cho ai đó không có nghĩa là bạn đang dung túng cho hành động gây tổn thương của họ.

Trên thực tế, tha thứ không hoàn toàn chỉ là một hành động hướng về người kia. Việc tha thứ sẽ cho phép bạn ngừng đầu tư thời gian và năng lượng vào một người không còn lành mạnh và giá trị gì đối với bạn.

Ảnh: Pinterest

“Một người quan trọng mà bạn cần tha thứ đầu tiên, đó là: chính mình.”

Để vỗ về nỗi đau và trái tim tan vỡ, một người quan trọng mà bạn cần tha thứ đầu tiên, đó là: chính mình. Đừng tự vấn mình về những thứ đã qua và mãi chìm đắm trong một mối tình đã tan vỡ. Bạn có thể thấy dễ dàng hơn khi tha thứ cho người yêu cũ, nhưng hãy nhớ rằng mối quan hệ lâu dài và bền chặt nhất mà bạn từng có là đó là với bản thân mình.

Bạn không thể thay đổi quá khứ, nhưng bạn có thể học hỏi từ nó, cho dù bạn đang độc thân hay đang ở trong một mối quan hệ. Bạn luôn có thể thay đổi hành vi và tư tưởng của mình để tránh lặp lại những sai lầm, cho phép bản thân trưởng thành và tiếp tục phát triển tình yêu thương chính mình. Đó chính là những cách giúp bạn phục hồi và vỗ về nỗi đau. Chúng tôi hy vọng, bạn sẽ sớm lấy lại được cân bằng và có được những giây phút phục hồi, vui vẻ nhất trong đời.

Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Ảnh: Internet, sưu tầm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment