Làm gì khi hôn nhân tồn tại mâu thuẫn?

Làm gì khi hôn nhân tồn tại mâu thuẫn?

Bát đũa còn có lúc xô nhau, tránh sao được vợ chồng chung sống với nhau cả đời cũng có lúc nảy sinh nhiều mâu thuẫn.

Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, ai cũng mong muốn có được tổ ấm hạnh phúc và êm đềm. Tuy nhiên, đời sống hôn nhân phải đối mặt với nhiều áp lực từ tài chính, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng bố mẹ, bất đồng quan điểm sống hay thậm chí là khác biệt trong thói quen riêng… đôi khi cuốn ta quên đi mục đích hòa hợp ban đầu. Bất đồng đôi khi chẳng hề xấu. Vì khi đã chấp nhận ghép đôi, chúng ta là những cá thể riêng biệt, đã và đang học cách để dung hòa và sống chung với nhau. Như hai nửa của một vầng trăng, tuy nằm về hai phía nhưng vẫn có thể hợp lại tròn đầy, viên mãn, nếu mọi mâu thuẫn đều có thể chuyển hóa thành yêu thương.

***

Mâu thuẫn tồn tại như sự hiển nhiên

Căn nguyên của mọi mâu thuẫn trong mối quan hệ của các cặp đôi thường bắt đầu từ sự khác biệt về quan điểm, kinh nghiệm, sở thích, tính cách, niềm tin hoặc thói quen. Tựu trung lại, có hai nguyên nhân gây ra mâu thuẫn từ bên ngoài và bên trong.

Có nhiều yếu tố tác động từ cuộc sống bên ngoài tồn tại như những ngòi nổ sẵn sàng thổi bùng mâu thuẫn bất cứ lúc nào. Đó có thể chỉ là một lời bóng gió của hàng xóm nhắm vào những yếu điểm của gia đình, là những so sánh vô tình với hoàn cảnh thuận lợi của bạn bè. Đó cũng có thể là những bực bội lo toan trong công việc ám ảnh tâm trạng mà mỗi người không thể giũ bỏ trước khi bước vào không gian sống chung, hay là những vướng mắc của người thân gánh nặng trên vai khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng và khó chịu hơn với nửa kia của mình.

Chắt lọc yêu thương từ mâu thuẫn

Có những nguyên nhân mâu thuẫn lại bắt nguồn từ trong chính gia đình, trong mối quan hệ của cả hai hay từ chính cá nhân mỗi người. Thực tế đã cho thấy rất nhiều lý do, từ những cái tôi quá mạnh mẽ, từ sự tự ái, hiếu thắng, từ sự xốc nổi, thiếu kiềm chế trong lời nói, cảm xúc, hành động…, tất cả đều có thể làm tổn thương người bạn đời, người yêu của chúng ta, tổn thương ngay chính bản thân mình và mối quan hệ cả hai đang ở trong đó.

Đặc biệt từ góc độ của phụ nữ, nhất là phụ nữ Việt Nam với những truyền thống Á Đông đôi khi bị những người xung quanh áp đặt thái quá lên họ, dù đã có vị thế xã hội, có khả năng độc lập về tài chính nhưng phụ nữ vẫn phải chịu nhiều áp lực trước nhiều vai trò trong cuộc sống. Khi người phụ nữ tham gia vào công việc ngoài xã hội, dành cả đam mê, nhiệt tình, sức lực và thời gian cho sự nghiệp, thì đồng thời trong họ xuất hiện cảm giác lo âu vì khó có thể đáp ứng được sự toàn vẹn như mong đợi từ phía gia đình. Nỗi trăn trở này trở thành một trong những tác nhân gia tăng sự xung đột, mâu thuẫn giữa các cặp đôi xuất phát từ phía người nữ. Càng khao khát có được sự thành công, phụ nữ càng phải nỗ lực để cân bằng giữa cuộc sống lứa đôi và công việc, và những mâu thuẫn từ chính nội tâm kỳ vọng đó của phụ nữ đôi khi là nguyên nhân hàng đầu cho những mâu thuẫn trong gia đình của họ.

***

Đừng đẩy mâu thuẫn thành xung đột

Không bao giờ có sự “chiến thắng” trong giải quyết mâu thuẫn vợ chồng. Thắng lợi của người này không chỉ là thất bại của người kia mà còn khiến không khí của cả gia đình rơi vào một trạng thái căng thẳng khác. Vì thế, khi có mâu thuẫn, các cặp đôi cần cố gắng đừng đẩy mâu thuẫn trở thành xung đột không thể hòa giải.

Điều đầu tiên, hãy tâm sự với nửa kia của mình nhiều hơn. Yêu thương thôi chưa đủ, bạn cần phải quan tâm, thấu hiểu người mà mình đã nói lời yêu thương. Có không ít cặp đôi ly hôn không phải vì hết yêu mà vì không hiểu nhau. Phụ nữ thành công không nên đặt cái tôi quá cao mà hãy cố gắng tâm sự cùng chồng nhiều hơn. Sự san sẻ sẽ giúp cả hai thêm gắn kết và khiến người bạn đời cảm thấy được tôn trọng. 

Thứ hai, hãy đặt mình vào vị trí của người kia. Quan tâm, chia sẻ giữa vợ chồng là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Vợ chồng có thể có sai lầm nhưng thường ít thừa nhận mình sai. Vì vậy, hãy đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu nhau hơn. Mình sẽ cảm thấy như thế nào, sẽ phản ứng thế nào nếu ở vào hoàn cảnh của người ấy, lúc ấy? Đồng thời, hãy tôn trọng những sở thích của nửa kia để tạo cho nhau không gian riêng cần thiết.

Thứ ba, bận đến mấy cũng phải dành thời gian chất lượng cho gia đình. Sự bận rộn là món phụ kiện đi kèm của thành công. Tuy nhiên, phụ nữ bận rộn đến mấy cũng nên nghĩ cho gia đình. Hãy lập quỹ thời gian khoa học và dành thời gian để quây quần bên tổ ấm yêu thương của mình. Sự có mặt của người vợ trong những bữa cơm, bữa sinh hoạt gia đình sẽ cho người đàn ông thấy được những nỗ lực và sự ưu tiên gia đình của người vợ, từ đó giúp hai bên gắn kết và hỗ trợ nhau hơn.

Thứ tư, không thị uy và thể hiện mình là người thành công hơn. Nhiều phụ nữ với vai trò điều hành tại công ty thường đôi lúc có thói quen mang thái độ và áp lực trong công việc về nhà. Thay vì chọn cách gác lại những tất bật sự nghiệp bên ngoài cánh cửa gia đình, nhiều người dường như lại quên mất và vô cớ trút sự bực dọc thậm chí là hành động thị uy với người đàn ông của mình. Cái tôi của người đàn ông thường khá lớn, khi người vợ càng thành công, họ có thể sẽ cảm thấy yếu thế. Vì thế, phụ nữ càng thành công càng phải tinh ý và khéo léo. Hãy để cho nửa kia của bạn được trở thành điểm tựa cho người vợ nhiều vất vả, thay vì ở chiều ngược lại.

Thứ năm, đừng lãng tránh thiên chức làm mẹ, làm vợ. Dù là một nữ doanh nhân thành đạt thì cũng đừng quên bạn vẫn là một người mẹ, người vợ. Đừng lấy lý do sự nghiệp, đam mê hay thu nhập làm cái cớ cho việc không chăm lo gia đình. Trước khi là một doanh nhân thành đạt, bạn phải là một người vợ, người mẹ tốt trong mắt chồng con. Hãy đối thoại rõ ràng và phân công trách nhiệm hợp lý trong gia đình để có thể giữ trọn thiên chức đồng thời nhận được sự đồng cảm, hỗ trợ khi cần tập trung cho sự nghiệp.

Câu nói cần tránh khi mâu thuẫn

***

Nhìn nhận điểm tích cực của mâu thuẫn

Các cặp đôi có mâu thuẫn với nhau nếu được kiểm soát tốt chỉ dừng ở mức khác biệt, thì không có nghĩa là họ ghét bỏ nhau hay mối quan hệ đang trên bờ vực thẳm mà ngược lại, họ đang… rất yêu thương và tôn trọng nhau.

Những trận cãi vã mang tính xây dựng sẽ giúp mối quan hệ của cả hai trở nên “thú vị” hơn. Một khảo sát cho thấy 44% các cặp đôi đã kết hôn tin rằng cãi nhau nhiều hơn một lần mỗi tuần sẽ giúp họ hiểu nhau hơn. Qua mỗi trận cãi vã, bạn sẽ thấy được nửa kia cũng sẽ có những lý lẽ hợp tình hợp lý khó ngờ, thậm chí là có những khoảnh khắc hờn giận thật đáng yêu. Những điều “lý sự” của họ đưa ra có khi lại khiến bạn bật cười thích thú và thấu hiểu họ hơn.

Mâu thuẫn đôi khi lại là cách hay để “thổi bùng” ngọn lửa yêu thương. Cãi nhau nghĩa là hai bạn đều quan tâm đến mối quan hệ và cần thời gian nhìn nhận lại bản thân. Mâu thuẫn trong chừng mực có thể được gỡ rối không có nghĩa là bạn đang làm tổn thương đối phương mà có thể xem như một sự trao đổi. Hai bạn đang tìm ra và chia sẻ những khuyết điểm của nhau để tự thấu hiểu nhau hơn và tránh được những cư xử sai lầm.

Đôi khi những cãi vã còn cho thấy cả hai đang sống thật với suy nghĩ và cảm xúc ẩn sâu trong lòng mình. Khi đã bộc lộ rõ quan điểm của mình, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm và không còn bị áp lực bởi những câu hỏi không có lời giải đáp. Trong lòng bạn sẽ cảm thấy bao dung hơn, nhìn nhận vấn đề với sự độ lượng hơn và nhờ đó sẽ dễ chấp nhận những điều khác biệt hay khuyết điểm của người bạn đời.

Chắt lọc yêu thương từ mâu thuẫn

Mối nguy hại khi mối quan hệ không tồn tại mâu thuẫn?

  • Các nghiên cứu cho thấy, những cặp đôi ít tranh luận và không chia sẻ với nhau thường xuyên có nguy cơ rạn nứt cao hơn. Bởi mâu thuẫn không được giải quyết sẽ tích tụ dần và trở thành “tảng đá vô hình” ngăn cách giữa hai người.
  • Diễn giả Joseph Grenny, đồng tác giả cuốn sách “Crucial Conversations”, cho biết nhiều cặp vợ chồng lầm tưởng rằng tránh thảo luận về các vấn đề nhạy cảm hay tránh tranh cãi sẽ tốt cho mối quan hệ. Chúng ta có xu huớng tránh trò chuyện khi có mâu thuẫn vì nhận thức được rủi ro nếu lên tiếng, nhưng đồng thời lại không nhận thức đầy đủ rủi ro nếu chúng ta im lặng.

***

Khi chung sống, bất cứ vấn đề nào cũng đều có thể dẫn đến mâu thuẫn. Nếu nhìn nhận đa chiều, mâu thuẫn vẫn mang lại những giá trị tích cực cho mối quan hệ. Các cặp đôi không thể né tránh mâu thuẫn mà cần có cách thức phù hợp để đối mặt, giải quyết và vượt qua. Giống như khi quản lý nhân viên, tất cả đều là cá thể nhưng đang cùng nhau tiến về một hướng. Thay vì nghĩ rằng quan hệ vợ chồng như một thực thể thống nhất thì có thể hình dung cả hai như một đội nhóm đang hướng về một mục tiêu chung. Vì chúng ta hoàn toàn có thể có suy nghĩ khác nhau, nhưng vẫn quyết cùng nhau dung hòa và tiến bước.

Text: Quỳnh Nguyễn | Bài viết độc quyền được đăng tải trên số 143 của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

Comment