Người sếp tốt cần có bản năng bảo vệ • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Người sếp tốt cần có bản năng bảo vệ

“Làm sếp” không hẳn chỉ là vị trí cấp bậc mà vốn dĩ còn là lựa chọn. Rất nhiều doanh nhân thành đạt, ngay khi đã đứng trên đỉnh vinh quang và xây dựng cả một đế chế của riêng mình, vẫn chưa thể trở thành người lãnh đạo đúng nghĩa. Họ kẹt lại ở cái lằn ranh mỏng manh giữa “lãnh đạo” và “quyền lực”, khi thứ mà họ nhận được từ nhân viên là sự tôn trọng, nể sợ chứ không phải là cống hiến. Thật ra, chìa khoá để trở thành người dẫn đầu chân chính chỉ gói gọn trong bốn chữ “bản năng bảo vệ”. 

Bài toán về sự cống hiến

Mọi nhà tuyển dụng đều đánh giá cao cái gọi là sự cống hiến của nhân viên. Sự cống hiến ở đây có nghĩa là khả năng hoà nhập, nỗ lực làm việc và sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân vì tổ chức. Thế nhưng, đó không phải là thứ dễ dàng xây dựng được bằng một chữ ký vô thưởng vô phạt trên hợp đồng. Sự cống hiến được xem là cấp bậc cao nhất của lòng tin, nền tảng của mọi mối quan hệ, trong công việc lẫn đời sống thường nhật.NDN_Vi sao sep tot can co ban nang bao ve-1_resizeĐặc điểm chung của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới chính là những quyết định của họ, dù đúng hay sai, đều được nhân viên tuyệt đối tin tưởng và ủng hộ. Oái ăm thay, lòng tin cũng lại là một phạm trù mơ hồ, mang tính chất cảm quan cao. Đa phần lãnh đạo trẻ thường nghĩ rằng nhân viên sẽ tin tưởng mình bởi vì mình là sếp. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Hệ thống cấp bậc có thể khiến nhân viên phục tùng mệnh lệnh được giao nhưng điều đó không có nghĩa là họ tin tưởng bạn.

Lòng tin bắt nguồn từ đâu?

Quay ngược thời gian về Thời kỳ Đồ đá cũ, tính mạng con người thường xuyên bị đe doạ bởi vô số thế lực tự nhiên như thời tiết, thiếu hụt tài nguyên, động vật hoang dã hoặc dịch bệnh. Loài người đã tụ hội thành bầy đàn, để tự vệ và chăm sóc lẫn nhau. Ở hoàn cảnh này, hợp tác và tin tưởng là hai yếu tố bắt buộc mang tính chất sống còn. Chúng ta phải tin tưởng nhau để cùng tồn tại.NDN_Vi sao sep tot can co ban nang bao ve-2_resizeXã hội hiện đại tuy đã an toàn hơn nhiều nhưng vẫn vận hành theo quy luật tương tự. Người lao động hiểu rõ công việc và khả năng thành công của mình là không ổn định. Công ty luôn phải đối mặt với những hiểm hoạ rình rập như thị trường bất ổn, lạm phát, cổ phiếu xuống giá, khủng hoảng truyền thông hay áp lực cạnh tranh…, những yếu tố mà không ai có thể thay đổi được. Biến số duy nhất trong tổ chức nằm ở bản năng bảo vệ của lãnh đạo. Một khi người dẫn đầu đặt giá trị con người, cảm giác an toàn của nhân viên lên trên lợi nhuận hữu hình, lòng tin sẽ bắt đầu bén rễ và phát triển mạnh mẽ.

Đắc nhân tâm bằng sự chân thành

Đặt giả thuyết công ty là một gia đình, nơi cấp trên đóng vai trò như bậc phụ huynh đang phải chăm lo cho “lũ trẻ” nhân viên. Có cha mẹ nào lại bỏ rơi con cái, khi chúng hư hỏng? Và liệu rằng con cái có nên thờ ơ với cha mẹ, khi họ bệnh tật? Câu trả lời là không. Nếu bạn đã xây dựng được mối gắn kết chặt chẽ, khiến nhân viên cảm thấy an toàn về vị trí của mình trong tổ chức, họ sẽ sẵn sàng cống hiến và cùng bạn vượt qua mọi thăng trầm.NDN_Vi sao sep tot can co ban nang bao ve-3_resizeTrong cuộc suy thoái tài chính năm 2008, công ty sản xuất Barry – Wehmiller của Bob Chapman đột ngột mất đến 30% đơn hàng. Họ cần phải tiết kiệm đến 10 triệu đô la Mỹ và giảm biên chế là giải pháp tưởng chừng như không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, Bob Chapman không nghĩ vậy.  Thay vào đó, ông đề xuất chương trình giải quyết khủng hoảng dài hạn. Trong năm đó, mọi nhân viên, từ thư ký đến CEO, đều phải chấp nhận nghỉ không lương một tháng, có thể chia ra thành nhiều đợt. Bob cho rằng mỗi cá nhân đều nên hy sinh một chút để tránh thiệt hại lớn đến một số người nhất định. Quan điểm này được hầu hết nhân viên tán thành, khi khả năng thất nghiệp của họ đã trở về con số không. Chương trình nhanh chóng diễn ra thành công và thu về những 20 triệu đô la Mỹ. Tất cả là nhờ vào lòng tin và sự hợp tác.

Làm sếp chưa bao giờ là công việc đơn giản. Nó không chỉ đòi hỏi khả năng chuyên môn cao mà còn năng lực lắng nghe, phân tích và thấu hiểu. Để trở thành người sếp tốt, hãy vận dụng bản năng bảo vệ, cư xử bằng cả trái tim, nghiêm túc nhưng vẫn thật chân thành!

Tạp chí Nữ Doanh Nhân

(Bài viết được đúc kết từ nội dung bài thuyết trình của Simon Sinek tại TED-Talk)

 

Có thể bạn quan tâm: 

Sếp nữ trẻ, Được và Mất

BIẾN MÂU THUẪN THÀNH ĐỘNG LỰC

Comment