Mâu thuẫn có thể là cơ hội tuyệt vời cho sự phát triển. Nhưng ngược lại, nếu để nó vượt quá tầm kiểm soát, mâu thuẫn lại là thủ phạm giết chết tinh thần làm việc của cả một tập thể thậm chí cuốn phăng cả triệu đô chỉ trong tích tắc.
Công sở có thể coi là một thế giới thu nhỏ của cuộc sống. Trong 8 giờ làm việc với những căng thẳng, áp lực từ công việc, tính cách, nhu cầu, lợi ích, mâu thuẫn là điều khó có thể tránh khỏi. Sức ảnh hưởng của mâu thuẫn nội bộ như thế nào còn tùy thuộc vào từng mô hình và lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, mâu thuẫn là động lực cho sự phát triển. Bởi thế, đối diện, kiểm soát và xử lý mâu thuẫn luôn là lựa chọn khôn ngoan của các nhà lãnh đạo. Sẽ không có đáp án chung cho việc xử lý mâu thuẫn nhưng đây có lẽ là những mẫu số chung mà các nhà quản trị cần quan tâm khi các mẫu thuẫn phát sinh trong môi trường công sở:
1Xác định nguyên nhân mâu thuẫn
Cũng giống như bạn tìm đường đi khi đến một vùng đất lạ, khi mâu thuẫn xảy ra, việc đầu tiên cần làm là xác định nguyên nhân để tìm hướng giải quyết cụ thể. Không mâu thuẫn nào giống mâu thuẫn nào mặc dù, đa phần nó đều do con người tạo ra. Chỉ khi nào xác định rõ và thật cụ thể nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn và xung đột, khi đó, bạn mới kiểm soát và giải quyết được mâu thuẫn đó.
Theo các nhà tâm lý học, có hai dạng mâu thuẫn trong môi trường công sở, mâu thuẫn do công việc và mâu thuẫn do cảm xúc. Nếu như mâu thuẫn trong công việc xảy ra khi có những bất đồng trong quá trình làm việc, thì mâu thuẫn do cảm xúc lại thường phát sinh ngầm, ủ sâu bên trong và sẽ nảy sinh ngay lập tức kèm theo mâu thuẫn về lợi ích hay thái độ ứng xử với nhau. Thường thì hai dạng mâu thuẫn này song hành cùng nhau. Từ mâu thuẫn công việc nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến đố kị, nghi ngờ – thủ phạm gây ra mâu thuẫn do cảm xúc.
Giải pháp:
Dù bạn là một nhà quản trị, trưởng phòng hay trưởng nhóm, khi đã tìm ra nguyên nhân của mâu thuẫn, hãy nhìn nó bằng cái nhìn đa chiều. Bởi mỗi người có một nền tảng, trình độ, quan điểm, hiểu biết, thái độ sống khác nhau. Khi bạn có cái nhìn đa chiều cũng là lúc bạn tìm thấy cách giải quyết mâu thuẫn hợp lý nhất.
2Lắng nghe và thấu hiểu
Để kiểm soát và xử lý mâu thuẫn, không có khởi đầu nào tốt hơn là lắng nghe và lắng nghe một cách chân thành. Chỉ khi có sự chân thành, bạn mới có thể chạm được vào trái tim của người khác. Hãy cởi nút thắt đầu tiên của mâu thuẫn bằng thái độ lắng nghe. Tạo điều kiện cho họ được trình bày những bức xúc của mình. Đấy cũng là cách bạn để nhân viên của mình tự giải tỏa những bức bối trong họ và chắc hẳn họ xúc động nếu sếp của lắng nghe và đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu họ.
Giải pháp:
- Lảng tránh mâu thuẫn chưa bao giờ là cách hay. Đối diện mới mâu thuẫn cũng là một cách thể hiện thái độ biết lắng nghe và thấu hiểu của người làm sếp.
- Hãy xem mâu thuẫn là một cơ hội. Bởi thông qua đó, bạn có cơ hội để hiểu đồng nghiệp và nhân viên của mình hơn. Từ đó, bạn sẽ phát hiện ra sự tích cực, tài năng của họ. Và cũng rất có thể những buổi trò chuyện, lắng nghe này, bạn sẽ học được không ít điều từ nhân viên của mình.
- Hãy sẵn sàng nói lời xin lỗi nếu đó là lỗi của bạn. Quan niệm “sếp luôn đúng” trong môi trường doanh nghiệp Việt Nam là một trong những trở ngại lớn nhất cho sự phát triển.
3Công bằng
Xử lý thật công tâm là cách dập tắt mọi mâu thuẫn và xung đột chốn công sở dù cho đó có là mâu thuẫn vì công việc hay vì lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, có một điều mà bạn cũng cần nhớ, luôn có ít nhất hai mặt trong một câu chuyện. Những kết luận vội vàng rất có thể sẽ như đổ dầu vào lửa làm những mâu thuẫn đó bùng lên dữ dội. Bạn phải đảm bảo rằng những điều bạn đang nghe, những thứ bạn đang thấy không còn bị che bởi một bên nào nữa cả. Và lúc đó, với cương vị của bạn, hãy đóng vai một người đứng giữa, một nhà hòa giải mềm mỏng nhưng cũng là một vị trọng tài cương trực, thẳng thắn. Khi đã thật sự hiểu căn nguyên của vấn đề, bạn hãy đưa ra những quyết định thật công tâm.
Giải pháp:
- Nhìn nhận lại vấn đề trước khi đưa ra những kết luận cuối cùng sẽ giúp bạn có được những quyết định đúng đắn nhất.
- Đảm bảo những quyết định của bạn không khiến nhân viên chia bè phái.
- Khích lệ nhân viên cũng là một trong những cách hay để giải quyết những mâu thuẫn mang tính chất đố kị.
- Hãy yêu cầu nhân viên đưa ra các giải pháp để công bằng cho các bên.
4Tạo môi trường tin tưởng
Cho dù đó là doanh nghiệp nhỏ hay tập đoàn thì những bất đồng vẫn có thể xảy ra ở mọi thời điểm. Thay vì tìm cách giải quyết khi mâu thuẫn xảy ra, hãy tránh nó bằng cách tạo ra môi trường làm việc minh bạch, các thành viên hợp tác và gắn bó với nhau. Những buổi gặp gỡ giao lưu, những chuyến đi chơi dã ngoại, những hoạt động giải trí ngoài giờ làm việc… không chỉ giúp nhân viên thư giãn, giải trí mà còn giúp thu hẹp khoảng cách để tạo sự gắn bó, thân thiết.
Giải pháp:
- Hãy loại bỏ thói quen tán gẫu nơi công sở. Không ít những mâu thuẫn phát sinh sau những lúc “tám” chuyện này.
- Đảm bảo mọi thông tin đều minh bạch, rõ ràng.
- Ủng hộ tinh thần, chia sẻ những khó khăn để mọi người giúp đỡ hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Có thể bạn quan tâm:
Micromastery – Những “bước đi nhỏ” để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn