Cuối năm - Cho ta chút nghỉ ngơi

Cuối năm – Cho ta chút nghỉ ngơi

Sau tất cả những cố gắng và nỗ lực làm việc, cuối năm vẫn là thời điểm những người chủ doanh nghiệp nên tạm gác lại mọi lo âu, tách khỏi áp lực để nuôi dưỡng tư duy tích cực, thả lỏng tâm trạng và trở lại vận hành công việc với một tâm thế lạc quan nhất…

Tựa sợi dây thun khi căng sẽ đứt và khi co kéo nhiều lần sẽ giảm dần khả năng co giãn. Tinh thần của bạn dù bền bỉ và kiên nhẫn đến mức nào thì cũng cần những phút giây thả lỏng và nghỉ ngơi thực sự. Luôn có một bước lùi dành cho bạn để thưởng thức những gì đã trải qua dù chỉ là vài phút ngắn ngủi. Nếu bạn đã gặm nếm những thử thách và thất bại trong năm vừa rồi, hãy xem xét lại chúng và đánh giá trung thực những gì đã xảy ra. Bằng cách làm như thế, bạn sẽ có thể tìm thấy những giá trị trong trải nghiệm và khôn ngoan để chuẩn bị tốt hơn nếu một vấn đề tương tự lại phát sinh.

Thông thường trong kinh doanh, chúng ta thường tập trung vào những gì còn thiếu hơn là những gì thực sự tồn tại. Và đó là lý do khiến những điều tốt đẹp thường bị lu mờ đi khiến người chủ luôn cảm thấy có lỗi với nhân viên và doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, hãy cho phép mình được tự hào về sự minh mẫn và gan lỳ mà bạn đã có được, đó chính là sự khác biệt giữa một “vị thuyền trưởng” và “những thuyền viên”. Bạn không thể nắm chắc bánh lái suốt 24/7, sẽ có những khi bạn cần cập bến để buông lỏng những bất an và trở thành một phiên bản tốt hơn khi trở lại. Và sau những phút giây thư giãn ấy, sẽ có nhiều điều khác biệt được tạo ra và tác động lớn đến tâm trạng và động lực của bạn.

Sự bận rộn là một dấu hiệu của thành công, nhưng hạnh phúc và vui vẻ vẫn là điều quan trọng nhất trong doanh nghiệp. Là một người làm chủ, bạn phải là một cá nhân tiên phong trong vấn đề này. Khi guồng quay công việc giảm đi những sự mệt mỏi và bức bối, bạn sẽ ý thức được rằng đâu là điều quan trọng nhất bạn cần tập trung và cảm thấy thoải mái hơn dù danh sách những việc cần làm của bạn dường như có thể không bao giờ kết thúc.

1 Ưu tiên chăm sóc bản thân: Hãy ưu tiên những thói quen như ngủ đủ giấc, ăn uống những món bạn thích, tập thể dục, kết nối với những người bạn tâm đầu ý hợp, học thúc đẩy sự bình tĩnh và hạnh phúc với các liệu pháp như thiền, viết nhật ký, nói chuyện trị liệu cùng bác sĩ, hoặc đơn giản hơn là có một khoảng thời gian yên tĩnh đúng nghĩa để làm một hoạt động hay thói quen yêu thích mà đã lâu bạn không có thời gian dành cho nó.

2 Phân tích tình trạng hiện tại: Hãy tìm hiểu đâu là nguyên nhân đã đốt cháy toàn bộ năng lượng của bạn. Theo dõi cách bạn dành thời gian cho công việc trong một tuần bằng cách ghi chú lại những đầu việc đã thực hiện. Từ đó, bạn sẽ có cơ sở để tìm ra những công việc đã chiếm thời gian nhưng không quá quan trọng. Và một nguyên tắc cần lưu ý là hạn chế can dự vào các loại công việc, con người hay tình huống khiến bạn căng thẳng về tâm lý và phân quyền cho những nhân sự đủ khả năng để hỗ trợ bạn trong giai đoạn này.

3 Giảm tiếp xúc với các yếu tố gây căng thẳng: Sự bận rộn sẽ càng trở nên tiêu cực nếu nó kèm theo những yếu tố gây căng thẳng. Hãy phân tích mức độ tâm trạng từ vui vẻ đến giận dữ và loại bỏ những hoạt động có khả năng gây thất vọng và tăng áp lực cho chính bạn. Và nếu bạn là một người cầu toàn, bạn càng phải giải phóng chúng một cách có ý thức để làm giảm mức độ căng thẳng có thể xảy ra khi muốn điều khiển mọi thứ chi tiết nhất có thể.

4 Tăng nguồn lực cho công việc: Ưu tiên dành thời gian cho các hoạt động có giá trị cao nhất và có thể mang lại nhiều nguồn năng lượng lạc quan nhất. Kế đến, hãy tiếp cận với những người bạn tin tưởng nhất và phối hợp, tương tác nhiều hơn để các nguồn tài nguyên được phát huy đến mức tối đa. Nếu bạn thiếu một số kỹ năng nhất định, hãy tìm người có thế mạnh bổ sung để tăng hiệu suất và đừng quên yêu cầu nhân sự phản hồi thường xuyên.

 

“Sức khỏe tốt không phải là thứ chúng ta có thể mua. Tuy nhiên, nó có thể là một tài khoản tiết kiệm cực kỳ giá trị.” – Tác giả, diễn giả Anne Wilson Schaef

 

  • Một cuộc khảo sát gần đây năm 2018 của Gallup với 7.500 nhân viên làm việc toàn thời gian cho thấy có 23% người trả lời cảm thấy kiệt sức tại nơi làm việc một cách thường xuyên. Trong khi đó 44% cho biết chỉ là đôi khi họ cảm thấy điều này.
  • Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thậm chí đã bổ sung ‘sự kiệt sức’ (tên tiếng Anh: burnout) vào phân loại bệnh quốc tế và được mô tả như một hội chứng bắt nguồn từ căng thẳng tại nơi làm việc.
  • Một nghiên cứu của Harvard Business Review năm 2019 cho thấy 95% các nhà lãnh đạo nguồn nhân lực đồng ý rằng sự kiệt sức sẽ phá hoại khả năng duy trì làm việc, và ước tính sự căng thẳng tại nơi làm việc có thể tiêu tốn 125 tỷ – 190 tỷ USD hàng năm cho mọi người chăm sóc sức khỏe.
  • Theo một nghiên cứu của OnDeck năm 2019 về cân bằng cuộc sống công việc, chỉ có 57% chủ doanh nghiệp dành thời gian để đi nghỉ dưỡng trong năm.

  • Jack Dorsey, Giám đốc Điều hành của Twitter và Square luôn dành 30 phút mỗi ngày sau khoảng thời gian thức dậy để thiền. Đó là cách để ông ấy giải tỏa đầu óc và tập trung vào sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Doanh nhân và nhà đầu tư người Mỹ Mark Cuban, một trong những vị “shark” nổi tiếng thế giới thường dành 75 – 150 phút mỗi tuần để thực hiện các bài tập thể dục có lợi cho sức khỏe, dù hiện nay đã ngoài 60 tuổi.
  • Cheryl Bachelder, Giám đốc chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Chick Fil A không bao giờ bỏ qua bữa sáng và những gì bà yêu thích là bột yến mạch, trứng cuộn, bánh mì lúa mạch đen…

Thức dậy sớm là một cách sở hữu tinh thần minh mẫn!

  • Howard Schultz– Người sáng lập Starbucks: 4:30 sáng
  • Sergio Marchionne– CEO của Fiat Chrysler: 3:30 sáng
  • Richard Branson– CEO Virgin Group: 5:45 sáng
  • Tim Cook– CEO Apple: 4:30 sáng
  • Anna Wintour– Tổng biên tập tạp chí Vogue: 5:45 sáng

 

  • Marissa Mayer, Giám đốc Điều hành của Yahoo và là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất, là một người yêu thích công việc làm bánh và đặc biệt bị ám ảnh với việc làm bánh cupcake.
  • Darrah Brustein, người sáng lập sự kiện mạng Network Under 40 cho biết sở thích của cô là dành thời gian với mọi người để làm sâu sắc thêm những cánh cửa networking quan trọng dựa trên năng lượng và niềm tin.
  • Warren Buffet, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway và là người giàu thứ hai trên hành tinh, thường chơi ukulele và có tình yêu với loại đàn này hàng thập kỷ. Từ việc viết các bài hát của riêng mình đến biểu diễn song ca với Bon Jovi để làm từ thiện, Buffet theo đuổi sở thích của mình bằng cách tập trung vào khía cạnh sáng tạo và nghệ thuật.

“Chúng ta phải sống chậm lại, đặc biệt là những người phụ nữ đã vượt qua mọi nỗ lực và tin vào sự nổi bật của họ. Đừng quá cố gắng làm điều gì đó, bởi khi bạn sụp đổ, rất có thể bạn sẽ đánh mất đi mọi thời điểm để trở nên nổi bật.” – Nữ doanh nhân Ursula Burn, thành viên HĐQT Uber và cựu lãnh đạo chương trình quốc gia của Tổng thống Obama về giáo dục STEM.

Độc giả đang đọc bài viết “Cuối năm – Cho ta chút nghỉ ngơi” tại chuyên mục Professional của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!

Đọc thêm:

Ngày cuối cùng của thập kỷ: Thời điểm vinh danh cho mọi cố gắng

Doanh nghiệp cuối năm – Nhìn lại cho những bước tiến nhanh hơn

Comment