Sếp không ăn Tết?! • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Sếp không ăn Tết?!

Sau gần 3 năm làm trợ lý cho sếp, cuối cùng tôi cũng rút ra được bài học cực chất dành riêng cho giới trợ lý trong những hoàn cảnh cần đặc biệt lưu ý như cận tết. Và thường, tôi luôn vật vã than rằng: “Oh, my boss!”

Hối hả, hối hả và hối hả

Công việc dường như cứ ùn ùn đổ về và yêu cầu sếp luôn luôn ở tư thế “online”. Bởi công việc của sếp phần lớn cần xử lý liên tục, ngay lập tức và cập nhật vài giờ một lần. Chính vì sếp luôn online nên cấp dưới trực tiếp như tôi đây lại càng phải túc trực thường xuyên. Từ ngày facebook rộ lên như một trận đại dịch lan nhanh khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thành phố đến nông thôn với tốc độ chóng mặt thì chuyện làm ăn qua mạng trở thành “mode”, đôi khi còn là “món hời” trong mắt giới kinh doanh. Ngoài việc thu được không ít lợi nhuận trực tiếp bằng việc bán hàng, tốc độ phủ sóng của thương hiệu bằng cách quảng bá qua Internet cũng nhanh và mang về những giá trị không thể đong đếm. Cùng với trào lưu bán hàng qua mạng và nhìn thấy trước để đón đầu giai đoạn hưng thịnh của ngành sản xuất mỹ phẩm handmade, công việc kinh doanh của sếp sôi động hẳn. Càng cận tết, chị em càng có nhu cầu tút tát nhan sắc và vì thế đơn hàng đổ về cũng nhiều hơn. Nếu trước tết, trung bình mỗi ngày chỉ nhận được trên năm mươi đơn hàng thì gần tết con số đã nhảy thêm 3 bậc tam cấp. Khổ nỗi, các đơn hàng đều xuất phát từ những gì sếp “post” lên facebook nhưng người xử lý các bước tiếp theo là tôi. Nghĩa là thay mặt sếp, tôi trả lời các comment về sản phẩm, ngày giờ, địa chỉ giao hàng. Ngoài đặt hàng online, sếp mở thêm 2 nhánh di động ghi nhận đơn hàng, để đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của các “thượng đế”. Và nghiễm nhiên, tôi sẽ ôm một trong hai nhánh đó.

Nhận đặt hàng, kiêm luôn xuất hóa đơn rồi chuyển sang bộ phận kho xuất hàng, sau đó nhắn giao nhận nhận và chuyển hàng ngay, cập nhật doanh số mỗi ngày cùng tình hình tài khoản thu, chi… Cứ như thế, một núi công việc như đè tôi lún ngày càng sâu vào chiếc ghế và lúc rời văn phòng là khi hai vai cứng đờ, tay mỏi rã rời và mắt đỏ kè. Trong lúc đó, đầu óc linh hoạt của sếp vẫn không ngừng nghĩ đến những sản phẩm mới, chiêu thức bán hàng độc đáo hơn hoặc làm cách nào để “câu” like trên.

________

“Với tôi, xong dự án nghĩa là nghỉ, là hưởng thụ và dĩ nhiên tết là phải chơi hết mình. Nhưng với những người làm kinh doanh, đặc biệt là những ngành hàng đang “hot” trên thị trường như sếp của tôi thì ai ai cũng có thể là khách hàng, đâu đâu cũng là cơ hội hái ra tiền…”

________

Luôn ở tư thế sẵn sàng

Dù đã từng nghe rằng hầu hết trong đầu các sếp đều có “sạn”, sếp càng lớn kinh doanh càng khủng thì “sạn” càng to, liệu có phải vì hoạt động liên tục với cường độ cao quá lâu mà sinh “sạn” chăng? Ngày trước khi tôi chưa là trợ lý của sếp và sếp vẫn đang là quản lý nhóm ở một công ty truyền thông có lẽ đầu óc sếp đã “sạn” rồi. Ngày đó, sếp được liệt vào nhóm tiềm năng nên khi nhận chạy chương trình Tết cho một thương hiệu điện thoại danh tiếng của Hàn Quốc, sếp cũng “ăn bờ, ngủ bụi” cho kịp deadline tết và không để lọt tay khoản thưởng phải liệt vào hàng “khủng”. Họp hành bất cứ lúc nào, quy mô lớn thì ở văn phòng công ty, quy mô nhỏ thì ra quán café nhưng ở đâu cũng có thể đọc rành rọt khẩu hiệu dường như được “in sẵn” trên mặt sếp: luôn sẵn sàng, luôn nghe ngóng và hễ có ý tưởng nào xẹt ngang đầu thì dù đang mơ ngủ cũng phải lôi mình tỉnh dậy.

Chính vì chủ trương chạy trối chết của sếp mà lính lác như tôi đây cũng cơm hộp là chính, café là phụ và đừng nghĩ đến chuyện về sớm shopping hay phim ảnh. Cũng may, dù cả nhóm phờ phạc nhưng chương trình chạy êm ru thuận buồm xuôi gió và bùng nổ vào ngày xả hơi cuối cùng. Khỏi phải nói, cảm giác “sung văn sướng” khi cất được gánh nặng mà túi thì rủng rẻng ngay trước kỳ nghỉ tết.

Giờ sếp ra làm chủ, vẫn tác phong đó, bất kể sếp đã có gia đình và trong khi không khí tết nhất đã ầm ầm kéo về khắp thành phố thì máu kinh doanh của sếp vẫn rừng rực.

NDN_Sep ko an Tet

Tết nghĩa là nghỉ – thật xa xỉ!

Với tôi, xong dự án nghĩa là nghỉ, là hưởng thụ và dĩ nhiên tết là phải chơi hết mình. Nhưng với những người làm kinh doanh, đặc biệt là những ngành hàng đang “hot” trên thị trường như sếp của tôi thì ai ai cũng có thể là khách hàng, đâu đâu cũng là cơ hội hái ra tiền. Do vậy, kỳ nghỉ tết dài gần chục ngày nếu chỉ để xả hơi với sếp là xa xỉ thậm chí là quá xa xỉ. Sếp phải tận dụng, kết hợp việc nghỉ ngơi (vì không thể không tạm ngưng kinh doanh khi tất thảy khách hàng đang bận…ăn tết) với việc tìm kiếm bắt lấy những ngóc ngách thị trường mới, để lùng sục mua thêm máy móc và nguyên liệu mới. Vì bận bịu kinh doanh đến tận những ngày sát tết nên hầu như sếp cũng không có nhiều thời gian dự trữ thực phẩm như các gia đình Việt khác, việc dọn dẹp nhà cửa thì đã có người giúp việc. Nhưng việc ấy cũng chẳng phải là vấn đề gì to tát vì thực ra, sếp không đón tết ở nhà. Việc đặt lịch cho cả nhà đi du lịch là quá hợp lý, một công đôi việc vừa thư giãn nghỉ ngơi bên gia đình, người thân, vừa kết hợp ngó nghiêng thị trường, tìm kiếm những điều mới mẻ cho kinh doanh.

Tôi thì cho rằng, sếp đang đánh đổi kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm, nhưng nhân viên có lý của nhân viên thì các sếp cũng có cái lý riêng của sếp. Mà có lẽ, không riêng gì sếp tôi, chắc hẳn cái đầu lắm “sạn” nào cũng hoạt động theo quỹ đạo đó. Tết đã về, một mùa mới lại đến và những ngày tháng tất bật lại sắp sửa kéo đến sau khi sếp du lịch về. Tôi còn biết làm gì ngoài việc tận dụng trọn vẹn cái tết và xả cho bằng hết stress mới thôi.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Có thể bạn quan tâm:

Hãy thư giãn khi có thể

10 danh ngôn kinh doanh hay nhất của 10 CEO nổi tiếng thế giới

Comment