Thói quen theo dòng chảy

Thói quen theo dòng chảy

Những suy nghĩ quyết đoán, nhanh nhạy và sắc sảo trên thương trường là thế mạnh không thể chối cãi của các nữ doanh nhân. Nhưng đôi khi, thói quen như chiếc lá, cứ trôi mãi theo dòng sông, chẳng thể nào dừng lại để tấp được vào bờ…shutterstock_118293004_huge_resize

Trong một lần tháp tùng cùng ông xã với các bạn doanh nhân sang Myanmar, tôi được chứng kiến và quan sát thói quen của nhiều nữ “leader”. Cách thể hiện bên ngoài hình thức của từng cá nhân đôi khi cũng có thể quyết định được cảm tình hay sự đánh giá khác của đối tác.

Trong đoàn đi ấy, có một phụ nữ rất trẻ, là phó giám đốc của công ty sản xuất và chế tạo cơ khí. Cô ít nói, điềm đạm, chỉ trò chuyện chừng mực với tất cả mọi người. Trong khi vị giám đốc quảng giao, đưa danh thiếp và bàn luận rất nhiều, cô như phông nền thật nhã nhặn. Lúc tôi hỏi chuyện, cô nói trong công ty, cô phụ trách về tài chính. Tất cả quyết định của giám đốc liên quan đến việc đầu tư, mở rộng thị trường đều được hỏi qua ý kiến phó giám đốc. Nhiệm vụ của cô là chất vấn và tìm ra các lỗ hổng, khuyết điểm của những dự án, để cùng nhau thảo luận xem có đúng hướng hay chưa. “Nói nhiều” vốn là thế mạnh của phụ nữ. Người phụ nữ càng sắc sảo, khôn ngoan, càng thích thể hiện mình bằng ngôn ngữ, hoặc có khiếu trong việc diễn đạt ý nghĩ. Nhưng công việc “nói nhiều” của cô không hề dễ dàng. Tất cả câu nói của cô phải được cân đo đong đếm một cách chuẩn mực và chính xác. Từ khi tốt nghiệp đại học tới nay, cô đã trải qua công việc nhân viên tập sự, trợ lý giám đốc, và hiện chỉ “dưới một người, trên vạn người”.

Cô kể, có lần ban giám đốc trưng cầu ý kiến về việc nên mở rộng thị trường sang các nước Đông Nam Á hay không. Hôm ấy, mọi người bình luận hăng say, thậm chí hơi quá đà. Kế toán trưởng bị nói khích sao đó, không làm chủ được sự nóng giận, đã đập mạnh tay lên bàn. Ly nước rơi xuống sàn nhà, may là không bể bởi phòng họp được lót thảm. Nhưng âm thanh rớt “bụp” khiến không khí tự nhiên chùng lại hẳn. Khi đó, nữ phó giám đốc mới đưa ra ý kiến của mình, phân tích sự được – mất của dự án bằng giọng nói nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn khiến mọi người cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Cô khẳng định với tôi rằng, ở vị thế mình, cô thường phải tìm ra các “khe hở” và “gót chân Achilles” của dự án. Có khi tất cả những ý kiến của giám đốc đưa ra đều bị cô “bẻ” lại và chứng minh rõ ràng. Do vậy, bản chất công việc cô làm đã là sự “anti” rồi, nhưng “anti” với ai chứ “anti” với sếp quả thật chẳng dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, công việc rất cần người phản biện như vậy. Nếu cộng thêm hình thức tăng âm lượng giọng nói lên nữa, rất dễ mang tới sự tranh cãi kịch liệt, thậm chí tự ái cá nhân có thể gây tổn hại tới việc chung. Sau rất nhiều lần khóc sưng mắt trong các cuộc họp căng thẳng, cô đã rút ra được cho mình bài học bằng cách phát huy tất cả sự dịu dàng vốn có của nữ giới. Dù không đồng nhất thì cũng vẫn nhẹ nhàng thuyết phục. Riết rồi tính cách đó ăn vào trong máu, tiềm thức và thói quen của cô. Tám năm làm trong công ty, cô đã thật sự hoàn thiện bản thân bằng chính thói quen nghề nghiệp ấy.

“Hãy tỉnh táo trước những thói quen không tốt mà nghề nghiệp đã mang lại, và phát huy tất cả những thế mạnh mà công việc đã tạo nên phong cách”

Người ta thường nói, chồng lép vế và kiếm tiền ít hơn vợ dễ khiến hôn nhân rơi vào cảnh không hạnh phúc, sớm hay muộn cũng ly thân, thậm chí ly dị. Câu chuyện bên bàn trà mỗi sớm của vợ chồng tôi thường nhắc tới một người bạn của anh, nữ doanh nhân khá xinh xắn và tháo vát. Chị từng có trong tay công ty xuất khẩu thủy hải sản lớn, gồm cả ngàn công nhân và mỗi năm thu về tới 20 triệu USD. Vì tính cách của bà chủ rất nóng nảy, quyết đoán nên mọi việc trong công ty đều răm rắp, rất có kỷ luật và trật tự. Bất cứ ai đến trễ, dù chỉ 5 phút, không cần biết lý do gì, đều bị nhắc nhở và sau đó trừ vào tiền lương. Đặc biệt trong những thời khắc cần tập trung toàn bộ nhân lực để làm hàng đóng container, chỉ cần công nhân đi vệ sinh quá 15 phút là coi như vi phạm và đương nhiên bị kỷ luật. Sự hà khắc ấy được giới làm công lan truyền, khiến bạn bè phải nhắc nhở chị nới bớt các quy định. Nhưng ai cũng hiểu, chính tác phong sít sao ấy đã làm nên thành công của công ty, khiến cánh đàn ông vừa nể vừa phục.

Tiếc rằng, chị lại mang tất cả những tính cách kỷ luật quản lý công ty vào trong gia đình. Thói quen lãnh đạo khiến chị nhiều khi mạnh miệng sai bảo chồng như một nhân viên văn phòng, còn các con như những công nhân trong xưởng. Đến giờ ăn, người giúp việc phải bày biện thức ăn đúng giờ, không được sai một phút. Cả chồng và các con chị đều phải hoàn tất bữa ăn trong vòng 20 phút. Trong suốt bữa ăn, như luật bất thành văn, người nói duy nhất chỉ là chị và dường như không ai muốn ngắt lời. Vào những ngày lễ tết, đi đâu chơi, thời gian ra sao, nơi nghỉ thế nào, cả nhà có đưa ra ý kiến gì thì cuối cùng quyết định vẫn là chị. Vì nếu có, bằng sự sắc sảo và hiểu biết sâu rộng của mình, chị sẽ phản bác và khiến ý kiến đó tự nhiên trở thành…không thực tế. Và rồi, chuyện gì đến cũng đến, những đứa con dần lớn lên đi du học không chịu quay về, người chồng hiền lành không ly dị nhưng gần như ly thân nhiều năm nay. Cuộc sống đã trả cho người đàn bà thành đạt theo đúng những gì chị dốc sức: căn biệt thự rộng thênh thang lạnh hơi người, những chuyến công tác đi lại như con thoi chỉ có một mình. Gần đây lại nghe nói, chị mắc căn bệnh khá hiểm nghèo, mỗi tháng đều phải qua nước ngoài để điều trị vô cùng tốn kém.

Là phụ nữ, sự thành đạt đều phải trải qua rất nhiều khó khăn và thách thức. Với nam doanh nhân, nếu phải cố gắng 5 để thành công thì nữ doanh nhân cần tới con số 10. Hãy tỉnh táo trước những thói quen không tốt mà nghề nghiệp đã mang lại, và phát huy tất cả những thế mạnh mà công việc đã tạo nên phong cách. Chỉ cần bạn luôn dịu dàng xách chiếc túi thật đẹp, môi cười tươi tắn với màu son hợp dáng là đã có thể quyết định tích cực tới công việc, dù có thể ai biết trong lòng mình những cơn sóng ngầm của bao lo lắng đang tung bọt trắng xóa…

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Xem thêm:

Cô đơn trên đỉnh vinh quang

 

Comment