KHI NỮ DOANH NHÂN ĐIỀU HÀNH: Để cảm xúc không còn là cảm tính - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

KHI NỮ DOANH NHÂN ĐIỀU HÀNH: Để cảm xúc không còn là cảm tính

Là một nữ doanh nhân, vai trò trong công việc nhiều lúc sẽ đóng khung bạn trong một hình tượng bản lĩnh đi cùng trái tim kiên cường. Một năm đầy thử thách của thương trường lại sắp trôi qua, hãy nhìn lại những cảm xúc chân thật nhất mà tố chất của một người phụ nữ trong bạn đã trải qua trên hành trình lèo lái con thuyền sự nghiệp kinh doanh nhé!

khi nữ doanh nhân điều hành bằng cảm xúc hay cảm tính

Việc kiểm soát được trạng thái cảm xúc được xem là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự vững vàng đường dài của một nhà lãnh đạo. Trong khi hình ảnh của các nữ doanh nhân ngày càng trở nên nổi trội trong thời đại ngày nay, thế mạnh về trí tuệ cảm xúc của phụ nữ chính là một trong những tố chất thuận lợi cho họ trong vai trò người dẫn dắt. Nhưng đôi lúc, chính thế mạnh này cũng trở thành một trở ngại, tác động không nhỏ chi phối đến năng lực quyết định của họ khi yếu tố cảm xúc gia tăng. Thế hệ nữ doanh nhân mới luôn kỳ vọng có thể biến chuyển những yếu tố nữ tính vốn có của phái đẹp thành kỹ năng cảm xúc thông minh nhằm mở khóa cho những thành công trên con đường sự nghiệp. Vậy, đâu là giải pháp giúp phái nữ kiểm soát cảm xúc của mình trong vai trò lãnh đạo?

Đừng áp lực trong việc thể hiện sức mạnh

Phụ nữ tham gia vào chốn thương trường vẫn đang nỗ lực từng ngày để khẳng định vị trí của phái đẹp trên bàn cờ kinh doanh – lĩnh vực trước đây vốn thường mặc định là cuộc chơi của các đấng mày râu. Vì được gọi là “phái yếu”, nên đôi khi phụ nữ cảm thấy mình cần áp dụng khuôn mẫu cứng cáp, liều lĩnh và mạnh mẽ của nam giới để công việc kinh doanh thuận lợi hơn, và vô hình trung trở nên khắc nghiệt với chính mình. Nhưng thực tế đã chứng minh, nhiều nữ doanh nhân thành công nhận ra rằng, được thể hiện là con người thật của bản thân, không cần phải gồng mình khoác lên chiếc áo kiên cường hay nghị lực vượt quá tầm vóc mới chính là chìa khóa để họ mở ra mọi cánh cửa trong vai trò điều hành lãnh đạo của mình. 

Việc trở thành một nữ doanh nhân là một sự đánh cược với rủi ro và mạo hiểm thay vì chỉ là một nhân viên cần mẫn. Vì thế, người phụ nữ khi đứng đầu một doanh nghiệp sẽ thấy mình trở thành trụ cột cho mọi vấn đề lớn nhỏ. Công việc dần trở thành ưu tiên, vượt lên khỏi những niềm vui cuộc sống hằng ngày. Đôi khi, việc cố gắng thực hiện khái niệm cân bằng “cuộc sống – công việc” cũng khiến các nữ doanh nhân kiệt sức. Bên cạnh đó, giai đoạn trì trệ vì dịch bệnh trong những năm qua thật sự là một cú sốc cho bất kỳ doanh nghiệp lớn nhỏ nào. Các nữ chủ doanh nghiệp đã phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ hoạt động kinh doanh của mình và họ càng phải thể hiện sự vững chãi dưới tư cách của một người đứng đầu.

Để giảm bớt các áp lực tinh thần của vai trò đầu tàu, các nữ doanh nhân cần có một ban cố vấn chất lượng, những người không chỉ tin tưởng và có thể sẻ chia được các quyết định của bạn, mà còn có chuyên môn và năng lực để cùng bạn tính toán hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp. Ngoài sự nhạy bén của người làm chủ, thì sức mạnh cộng hưởng của cộng sự chính là bệ đỡ giúp các nữ doanh nhân đương đầu với những thử thách phía trước.

khi nữ doanh nhân điều hành bằng cảm xúc hay cảm tính

Không là “nạn nhân” của chủ nghĩa hoàn hảo

Theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo trong một tư duy cầu toàn không hẳn là một điều xấu. Trên thực tế, những người luôn hướng bản thân hướng tới những tiêu chuẩn cao thường có động lực để thành công nhiều hơn những người có khuynh hướng dễ dãi với chính mình. Nhưng khi các tiêu chuẩn của chủ nghĩa hoàn hảo ngày càng trở nên cực đoan, đặc biệt đối với các nữ doanh nhân, sẽ gây ra nhiều bất cập đến sự nghiệp của họ.

Những kỳ vọng cao rất có thể thiếu thực tế và trở nên bất khả thi, điều này dễ khiến các nữ doanh nhân luôn cảm thấy chưa đủ thỏa mãn trước kết quả đạt được dù họ đã gặt hái nhiều quả ngọt vô cùng xứng đáng. Khi gặp trở ngại, chưa cần đến ai phủ nhận năng lực lãnh đạo của họ, nhưng chính tư duy cầu toàn quá mức có thể khiến người nữ lãnh đạo tự đặt áp lực hoài nghi lên bản thân hoặc lên nhân viên và cộng sự của mình. Vì thế, chủ nghĩa hoàn hảo quá mức cũng được xem là một vấn đề tâm lý mà các nữ doanh nhân thường khó khắc phục.

khi nữ doanh nhân điều hành bằng cảm xúc hay cảm tính

Dĩ nhiên, là người chủ doanh nghiệp, các nữ doanh nhân sẽ luôn trăn trở về mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe doanh nghiệp. Từ nỗi lo lắng đó đôi khi họ mong muốn được trực tiếp tham gia thực hiện nhiều công đoạn để công việc được giải quyết hoàn hảo nhất có thể. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời chứ không phải bền vững để xây dựng doanh nghiệp hiệu quả. Không ai có thể một mình đưa doanh nghiệp tiến lên, người điều hành nào cũng cần có nhân viên, đối tác trợ giúp để công việc luôn trôi chảy. Nữ doanh nhân cần mạnh dạn chia sẻ kỳ vọng về kết quả công việc với những người xung quanh, hướng dẫn và hỗ trợ họ thực hiện. Chỉ cần như thế, phụ nữ kinh doanh vẫn có thể hoàn thành tốt đẹp mục tiêu như mong đợi nhưng sự cầu toàn không còn là chướng ngại vật khiến họ chệch hướng khỏi những việc lớn mang tính chiến lược quan trọng khác. Hơn hết, đừng để sự hoàn hảo tuyệt đối khiến chúng ta chần chừ trước những cơ hội. Trong kinh doanh, để sự dám nghĩ dám làm thành hiện thực đôi khi ai cũng cần bỏ qua đòi hỏi sự cầu toàn quá mức của chính mình.

Người dẫn đầu không cô đơn

Những người lãnh đạo doanh nghiệp thường được miêu tả là những con sói cô độc đứng trên đỉnh cao không người, và các nữ doanh nhân với sự nữ tính vốn có lại càng dễ cô đơn và lạc lõng hơn. Để có được vị trí sự nghiệp vững vàng như hiện tại, họ đã phải trả giá cho những rủi ro, thất bại và cả sự ngờ vực từ mọi người xung quanh. Người đã xác định đi theo nghiệp kinh doanh sẽ không thể giải thích được hết tất cả những dự tính của mình với người khác vì không phải ai cũng có thể đồng cảm và chia sẻ. Ngoài việc được xem là người khó đoán trong mắt nhân viên, nữ doanh nhân còn thường được nhìn nhận là quá tải với thời gian làm việc luôn dài hơn 8 tiếng một ngày. Họ sẽ có những lúc thấy “chạnh lòng” vì chỉ còn duy nhất chính mình ở lại văn phòng mỗi tối, hay thi thoảng tự đặt cho mình câu hỏi “đã bao lâu rồi không dành thời gian cho bản thân vào ngày cuối tuần?”.

Những người ở vị trí phải đưa ra quyết định thường rất khó chia sẻ và tìm kiếm được những người thật sự hiểu không chỉ về con người mà còn về con đường kinh doanh của họ. Có thể là vì họ không muốn bị dao động bởi quá nhiều lời khuyên, cũng có thể do họ không muốn bị cho là yếu đuối hoặc thiếu năng lực. Vì thế, người lãnh đạo luôn chịu nhiều áp lực để thể hiện khả năng quyết đoán và tinh thần lạc quan của mình trước đội ngũ. Thế nhưng, sau lưng đó trong trái tim phụ nữ, sự cô đơn sẽ len lỏi khiến những nữ doanh nhân nhiều khi thổn thức và chông chênh trên con đường sự nghiệp. Hãy mở lòng với chính mình để thẩm định sự cô đơn của bản thân, rồi mở lòng với những người xung quanh ở mức bạn cảm thấy thoải mái nhất và nói rằng bạn cần một sự hỗ trợ về chuyên môn hay cả về tinh thần. Rồi bạn sẽ nhận ra, việc điều chỉnh cảm xúc cá nhân không có quá nhiều khác biệt so với việc điều chỉnh chiến lược doanh nghiệp – vốn là những điều mà người điều hành luôn giỏi nhất.

Một doanh nhân giỏi luôn có khả năng cảm nhận, phản ánh và điều chỉnh cảm xúc của mình một cách chuyên nghiệp. Hãy để những cảm xúc đưa bạn đến những cung bậc thành công thông qua sự nhạy bén, tinh tế vốn có của phái nữ. Lãnh đạo là một cuộc hành trình suốt đời. Và những người xuất sắc sẽ tìm thấy những mặt tích cực giữa những nghịch cảnh, khi cảm xúc và lý trí là hai yếu tố luôn được cân bằng và bồi đắp cho nhau.

PHỎNG VẤN NHANH:

Nữ doanh nhân quản lý cảm xúc như thế nào?

Để mở rộng góc nhìn về vấn đề này, Tạp chí Nữ Doanh Nhân đã có cơ hội lắng nghe những chia sẻ của 3 nữ doanh nhân trong việc quản lý cảm xúc trong công việc là nữ doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi – Chủ tịch HĐQT & CEO, IBP, nữ doanh nhân Nghiêm Ngọc Vân Anh – General Manager, LUXASIA Vietnam và nữ doanh nhân Nguyễn Thị Vĩnh Chi – Senior Brand Manager, Guerlain Vietnam. Liệu cảm xúc có phải là yếu tố chi phối các doanh nhân nữ trong phong cách lãnh đạo của chính mình không?

khi nữ doanh nhân điều hành bằng cảm xúc hay cảm tính Trương Lý hoàng phi shark luxasia guerlain

(Từ trái sang) Nữ doanh nhân Nghiêm Ngọc Vân Anh – General Manager, LUXASIA Vietnam | Nữ doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi – Chủ tịch HĐQT & CEO, IBP | Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Vĩnh Chi – Senior Brand Manager, Guerlain Vietnam

Xin chào các nữ doanh nhân! Là những người điều hành và phát triển đội ngũ, có bao giờ các chị thấy mình bị lẫn lộn cảm xúc vào công việc không?

NDN Hoàng Phi: Một sự hòa hợp giữa cảm xúc và lý trí là cần thiết nhưng sự lẫn lộn và cảm tính là không. Lãnh đạo là một nghệ thuật. Nghệ thuật là ở chỗ, bạn cần hiểu được khi nào cần đến lý trí và khi nào nên mang chút cảm xúc vào. Tôi nghĩ cần phân định rõ điều này để tránh cứ nghĩ đến từ cảm xúc là gán nhãn nó không đủ tốt khi thực hiện vai trò quản lý.

NDN Vân Anh: Tôi nghĩ đã là con người thì không thể tránh khỏi những lần cảm xúc có thể ảnh hưởng đến công việc. Nhưng quan trọng là bạn phải học cách kiểm soát cảm xúc như thế nào để không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc và những người xung quanh.

NDN Vĩnh Chi: Tôi nghĩ là có chứ. Bởi vì, phụ nữ đôi khi sẽ có những lúc yếu mềm bởi những cảm xúc cá nhân. Nhưng khi đã làm việc đủ lâu và học cách kiểm soát tâm trạng, thì đó cũng chỉ là những cảm xúc thoáng qua mà thôi.

Vậy các chị có thể chia sẻ cách kiểm soát cảm xúc và không để chúng ảnh hưởng đến công việc chung?

NDN Hoàng Phi: Trước hết, tôi nghĩ người lãnh đạo cần tách bạch hai vấn đề: cá nhân và công việc. Với các vấn đề cá nhân, bạn không nên để các cảm xúc riêng tư ảnh hưởng đến công việc và đội ngũ, và đó là tính chuyên nghiệp. Còn với công việc, điều quan trọng chính là mục tiêu cuối cùng của tổ chức và đội nhóm. Sẽ không có công thức chung nào để biết được chúng ta nên hòa hợp cảm xúc và lý trí ra sao. Với tôi, mọi quyết định trong quản lý đều có những ẩn số, không đúng hoàn toàn cũng không sai hoàn toàn, chỉ là sự phù hợp với hoàn cảnh và nguồn lực. Câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra trong vấn đề cá nhân hay công việc là: Rốt cuộc bạn muốn đạt được điều gì trong mối quan hệ hay trong quyết định này?

NDN Vĩnh Chi: Khi chuẩn bị đảm nhận một vị trí hay một dự án mới, chúng ta thường không tránh khỏi những áp lực và có những lúc không kiềm chế được cơn cảm xúc đang bùng phát. Mỗi lần như vậy, chúng ta phải tự đánh giá, kiểm soát cảm xúc từng chút một. Và theo thời gian, mỗi người sẽ cảm thấy tốt hơn trong việc quản lý cảm xúc để không ảnh hưởng tới công việc. Ngoài ra, mỗi lần rơi vào tình trạng này, tôi thường dừng lại một chút để tập thở hay đi dạo để gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực, tránh để chúng ảnh hưởng đến công việc chung của tổ chức. 

NDN Vân Anh: Giữa quá nhiều căng thẳng và cường độ làm việc cao, có những lúc, bản thân tôi cũng rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Tuy nhiên, tôi luôn thường xuyên phản ánh lại chính mình để không bị cuốn vào cơn lốc cảm xúc, tránh gây ra những ảnh hưởng không đáng có. Bên cạnh đó, việc hiểu rõ cảm xúc của mình và người đối diện là điều vô cùng quan trọng. Nên đối với tôi, cách thức để kiểm soát cảm xúc tốt nhất là đặt mình vào vị trí của người khác.

Theo các chị, yếu tố cảm xúc có cần thiết trong công việc điều hành của một nhà lãnh đạo không?

NDN Vân Anh: Một người lãnh đạo mà không có cảm xúc thì sẽ rất khô cứng và lạnh lùng. Tôi vẫn thích bản thân mình có yếu tố cảm xúc trong đó. Vì khi có cảm xúc, bạn mới có thể truyền cảm hứng, cam kết và trao quyền cho người khác. Tôi rất thích cách tiếp cận từ trái tim đến trái tim, và bất cứ điều gì cũng phải chạm đến cảm xúc của nhau thì mới thấu hiểu được nhau.

NDN Hoàng Phi: Tôi nghĩ là rất cần chứ, vì điều hành hay quản trị đều liên quan đến yếu tố con người. Chúng ta không thể là bộ máy hoạt động với một công thức không cảm xúc. Nhưng cần hiểu, cảm xúc là sự đồng cảm, thấu cảm hơn là đang tự gán cho nó là sự thiếu logic hoặc cảm tính.

NDN Vĩnh Chi: Bạn biết đấy, những nhà lãnh đạo nữ trên một vài phương diện có thể điều hành tổ chức tốt hơn các nhà lãnh đạo nam. Vì những người phụ nữ luôn biết cách uyển chuyển trong cảm xúc để thuyết phục đội ngũ làm việc tốt hơn. Do đó, tôi nghĩ rằng yếu tố cảm xúc là điều cần thiết trong công việc điều hành của một nữ lãnh đạo.

Nếu nói rằng chúng ta luôn cần hai yếu tố lý trí và cảm xúc, vậy điểm cân bằng giữa hai thái cực này sẽ nằm ở đâu để doanh nhân phát huy tốt nhất vai trò của một người điều hành giỏi?

NDN Vĩnh Chi: Tôi nghĩ điều này sẽ tùy thuộc vào từng tình huống bạn đang đối diện. Khi bạn đã xác định được mục tiêu, bạn sẽ biết mình cần sử dụng đến lý trí hay cảm xúc. Có những lúc đòi hỏi bạn phải lý trí và quyết đoán hơn, ví dụ khi phải giải quyết những vấn đề về số liệu, KPI. Nhưng có những lúc, bạn được phép sử dụng cảm xúc của mình để công việc được thăng hoa, sáng tạo hơn và cũng như khuyến khích người khác suy nghĩ, hiện thực hóa mục tiêu một cách nhanh chóng hơn.

NDN Vân Anh: Tôi nghĩ điểm cân bằng để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi chính là trí tuệ cảm xúc. Điều này thể hiện qua khả năng tự nhận thức được mình cần gì, muốn gì để có thể tự điều chỉnh tâm trạng cá nhân, đồng thời, luôn cảm thông cho tâm trạng của người khác. Cũng không thể bỏ qua những kỹ năng xã hội nhạy bén để biết cách dẫn dắt người khác theo hướng mà bản thân mong muốn.

NDN Hoàng Phi: Chúng ta không nên gồng lên để nói đến sự cân bằng, vì chính điểm cân bằng cũng có sự ổn định và cả sự thay đổi theo hoàn cảnh và tình huống. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, người điều hành giỏi là người tập trung vào mục tiêu chung của tổ chức và hỗ trợ đội ngũ cùng phát triển. Thay vì nghĩ đến cân bằng, hãy tìm kiếm dữ liệu, nỗ lực xem xét thông tin, đặt ra câu hỏi về mục tiêu cuối cùng, liệu rằng có căn cứ, lý lẽ hay các mặt lợi và bất lợi nào cho các quyết định hay không.

Cám ơn các chị đã chia sẻ!

Bài viết của Tạp chí Nữ Doanh Nhân, đã được đăng trên số 142, phát hành tháng 1/2023

Có thể bạn quan tâm:

Comment