Ngẫm nghĩ năm Thìn, làm sao để “hóa rồng”?

Ngẫm nghĩ năm Thìn, làm sao để “hóa rồng”?

Một năm kinh tế khó khăn vừa trôi qua với nhiều thách thức đặt ra cho các chủ doanh nghiệp. Trong những tín hiệu lạc quan của năm mới Giáp Thìn, đã đến lúc các nhà kinh doanh cùng nắm tay nhau HÓA RỒNG!

Kinh tế toàn cầu đang trải qua một giai đoạn phục hồi gian nan và khó khăn hậu Covid-19. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã phải cắt giảm nhân viên, đóng cửa nhiều chi nhánh để duy trì hoạt động. Dù có thể khó khăn không xảy đến với tất cả công ty, nhưng là một người lãnh đạo doanh nghiệp, bạn luôn phải ở thế chủ động trước mọi tình huống. Hơn lúc nào hết, đây là lúc bạn đưa ra những dự báo bám sát tình hình nhất, phân tích thị trường và hoạch định lại chiến lược, điều phối lại mô hình hoạt động của công ty để sẵn sàng ứng phó.

kinh te nam thin ca chep hoa rong nu doanh nhan

Kinh tế toàn cầu đã phục hồi?

Trong hai năm Covid-19, tình hình kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng do đứt gãy chuỗi cung ứng và đóng cửa ở nhiều quốc gia. Tưởng chừng sự sôi động sẽ trở lại sau đó nhưng sự phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn chậm, sự khác biệt giữa các khu vực ngày càng tăng.

Theo báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 10/2023, dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại còn 3,0% vào năm 2023 và tiếp tục giảm còn 2,9% vào năm 2024 so với mức 3,5% của năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử của giai đoạn 2000-2019 thống kê được là 3,8%.

Năm 2023, các nền kinh tế tiên tiến được nhận định giảm tốc còn 1,5% và sang năm 2024 là 1,4% so với mức 2,6% của năm 2022 khi việc thắt chặt chính sách bắt đầu có tác dụng. Trong khi đó, với các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, mức tăng trưởng dự kiến có phần giảm khiêm tốn hơn còn 4,0% trong cả hai năm 2023 và 2024 so với mức 4,1% của năm 2022.

Đối với lạm phát toàn cầu, dự báo chỉ số sẽ giảm đều đặn đến mức 6,9% năm 2023, đến 2024 còn 5,8% so với mức 8,7% của năm 2022. Lạm phát cơ bản nhìn chung sẽ giảm dần và không quay trở lại cho đến năm 2025.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – OECD cũng nhận định nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với thách thức lạm phát và triển vọng tăng trưởng thấp. Năm 2023 vừa qua đã chứng kiến tăng trưởng GDP mạnh hơn dự kiến, nhưng hiện tại đang chững lại do điều kiện tài chính thắt chặt hơn, tăng trưởng thương mại yếu, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng thấp hơn. Căng thẳng địa chính trị gia tăng cũng là một phần rủi ro đối với những triển vọng ngắn hạn.

OECD cũng đưa ra dự đoán khi lạm phát tiếp tục giảm và thu nhập thực tế tăng lên, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3% vào năm 2025. Trong đó, tăng trưởng toàn cầu vẫn phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng nhanh các nền kinh tế châu Á. Trong trường hợp không có những cú sốc lớn hơn nữa đối với giá lương thực và năng lượng, lạm phát chung dự kiến ​​sẽ trở lại mức phù hợp với mục tiêu của ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế lớn vào cuối năm 2025.

Tại Việt Nam, cuối tháng 12/2023, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã dự báo Việt Nam đạt mức tăng trưởng trong năm 2023 là 5,2%, giảm so với dự báo trước đó là 5,8%. Theo con số OECD đưa ra vào tháng 9/2023, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam dự báo là 4,9%, điều chỉnh giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2023. Dự báo của Ngân hàng thế giới (WB) và IMF cũng đưa ra con số ở mức xấp xỉ 4,7%. Những con số này đều chênh lệch khá xa so với mức GDP của năm 2022 khoảng 8,02%. Trong năm 2024, tốc độ tăng GDP của Việt Nam tạm thời đang được kỳ vọng sẽ tăng đến 6 – 6,5%.

Hành động của doanh nghiệp

Có thể thấy, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế vẫn tiếp diễn và dấu hiệu phục hồi còn khá yếu ớt. Một nền kinh tế tồi tệ có thể gây tổn hại cho doanh nghiệp theo nhiều cách. Việc điều chỉnh lãi suất có thể ảnh hưởng đến khả năng vay vốn cần thiết của doanh nghiệp. Đồng thời, việc người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm trong thời kỳ kinh tế bất ổn kéo theo việc doanh nghiệp sẽ có ít khách hàng hơn. Một số lĩnh vực có thể đi vào tình trạng bế tắc tương đối nếu thị trường giảm đủ mạnh.

kinh te nam thin ca chep hoa rong nu doanh nhan

Các doanh nghiệp cần có hành động để lèo lái công ty vượt qua thời kỳ khó khăn. Tư duy trong giai đoạn này cần thay đổi, chủ doanh nghiệp phải nhận ra những thiếu sót trong chính sách và vận hành của công ty để chuyển hướng kịp thời. Việc phá bỏ lối mòn, đổi mới linh hoạt để bắt kịp tình hình khó khăn có thể giúp doanh nghiệp tồn tại, thậm chí là đủ sức vượt lên trong thời buổi giông tố của thị trường.

Không có một cẩm nang chung để vượt khó khăn cho các doanh nghiệp. Mỗi chính sách, chiến lược được sử dụng đều tùy vào tình hình thực tế của công ty. Tuy nhiên, tổng quan chung vẫn có nhiều điểm mà các nhà lãnh đạo hay chủ doanh nghiệp có thể thực hiện và tự giải thoát chính mình:

1. Nhìn vào bức tranh lớn

Nên lùi lại và nhìn vào bức tranh toàn cảnh để xem những gì vẫn đang hoạt động và những gì cần thay đổi. Đây là cơ hội để hiểu rõ hơn về quy mô và phạm vi của các vấn đề còn tồn đọng cũng như hiểu sâu hơn về mô hình kinh doanh của công ty bạn. Từ đó, xác định lại chính xác điểm mạnh và điểm yếu của công ty trong giai đoạn này đang là những gì, thậm chí khi giai đoạn này trôi qua không lâu nữa những phân tích về điểm mạnh và điểm yếu đó có còn hữu dụng không.

Những phân tích SWOT trong tình hình khó khăn luôn cần chi tiết, cấp bách và vô cùng thực tế. Bạn và đội ngũ cần nắm rõ sản phẩm hoặc dịch vụ của mình có thật sự phù hợp với thị trường đã bị biến chuyển bởi khó khăn không. Vĩ mô hơn bạn cũng cần hiểu được những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế đến các đối tác, khách hàng, nhà cung cấp… cũng như tất cả các khía cạnh quan trọng khác liên quan đến hoạt động kinh doanh. Bạn cần phải vẽ được bức tranh tổng quan cho mô hình kinh doanh của công ty phù hợp với bối cảnh cấp thiết hiện tại, đưa ra dự đoán cùng nhiều kịch bản thay thế có thể xảy ra trong tương lai.

Bằng cách xem xét kỹ lưỡng điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp, bạn sẽ tìm ra giải pháp và hướng đi mới cho công ty, loại bỏ các hạn chế. Đồng thời, hãy luôn giữ được một cái đầu tỉnh táo để đưa ra những quyết định kịp thời và phù hợp.

Trong thời kỳ khủng hoảng, các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, như một hình thức để kiểm tra khả năng thích nghi của họ. Tuy nhiên, với tư duy và chiến lược đúng đắn, bạn không chỉ có thể sống sót mà còn có thể như đóa hoa nở trong gian khó. Nhiều công ty đầu tư đáng kể thời gian, tiền bạc và các nguồn lực khác vào việc ngăn chặn khủng hoảng. Thực tế là điều này có thể vô ích. Điều quan trọng hơn là phải có sẵn các nguồn lực nền tảng phù hợp để giải quyết khi chúng xảy ra.

“Trong thời kỳ khủng hoảng, các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, như một hình thức để kiểm tra khả năng thích nghi của họ.”

2. Dự đoán khả năng tài chính

Các chủ doanh nghiệp nên thực hiện các bước để đảm bảo rằng công ty có khả năng tiếp cận tiền mặt, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng. Đến ngân hàng và tìm hiểu những gì cần thiết để có được khoản vay là bước đầu tiên, cũng như việc mở hạn mức tín dụng trước để tài trợ cho các nhu cầu về dòng tiền ngắn hạn có thể xảy ra.

Bạn cũng nên có sẵn các nguồn vốn tiềm năng khác. Điều này có thể bao gồm việc tận dụng tiền tiết kiệm, thanh lý cổ phiếu nắm giữ hoặc vay mượn từ các thành viên trong gia đình. Một chủ doanh nghiệp phải có khả năng tiếp cận vốn hoặc có cách sáng tạo để huy động vốn giúp vượt qua thời kỳ khó khăn.

Phát triển và duy trì mối quan hệ hợp tác bền chặt và cùng vượt qua khó khăn với các khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư và các bên liên quan. Những mối quan hệ này có thể cung cấp sự hỗ trợ, nguồn lực và cơ hội hợp tác có giá trị khi việc cấp bách xảy ra.

3. Tìm kiếm tư vấn chuyên nghiệp

Là nhà điều hành lèo lái doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, điều quan trọng là bạn có thể nhận biết được khi nào bạn phải cần đến những chuyên gia hỗ trợ để xử lý khủng hoảng một cách hiệu quả. Việc cố chấp để nội bộ tự cố gắng giải quyết đôi khi sẽ khiến bạn và đội ngũ trở nên quá tải và có thể khiến hoạt động của công ty thêm trầm trọng bởi tình huống khó khăn khác biệt mà chưa ai có kinh nghiệm. Bạn cần giữ kết nối với các nhà tư vấn, chuyên gia trong ngành hoặc những người có thể cung cấp kiến thức và hướng dẫn có giá trị. Khi cần thiết, những quan sát và góp ý đầy kinh nghiệm từ người ngoài cuộc nhưng thông hiểu thị trường như họ có thể giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt và xác định cơ hội tốt hơn.

4. Đầu tư vào công nghệ và kỹ thuật số

Tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, năng suất làm việc và trải nghiệm khách hàng là xu thế thời đại. Từ giai đoạn đại dịch đến nay, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của việc ứng dụng công nghệ hay những giải pháp kỹ thuật số trong việc vận hành của các doanh nghiệp. Ứng dụng điều này vào các công cụ và nền tảng cho phép làm việc từ xa, bán hàng trực tuyến, giao tiếp giao việc,… hiện nay rất phổ biến, giúp các lãnh đạo tiết kiệm được thời gian và công sức xử lý những công việc thường nhật để tập trung vào các vấn đề lớn hơn. Việc thích ứng với bối cảnh kỹ thuật số còn giúp đội ngũ nhân viên có tư duy năng động, linh hoạt đi cùng những kiến thức hiện đại được cập nhật, đuổi kịp xu hướng phát triển, từ đó giúp doanh nghiệp hoạt động uyển chuyển và thích nghi thời cuộc hiệu quả.

5. Áp dụng tư duy phát triển

Đẩy mạnh tư duy luôn hướng đến sự phát triển trong tổ chức của bạn. Đặc biệt, bạn cần khuyến khích được ban lãnh đạo hay những người đứng đầu doanh nghiệp xem giai đoạn khủng hoảng này chính là cơ hội để thử nghiệm, học hỏi, đổi mới và phát triển một cách khác biệt so với đối thủ. Từ đội ngũ lãnh đạo, tư duy này phải được tuyên truyền mạnh mẽ đến nhân viên để cả tập thể đều tin tưởng vào khả năng có thể lật ngược tình thế của doanh nghiệp. Chỉ có sự tin tưởng như thế mới có khả năng thúc đẩy sự kiên cường, kiên quyết đổi mới, kiên trì thích nghi với hoàn cảnh mà ai ai cũng khó như hiện tại và kết quả kỳ diệu mới có thể xuất hiện.

Sợ hãi chính là kẻ đầu tiên triệt tiêu mọi sự vươn lên trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào chứ không phải là vấn đề yếu năng lực hay thiếu tài chính. Ngay cả trong trường hợp kỳ tích không xảy ra, nhưng những nỗ lực vượt khủng hoảng mà bạn và đồng đội đã học được trong giai đoạn hiếm có này sẽ vô cùng có ích cho sự phát triển cho tương lai. Hãy trân trọng và tận dụng cơ hội được nằm trong cuộc của giai đoạn khủng hoảng này.

kinh te nam thin ca chep hoa rong nu doanh nhan

6. Đa dạng hóa nguồn doanh thu

Một cách để các doanh nghiệp giảm thiểu bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế lao dốc là đa dạng hóa được nguồn doanh thu. Trong lúc lĩnh vực kinh doanh chính gặp khó khăn, doanh nghiệp cần tìm được các cơ hội kinh doanh phụ trợ thì mới có thể đảm bảo được sự ổn định. Bất kỳ sự phụ thuộc quá mức nào vào một nguồn doanh thu duy nhất mà nguồn thu đó lại là đối tượng bị tổn thương chính trong cuộc khủng hoảng cũng dễ khiến cho doanh nghiệp chao đảo.

Những lĩnh vực phụ trợ nguồn thu mới khá đa dạng, có thể đến từ việc mở rộng sang các thị trường mới, cung cấp hình thức sản phẩm hoặc dịch vụ mới hoặc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý các lĩnh vực mới cũng cần tập trung vào thế mạnh của công ty và tuyệt đối không được dàn trải. Đầu tư quá nhiều ngành nghề khác biệt không thể tận dụng nguồn lực chung ngay trong giai đoạn doanh nghiệp khó khăn là con dao hai lưỡi, nếu đón được sóng thị trường có thể đem đến nguồn lợi, nhưng nếu cần đầu tư quá nhiều có thể khiến doanh nghiệp của bạn kiệt quệ.

Quá trình tìm hiểu mở rộng lĩnh vực kinh doanh cần được tham khảo từ chính ý kiến của nhân viên, những người vừa thông thuộc thị trường vừa thấu hiểu cơ chế nội bộ. Điều này sẽ đem đến cho nhân viên cơ hội được giao quyền, niềm tự hào được đóng góp vào giai đoạn biến chuyển đặc biệt của doanh nghiệp, từ đó có thể phát kiến những ý tưởng mới mẻ và khả thi. Đi cùng sự đa dạng hóa nguồn thu, những người đầu tàu cần ý thức được việc đa dạng hóa nền tảng kiến ​​thức và kỹ năng của nhân viên, giúp họ luôn được ở trong tư thế sẵn sàng và tự tin để hỗ trợ công ty đảm nhận những vai trò mới trong những lĩnh vực mới.

7. Chớp thời cơ và dễ thích nghi

Trong thời kỳ khủng hoảng, cơ hội là vô cùng hiếm hoi. Việc nhìn ra được thời cơ đã là một cơ may, nhưng việc có thể nắm bắt được cơ may đó hay không còn nằm ở khả năng thích ứng và độ nhanh nhạy của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Bạn phải luôn ở trong tâm thế sẵn sàng ứng biến và đội ngũ của bạn cũng phải như vậy. Từ chiến lược kinh doanh, sản phẩm dịch vụ hay cơ cấu quy trình…, tất cả đều có thể điều chỉnh khi thời thế tới. Hãy theo dõi chặt chẽ các xu hướng thị trường, nhu cầu của khách hàng, sự phát triển của ngành, và bắt tay vào chớp lấy cơ hội và lựa thế đứng lên.

8. Tuyệt đối không hy sinh chất lượng

Kiểm soát chi phí là vấn đề cực kỳ quan trọng, thậm chí mang tính sống còn cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, một điều cần ghi nhớ tuyệt đối không phạm phải đó là giảm chất lượng của dịch vụ hay sản phẩm khi thực hiện các đổi mới. Việc cắt giảm chi phí thường sẽ liên quan ít nhiều đến quy trình trực tiếp tạo ra các sản phẩm dịch vụ, do đó đôi khi chất lượng bị giảm sút mà bạn khó kiểm soát được. Một khi chất lượng suy giảm, khách hàng sẽ rời bỏ bạn đầu tiên, doanh thu lao dốc, và lúc đó mọi chi phí giảm đi cũng không đủ để bù lại nguồn thu đã mất. Chưa kể, khi khách hàng đã có ấn tượng rằng sản phẩm dịch vụ của bạn có chất lượng kém thì dù sau này, lúc kinh tế phục hồi, bạn trả chất lượng trở về như xưa, cũng sẽ mất rất nhiều thời gian và dĩ nhiên là rất nhiều chi phí để định vị và gầy dựng lòng tin trở lại nơi khách hàng.

Vì vậy hãy thật thận trọng, phân tích kỹ những khoản chi phí có ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ sản phẩm. Các giải pháp thay thế rẻ hơn nếu có cũng phải được kiểm nghiệm nhiều lần, cho khách hàng dùng thử và thu thập ý kiến phản hồi để có điều chỉnh phù hợp.

9. Thiết lập quy trình quản lý khủng hoảng

Việc gì cũng cần có kế hoạch và chuẩn bị cho khủng hoảng cũng cần một kế hoạch quản lý khủng hoảng toàn diện. Đây không chỉ là việc bạn cố gắng xác định mọi rủi ro tiềm ẩn và phát triển các chiến lược để giảm thiểu chúng, mà đây là về quá trình. Bạn cần biết được ai làm gì và ai hỗ trợ ai khi có sự cố xảy ra. Phân công vai trò và trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong các phòng ban, đội nhóm, đồng thời thiết lập các kênh liên lạc rõ ràng để đảm bảo đưa ra quyết định hiệu quả trong thời kỳ khủng hoảng.

Việc đối mặt với khủng hoảng chắc chắn là một thử thách khó khăn nhưng đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp học hỏi, củng cố và phát triển. Bằng cách xây dựng các mối quan hệ bền chặt và đường dây liên lạc cởi mở, thực hiện các quy trình quản lý khủng hoảng hiệu quả và linh hoạt…, các doanh nghiệp không chỉ có thể duy trì tồn tại mà thậm chí còn có thể phát triển ngược dòng khi đối mặt với nghịch cảnh.

***

Làm thế nào để nhân viên đồng hành cùng khó khăn?

Quản trị nhân sự chưa bao giờ là việc đơn giản. Trong giai đoạn bình thường đã khó thì khi xảy ra khó khăn, việc này còn trở nên thử thách hơn. Nhân lực luôn là yếu tố hàng đầu tạo nên thành công nhưng cũng là nguyên nhân hàng đầu gây xáo trộn cho doanh nghiệp. Để vượt qua sóng gió khủng hoảng, doanh nghiệp của bạn cần sự ổn định, và sự ổn định về nhân sự chính là yếu tố tiên quyết. Trong giai đoạn khó khăn của công ty, nhân sự có thể hoang mang, lo ngại cho sự ổn định công việc và tìm kiếm môi trường làm việc mới. Bạn hay ban lãnh đạo có thể kiên cường bám trụ đối mặt với khó khăn, nhưng làm sao để nhân viên cũng thấu hiểu và chung lưng đấu cật với bạn?  

1. Giao tiếp thường xuyên và chân thành

Việc giao tiếp thường xuyên với nhân viên là vô cùng cần thiết và hầu như không có nhiều nhà lãnh đạo giao tiếp với nhân viên đủ thường xuyên như nhu cầu cần phải có. Trong thời kỳ công ty cần mọi người góp sức chung lòng, duy trì trò chuyện chia sẻ sẽ giúp nhân viên giảm nỗi sợ về sự không chắc chắn trong công việc, đồng thời truyền tải được thông điệp vượt khó đến họ một cách thông suốt hơn. Thông qua trò chuyện, sự lạc quan, tích cực và thái độ xông pha của các lãnh đạo doanh nghiệp cũng có thể là nguồn cảm hứng khích lệ cho nhân viên tin tưởng hơn về những hướng đi mới tươi sáng.

2. Kênh tiếp nhận ý kiến minh bạch

Trong giai đoạn công ty có nhiều đổi thay, nhân viên dễ có những quan điểm trái chiều. Họ phải cảm thấy được yên tâm, an toàn và không bị trù dập khi phát biểu ý kiến của mình. Lãnh đạo doanh nghiệp phải cung cấp được những kênh tiếp nhận ý kiến trực tiếp và có động thái phản hồi nhanh chóng để nhân viên thấy được sự đề cao và quan tâm lắng nghe. Các ý kiến đóng góp được tiếp nhận này cũng phải được tổng hợp, công bố công khai và minh bạch cho toàn thể công ty được nắm rõ, cùng với đó là những giải đáp của ban lãnh đạo để nhân viên có thêm niềm tin, tạo nên môi trường làm việc lành mạnh hơn trong khủng hoảng.

3. Giải tỏa lo lắng về bảo đảm công việc

Ai cũng lo lắng cho công việc của họ và e ngại tình trạng cắt giảm nhân sự diễn ra. Khi thật sự có kế hoạch cắt giảm nhân sự, lãnh đạo cần thông báo rõ ràng và nghiêm túc cho nhân viên càng sớm càng tốt để họ có kế hoạch phù hợp cho công việc tương lai. Nếu chưa có kế hoạch làm xáo trộn nhân sự như thế nhưng trong tình hình chung nhiều doanh nghiệp đều áp dụng và tạo ra tin đồn ảnh hưởng không tích cực trong thị trường lao động, lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên có những buổi gặp gỡ để trấn an nhân viên, giúp họ yên tâm tập trung cho công việc.

4. Công bố kế hoạch tương lai rõ ràng

Điều này chắc chắn có liên quan đến sự lo lắng của nhân viên về công việc của chính họ. Với tình hình kinh tế khó khăn, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người trăn trở về tương lai của doanh nghiệp và tìm đến các lãnh đạo để có lời khẳng định. Vì vậy, người quản lý doanh nghiệp hãy chia sẻ càng nhiều càng tốt về chiến lược và kế hoạch tương lai của công ty. Hãy nhớ ghi nhận những nhân viên đã nỗ lực hết mình để thúc đẩy kết quả kinh doanh hoặc giúp đỡ đồng nghiệp, sự chu đáo và trân trọng đó sẽ tác động lan tỏa tích cực, giúp nhân viên hiểu rằng công ty muốn gắn bó với họ bởi định hướng phát triển đường dài.

Bài viết được đăng trên Tạp chí Nữ Doanh Nhân số 146.2024 | TEXT: HIDA

Có thể bạn quan tâm:

Comment