“Văn hóa chiến thắng” trong doanh nghiệp: Nhà lãnh đạo đóng vai trò gì? • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

“Văn hóa chiến thắng” trong doanh nghiệp: Nhà lãnh đạo đóng vai trò gì?

Đối thủ của doanh nghiệp có thể “sao chép” bất kỳ thứ gì ở công ty bạn: từ chiến lược, sản phẩm cho đến hệ thống, cơ cấu tổ chức. Nhưng có một điều họ không thể nào xây dựng được – đó là văn hóa. Đóng một vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nền móng bền vững và lợi thế cạnh tranh vượt trội cho doanh nghiệp, “văn hóa chiến thắng” (Winning Culture) là yếu tố mà mỗi doanh nghiệp cần chú trọng phát huy. Trong đó, người lãnh đạo phải luôn là người đi đầu trong việc xây dựng và phát triển các giá trị này.

“Văn hóa chiến thắng” là gì?

Văn hóa là tập hợp tất cả các hành vi của nhân viên trong một tổ chức tập thể. Đó là những quan niệm, hành vi đặc trưng diễn ra thường xuyên của các nhân viên theo sự hướng dẫn từ phía nhà lãnh đạo, là mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, là những giá trị hữu hình và vô hình trong việc điều phối công việc tập thể.

Trong cuốn sách lãnh đạo phong cách Obama được xuất bản vào năm 2010, khát khao chiến thắng được đề cập đến như một nền tảng thành công cho nhà lãnh đạo. Từ mong muốn cá nhân, nhà lãnh đạo sẽ truyền cảm hứng để xây dựng nên một tập thể với nhiều cá nhân tiến thủ, nỗ lực vì sự phát triển và lợi ích chung của công ty. “Văn hóa chiến thắng” từ đó được hình thành và người lãnh đạo đóng vai trò kim chỉ nam trong việc thể hiện và truyền đạt giá trị bền vững này.

Dưới đây là những yếu tố quan trọng doanh nghiệp nói chung và lãnh đạo nói riêng cần có để phát triển “văn hóa chiến thắng” của công ty.

Tầm nhìn dài hạn 

Một nền văn hóa bền vững được tạo dựng từ tầm nhìn sâu rộng. Khi có được tầm nhìn dài lâu, doanh nghiệp có thể bao quát được những mục tiêu xa hơn để định hướng từng bước đi rõ ràng cho công ty. Đây chính là “lá cờ” đại diện của doanh nghiệp để hướng tập thể luôn đi trên con đường vạch ra ban đầu.

Để tạo dựng một tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của công ty, bản thân người lãnh đạo phải là người tiên phong thực hiện điều này.  Là nhà lãnh đạo giỏi, bạn cần phải biết xác định mục tiêu của mình với công ty là thế nào, liệu tầm nhìn này có phù hợp với tốc độ phát triển của công ty nói riêng và xã hội nói chung trong nhiều năm tới? Bản thân lãnh đạo phải có một tầm nhìn đủ rộng thì mới có thể phát triển nên “bức tranh toàn cảnh” của công ty mình.

Giá trị con người

Một doanh nghiệp thành công là nhờ sự đóng góp của những nhân viên tài giỏi. Yếu tố con người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Một công ty tập hợp những cá nhân xuất sắc, luôn năng nổ và nhiệt huyết với công việc bao giờ cũng tạo được thế mạnh cạnh tranh lớn hơn so với các đối thủ.

Nhà lãnh đạo đóng vai trò gì trong việc xây dựng và phát triển con người? Trước hết, nhà lãnh đạo chính là người truyền cảm hứng, hình mẫu để các nhân viên đi theo. Bản thân nhà lãnh đạo phải xây dựng được “thương hiệu cá nhân” xuất sắc mới có thể kết nối các nhân viên làm nên sức mạnh tập thể. Ngoài ra, nỗ lực, đam mê hay tài năng đôi khi cũng chưa đủ nếu không có thái độ hợp tác đúng đắn. Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ biết cách đào tạo và điều hướng để các nhân tài luôn có sự phối hợp nhịp nhàng làm nên thành quả chung, thay vì là những mảnh ghép rời rạc hoạt động riêng lẻ. Vai trò của người lãnh đạo chính là người khám phá và kết nối những nhân tài khát khao chiến thắng như thế.

Môi trường làm việc

Xây dựng môi trường làm việc hiệu quả chính là yếu tố để xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp thành công. Một môi trường làm việc năng động, cởi mở và sáng tạo sẽ đem đến động lực làm việc năng suất hơn là những nơi làm việc đầy áp lực, khuôn mẫu và gò bó. Một cuộc thí nghiệm đã được thực hiện ở Pixar, không gian làm việc không còn là những căn phòng cách âm cứng nhắc, họ mở rộng nơi làm việc “thoáng” hơn để các thành viên công ty có thể gặp gỡ và tương tác với nhau nhiều hơn. Kết quả sau 3 tháng cho thấy, hiệu suất và sự gắn kết của nhân viên tăng lên đến 30% so với khi làm việc độc lập theo vị trí nhân viên được phân bổ sẵn.

Để xây dựng một môi trường làm việc năng động như thế, nhà lãnh đạo trước hết phải tạo được thói quen và phong thái ứng xử văn minh, cởi mở với cấp dưới của mình. Từ đó, nhà lãnh đạo sẽ tạo được một phong cách ứng xử chung cho cả tập thể để nhân viên phát triển theo. Một nhà lãnh đạo từng chia sẻ: “Tôi không bao giờ đóng cửa văn phòng làm việc của mình. Nhân viên của tôi sẽ chẳng cần phải gõ cửa để bước vào, tôi không muốn có bất kỳ khoảng cách nào giữa mình và cấp dưới.”

Nguyên tắc tập thể

Phá bỏ những khuôn khổ và giới hạn để nhân viên tự do sáng tạo, phát triển theo ý muốn của mình sẽ tạo cảm hứng làm việc cho nhân viên nhiều hơn. Nhưng sẽ ra sao nếu một tập thể hoạt động không theo một nguyên tắc thống nhất nào? Bạn có thể tưởng tượng sự rắc rối và lộn xộn này như một ngã tư không có đèn tín hiệu giao thông, các chiếc xe sẽ chạy bất chấp phương hướng mà không cần biết mình phải dừng lúc nào.

Việc thiết lập một hệ thống nguyên tắc công ty là điều tiên quyết nhà lãnh đạo nào cũng cần thực hiện. Những nguyên tắc này phải dựa trên các giá trị của công ty, sự tôn trọng và công bằng trong tập thể. Một nhà lãnh đạo tài ba sẽ không quá cứng nhắc và bảo thủ với các điều lệ của mình, họ linh hoạt, khéo léo điều chỉnh các nguyên tắc để phù hợp với từng tình huống cụ thể nhằm đảm bảo lợi ích chung của công ty và quyền lợi của nhân viên mình.

“Văn hóa chiến thắng” là chiếc chìa khóa quan trọng quyết định thành công lâu dài của một doanh nghiệp. Nhà lãnh đạo phải là một người dày dạn kinh nghiệm trong việc xây dựng một tập thể luôn khát khao chiến thắng. Để thực hiện được điều này, bạn cần chứng tỏ được tài năng và bản lĩnh quản trị doanh nghiệp của mình. Trước khi phát triển một doanh nghiệp thành công, hãy là một người lãnh đạo thành công để tạo dựng giá trị và uy tín trước các nhân viên của mình.

Có thể bạn quan tâm:

Vì sao doanh nhân nên đầu tư vào thương hiệu cá nhân?

Liệu ứng viên có phù hợp với văn hóa công ty hay không – hãy áp dụng ngay các câu hỏi phỏng vấn sau!

Comment