TGĐ, Salon Saigon, Sandrine Llouquet: Một Việt Nam năng động đã níu chân tôi • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

TGĐ, Salon Saigon, Sandrine Llouquet: Một Việt Nam năng động đã níu chân tôi

Với nhiều người, nghệ thuật đương đại là một “lãnh thổ” rất khó xâm nhập, rất khó cảm thụ và rất khó để có thể lan truyền sự ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Salon Saigon những người nghệ sĩ như Sandrine Llouquet tham vọng sẽ khiến chúng trở nên gần gũi hơn đồng thời góp phần nâng tầm cảm thụ ở công chúng quan tâm, yêu thích nghệ thuật. NDN_Sandrine Llouquet_4

Chính Sandrine Llouquet cũng thừa nhận rằng, luôn có biên giới giữa nghệ thuật phổ thông dành cho số đông và nghệ thuật ở đẳng cấp cao hơn. Đồng thời, nghệ thuật đương đại có những đặc trưng riêng khiến nó rất khó tiếp cận số đông. Cũng theo chị, không chỉ người nước ngoài mà công chúng Việt Nam cũng rất quan tâm đến nghệ thuật nhưng lại thiếu không gian hoặc các hoạt động đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao và đa dạng cũng như chưa đủ để khiến nghệ thuật trở nên quen thuộc với số đông. Những gallery hoặc phòng trưng bày hiện có chỉ có thể thu hút những người thực sự hiểu và quan tâm đến nghệ thuật. Vì thế, ngay từ những ngày đầu chọn Việt Nam để phát triển sự nghiệp và khẳng định tên tuổi, Sandrine Llouquet đã nhận định rõ đây là một môi trường nghệ thuật năng động. Sự năng động, khát khao cái mới và hòa nhập với thế giới đã đưa chị đến cũng như níu chân chị ở lại mảnh đất này. Không chỉ bởi chị là người Pháp mang trong mình dòng máu Việt mà còn bởi nhưng đặc điểm của môi trường nghệ thuật tại Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tính cách tích cực, tò mò thích tìm hiểu và hướng tới những điều lạc quan trong cuộc sống của Sandrine Llouquet.NDN_Sandrine Llouquet_1

“Nghệ thuật là một khoa học phát triển theo thời gian và liên kết chặt chẽ với quá khứ, bởi vậy một người nghệ sĩ muốn phát triển sự nghiệp thì không thể ngừng lại”.

—————————————-

Chọn hướng đi khó

Sinh năm 1975 tại Montpellier, Pháp, Sandrine Llouquet tốt nghiệp École Pilote Internationale d’Art et de Recherche – Villa Arson năm 1999, tuy nhiên điều đặc biệt là trong quá trình theo học tại đây, chị từng sang Việt Nam học 1 năm (năm 1997 – 1998) tại trường Đại học Mỹ thuật Tp. HCM. Trở lại vào năm 2005, Sandrine Llouquet quyết định bắt đầu cột mốc mới để tiến xa hơn trên hành trình nghệ thuật của mình với mục tiêu không chỉ mưu cầu sự thành công cho bản thân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của văn hóa đương đại Việt Nam.

Từ sâu bên trong người nghệ sĩ này luôn mong muốn sẽ tạo được một trung tâm văn hóa nghệ thuật, nơi mọi người có thể gặp gỡ chia sẻ với nhau và trò chuyện với những người nghệ sĩ để từ đó có sự thấu hiểu, đồng cảm khi chiêm ngưỡng tác phẩm. Cũng bởi thế, khi được mời cùng tham gia phát triển dự án nghệ thuật Salon Saigon chị đã thực sự tin rằng, ý tưởng và mơ ước của mình sẽ trở thành hiện thực. Không chỉ vậy, hứa hẹn sẽ ngày càng thăng hoa.

Ở Salon Saigon, những người yêu nghệ thuật hoặc muốn tìm hiểu sâu hơn sẽ được gặp gỡ và thảo luận với các nghệ sĩ hoặc tự do tham khảo những tài liệu được lưu tại đây. Không chỉ triển lãm tranh, Salon còn tổ chức những buổi biểu diễn nghệ thuật múa đương đại, sân khấu, phim, hòa nhạc… của các tác giả và nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. “Có rất nhiều hướng đi để chọn, tuy nhiên chúng tôi muốn chọn hướng đi khó ngay từ đầu. Tôi có thể chọn những nghệ sĩ với tác phẩm dễ hiểu, dễ xem và dễ cảm nhận nhưng tôi không làm điều đó. Tôi muốn chọn những tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi cao về nghệ thuật với cả tác giả lẫn người xem, mặc dù khó nhưng chúng tôi sẽ giúp người xem tiếp cận một cách dễ dàng nhất. Đồng thời thông qua đó giúp nâng tầm cảm thụ và kiến thức nghệ thuật ở công chúng”, Sandrine Llouquet chia sẻ.

ĐỂ ĐỌC PHIÊN BẢN BÁO IN, VUI LÒNG NHẤN VÀO ĐÂY!

Không chỉ tạo cầu nối giao lưu văn hóa, nghệ thuật, biến Salon Saigon thành không gian để các nghệ sĩ gặp nhau, kết nối với nhau và tạo cảm hứng sáng tạo nên những tác phẩm kết hợp trong tương lai, Sandrine Llouquet và những thành viên còn muốn đưa nghệ thuật đương đại hòa trộn tinh tế với văn hóa Việt Nam. Chị chia sẻ: “Văn hóa nghệ thuật Việt Nam từ lâu đã chịu sự ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác, tuy nhiên vẫn luôn giữ được bản sắc và đặc trưng riêng. Sự ảnh hưởng đó càng khiến văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng hơn. Vì vậy, sự hòa trộn giữa nghệ thuật đương đại và văn hóa Việt cũng sẽ xuất hiện rất đa dạng. Chẳng hạn như sử dụng lụa, sơn mài – những nguyên liệu truyền thống Việt Nam để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đương đại…”

Chị Sandrine Llouquet còn cho biết thêm, ngay bản thân căn nhà hẻm số 6 Ngô Thời Nhiệm – trụ sở Salon Saigon cũng đã là một nhân chứng lịch sử với kiến trúc đậm chất Pháp. Vậy nên, không còn gì thú vị hơn việc trưng bày những tác phẩm, chia sẻ những câu chuyện lịch sử, kiến thức về nghệ thuật đương đại trong một không gian như vậy. “Ở Pháp vào thế kỷ 17 và 18, salon là nơi các nhà văn, họa sĩ, nhà thám hiểm và giới trí thức mời bạn bè, người hâm mộ đến để cùng chia sẻ quan điểm nghệ thuật và giới thiệu tác phẩm mới… Người xem có thể cảm nhận được hơi hướng cổ điển tương tự ở Salon Saigon. Tuy nhiên, nơi đây còn đặc biệt bởi dấu ấn lịch sử và nét tinh tế, giản dị của Sài Gòn”.NDN_Sandrine Llouquet_3

“Tôi thích không khí náo nhiệt của chợ hoa những ngày giáp Tết. Đặc biệt, trong những ngày Tết, khi nhiều người đã về quê hay đi chơi, thành phố đang náo nhiệt bỗng nhiên tĩnh lặng, đường phố thênh thang hơn cũng đem đến cho tôi nhiều ấn tượng.”

—————————

Kinh doanh cần năng khiếu và nỗ lực

Khi giữ vai trò Tổng Giám đốc Salon Saigon, Sandrine Llouquet không chỉ làm công việc chuyên môn của một nghệ sĩ thị giác mà còn phải tham gia điều hành, quản lý đội ngũ và quan tâm đến hiệu quả thương mại dù đây không phải là mục đích chính. Chị cần đầu tư thời gian và có chiến lược hợp lý để duy trì không gian nghệ thuật này, mọi thứ không hề dễ dàng. Với chị, nghệ thuật rất cần năng khiếu nhưng không phải là tất cả, nếu chỉ có năng khiếu mà không rèn luyện, tìm tòi học hỏi hằng ngày sẽ không thể phát triển xa hơn. “Nghệ thuật là một khoa học phát triển theo thời gian và liên kết chặt chẽ với quá khứ, bởi vậy một người nghệ sĩ muốn phát triển sự nghiệp thì không thể ngừng lại. Điều đó không có nghĩa là bạn phải vẽ mỗi ngày nhưng sự quan sát, thẩm thấu mỗi ngày sẽ là nền tảng quan trọng cho tác phẩm. Đối với tôi, những gì trông thấy hàng ngày, gặp phải hàng ngày hoặc những quyển sách tôi từng đọc có thể khơi gợi nhiều ý tưởng, chúng đọng lại và đến thời điểm phù hợp tôi chỉ việc ngồi xuống và tạo nên tác phẩm của mình. Có người từng hỏi tôi, để làm một bức tranh mất bao lâu. Có những ý tưởng đến rất nhanh và tác phẩm sớm hoàn thành nhưng cũng có những tác phẩm mất rất nhiều thời gian. Cũng có người cho rằng đó là một bức vẽ đơn giản và chính họ cũng có thể làm điều đó, tuy nhiên mỗi một tác phẩm đều là cả quá trình cảm nhận, trải nghiệm và phản ánh tư duy, triết lý của người nghệ sĩ về cuộc sống”.

PLEASE CLICK HERE TO READ ENGLISH VERSION!

Kinh doanh cũng vậy. Chị cho rằng, nếu có năng khiếu kinh doanh bạn sẽ đi nhanh hơn nhưng cũng không thể thiếu sự nỗ lực học hỏi: “Tôi vẫn luôn là một nghệ sĩ vì vậy thương mại hay kinh doanh không phải là thế mạnh và cũng không phải là mục tiêu tôi hướng đến. Những hoạt động, sự kiện tổ chức tại Salon Saigon sẽ mang về một chút kinh phí để duy trì hoạt động và tái đầu tư cho những dự án trong tương lai. Kinh doanh chỉ là công cụ phục vụ cho mục đích cao nhất mà Salon Saigon hướng đến chính là không gian văn hóa cởi mở cho tất cả mọi người. Vì không giỏi về thương mại hay con số nên tôi có một đội ngũ giúp mình làm tốt việc đó. Dĩ nhiên, đôi khi sẽ có khoảng cách về cách nhìn và mối quan tâm của người làm nghệ thuật với người làm kinh doanh. Chẳng hạn, việc tôi cho là quan trọng nhưng với các bạn lại không phải thế. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều biết rằng, cần phải hướng đến kết quả cao nhất trong công việc và mỗi người đều phải tự điều chỉnh. Điều quan trọng nhất tôi phải làm chính là xây dựng được niềm tin với đội ngũ để mọi người cùng nhau làm tốt công việc”.NDN_Sandrine Llouquet_2

Tuy sinh sống và làm việc ở Việt Nam từ khá lâu nhưng hầu như mỗi dịp mừng năm mới Sandrine Llouquet đều đưa hai cô con gái trở về Pháp sum họp cùng gia đình. Mặc dù vậy, chị vẫn nhớ rõ ấn tượng về không khí Tết ở Việt Nam trong những năm đầu đến đây: “Tôi thích không khí náo nhiệt của chợ hoa những ngày giáp Tết. Đặc biệt, trong những ngày Tết, khi nhiều người đã về quê hay đi chơi, thành phố đang náo nhiệt bỗng nhiên tĩnh lặng, đường phố thênh thang hơn cũng đem đến cho tôi nhiều ấn tượng.”

“Tết Việt Nam cũng giống dịp đón chào năm mới ở các quốc gia khác, thường vào thời điểm cuối năm mọi người hay nghĩ về những gì đã trải qua, tôi cũng vậy. Với tôi, dù thành công hay thất bại thì tất cả đều là những thành quả quan trọng. Tôi chưa bao giờ hối tiếc vì điều gì. Tất cả đều là những trải nghiệm tốt cho cuộc sống, cho cảm nhận của người nghệ sĩ. Trong năm tới, tôi mong rằng những gì mình làm sẽ mang lại ý nghĩa đồng thời là đòn bẩy giúp tôi ngày càng đến gần hơn với ước mơ trên hành trình nghệ thuật.”, Sandrine Llouquet đã kết thúc buổi trò chuyện bằng những chia sẻ như thế.

Có lẽ, kỳ vọng và mong muốn làm được những điều ý nghĩa cho cuộc sống và cho chính mình dường như cũng là điều mà ai trong chúng ta cũng đều đang nghĩ đến thời khắc này. 

Text: T. Xuân – Creative Director: Hieleduc – Photo: Hoàng Vũ – Make up: Tắc Tắc

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

 

Có thể bạn quan tâm: 

GĐ Kinh Doanh & Tiếp Thị, EURO Auto, Nguyễn Vũ Thanh Thảo: Đừng cố làm người phụ nữ điểm 10

Mary Mendoza, Phó Chủ tịch Marketing, The Grand Ho Tram Strip: Sự yêu đời là động lực sống của tôi!

Comment