Làm gì khi nhân viên “nổi loạn”? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Làm gì khi nhân viên “nổi loạn”?

“Nhân viên nổi loạn” – một cụm từ luôn làm các nhà quản trị rối tung, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang có nhiều biến động. Chúng ta thường không thể thay đổi suy nghĩ và quan niệm của người khác, nên thay vì đưa “những con ngựa bất kham” quay trở lại quỹ đạo, hãy cứ để cho họ được phép tự do trong khuôn khổ.

Là kẻ nổi loạn, đừng là kẻ gây rối! Hãy phân biệt rõ giữa hai kiểu nhân viên này. “Kẻ gây rối” thường phàn nàn về các khó khăn, bi quan, khó có khả năng giải quyết một vấn đề. “Kẻ nổi loạn” thường tập trung vào nhiệm vụ, sáng tạo, thường tỏ thái độ không hài lòng với những ràng buộc trong nội quy. Dĩ nhiên khi có những đặc điểm đó, người này sẽ luôn có sức hút nhất định với những người xung quanh khi là dấu hiệu của những luồng gió mới trong một môi trường vốn đầy rẫy những điều “không nên làm”. Thách thức đối với bạn, là quản lý các quan điểm bất đồng đó, chỉ ra những điểm không cần thiết hoặc không thực tế thông qua tư duy mở, tận dụng những sáng tạo trở thành tài sản cho doanh nghiệp. Thay vì phớt lờ và gây ra cảm giác ức chế, hãy khuyến khích họ trở nên nổi loạn theo những nguyên tắc dưới đây:

Sử dụng kỹ năng quản lý bất đồng

Bảo vệ quan điểm là thói quen của tất cả chúng ta, và có xu hướng phản đối những người suy nghĩ ngược chiều. Hãy tập thói quen chống lại bản năng đó, bước lên phía trước để chỉ đạo những xung đột hoặc khuyến khích thêm bất đồng. Đó chính là cái nôi sinh ra những ý tưởng mới mẻ.

Tìm hiểu nguyên nhân của những cuộc “cách mạng”

Nếu chỉ xuất phát từ những lợi ích cá nhân, bạn có thể cho qua. Nhưng nếu không, có thể họ đang cảm thấy thất vọng vì không thể mang lại lợi ích từ các đề xuất cho tập thể, đồng thời là cảm giác cô lập khi bị từ chối sự sáng tạo.

Thực hiện đàm thoại thật khéo léo

Những “kẻ nổi loạn” thường giữ cho mình tâm trí khá cởi mở, và có xu hướng duy trì buổi thảo luận bằng cách mở rộng nhiều ý tưởng hơn. Thay vì phủ định hoàn toàn, hãy dùng những từ như “được rồi, và…” thay vì “đồng ý, nhưng…”, tức cải thiện ý tưởng mà không sử dụng ngôn ngữ phán xét. Thái độ khuyến khích đó cũng sẽ giúp những người khác, hoặc chính họ trở nên hào hứng hơn và đóng góp nhiều ý tưởng mới. Động thái này cũng ngầm khẳng định các cấp quản lý không từ chối những đề xuất cải tiến nhưng tất cả vẫn phải tôn trọng theo chính sách doanh nghiệp.

Tạo điều kiện trải nghiệm thực tế

Khi đã thống nhất các ý tưởng, hãy để cho họ đảm nhiệm một dự án phù hợp. Đó vừa là cách khuyến khích những sáng tạo mới, đồng thời cũng là cơ hội để họ rút ra những kinh nghiệm thực tiễn cho bản thân.

Nhấn mạnh tinh thần tập thể

Cuối cùng, nhắc họ nhớ rằng cho dù có mang trong mình những đặc điểm nổi bật như thế nào, họ vẫn là thành viên không thể thiếu trong một đội. Họ phải hiểu rằng họ cần làm tốt việc của mình, đồng thời sẵn sàng kết hợp với những người có thế mạnh khác. Dù ý tưởng có độc đáo đến đâu, chỉ bằng cách làm việc cùng nhau mới có thể thu được kết quả tốt đẹp nhất cho lợi ích chung.

Nhà quản trị cũng cần “nổi loạn”!

Quản trị “nổi loạn” chính là một trong những yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hãy nhớ:

➤ Xác định biệt tài cá nhân

Điều gì khiến bạn trở nên độc đáo, khác biệt nhất? Tận dụng những gì bạn có mà hầu hết những người khác không làm, và để cho nó được nhiều người biết đến. Áp dụng vào một dự án phù hợp để làm nổi bật điều đó.

➤ Đừng đánh đồng kinh nghiệm quá khứ

Đừng mắc kẹt trong quá khứ. Đừng để những gì bạn học được cản trở tầm nhìn tương lai. Chỉ vì một điều gì đó mới mẻ sẽ không làm cho vấn đề đó trở nên nguy hiểm hơn.  

➤ Không xem rào cản là hạn chế

Đôi khi, những giới hạn sẽ giúp bạn dễ lựa chọn hơn so với việc “bơi” trong hàng ngàn những kịch bản khác nhau. Hãy học cách tìm thấy tự do trong hạn chế bằng việc tập trung vào một vài lựa chọn trong khuôn khổ.

➤ Học hỏi mọi thứ – sau đó quên hết!

Cơ sở của việc sáng tạo cái mới chính là sự hiểu biết sâu sắc về vấn đề đó. Hãy xây dựng cho mình nền móng hiểu biết vững chắc, và sáng tạo dựa trên những tư duy cơ bản đó. Đừng bao giờ biến mình thành nô lệ của các quy tắc.

Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Xem thêm: 

Bạn thuộc tuýp người lãnh đạo nào?

Comment