Giá trị của niềm tin • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Giá trị của niềm tin

Có lẽ không lúc nào nói về chuyện giá trị của niềm tin trong quản lý kinh doanh lại hợp hơn những ngày đầu Xuân mới. Ta không nói về niềm tin như một chữ “tín” mà xem niềm tin là điều then chốt để sở hữu những nhân viên “vàng”.

Bính Thân 2016 được dự đoán là một năm đầy sôi động về nhân sự với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp và là cơ hội vàng cho những nhân sự tiềm năng phát huy hết sở trường của mình. Khi “kiến thức là cái giúp ta có được quyền lực, nhưng niềm tin là thứ xác định chúng ta là ai”, trở thành chìa khóa hẳn bạn sẽ dễ dàng tìm được đáp án cho câu hỏi “Phải làm gì để tìm được nhân viên bán hàng giỏi?”.

Mặc dù bạn có thể có rất nhiều chiêu để thu hút, thậm chí chiêu dụ nhân viên tiềm năng của đối thủ và đào tạo anh ta trở thành nhân viên bán hàng số một, tuy nhiên, bạn dựa trên điều gì để “chấm” anh ta? Doanh số thôi chưa đủ vì phong độ chỉ là nhất thời, những quản lý kỳ cựu và “headhunter” kinh nghiệm cho rằng, họ chỉ dựa vào một điểm mấu chốt đó là niềm tin. Chỉ cần bạn tin rằng họ có những tố chất cốt lõi cũng như họ tin tưởng chính bản thân mình sở hữu chúng, họ sẽ đúng là những nhân viên vàng bạn hằng tìm kiếm:

1Tinh thần tự giác

Họ là những người tin vào bản thân và công việc họ làm có thể mang lại hạnh phúc. Dù đó là công việc rất bình thường như nhân viên vệ sinh hay một nhân sự cấp cao phụ trách những giao dịch giá trị lớn. Họ nhận thức được mình yêu thích công việc, những gì cần phải làm và thực hiện nó mà không cần ai phải bắt buộc hay thúc giục.

2 Làm nhiều hơn nói

Họ tin rằng, để có kết quả cách duy nhất là phải thực hiện nó. Họ luôn bắt đầu mọi việc theo quy trình một cách nhất quán như: tìm kiếm tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, xây dựng lòng tin, phân tích nhu cầu, trình bày ý muốn, thương lượng, chăm sóc khách hàng… Nhưng ngoài khả năng, họ còn biết tận dụng nguồn lực sẵn có để mang về thành công.

3Giá trị nội tại

Họ luôn tin rằng trong mỗi con người đều có giá trị nội tại, từ nhân viên tiếp tân cho đến các kỹ sư, các tài xế xe tải hay các CEO. Họ có thể là bất kỳ ai, thành công hay không thành công, có cuộc sống dễ dàng hay khó khăn nhưng trong họ đều có những giá trị, kỹ năng riêng và nếu được khơi gợi giá trị nội tại đó, họ hoàn toàn có thể làm nên chuyện.

4Có mục đích, động lực định hướng

Họ tin rằng những gì họ làm đều có ý nghĩa và mục đích. Tiền bạc cũng là một động lực, nhưng câu hỏi thực sự cần được trả lời là bạn kiếm tiền vì mục đích gì? Mỗi người đều theo đuổi một mục đích khác nhau như: hỗ trợ gia đình, duy trì một lối sống nhất định, chăm sóc cha mẹ già hoặc hỗ trợ công việc của tổ chức từ thiện mà họ yêu thích… Và nhờ mục đích đó, họ có động lực cho chính bản thân đồng thời tác động tích cực đến doanh nghiệp họ làm việc, cộng đồng xung quanh họ và như thế họ cũng đang góp phần cho những mục đích to lớn hơn.

5Sở hữu ý chí chiến thắng

Họ tin rằng họ có thể và sẽ giành chiến thắng dù bằng cách này hay cách khác. Họ sở hữu không chỉ ý chí để chiến thắng mà niềm tin này sẽ giúp họ thực sự giành chiến thắng. Với những người có tố chất này, trở ngại chỉ đơn giản là cơ hội để phát triển, vấn đề để giải quyết và như những cột mốc trong cuộc phiêu lưu dài hơi được gọi là cuộc sống.

6Là mắt xích cần thiết

Họ tin rằng họ là một mắt xích quan trọng và cần thiết để duy trì một sự bền vững thực sự, dù hệ thống họ tham gia là tập đoàn lớn hay trong một gia đình nhỏ. Có những người đã bị mất động lực phấn đấu hoặc gục ngã trước khó khăn bởi họ đã mất đi sợi dây liên kết với xung quanh. Chính vì thế, những người ý thức được mình và tầm quan trọng của các mối liên hệ sẽ luôn biết cách đầu tư thời gian và công sức để làm phong phú thêm những mối quan hệ như một phần của cuộc sống hàng ngày.

7 Giới hạn và tự mãn

Họ tin rằng họ có có khả năng thậm chí là tài năng và họ có thể làm được nhiều thứ. Mặt khác, họ biết cách làm mình trở nên duyên dáng hơn đồng thời nắm được điều cấp trên hay khách hàng muốn ở họ và đáp ứng. Tuy nhiên, cái hay của họ là ý thức tài năng nhưng không tự mãn, và vì thế họ đạt những mức ngày càng cao. Họ cũng luôn biết giới hạn và từ chối bất cứ điều gì khiến họ cảm thấy bị kiểm soát hay ràng buộc.

Bán hàng là một nghệ thuật, nhiều người khẳng định điều đó và hẳn nhiên họ phải có lý do. Nhiều người còn cho rằng, khi anh ta quan sát một nhân viên bán hàng chuyên nghiệp làm việc không khác nào xem một diễn viên với diễn xuất xuất thần hay ca sĩ tiếng tăm đang khoe giọng. Và đó cũng là một niềm tin lớn xuất phát từ những niềm tin nhỏ khác.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment