Ngoại ngữ, đâu có khó… - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Ngoại ngữ, đâu có khó…

Khảo sát của Moral Consulting&Pearson mới đây cho thấy 80% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng những ai đọc thông nói thạo tiếng Anh có khuynh hướng thành công hơn trong công việc. Nhưng người lớn học ngoại ngữ có khó như người ta vẫn nghĩ và làm thế nào để “giới cổ cồn trắng” học tốt ngoại ngữ?.

 

Khó mấy… cũng có cách

Có rất nhiều khó khăn khách quan mà người lớn phải đối mặt khi học ngoại ngữ trong đó đứng đầu là vấn đề thời gian. Ví dụ, bạn có thể biết, hiểu tiếng Anh nhưng để sử dụng thông thạo được tiếng Anh thì không dễ vì học ngoại ngữ là một quá trình tích lũy lâu dài. Từ nền tảng về từ vựng, ngữ pháp và phát âm, bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết sẽ được hình thành thông qua luyện tập. Mỗi ngày học một ít, thực hành một ít, mưa dầm thấm lâu.

Với phương pháp học đúng đắn, sau khoảng 3-6 tháng, người học mới có thể cảm nhận được sự tiến bộ rõ rệt. Học ngoại ngữ cần đầu tư về thời gian. Trong khi đó người học lại phải đối diện với trăm thứ bận rộn, việc công sở, việc làm thêm, trách nhiệm gia đình… Nên nếu không sắp xếp hợp lý, bạn sẽ không còn năng lượng và thời gian cho việc học. Tiếng Anh có câu “no pain, no gain” – nôm na là không bỏ công thì đừng mong thu được. Khi bắt đầu học, bạn nên chia sẻ với gia đình, nếu có thể thì cả với đồng nghiệp. Cơ bản vẫn là bạn, làm sao bạn dành khoảng 2-3 giờ/ngày cho việc học.

Học ngoại ngữ rất cần môi trường thực hành. Nếu bạn không có cơ hội tiếp xúc, chi bằng hãy tự tạo môi trường giao tiếp. Hãy tận dụng mọi cơ hội để học và thực hành, đến những nơi có nhiều người nước ngoài, quan sát biển báo, thông báo của nhà hàng, khách sạn hay nhà ga, sân bay… Nếu bạn thấy mình không thể học được ngoại ngữ, hãy dồn bản thân vào môi trường dùng ngoại ngữ. Hãy kết bạn với một người ngoại quốc hay tham gia vào câu lạc bộ nào đó. Sống trong môi trường bắt buộc phải giao tiếp bạn sẽ tiến bộ rất nhanh. Hãy ưu tiên bật những kênh nói thứ tiếng mà bạn đang học khi xem ti vi, dù bạn chỉ hiểu rất ít nhưng làm đều đặn, bạn sẽ học được nhiều hơn bạn nghĩ…

Có đầu tư có khác

Sức lao động cũng là một loại hàng hóa. Nếu bạn có thể xuất khẩu sức lao động thì giá trị kinh tế thu được sẽ lớn hơn rất nhiều so với bán ở trong nước. Ngoại ngữ lại chính là công cụ giúp bạn điều đó. Vậy tại sao lại không đầu tư cho nó. Hãy dành một khoản tiền nhất định cho việc học ngoại ngữ. Trong một bài giảng của mình, TS Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Tài chính của ĐH Ngân Hàng Tp.HCM đã nói: “Muốn có thu nhập cao thì phải nâng cao năng lực của bản thân, hãy đầu tư cho bản thân trước khi nghĩ đến việc kiếm tiền.”

Để học tốt ngoại ngữ:

– Học ngoại ngữ giống như leo núi, càng leo nhanh và đều, càng ít có khả năng bị trượt xuống.

– Nếu bạn bắt đầu học, hãy làm quen với âm thanh trước khi học một cách nghiêm túc. Hàng ngày, hãy dành nhiều thời gian nghe đài, tivi thứ tiếng mình sắp học mà không cần phải hiểu nội dung giống như trẻ con học nghe tiếng của người xung quan trước khi được dạy nói và đọc viết.

– Chấp nhận mắc lỗi là một phần của quá trình học. Khi biết mình mắc lỗi và tìm cách sửa là bạn đang tiến bộ. Nếu cứ sợ mình ngớ ngẩn thế nào khi nói, viết sai thì bạn chính là kẻ thù của việc học.

– Lặp lại, lặp lại và lặp lại. Nghe có vẻ hơi tẻ nhạt nhưng đây là một phần thiết yếu của quá trình học.

– Đặt ra mục tiêu cụ thể và chia nhỏ thành các giai đoạn, kiểm tra sự tiến bộ của mình trong mỗi giai đoạn đó.

Thiếu đam mê, động cơ và mục đích học tập rõ ràng chính là những lý do chủ quan quan trọng bậc nhất của việc học ngoại ngữ không có kết quả. Để học tốt ngoại ngữ, bạn phải có đam mê, yêu thích nó. Có đam mê, ắt sẽ có thành công. Mà để có đam mê thì bạn phải quan sát. Hãy nhìn đồng nghiệp giao tiếp lưu loát bằng ngoại ngữ với đối tác. Hãy xem những chương trình giải trí quốc tế trong đó người tham gia phải sử dụng ngôn ngữ bạn đang học… Hãy khát khao một ngày nào đó bạn cũng làm được như thế.

Tiếp đến, tìm một động cơ rõ ràng cho việc học. Ví dụ, bạn làm kế toán và bạn muốn có cơ hội làm việc tốt hơn ở một công ty nước ngoài, trước tiên, bạn phải có được chứng chỉ Toeic 600-700 hoặc Toefl Paper 550. Khi đã có mục tiêu thì bạn cần xác định thời gian cần bỏ ra và phân bổ bao nhiêu giờ mỗi ngày để có thể đạt được chứng chỉ đó. Bạn cần một kế hoạch hành động rõ ràng chứ không phải là những ý tưởng mơ hồ, cảm hứng nhất thời.

5 website học ngoại ngữ miễn phí có thể tham khảo:

http://www.lang-8.com: giúp bạn cải thiện kĩ năng viết. Bài viết sẽ được chính người bản ngữ nhận xét và chỉnh sửa. Bạn cũng có thể giúp người nước ngoài học tiếng Việt bằng cách đọc và sửa bài viết cho họ.

http://www.vocabsushi.com giúp bạn học từ vựng rất tốt. Để học một từ vựng, trước hết phải hiểu nghĩa, rồi đọc một ví dụ về từ đó, nghe người bản địa, sau đó làm bài kiểm tra và xem mình học có hiệu quả không. Đó là phương pháp dạy của VocabSushi.

http://www.englishpage.com: thống kê các vấn đề ngữ pháp cơ bản của tiếng Anh rất dễ hiểu, đi kèm là các bài tập từ dễ đến khó. Người học có thể tự làm và kiểm tra kết quả.

http://www.breakingnewsenglish.com: Các hoạt động nghe, nói, đọc, viết được thiết kế dựa trên bản tin. Người học có thể chọn bài học từ dễ đến khó.

http://www.voaspecialenglish.com: Đây là chương trình học tiếng Anh của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice Of American) với tiêu chí giúp luyện nghe tiếng Anh và nâng cao vốn từ vựng ở nhiều lĩnh vực.

Mẹo giúp cải tiện phát âm:

– Nói chậm: Giúp bạn phát âm đúng và nghĩ về những ý sẽ nói tiếp và sắp xếp ý tốt hơn.

– Chú ý về sự thay đổi cơ miệng khi phát âm: Bạn cần hiểu rõ các cơ quan cấu âm và theo dõi sự thay đổi vị trí của chúng khi tạo ra các âm khác nhau. Tập trung luyện các âm khó, không có trong tiếng mẹ đẻ.

– Bắt chước người bản xứ: Hãy nghe các chương trình trên đài, TV với thứ tiếng bạn đang học. Nghe, quan sát và bắt chước cho dù không hiểu lắm.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

 

Comment