Để tuổi dậy thì của trẻ không còn là giai đoạn ẩm ương - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Để tuổi dậy thì của trẻ không còn là giai đoạn ẩm ương

Dậy thì đơn giản là một loạt các thay đổi tự nhiên mà mọi đứa trẻ đều phải trải qua trong đời. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có những trải nghiệm dễ chịu với giai đoạn chuyển giao tâm lý này.

Tuổi dậy thì mang lại rất nhiều thay đổi cho một đứa trẻ và cũng kéo theo những lo lắng, trăn trở đến từ các bậc phụ huynh. Con trẻ đang chuyển đổi từ trẻ em sang người lớn, điều đó càng được thể hiện rõ thông qua những thay đổi về thể chất và tâm lý. Các bậc cha mẹ thường lo lắng trong những năm tháng đầy biến động này, đứa con ngọt ngào, bé bỏng ngày nào sẽ bị thay thế bởi một đứa trẻ phức tạp và khó bảo. Đúng là trong giai đoạn này, con đang mong muốn khẳng định sự độc lập của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa mối quan hệ giữa bạn và con sẽ trở nên xấu đi. Nếu có phương pháp nuôi dạy con đúng đắn, giai đoạn này sẽ là cơ hội tốt đưa bạn và con đến gần nhau hơn.

Để tuổi dậy thì của trẻ không còn là giai đoạn ẩm ương

Trong giai đoạn dậy thì, các con sẽ muốn thiết lập bản sắc của riêng mình. Điều này bao gồm những khám phá mới trong các mối quan hệ và mong muốn mở rộng hiểu biết về xã hội. Con trẻ cũng sẽ bắt đầu để ý đến ngoại hình và các kết nối xã hội thông qua những mối quan hệ bạn bè hay yêu đương lãng mạn. Một đứa trẻ mới lớn cũng có thể nhạy cảm với diện mạo và những thay đổi trên cơ thể của mình. Quyền riêng tư và không gian cá nhân cũng trở nên rất quan trọng đối với các con trong thời điểm này. Những đứa trẻ trong giai đoạn chuyển giao tâm lý vẫn phải đang học cách kiểm soát cảm xúc của mình. Vì vậy, chúng sẽ có lúc bộc phát như núi lửa và cha mẹ cần có một sự chuẩn bị kỹ càng để đồng hành cùng con trong những năm tháng thay đổi này.

Áp lực nào trong giai đoạn chuyển giao tâm lý?

Thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì được ví như một chú tắc kè hoa: nhạy cảm, tự tin nhưng cũng nổi loạn và tự cho mình là trung tâm. Tất cả mọi thăng trầm cảm xúc của tuổi dậy thì đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến lòng tự trọng và cách con thể hiện ra bên ngoài. Cũng trong giai đoạn này, thanh thiếu niên phải đấu tranh với việc được chấp nhận và có thể hòa nhập với những người bạn đồng trang lứa. Chính trong những năm tháng đầu đời của thời thơ ấu, con trẻ sẽ phát triển những nhận thức đầu tiên về bản thân. Càng lớn, ý thức bản thân đó lại càng được trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và lúc này, ngoại hình chính là một trong những yếu tố khiến con quan tâm, chú ý đến hàng đầu. Trong giai đoạn này, con gái thường quan tâm đến việc giảm cân trong khi con trai thường tập trung vào việc tăng khối lượng cơ bắp trên cơ thể. Mối quan tâm ngày một lớn về ngoại hình có thể dẫn đến sự suy giảm lòng tự trọng của con trẻ. Do đó, các thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái khi bước vào tuổi dậy thì, thường cảm thấy tự ti và áp lực từ các bạn đồng trang lứa.

“Bất luận những lời chê bai, hãy luôn khiến con tin rằng chúng vẫn là đứa con khiến cha mẹ tự hào trong một khía cạnh đặc biệt nào đó.”

Áp lực từ phía bạn bè không dễ để kiểm soát và chúng có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý của những đứa trẻ mới lớn. Con trẻ có thể sẽ gặp phải những lời giễu cợt từ bạn bè xung quanh về cách ăn mặc, ngoại hình hay những áp lực phải có bạn trai, bạn gái. Một số đứa trẻ còn phải chịu đựng những áp lực so sánh về thành tích học tập đến từ gia đình, họ hàng. Những áp lực hữu hình này có thể làm trẻ suy giảm lòng tự trọng, dẫn đến các tác động tiêu cực đến tâm sinh lý của con. Bất luận những lời chê bai, hãy luôn khiến con tin rằng chúng vẫn là đứa con khiến cha mẹ tự hào trong một khía cạnh đặc biệt nào đó.

Để tuổi dậy thì của trẻ không còn là giai đoạn ẩm ương

Một áp lực khác trong những năm tháng “tập làm người lớn” của con đó là cố “tỏ ra” mình là một người trưởng thành. Và một người trưởng thành sẽ không để ai nhìn thấy con người yếu đuối bên trong. Vì những thay đổi trong tâm sinh lý, không ai biết được con trẻ đang phải trải qua những cảm xúc tiêu cực nào. Con sẽ có thể cảm thấy khó bày tỏ điều này với cha mẹ của mình. Đồng thời, các thanh thiếu niên mới lớn cũng rất sợ bị mất mặt trước bạn bè, đến nỗi chúng thường che giấu những điều khiến bản thân tổn thương nhất. Theo lẽ đó, vai trò của cha mẹ trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng. Sự hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết nhất mà các con có thể nhận được trong giai đoạn “ẩm ương” này chỉ có thể đến từ phía cha mẹ mà thôi.

Đầu tiên, cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà chúng đang trải qua là những điều vô-cùng-bình-thường. Sau đó, đừng đợi con trẻ sẽ chủ động bày tỏ mọi việc cùng bạn. Ngược lại, các bậc phụ huynh hãy khơi gợi, đặt câu hỏi và đưa ra những hỗ trợ kịp thời cho con. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên dạy con cách thiết lập một lòng tự trọng lành mạnh. Hãy cho con biết rằng khóc không có gì là xấu và con sẽ không phải là một người yếu đuối khi bày tỏ ra nỗi lòng của mình. Con trẻ sẽ không còn phải nổi loạn để thu hút sự chú ý từ ai nữa, khi đã có những chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất đang ở đây.

Để tuổi dậy thì của trẻ không còn là giai đoạn ẩm ương

Để nuôi dưỡng lòng tự trọng của con trẻ một cách tích cực, cha mẹ cần khuyến khích con đề cao các giá trị và bản sắc riêng thuộc về mình với tư cách là một cá nhân độc lập. Xây dựng một lòng tự trọng lành mạnh sẽ tạo ra sự khác biệt trong lối suy nghĩ và không khiến trẻ cảm thấy bị cô lập hay lạc loài so với bạn bè đồng trang lứa. Những điều này rất có ý nghĩa trong quá trình trưởng thành của con trong việc vượt qua những thử thách gian khó. Một đứa trẻ cảm thấy hài lòng và yêu quý bản thân sẽ có khả năng đưa ra những quyết định tích cực, sáng suốt hơn trong cuộc sống. Là cha mẹ, bạn phải giúp con trẻ biết rằng làm hài lòng người khác, đôi khi sẽ khiến bản thân mình thất vọng. Vì vậy, con không cần là một bản sao của ai để có thể hòa nhập và “được” chấp nhận.

“Là cha mẹ, hãy giúp trẻ hiểu rằng con không cần là một bản sao của ai để có thể hòa nhập và “được” chấp nhận.”

Trong độ tuổi dậy thì, thanh thiếu niên thường sẽ đặt lý lẽ của các bậc phụ huynh sang một bên và hành động theo bản năng của mình. Là cha mẹ, thật dễ dàng để ép buộc con phải tuân theo nhất nhất mọi lý lẽ của mình. Nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu bạn trao cho con sự tự do, dân chủ trong khuôn khổ, để con tự đưa ra quyết định và nhìn nhận đúng đắn về bản thân mình. Những năm tháng dậy thì sẽ không còn là nỗi khó khăn khi những đứa trẻ luôn có cha mẹ hay những người thân yêu là hậu phương vững chắc, cùng con đi qua từng cột mốc quan trọng trên đường đời.

Giúp con tự tin hơn với những biến chuyển tuổi dậy thì:

1. Hãy dạy con rằng vẻ đẹp nào cũng đáng được trân trọng

2. Đừng chê bai những khuyết điểm của con

3. Dạy con cách tôn trọng sự khác biệt của mỗi người

4. Đặt bản thân mình vào con để thấu hiểu

5. Ủng hộ con thể hiện bản thân trong khuôn khổ nhất định

6. Không dùng “quyền cha mẹ” để áp đặt con

Điều chỉnh phong cách làm cha mẹ:

Trong giai đoạn dậy thì của trẻ, cha mẹ hãy đóng vai là những người bạn thật sự của con, thay vì sử dụng “quyền cha mẹ” để bắt ép con nghe theo ý mình.

  • Cố gắng giữ bình tĩnh khi một cuộc tranh cãi sắp diễn ra. Con trẻ sẽ học được cách điều chỉnh cảm xúc thông qua tấm gương là cha mẹ của chúng.
  • Ủng hộ con trẻ thể hiện bản thân theo khuôn khổ cho phép. Dù con có một số điều có vẻ kỳ quặc đối với bạn, chẳng hạn như: cắt phăng mái tóc dài hay diện quần áo bụi bặm, bạn cũng nên cho con thấy bạn sẵn sàng ủng hộ con nếu điều đó nằm trong giới hạn.
  • Quan tâm con trong chừng mực. Dù bận rộn đến đâu, cha mẹ phải luôn biết rằng con đang giao du với ai và sẽ đi đâu vào mỗi cuối tuần.
  • Đối xử với con như một người trưởng thành. Hãy để con đảm nhận các trách nhiệm liên quan đến bản thân và tự đưa ra quyết định trong một số vấn đề cá nhân.
  • Hào phóng những lời khen ngợi. Trong giai đoạn này, các con thường thiếu tự tin và có xu hướng so sánh mình với bạn bè cùng lứa. Hãy giúp con nhận ra những giá trị tốt đẹp và tự hào về chính mình.
  • Trò chuyện và tạo dựng mối quan hệ tốt với cha mẹ của bạn thân con. Điều này sẽ giúp hai bên cha mẹ có thể nắm vững được tình trạng hiện tại của những đứa trẻ. 

Text: An Mi

Bài viết được đăng trên số 141 của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment