Dạy con tự chủ • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Dạy con tự chủ

Sẽ không gì ý nghĩa hơn khi hành trang khôn lớn của con trẻ được các bậc phụ huynh xây dựng bằng chính tư duy tự chủ của chúng. Bởi theo chuyên gia giáo dục Adam Khoo, tư duy quyết định 70% mức độ thành công của mỗi người, 30% còn lại phụ thuộc vào kĩ năng. Nếu không có sự định hình tốt về tư duy, kĩ năng cũng không phát huy tác dụng.

 Dành thời gian cho con không bao giờ là lãng phí. Cũng đừng vội nản mà ép trẻ theo hướng suy nghĩ của mình. Con trẻ cần sự khuyến khích chứ không phải áp đặt. Dù đồng ý hay không đồng ý, cha mẹ hãy cứ đóng vai trò là người hướng dẫn, khuyến khích trẻ đào sâu tư duy, kiên nhẫn giải thích cho trẻ hiểu và dẫn dắt trẻ. Những câu nhận xét kiểu con sai rồi, làm thế là không đúng, rất có thể sẽ khiến những đứa con của bạn trẻ nên nhút nhát, tự ti và ngại thể hiện quan điểm của mình. shutterstock_145816229_supersize_resize

Đặt câu hỏi

Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng, muốn trẻ tư duy nhanh hãy đặt cho chúng thật nhiều câu hỏi. Tất nhiên, các câu hỏi phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Những câu hỏi mở kiểu như tại sao, làm thế nào, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo… sẽ phát huy năng lực sáng tạo của trẻ. Cũng giống như người lớn, não của trẻ sẽ tự động tư duy khi nhận câu hỏi. Quá trình tìm câu trả lời cũng chính là quá trình tư duy sáng tạo của trẻ. Với con trẻ, đừng vội đánh giá câu trả lời, bởi quan trọng là quá trình trẻ tư duy chứ không phải là câu trả lời đúng hay sai. Đôi khi câu trả lời của trẻ chưa hẳn là sai mà có thể đó là một cách tư duy mới của con trẻ thì sao. Hãy nhớ, đừng bao giờ phủ nhận ngay câu trả lời của trẻ. Hãy đặt nhiều câu hỏi cho trẻ để tư duy của trẻ phát triển tốt hơn. Cũng không ít nhà sư phạm khuyên rằng, nếu muốn trẻ sớm hình thành tư duy logic, hãy đặt những câu hỏi logic cho trẻ.

Sự “chất vấn” của cha mẹ cũng chính là cách để luyện cho trẻ biết cách bảo vệ quan điểm cá nhân đồng thời hình thành tư duy phản biện. Nên nhớ, kĩ năng này sẽ theo trẻ suốt cuộc đời. Trẻ càng có tư duy phản biện tốt càng chứng tỏ, trẻ đã chủ động trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin. Điều này cũng giúp trẻ chủ động giải quyết những khó khăn mà chúng gặp phải khi còn nhỏ cũng như khi đã trưởng thành.age_that_kids_can_brush_their_teeth_on_their_own_resize

Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây!

Ý thức tự chịu trách nhiệm

Sở dĩ phương pháp Montessori được các nhà sư phạm khuyến khích áp dụng cho trẻ bởi, với phương pháp này, trẻ sẽ tự đưa ra các “bộ luật” cho riêng mình. Vậy tại sao, cha mẹ không áp dụng “chiêu” này vào dạy dỗ trẻ. Trước bất cứ một vấn đề nào, hãy cùng ngồi xuống thảo luận với con trẻ, để chúng tự đưa ra những mong muốn, kì vọng. Còn các bậc phụ huynh, hãy cùng xây dựng với trẻ. Việc này giúp trẻ tự đưa ra các nguyên tắc cho chính mình đồng thời rèn ý thức tự chịu trách nhiệm của mình.

Ví dụ, hãy để trẻ tự sắp xếp đồ khi đi du lịch. Hãy gợi ý và cùng trẻ liệt kê những thứ cần biết cho chuyến đi. Chúng có thể sẽ không được bơi vì quên mang áo bơi. Nhưng nhờ đó, trẻ hiểu được rằng, đấy là thiếu sót của mình và mình phải chịu trách nhiệm vì điều đó. Hay đầu năm học mới chẳng hạn, hãy để trẻ tự chọn chiếc balo chúng thích và cha mẹ đóng vai trò là người đi trước, chỉ cho trẻ những ưu, nhược điểm của chiếc balo đó. Nếu trẻ vẫn nhất quyết mua nó, hãy để trẻ học bài học trách nhiệm từ những việc thực tế như vậy.

Mắng con cũng cần nghệ thuật

Một cuộc nghiên cứu do Đại học Columbia (Mỹ) tiến hành cho thấy, trẻ bị chỉ trích có tâm trạng tiêu cực và kém kiên trì hơn, chúng thường nhìn nhận sai năng lực của mình. Trong khi đó, trẻ được khuyến khích có thái độ lạc quan và dễ dàng thiết lập các mối quan hệ hơn. Thế nên, mắng con cũng đòi hỏi nghệ thuật và khả năng kìm chế của các bậc phụ huynh. Thay vì nóng giận, quát mắng trẻ, hãy bình tĩnh tìm đến cách tiếp cận tích cực. Đừng mang sự tiêu cực vào tâm hồn trẻ thơ, cũng đừng mắng trẻ những câu kiểu như “Mẹ/Bố thất vọng về con”; “Đó không phải là cách làm đúng”… mà hãy hướng đến suy nghĩ tích cực hơn như: “Con hãy thử làm khác xem nào”, “Chắc còn cách khác hay hơn, con có muốn thử không?”…  Sự bình tĩnh cũng sẽ khiến tâm trạng của bạn và con trẻ dễ thở hơn rất nhiều.

Dạy dỗ trẻ đương nhiên rất cần những hình phạt và sự nghiêm khắc. Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý, phạt là để trẻ suy nghĩ và nhìn nhận sai phạm của chúng. Hãy thảo luận và trao quyền nhận hình phạt cho trẻ.

shutterstock_232263487_resize

Adam Khoo: “Tư duy quyết định 70% mức độ thành công của mỗi người, 30% còn lại phụ thuộc vào kĩ năng. Nếu không có sự định hình tốt về tư duy, kĩ năng cũng không phát huy tác dụng

Dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi cũng rất cần thiết. Nên nhớ rằng, một khi trẻ chủ động cảm ơn và xin lỗi, trẻ sẽ tránh khỏi mặc cảm, tự ti và luôn tạo cho người khác cảm giác cảm thông vì thái độ chân thành, từ đó mà trẻ sẽ nhận được thiện cảm và sự hỗ trợ từ người khác nhiều hơn.

Khuyến khích nhiều hơn

Ngay cả với người lớn, sự khuyến khích cũng khiến người ta tích cực hơn. Trẻ con vốn giàu năng lượng và càng khuyến khích, nguồn năng lượng đó càng được phát huy. Hãy hướng con trẻ đến những việc chúng hứng thú. Trẻ càng tiếp cận với nhiều việc, chúng càng học hỏi được nhiều điều. Và quan trọng hơn cả, điều này sẽ rèn tính chủ động cho trẻ, giúp trẻ dễ thích nghi và có thể tự xử lý, tự đương đầu với những tình huống bất ngờ. Một khi trẻ chủ động cũng đồng nghĩa với kích thích sự sáng tạo, linh hoạt, lạc quan và yêu đời.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng hay khuyến khích trẻ tham gia vào những công việc không thuộc sở trường của trẻ như dọn bàn ăn chẳng hạn. Trẻ thường hậu đậu nhưng nếu bạn hướng dẫn con tỉ mỉ, gợi hứng thú, sự khéo léo của trẻ sẽ cải thiện trông thấy. Với trẻ nhút nhát, hãy tích cực đưa trẻ đến nơi đông người như công viên, sở thú, khuyến khích trẻ làm quen với nhau. Trẻ sẽ mạnh dạn hơn hẳn.shutterstock_240432691_resize

Con trẻ sẽ ảnh hưởng từ cha mẹ cả suy nghĩ tích cực lẫn tiêu cực. Một đứa trẻ chủ động sẽ luôn biết cách tạo niềm vui, hứng thú cho mình và ngược lại. Thái độ sống rất quan trọng, nên thay vì lo kiếm tiền để con học trường này, trường kia hãy trang bị cho trẻ một thái độ sống tích cực, chủ động để không gì có thể cản trẻ tiến lên phía trước.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment