Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, Bùi Trân Phượng: Tôi chỉ có chữ “thiệt” - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, Bùi Trân Phượng: Tôi chỉ có chữ “thiệt”

Chữ “thật” được người Nam Bộ nói thành “thiệt” và đó cũng là phương châm sống, làm việc và cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đổi mới giáo dục của cô Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen Tp. HCM. Tuy nhiên, hầu hết người thân, bạn bè và rất nhiều đồng nghiệp tin rằng cô không chỉ “sống thiệt” mà còn chịu nhiều “thiệt thòi” bởi trót yêu nghề.

Đó là một cuộc gặp vỏn vẹn chỉ hai giờ đồng hồ nhưng đong đầy cảm xúc và rất nhiều giá trị đã được chia sẻ.

“Để có bước tiến dài từ một trường Cao đẳng nghiệp vụ CNTT trở thành Đại học Hoa Sen như ngày nay, công không thuộc về cá nhân tôi!”

“Thành thật mà nói, tôi không nghĩ công trạng đưa cả đội ngũ Hoa Sen tiến một bước dài có tính lịch sử là của cá nhân mình. Tôi từng là giảng viên thành công và là nhà quản lý hiệu quả, nhiệt tình trên cương vị trưởng bộ môn Lịch sử trường ĐH Sư Phạm Tp. HCM trong nhiều năm, tuy nhiên tạo nên một bước chuyển biến lớn như vậy thì tôi chưa hề làm được trước khi về Hoa Sen”, cô Bùi Trân Phượng – nữ lãnh đạo “thép” trong mắt nhiều người chia sẻ.

bui tran phuong 1

Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây!

Theo cô, Hoa Sen đạt được bước tiến dài xuất phát từ nhiều nguyên nhân và quan trọng nhất là định hướng đúng từ những ngày đầu của người sáng lập – Tiến sĩ CNTT Trần Hà Nam. Thầy là một trong những người đầu tiên có ý tưởng mang một phần lợi nhuận của công ty SCITEC (do thầy thành lập và làm Giám đốc) để đầu tư bất vụ lợi cho giáo dục. Ý tưởng đó được cụ thể hóa bằng việc ra mắt trường  Nghiệp vụ Tin học và Quản lý Hoa Sen năm 1991 để đáp ứng nhu cầu mở cửa hội nhập của đất nước trong buổi đầu đổi mới với sự bảo trợ về chính trị, tinh thần của UBND thành phố lúc bấy giờ.

Thế nên: “Tôi chỉ là người kế thừa và thực hiện ý tưởng của những người đã xác lập tư tưởng nền móng cho trường Hoa Sen. Tôi cho rằng, nếu không có sự đầu tư bất vụ lợi của người sáng lập và cũng là một doanh nhân hay sự tài trợ của SCITEC thì không có trường Hoa Sen. Đó là một sự kiện có thật trong lịch sử, tuy nhiên tiếc là chưa được xã hội ghi nhận xứng đáng. Mặc dù vậy, cá nhân tôi cũng như đội ngũ Hoa Sen đều biết ơn và luôn tuân thủ những định hướng đúng đắn đó gồm: Đầu tư bất vụ lợi cho giáo dục nghĩa là không chạy theo lợi nhuận và đáp ứng thị hiếu; Đào tạo theo nhu cầu xã hội chứ không cung cấp kiến thức nhà giáo sẵn có (vốn là cách làm phổ biến từ ngàn xưa) nghĩa là đào tạo dựa trên nhu cầu căn cơ, thực tế của xã hội chứ không chạy theo thị hiếu nhất thời. Thị hiếu là cái người ta đang thích học, muốn học và thèm học chứ chưa chắc phải là điều cần học. Xã hội chỉ phát triển lành mạnh và bền vững khi mỗi cá nhân phát triển lành mạnh thay vì đua đòi theo thời thượng.

Nếu nói rằng tôi có đóng góp gì đó thì chính là đã kiên định theo đuổi đường lối, tin tưởng đó là đường lối đúng và chia sẻ nó đồng thời hết lòng học hỏi và trung thành với nhiệm vụ. Tôi đã cùng đội ngũ phát triển đường lối vào thực tế mà không bẻ ngoặt nó nhân danh phát triển”.

Ngoài đường lối đúng đắn, kim chỉ nam luôn được cô và đội ngũ Hoa Sen theo đuổi chính là sức mạnh của khoa học công nghệ, kỹ thuật. Do vậy: “Đội ngũ giảng viên phải tự nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu và giúp thế hệ trẻ nắm vững khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, không thể không hội nhập, chấp nhận luật chơi chung của thế giới và lấy đó làm thước đo song song với bảo vệ văn hóa, độc lập chủ quyền dân tộc. Các trường Đại học cũng không thể là ốc đảo mà phải chuẩn bị cho người học ra đời có thể là một công dân trưởng thành, một người lao động có khả năng đáp ứng nhu cầu công việc. Muốn vậy, phải có sự gắn bó thực tế với các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội trong nước và quốc tế, liên kết mật thiết với họ để cùng tham gia sự nghiệp giáo dục của mình”, cô Phượng chia sẻ.

 bui tran phuong 2

“Tư tưởng của nhà kinh doanh, nhà giáo dục và nhà đổi mới phải gặp nhau thì lợi ích cao nhất mới luôn đảm bảo thuộc về  những người thụ hưởng kết quả hoạt động của mình.”

Trong cuộc sống, những vấn đề tưởng chừng như đầy mâu thuẫn vẫn luôn có cách để chúng gặp nhau. Với cô, tất cả đều nằm ở yếu tố con người nên dù là nhà giáo, nhà kinh doanh hay nhà đổi mới thì họ cũng phải là một con người chính trực, ngay thẳng và lương thiện với chính bản thân mình. Khi đã cam kết điều gì với xã hội, phải thực hiện đúng. Không ai có thể dự phóng 100% sự thực sẽ xảy ra, tuy nhiên nếu đã cam kết giá trị nào, hãy luôn luôn trung thành tuân thủ những giá trị đó. Khi đó, không những giữ được cái cũ mà còn có cái nhìn sắc sảo hơn và làm cái mới tốt hơn dựa trên những nền tảng đã có.

Cô cho biết: “Ở nhà giáo dục, kinh doanh hay đổi mới sẽ có những điểm rất khác nhau những cũng nhiều điểm tương đồng. Người làm giáo dục mưu cầu lợi ích giáo dục, người làm kinh doanh mưu cầu lợi ích kinh doanh và nhà đổi mới thì mong muốn sự đổi mới của mình thành công, mỗi người theo đuổi một mục tiêu khác nhau nhưng tôi luôn tin rằng, người ta trên đường dài chỉ có thể thành công một cách bền vững khi tối thiểu đó là người chính trực với chính mình và những gì mình làm.

Nhiều người tin rằng thương trường là chiến trường, nhưng tôi nghĩ dù là chiến trường cũng phải chính trực, ngay thẳng, không chiêu trò… tức là tuân thủ những giá trị đã cam kết. Vậy làm sao để ba nhà ấy gặp nhau, xin thưa là không dễ nhưng không phải là không thể. Chẳng hạn, nhiều người nói, sở dĩ giáo dục hỗn loạn là bởi người có tiền không biết làm giáo dục và ngược lại. Tôi cho đó là đánh giá không công bằng, bởi rất nhiều trường tư thục đang làm ra tiền để làm giáo dục. Vấn đề là làm ra tiền một cách ngay thẳng, xem tiền là phương tiện, là nguồn lực để phục vụ mục đích giáo dục  chứ không phải coi lợi nhuận là mục tiêu, là cứu cánh. Những doanh nhân biết làm ra tiền và  tài trợ một phần lợi nhuận từ kinh doanh cho giáo dục dù còn là thiểu số, nhưng những điều tốt đẹp ở đời, những thứ có giá trị lâu dài âu cũng thường bắt đầu từ thiểu số. Thực tế, Hoa Sen đã nhận được đóng góp và ủng hộ từ các doanh nghiệp, kể cả bằng tiền và nhiều phương thức khác. Nghĩa là, kinh doanh và giáo dục vẫn sẽ gặp nhau dựa trên một số mục tiêu chung. Khi giáo dục giúp mang đến nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu và  phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ . Hay như sự xung đột có thể có giữa giáo dục và đổi mới. Nhiệm vụ của giáo dục chính là lưu giữ và truyền bá những kiến thức được tích lũy theo thời gian, nhưng đồng thời cũng là sản sinh tri thức mới , nên cả giáo dục và đổi mới chắc chắn phải “gặp nhau”. Giáo dục chính là làm thay đổi con người để phát triển, làm cho xã hội tốt đẹp hơn và ngược lại, phải có sự đổi mới thì mới thúc đẩy con người và giáo dục phát triển. Giáo dục mà không đổi mới chính là đánh mất một phần ý nghĩa tự thân của nó.   bui tran phuong 3

Những doanh nhân biết làm ra tiền và  tài trợ cho giáo dục dù còn là thiểu số, nhưng những điều tốt đẹp ở đời, những thứ có giá trị lâu dài âu cũng thường bắt đầu từ thiểu số

Vậy nên, tôi tin rằng giữa giáo dục, kinh doanh và đổi mới luôn tồn tại những mục tiêu chung và hoàn toàn có thể gặp nhau dù không hoàn toàn trùng khớp. Và, điều làm nên thành công của Hoa Sen chính là biết kết hợp và giữ được tính tiên phong trong những sự phối hợp cần thiết”.

“Người lãnh đạo không phải là người đứng trên đỉnh kim tự tháp mà phải là người đứng đầu sóng ngọn gió, đứng mũi chịu sào.”

“Nhiều người từng đặt câu hỏi, điều gì làm nên văn hóa và sức thu hút mạnh mẽ của Hoa Sen dù học phí luôn thuộc hàng cao. Câu trả lời chỉ gói gọn trong một chữ thực chất – nói thiệt làm thiệt, nói sao làm vậy. Chúng tôi vừa trải qua những sóng gió lớn và nếu không có sự “thực chất” đó, không có sự tin tưởng lẫn nhau và tin vào đường lối đã chọn làm nên nội lực vững mạnh, có lẽ chúng tôi không vượt qua được”. Để có thể có được cái thực chất đó, trong suốt hơn 20 năm gắn bó với trường, ở cương vị người quản lý cao nhất cô Bùi Trân Phượng đã phải tự học , trải nghiệm nhiều cung bậc khác nhau cho sự nghiệp quản lý, xây dựng đội ngũ.

Theo cô: “Việc xây dựng đội ngũ là một trong những yếu tố then chốt và nó cũng cho thấy lòng thành của người lãnh đạo. Người quản lý là người tập hợp đội ngũ chứ không phải là người ra lệnh hay đứng trên đỉnh kim tự tháp. Họ phải là người đứng đầu sóng ngọn gió, đứng mũi chịu sào nhất là trong hoàn cảnh khó khăn. Nói như vậy nghĩa là, Ban Giám hiệu  đóng vai trò tập hợp những trưởng khoa, trưởng bộ môn hay các giảng viên giỏi còn chính họ phải có cách tập hợp và giữ chân giảng viên, nhân viên giỏi của mình.  Cấp quản lý là ngườitạo điều kiện thuận lợi, bồi dưỡng năng lực và truyền cảm hứng cho các cá nhân trong nhóm phát huy điểm mạnh nhất, năng suất cao nhất để phục vụ sinh viên đồng thời luôn  nhiệt tình, hăng hái,  tận tâm trong công việc”.

 Về cá nhân mình, cô chỉ nói đơn giản: “Nhiều người bảo tôi có thần kinh thép, thực ra tôi chỉ là một người phụ nữ với tất cả những cung bậc tình cảm thông thường. Tôi có gia đình và từng khổ tâm khi những tháng cuối cùng của chồng mình bên giường bệnh, tôi không thể dành nhiều thời gian hơn cho anh ấy, cũng vì những bão táp trong trường. Tôi cũng biết đau lòng, xót thương và cảm thấy bất công cho người thân của mình bởi tôi hiểu cảm nhận của họ, của các con khi chứng kiến  người ta cố tình vùi dập danh dự của người mẹ   mà nó biết rõ là người lương thiện, chính trực. Sở dĩ tôi bình tâm vượt qua sóng gió là nhờ tôi luôn tin rằng tôi đã sống “thiệt” và nhiều người xung quanh tôi tin rằng tôi sống “thiệt”. Gần đây, khi học thiền tôi đã khám phá ra rằng bản thân luôn giữ được sự kết nối với chính mình. Dù trong cuộc sống gia đình, công việc hay những trách nhiệm đang gánh vác, tôi không bao giờ quên mình là ai, trong tôi có những giá trị nào, tôi tin vào điều gì, tôi vì ai, vì cái gì mà sống… và vì vậy tôi sống an nhiên, đó cũng là  hạnh phúc”.bui tran phuong 4

For english version, please click here!

Theo dòng cảm xúc, cô chia sẻ thêm: “Cuộc sống không chỉ có quả ngọt nhưng không vì vậy mà tôi cho rằng sự nghiệp giáo dục đã phụ mình. Tôi sung sướng cảm nhận những thành quả đẹp mà mình đã cùng đồng nghiệp, sinh viên tạo nên. Tôi thừa nhận có những lúc mệt mỏi, nản lòng, thất vọng và muốn buông. Tuy nhiên, những lúc như thế, nhìn lại quanh mình tôi thấy nhiều người còn trải qua thử thách nghiệt ngã hơn nhưng vẫn vượt qua được. Mặt khác, tôi may mắn vì luôn nhận được sự động viên kịp thời và ý nghĩa. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên, cựu sinh viên đã tiếp sức cho tôi mà đôi khi chính họ còn chưa hiểu hết giá trị của sự tiếp sức đó”.

Text: T. XUÂN – Creative Director: HIEPLEDUC – Photo: VINH VLK – Make up: BEO
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Có thể bạn quan tâm:

CEO, Công ty Maison, Phạm Thị Mai Son: Bản năng trời phú

Nữ sinh tuổi 17 nhận “mưa” học bổng từ 12 trường ĐH tốt nhất thế giới

Cuộc thi “Tài năng kinh tế đối ngoại” lần 8 cho sinh viên

 

Comment