Giới hạn của... bênh con • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Giới hạn của… bênh con

Thời đại nào cũng vậy, cha mẹ có xu hướng yêu thương, che chở, bênh vực con cái như một lẽ tự nhiên. Nhưng nếu không đủ sáng suốt, biết kiềm chế, thì từ việc bênh con như một cách bảo vệ lẽ phải, có thể bạn sẽ gây ra nhiều hậu quả cho chính con mình­­

Để giúp con đối phó với những hiểm nguy của thế giới hiện đại bên ngoài, nhiều ông bố, bà mẹ đã tìm đủ mọi cách can thiệp sâu vào đời sống riêng tư của con cái, che chở, bảo bọc con như nâng niu một quả trứng mỏng. Cha mẹ chăm sóc, bảo vệ con cái là chuyện thường tình, là lẽ tự nhiên, thuộc về thiên chức, bản năng của con người. Nói đến bản năng, không chỉ có xã hội loài người, thế giới loài vật cũng có tình cảm mẹ con, giống loài; cũng có mâu thuẫn và tự vệ, bênh vực… Tuy nhiên, có lẽ chỉ loài người mới có sự cư xử thiên vị, thái quá trong việc bênh vực con, dẫn tới nhiều hệ quả không được mong đợi.

NDN_Gioi han cua benh con_1

Để đạt được trạng thái bênh con tích cực, đòi hỏi người làm cha mẹ phải có cái nhìn khách quan, dám thẳng thắn đối diện với sự thật và phải hết sức công bằng.

Thế nào là bênh con tích cực?

Xét về mặt bản chất, bênh con là lẽ thường của đạo lý làm cha mẹ. Tuy nhiên, bênh con chỉ đúng khi nó đồng nghĩa với việc bạn đang bảo vệ lẽ phải. Đó là trạng thái thứ nhất, bênh con tích cực. Bạn sẽ bênh vực con lúc con bạn bị xử trí không công bằng (các “thế lực đối nghịch” rất đa dạng và mang tính tương đối); bạn ra mặt bênh vực nhằm mục đích đem lại công lý, lẽ phải cho đứa trẻ. Và tất nhiên, bênh con lúc này được coi là đúng đắn và đáng trân trọng. Khi đó, trong mắt đứa trẻ, bạn không chỉ là một ông bố, bà mẹ hết lòng vì con cái mà còn là một người hùng, một người đại diện cho công bằng, lẽ phải mà chúng vô cùng yêu quý và tin cậy. Khỏi phải nói điều đó có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng đối với bọn trẻ và sự phát triển nhân cách của chúng đến thế nào.

Để đạt được trạng thái bênh con tích cực, đòi hỏi người làm cha mẹ phải có cái nhìn khách quan, dám thẳng thắn đối diện với sự thật và phải hết sức công bằng. Xét theo góc độ đó, một người bố hay người mẹ có bản lĩnh và kinh nghiệm phải nhận ra được chỗ đúng, chỗ sai của con mình để bênh con một cách hợp lý. Như trường hợp sau: Một em học sinh cấp một đem bài văn bị điểm kém về cho mẹ xem. Người mẹ cũng làm nghề giáo đã xem xét tỉ mỉ bài văn, nhận thấy con mình không xứng đáng bị điểm kém như thế liền đòi hỏi cô giáo giải thích. Cô giáo không trả lời được với lý do bài được chấm chéo bởi giáo viên khác. Người mẹ quyết tâm tìm câu trả lời bằng cách đưa sự việc lên ban giám hiệu. Cuối cùng, nhờ sự “đấu tranh” bênh vực con hợp lý, hợp tình của người mẹ, sự thật được làm rõ, bài văn bị điểm yếu do không viết theo gợi ý của cô giáo; sau đó bài văn đã nhận điểm trên trung bình như nó xứng đáng.

Chuyện bênh con thật muôn hình vạn trạng, nếu nó xuất phát từ việc đi tìm cái đúng, công lý thì rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng đạt được mục đích chính đáng ấy. Ví dụ trường hợp của cầu thủ David Beckham. Trong vai trò một người cha đang xem con mình thi đấu bóng đá, anh đã phản đối quyết định của trọng tài đuổi cậu bé cầu thủ nhí – con anh ra sân vì một lỗi nhỏ. Song chính anh lại bị phạt một thẻ đỏ vì đã phản đối quyết định của trọng tài. Về quy tắc chúng ta không bàn, song rõ ràng mục đích bênh con chính đáng của Beckham đã không đạt kết quả.         

Lưu ý rằng trạng thái bênh con tích cực còn bao hàm cả việc không bênh con khi con sai. Điều đó có nghĩa chúng ta phải cực kỳ tỉnh táo và nghiêm khắc với chính bản thân mình. Đạt được điều đó, chúng ta sẽ trở thành những ông bố, bà mẹ “thông thái”, biết lúc nào nên bênh, lúc nào không nên bênh con.

————————

“Nếu bạn là một ông bố hay bà mẹ thường xuyên bênh vực con trước sự dạy dỗ nghiêm khắc của vợ hay chồng mình, bạn cũng có thể đồng thời là người thích véo tai, quát nạt, trừng trị thích đáng một đứa trẻ khác vì nó làm con bạn khóc, và gây hấn với những phụ huynh khác nếu bạn không đồng ý rằng con bạn lấy cắp đồ, hoặc bắt nạt bạn bè”

————————

Hậu quả của việc bênh con thái quá

Tuy vậy, trong chúng ta không phải ai cũng đủ sáng suốt để nhận ra chân lý khi tình yêu con đã lấn lướt tất cả. Ngược với trạng thái bênh con tích cực là trạng thái tiêu cực, nghĩa là bênh con bất chấp lý lẽ, dẫn đến những hành động thái quá, đôi khi gây nên hậu quả rất nghiêm trọng.

Gần đây, chúng ta thường đọc được những tin về chuyện phụ huynh bênh con thái quá, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ mầm non đến phổ thông, từ trong nhà ra ngoài ngõ, đến trường học, nơi công cộng… Đối tượng bị phản bác cũng đa dạng, chủ yếu là bạn cùng trang lứa ở trường học, anh chị em họ, hàng xóm, và cả người lớn, trong đó có chính những bậc sinh thành như ông bà, cha mẹ và thầy cô giáo… Nếu bạn là một ông bố hay bà mẹ thường xuyên bênh vực con trước sự dạy dỗ nghiêm khắc của vợ hay chồng mình, bạn cũng có thể đồng thời là người thích véo tai, quát nạt, trừng trị thích đáng một đứa trẻ khác vì nó làm con bạn khóc, và gây hấn với những phụ huynh khác nếu bạn không đồng ý rằng con bạn lấy cắp đồ, hoặc bắt nạt bạn bè… Nghiêm trọng hơn, bạn có thể cầm theo… vũ khí để đi đòi lại công bằng cho con bạn. Và như vậy, từ một chuyện cỏn con, bạn đã tự mình làm ầm ĩ lên, để rồi gây ra điều tệ hại và chuốc lấy những hậu quả phiền phức lẽ ra không nên có.

Mother having discussion with son

Trẻ em như búp trên cành, như tờ giấy trắng. Sự hình thành nhân cách của trẻ phụ thuộc phần lớn vào sự dạy dỗ, bảo ban của ông bà, cha mẹ.

Nếu thường xuyên ở trạng thái tiêu cực này, bạn đang rơi vào một căn bệnh trầm kha, khó chữa. Xem xét nguyên nhân của những “ca” này, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, ngoại trừ tình yêu con trẻ, những biểu hiện thái quá thường xuất phát từ vấn đề tâm lý, có thể trong quá khứ hoặc hiện tại, bản thân “con bệnh” từng bị hoặc được đối xử thiên vị, giờ đứng trước thực tế “cục cưng” của mình đang gặp rắc rối thì mình cũng phải xả thân bênh vực bất chấp lẽ phải, luật pháp. Trẻ em như búp trên cành, như tờ giấy trắng. Sự hình thành nhân cách của trẻ phụ thuộc phần lớn vào sự dạy dỗ, bảo ban của ông bà, cha mẹ. Do đó, những thói hư, tật xấu trẻ nhiễm phải phần lớn ảnh hưởng từ cách cư xử không đúng mực của người lớn. Những đứa trẻ được bênh vực sai tưởng rằng việc mình làm là đúng, vô hình trung đã tạo tiền lệ cho chúng sau này tiếp tục phạm sai lầm. Không thể nói trước chúng sẽ trở thành con người thế nào, ích kỷ, tự mãn, hung hăng, coi thường người khác hay ngược lại là băn khoăn, do dự, sợ hãi khi đối mặt với khó khăn, lẽ phải, công bằng… Tác hại của việc “bênh con” một cách tiêu cực là rất lớn, nó không chỉ làm tổn hại mối quan hệ xã hội của bạn và con bạn mà còn làm méo mó cách nhìn của con bạn trước thế giới, ảnh hưởng sự phát triển nhân cách của trẻ sau này.

Vậy, có nên “bênh con” không? Tùy bạn, nhưng cẩn thận, vì “bênh con” chính là một con dao hai lưỡi, hãy là một ông bố, bà mẹ thật sáng suốt trong mọi tình huống bênh con.

 Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

Khi con ước gì được nấy

Để trẻ tự “dàn xếp”

Comment