Nuôi dạy con: Đồng hành mùa thi để căn bệnh “thành tích” thôi lây nhiễm - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Nuôi dạy con chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt khi bạn luôn dành cho cô cậu những kỳ vọng to lớn. Vậy, nếu đứa trẻ của bạn không thể về nhất và giành lấy “chiếc cúp” trên đường đua học tập, thì tất cả những gì chúng cần là chiến thắng bản thân mình giữa những áp lực mùa thi… 

Cuối năm không chỉ là thời điểm bận rộn của người lớn, mà những đứa trẻ cũng trở nên áp lực hơn khi phải đối mặt với mùa thi cử quan trọng. Không có gì lạ khi phụ huynh sẽ khiển trách đứa con của mình vì chỉ đạt được điểm 8 môn Toán khi chúng có thể đạt điểm 10. Đó là một tình huống mà các thế hệ học sinh luôn cảm giác quen thuộc và thậm chí ám ảnh. Bạn có từng nghĩ rằng trong suốt quá trình nuôi dạy con, bạn đã tạo ra bao nhiêu áp lực cho con để đạt thành tích tốt trong học tập. Và sẽ thế nào nếu kết quả con nhận được trong kỳ thi không đáp ứng được kỳ vọng của bạn?

Có một điều mà các bậc làm ba mẹ cần ghi nhớ rằng, kết quả thi không phải lúc nào cũng là một đánh giá chính xác, đầy đủ hoặc đáng tin cậy về trí thông minh hay sự giỏi giang của con cái. Và ranh giới giữa giáo viên và phụ huynh sẽ tồn tại ở những khoảnh khắc này. Nếu giáo viên chỉ thường nhìn nhận điểm số là kết quả cuối cùng thì bạn cần phải nhìn xa và sâu hơn để tìm hiểu lý do xuất hiện của điểm số này là gì. Những bài kiểm tra cũng giống như cuộc sống muôn hình vạn trạng, chúng rất khác nhau và không thể đoán trước. Trong thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các kỳ thi có liên quan nhiều đến hiệu suất, sự ghi nhớ, quản lý thời gian và chiến lược hơn là kiến thức nội dung thực tế. Vì vậy, khi nhận được kết quả và đó không phải là một kết quả tốt, đừng vội phán xét và đổ lỗi cho con. Bởi vì hơn ai hết, con chính là người cảm thấy buồn bã và thất vọng về bản thân nhất.

Hãy nghe con giải thích (nếu chúng muốn), và động viên con rằng những điểm số thất vọng này sẽ không thể cản trở con trên con đường trở nên hoàn thiện hơn trong môi trường học tập. Lớp học cũng là nơi sự cạnh tranh tồn tại không chỉ ở các học sinh mà còn cả…phụ huynh. Và là cha mẹ – người gần gũi nhất nuôi dạy con mỗi ngày, bạn đừng để sự kỳ vọng quá cao của mình đè nặng lên đôi vai con và khiến chúng luôn cảm thấy sợ hãi khi đối diện với những số điểm. Điều trẻ em cần tiếp thu không chỉ là kiến thức, mà còn là cách chúng vượt qua những khó khăn và trở ngại một cách khẳng khái, không biết bỏ cuộc và dốc hết sức mình. Vì thế, bạn không chỉ cần nuôi dạy, giáo dục con trở thành một người tốt, mà còn phải truyền những năng lượng tích cực để giúp con cảm thấy tự tin hơn vào bản thân vì đã cố gắng hết sức dù kết quả thi của chúng như thế nào.Và bạn cũng nên lưu ý rằng, tư duy của trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi tính khí của chúng, chẳng hạn như khả năng chịu đựng sự thất vọng. Vì vậy, đối diện với điểm số sẽ có khả năng ảnh hưởng đến tính khí và thậm chí khiến chúng thay đổi nếu đối diện với những gì tiêu cực xuất hiện. Nên thách thức lớn nhất đối với các bậc cha mẹ khi nuôi dạy con trên bước đường khôn lớn là hỗ trợ con cái mà không khiến chúng cảm thấy sụp đổ và chán nản.

Có lẽ bạn cũng nhận ra rằng một trong những lý do khiến con cái xao nhãng việc học hành là vì bố mẹ quá bận rộn. Đôi khi, sự bận rộn của bạn khiến bạn nghĩ rằng điều đó là tốt nhất cho con bởi bạn đang lao động để đổi lại những gì tốt nhất cho thế hệ sau. Tuy nhiên, có những thời điểm, điều con cần nhất là một ánh nhìn động viên và sự hiện diện của bạn trong lúc chúng đang túng quẫn và hoang mang vì một kết quả thi tồi tệ. Vì vậy, cách an toàn nhất trong trường hợp này là để con bạn biết rằng luôn có con đường phía trước để chúng bước tới và trên con đường ấy con sẽ không phải độc bước một cách sợ hãi. Khi sự bình tĩnh được duy trì trong thời điểm này, con sẽ nhận ra rằng đó là một cơ hội đáng quý để tạm dừng, suy ngẫm và lên kế hoạch để làm tốt hơn.

Điều đáng nói là khi con bạn đang vật lộn với một điều tồi tệ, thì đừng tập trung vào kết quả sự tồi tệ đó, hãy tập trung vào những gì chúng có thể được từ nó. Con sẽ không bao giờ trở nên tốt hơn nếu chúng không nhận thức được những thiếu sót và chủ động thay đổi. Nhưng sự thay đổi này không chỉ là một lời nói suông, nó cần được hành động bằng việc rút kinh nghiệm và sự phản ánh. Phát triển và tăng trưởng là một quá trình có ý thức, vì vậy, hãy cùng con tìm ra điểm mấu chốt của những sai lầm và phác thảo một số giải pháp tích cực cho tất cả các kết quả có thể xảy ra. 

Cho dù con bạn đạt điểm số xuất sắc hay thất bại cũng không còn quan trọng nữa, bởi với kết quả nào thì con cũng đã được cung cấp một số bài học quý giá. Sau khi có kết quả, con sẽ thường có cảm giác lười biếng và cho phép bản thân buông xõa. Dĩ nhiên nghỉ ngơi là điều cần thiết, tuy nhiên hãy dành ra một chút thời gian để cùng con lấy lại động lực cho học kỳ tới. Nếu con trong độ tuổi tiểu học, hãy cùng con trả lời cho câu hỏi tại sao trường học lại quan trọng đến vậy? Nhận thức được đáp án sẽ cho phép con muốn làm tốt hơn trong các kỳ thi tiếp theo và thiết lập mục tiêu rõ ràng hơn. Điều quan trọng nhất con cần lúc này là thời gian để suy nghĩ về mọi thứ và những gì chúng muốn làm tiếp theo. Dù sau kết quả không được mong muốn đó có thể là nước mắt và sự tức giận, nhưng là người thân nhất của con, bạn hãy thừa nhận cảm xúc ấy và thậm chí dành một lời khen ngợi vì sự cố gắng mà con đã nỗ lực vượt qua.

Giao tiếp là một cách giải quyết hữu hiệu và hãy đặt mọi thứ vào viễn cảnh, ở đó việc thất bại trong một kỳ thi không phải là ngày tận thế và bố mẹ cũng có lúc phải đầu hàng hoặc thua cuộc vào lúc này hoặc lúc khác. Sự tích cực luôn là một cánh cửa để thoát ra khỏi những lo lắng. Và hãy giữ bình tĩnh, bởi phản ứng của bạn có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng của con và chỉ khiến chúng thêm cảm thấy bế tắc. La mắng chỉ làm mọi thứ thêm tệ nếu cảm xúc của con đang mất cân bằng và ổn định. Điều quan trọng nhất trong nuôi dưỡng và dạy dỗ con trẻ lúc này là chấp thuận và giúp con nuôi nguồn động lực trong một không khí tươi sáng, tích cực để con sớm quên đi những thất bại và đứng dậy với những hứa hẹn mới.

***

Không so sánh: Hãy nghĩ về cảm giác của bạn nếu con bạn so sánh bạn với cha mẹ của những người bạn có thể thông minh, giàu có và công việc tốt hơn. Tương tự như vậy, đừng đưa bất kỳ cán cân nào bởi sự so sánh sẽ làm cho chúng cảm thấy vô giá trị và không được công nhận.

Đặt kỳ vọng hợp lý: Đừng xem nhẹ việc đặt mục tiêu hợp lý với những gì con bạn có thể đạt được trong quá trình nuôi dạy con trẻ. Không phải mọi đứa trẻ đều sẽ sở hữu điểm số hoàn hảo trong suốt chặng đường học tập hay sẽ trở thành một bác sĩ hay luật sư. Mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất với những năng khiếu và khả năng lĩnh hội riêng. Và phụ huynh cần nhận ra sự khác biệt giữa việc thất bại vì không cố gắng, thay vì thất bại do con không phải là người nổi bật nhất trong một lĩnh vực nào đó.

Để con nghỉ ngơi: Thời gian học tập dày đặc đôi khi sẽ tạo ra tác dụng ngược. Đảm bảo con bạn được nghỉ ngơi tốt trước và sau kỳ thi. Để bộ não của con được hoạt động với công suất tốt nhất, hãy giúp con phát triển thói quen học tập và nghỉ ngơi điều độ để duy trì sự cân bằng. Điều này thực sự sẽ là điều quý giá nếu con gìn giữ được đến khi trưởng thành.

Khám phá điểm mạnh, nhìn nhận điểm yếu: Hai đứa trẻ sẽ có hai cách tiếp thu khác nhau, và bạn cần tìm hiểu xem đâu là phương pháp phù hợp có khả năng giúp con phát huy sở trường và trí óc một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, hãy giúp con xác định những lĩnh vực chúng gặp khó khăn và điều chỉnh thời gian học tập trung vào những vấn đề đó. Những kỹ năng này không chỉ dạy trẻ biết chủ động làm bài tập về nhà mà còn phát triển trách nhiệm, tầm nhìn xa và sự cống hiến.

 

Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Illustrations: Manoj Dalvadi, Lana Marandina, Olga Semkło

Độc giả đang đọc bài viết “#Nuôi dạy con: Đồng hành sau mùa thi để căn bệnh “thành tích” thôi lây nhiễm” tại chuyên mục Education của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!

Đọc thêm:

Nuôi dạy con: Làm thế nào để con trưởng thành tử tế và đầy khí chất?

Dạy con tự vệ: Hãy “bảo vệ” con bạn bằng cách để con tự “bảo vệ” mình!

Comment