Nuôi dạy con: Làm thế nào để con trưởng thành tử tế và đầy khí chất?

Nuôi dạy con: Làm thế nào để con trưởng thành tử tế và đầy khí chất?

Nếu sự “chạy đua” với thành tích của bé vẫn đang diễn ra khi mỗi mùa hè kết thúc thì vẫn còn đó những bậc phụ huynh “rẽ hướng” với khát khao mong con trở thành người tử tế và đầy khí chất. Và then chốt của sự tử tế đó không phải là những gạch đầu dòng của lý thuyết về nuôi dạy con mà là cách cha mẹ truyền tải thông điệp sống khí chất để con gặt hái yêu thương khi ngày một lớn lên…

“Khí chất” thoạt nghe qua tưởng chừng là một từ ngữ mang ít nhiều ý nghĩa trừu tượng nhưng thực chất nó lại được phân định bằng ranh giới rõ ràng. Đầu tiên, đó hoàn toàn không phải là sự cố gắng để chứng tỏ bản thân, hay giải quyết tình huống mang tính nhất thời nhằm thể hiện hay khoa trương. Mà đây là một giá trị đạo đức được tích lũy dựa trên việc biết giữ chữ tín, sở hữu trái tim độ lượng để luôn hướng thiện và lòng nhẫn nại để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm hạnh và thấu hiểu những giá trị sống cao quý. Song song đó còn là giá trị cốt lõi trong nhân cách mà không phải có thể dùng những quy tắc hay điều lệ là có thể thấm nhuần. Do đó, khi hiểu rõ những đặc trưng cơ bản này sẽ giúp cha mẹ lựa chọn cách giáo dục thích hợp để nuôi dạy con trưởng thành từ những bài học tự nhiên, thoải mái và kiên trì chờ đợi sự tiếp thu của trẻ qua từng năm tháng.

Điều ba mẹ cần làm…

Không phải là cố gắng trong cách “định nghĩa” bó buộc sự tiếp thu của trẻ hay tạo nên khuôn mẫu để trẻ sao chép nhằm tạo nên một lối sống nào đó. Mà khí chất sẽ được bộc lộ thông qua môi trường nơi bé được tự do lan tỏa tính cách thuần túy của mình để suy nghĩ, phán đoán và giải quyết tình huống. Từ đó, khi đã nắm rõ từng ưu khuyết điểm của bé, bạn sẽ có những phương án tối ưu nhằm giúp trẻ phát huy và khắc phục những thiếu sót. Những bài học thông qua tình huống thực tế bao giờ cũng giúp trẻ ghi nhớ lâu hơn, có những mường tượng rõ ràng nhất và góp phần hình thành nên tâm hồn cởi mở hơn trước mọi tình huống hay vấn đề xoay quanh cuộc sống.

Mọi người thường đánh giá sự khẳng khái, khí chất của con người xưa nay ở những đức tính tốt mà người đó sở hữu vẫn vẹn nguyên giá trị dù ở hoàn cảnh nào. Chính những phẩm chất quy tụ sẽ tạo dựng nên khí chất một con người từ đó giúp con trẻ vượt qua được những thách thức trong cuộc sống. Ươm mầm “khí chất” là hành trình tôi luyện nhân cách lâu dài nhưng quả ngọt “yêu thương” thu về là vô tận.

Trao đi tín nghĩa, nhận về tin yêu

Đối với con trẻ thì món đồ chơi chúng yêu thích sẽ là ưu tiên so với việc tiếp thu bài học ba mẹ cố gắng bảo ban. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh sẽ bỏ lỡ cơ hội giúp bé hiểu được tầm quan trọng của chữ tín nơi cuộc sống. Ngay từ lúc con bắt đầu có thể giao tiếp cùng bạn, hãy tạo lập thói quen hoàn thành những lời hứa dù là “ngẫu hứng” đúng thời điểm và nhất là khi bạn đã “đánh tiếng” với con. Thông qua những lần hoàn thành luôn là cơ hội hoàn hảo để bạn lí giải cho bé hiểu việc hoàn thành lời hứa giúp mọi người cảm thấy mình được tôn trọng, từ đó nhận lại sự yêu mến và tin tưởng từ mọi người. Bên cạnh đó, cùng con viết ra những điều ba mẹ hoặc con mong muốn sẽ hoàn thành vào những mảnh giấy màu sắc và cùng nhau ghi nhớ để thực hiện cũng là một ý tưởng hay ho để xây dựng thói quen giữ chữ tín. Theo thời gian, khi trẻ dần tạo lập ý thức cho lời hứa của mình thì đó cũng là lúc chúng đồng thời sở hữu phong cách sống khí chất từ việc tôn trọng tín nghĩa.

Đứng về phía kẻ yếu thay vì ngưỡng mộ kẻ mạnh 

Thiện lương được cho là luôn tồn tại trong tư chất của mỗi trẻ em, tuy nhiên nó vẫn phải không ngừng được củng cố và khắc ghi hàng ngày. Do đó ba mẹ hãy bắt đầu từ việc tạo lập ở trẻ tình yêu thương động vật thông qua tiếp xúc hoặc nếu có điều kiện nên trực tiếp nuôi dưỡng một số thú cưng như chó, mèo, chim, cá… Điều này tạo nên môi trường lý tưởng giúp trẻ được tiếp xúc và dần hình thành trái tim bao dung. Và khi trẻ dần cảm nhận được tình yêu dành cho “những người bạn nhỏ” cũng là thời điểm trẻ dễ dàng tiếp thu, đón nhận việc yêu thương những mảnh đời bất hạnh, người già, người khiếm thị, tàn tật… Bạn nên nhớ rằng, việc ngưỡng mộ những kẻ mạnh mẽ vẫn là sự thường tình của con người, nhưng đứa trẻ nhà bạn có sở hữu tâm hồn đẹp đẽ hay không sẽ nằm ở cách chúng biết cách chủ động đứng về phía những người thua thiệt. Bên cạnh đó, sự thiện lương ấy sẽ là hành trang giúp trẻ biết đặt mình vào vị trí của người khác, từ đó biết cảm thông trước khi oán trách hay giận hờn vô cớ.

“Ươm mầm “khí chất” là hành trình tôi luyện nhân cách lâu dài nhưng những quả ngọt “yêu thương” thu về lại là vô tận.”

Độ lượng để thấy mình lúc nào cũng giàu có

Độ lượng và tôn trọng người khác có thể nói là một trong những phẩm chất góp phần lớn vào hình thành “khí chất” của con người một cách rõ rệt nhất. Chính tấm lòng độ lượng song hành cùng thái độ tôn trọng sẽ giúp trẻ mang tâm lý thoải mái khi đón nhận sự khác biệt từ đó mở ra nhiều hơn cánh cửa mang tên cơ hội trong cuộc sống. Và một trong những phương pháp tốt nhất để truyền đạt bài học này luôn cần sự đồng hành nơi ba mẹ và những người thân. Do đó, khi ba mẹ thể hiện thái độ tôn trọng, cư xử lịch thiệp với mọi người cũng chính là gởi đến con trẻ thông điệp rõ ràng nhất về tấm lòng khoan dung độ lượng. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng đừng quên trẻ con không ngừng quan sát lắng nghe mọi diễn biến xung quan. Vì vậy trong nuôi dạy con, cha mẹ tuyệt đối không hạ thấp người khác bằng những từ ngữ mang ý nghĩa miệt thị bởi điều đó sẽ khiến trẻ hiểu sai lệch về những bài học tốt đẹp bạn đang cố gắng vun đắp cho chúng.

Gieo trồng phẩm giá từ lòng kiên trì 

Lòng kiên trì luôn là đức tính tốt góp phần hình thành nhân cách trong nuôi dạy con, giúp trẻ trui rèn ý thức về việc biết rõ vị trí của bản thân và sớm tiếp thu những bài học quý giá. Trong những hoạt động gia đình, ba mẹ hãy thường xuyên tạo ra những thử thách nhằm gia tăng mức độ kiên nhẫn ở trẻ như tìm kiếm món đồ chơi quen thuộc, tập chờ đợi trong lúc mẹ chuẩn bị bữa ăn hay tạo thói quen chờ đợi đến chương trình truyền hình yêu thích. Song song đó, hãy khéo léo thay đổi môi trường để nâng dần mức độ thử thách lòng kiên trì, đưa trẻ đến những khuôn viên giải trí công cộng mà ở đó để đạt được điều mình muốn trẻ cần học cách kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình. Tuy nhiên, cũng sẽ có thời điểm trẻ phản kháng và không chấp nhận việc phải chờ thêm nữa thì ba mẹ cũng đừng vội bỏ cuộc mà hãy hướng trẻ tập trung nhìn vào một món đồ chơi hay hiện tượng có thể thu hút sự chú ý của bé. Tất cả, lâu dần sẽ giúp bé thích nghi, tìm thấy niềm vui và nhận ra sự chờ đợi luôn mang đến những kết quả tích cực.

Độc giả đang đọc bài viết “Nuôi dạy con: Làm thế nào để con trưởng thành tử tế và đầy khí chất?” tại chuyên mục Education của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!

Đọc thêm:

Dạy con dũng cảm: “Va chạm” để đánh thức dũng khí trong con trẻ

Để trẻ trưởng thành vẹn toàn từ sự hối tiếc

Comment