Dạy con dũng cảm: “Va chạm” để đánh thức dũng khí trong con trẻ - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Dạy con dũng cảm: “Va chạm” để đánh thức dũng khí trong con trẻ

Dũng cảm không phải là cách lao xuống một chiếc cầu tuột hay chinh phục tường leo núi ở khu vui chơi một cách liều lĩnh, mà dũng cảm là cách con biết nhận lỗi sai và tự tin làm điều đúng đắn để đặt niềm tin vào chính mình. Dạy con dũng cảm, hãy để con bạn được “va chạm”!

Không có bậc cha mẹ nào muốn cuộc sống của con cái trở nên khó khăn. Nhưng bạn nên biết rằng, một trong những thước đo giúp bạn trở thành những phụ huynh thành công là có thể chuẩn bị cho con những “cú va chạm” mạnh để chúng học cách đứng dậy khi vấp ngã hay đối mặt với những thất bại hay nỗi buồn. Một chiến binh phải đối mặt với cái chết luôn chực chờ trên chiến trường nhưng vẫn tiến về phía trước, đó là dũng cảm. Một vận động viên đã thành danh hay một ca sĩ nổi tiếng nhưng vẫn thất bại trong những lần thi thố hay khi tung MV mới vẫn cố gắng sửa đổi và cống hiến, đó là can đảm. Một anh chàng nhút nhát nhưng vẫn mạnh mẽ bắt chuyện với cô gái khiến anh ta rung động, đó là dũng khí. Họ đã tìm thấy sự dũng cảm ở đâu để làm những việc này? Trẻ em và thiếu niên đang lớn lên trong một thế giới tồn tại sự cạnh tranh và so sánh, chúng có thể thấy những hình mẫu thành công nhưng lại không thấy đằng sau rất nhiều thành công rực rỡ đó là nhiều lần thất bại, bị từ chối và những bước ngoặt bất ngờ. Và, là một bậc phụ huynh, bạn phải giúp con trẻ hiểu rằng, có nhiều phẩm chất dẫn đến thành công và hạnh phúc, nhưng một trong những điều mạnh mẽ nhất là có được lòng dũng cảm một cách không khinh suất!

– Cú va chạm 1 –

Xây dựng niềm tin và sự thuyết phục

 

Trong cuộc sống này, chúng ta có đầy đủ công cụ mình cần để trở thành một con người vĩ đại, bởi trái tim của mỗi người đều dũng cảm nếu có thể xây dựng một nền tảng tinh thần vững chắc và suốt đời. Mặc dù cách nuôi con của mỗi người khác nhau, nhưng có một sự thật không đổi đó là niềm tin về lòng dũng cảm sẽ được khởi xướng từ niềm tin sâu sắc vào việc biết phân biệt điều gì đúng và sai. Từ nền tảng đó, lòng dũng cảm sẽ xuất hiện một cách chậm rãi nhưng không bộc phát để khiến con mạnh mẽ đến mức hấp tấp. Hãy thường xuyên giao tiếp và chia sẻ với con những điều xảy ra khi bạn từng ở độ tuổi của con, dạy con về lịch sử của gia đình, kể những câu chuyện mà gia đình hay cá nhân một thành viên nào đó đã đối mặt và cách vượt qua, từ đó khơi gợi niềm tự hào gia đình và giúp con có cơ sở hình thành và thể hiện lòng can đảm một cách chừng mực.

– Cú va chạm 2 – 

Hãy để con nếm mùi thất bại

 

Trẻ nhỏ hầu như có xu hướng gần gũi với người thân cho tới khi chúng dần trưởng thành và hình thành những mối quan hệ cho riêng mình. Và những thiếu niên dũng cảm sẽ là kiểu người có thể vượt lên trước để bước ra khỏi ranh giới của những áp lực ngang hàng, điều này phản ánh rằng chúng phải được trải nghiệm mọi thứ trong cuộc sống sớm nhất có thể, kể cả đó là trải nghiệm thất bại. Nếu con muốn làm một điều gì đó trái ý bạn và bạn nhìn thấy được khả năng thất bại của việc đó, nếu trong chừng mực có thể chấp nhận được bạn đừng ngăn cản chúng, bởi đó chính là cơ hội để con trở thành một cá nhân hoàn toàn tự lập. Hãy cho con hiểu rằng con cần có trách nhiệm với quyết định của chính mình và con chấp nhận sự chỉ trích để dũng cảm hành động. Dù con có thất bại đi chăng nữa, điều này chỉ phản ánh việc con sẽ có thêm những bài học kinh nghiệm để thôi liều lĩnh nhưng vẫn định hình được lòng dũng cảm mạnh mẽ trong chính con người mình.

 

“Dũng cảm là cách trẻ buông tay vịn một vài giây nhưng vẫn cảm thấy thỏa mãn và đợi chờ những điều bất ngờ ở phía trước.”

 

– Cú va chạm 3 –

Giúp con điều hướng rủi ro

Tất cả những rủi ro đều có thể xảy ra và chúng ta cần phải dạy cho trẻ phân biệt được đâu là những rủi ro dại dột và đâu là những rủi ro cần thiết để đạt được những gì chúng muốn. Dù chúng ta có cố gắng bảo vệ con cái khỏi bị tổn hại bởi ai đó hoặc thứ gì gây hại đến chúng, nhưng thực tế là việc che chở con quá mức sẽ khiến con sợ hãi khi phải đối mặt với rủi ro, và điều này vô tình tước đi cơ hội giúp trẻ phát triển các kỹ năng phân tích và đánh giá chính xác. Chấp nhận rủi ro không có nghĩa là dạy cho con liều lĩnh, mà đó là cách để bạn khuyến khích con bước ra khỏi vùng an toàn và thử những điều chúng có thể phải đối mặt với rủi ro mới có thể đạt được kết quả như mong muốn. Đừng quên khen ngợi hay tán thưởng khi con có thể hoàn thành một việc gì đó với tất cả nỗ lực can đảm ở độ tuổi trong sáng của chúng! Chính trong cuộc phiêu lưu có phần mạo hiểm ấy, con sẽ học được cách sống, suy nghĩ và không ngừng làm mới chính mình.

– Cú va chạm 4 –

Dạy con không cần lúc nào cũng dũng cảm

Không phải lúc nào con bạn cũng có thể dũng cảm trong mọi trường hợp bởi sẽ có lúc con cảm thấy chưa sẵn sàng, và lúc ấy hãy cho chúng thấy rằng việc đôi khi cảm thấy bản thân nhỏ bé, bối rối và cần sự giúp đỡ là hoàn toàn có thể. Điều này là lời nhắc nhở để bạn có thể đồng cảm với con hơn sau những khoảnh khắc con đã dũng cảm thực hiện những bước chuyển mình trong cảm xúc. Bởi vì một trong những phần quan trọng nhất của việc dũng cảm là biết rằng ở đâu đó bên trong con, “dũng cảm” sẽ ở đó khi chúng cần nhưng không phải lúc nào cũng nên có mặt để giải quyết những vấn đề của con. Dũng cảm đôi khi là việc chống lại cảm xúc “nghĩa hiệp” muốn làm mọi thứ bởi những suy nghĩ đẹp đẽ của lòng tốt nhưng điều quan trọng là lòng dũng cảm của con phải nhận được sự nể trọng và giúp chúng phản ứng một cách thực tế với cuộc sống. Chỉ khi đó, chúng mới có thể nhận lại niềm vui một cách chân thực để nuôi dưỡng lòng dũng cảm của mình và tập trung vào quá trình thay vì kết quả.

______________________________________

Phim hay về lòng dũng cảm dành cho trẻ và thiếu niên:

  • Ở nhà một mình (Home Alone), 1990
  • Vua sư tử (The Lion King), 1994
  • Hoa mộc lan (Mulan), 1998
  • Công ty quái vật (Monster, Inc.), 2001
  • Cậu bé Karate (The Karate Kid), 2010
  • Công chúa tóc xù (Brave), 2012
  • Biệt đội Big Hero 6 (Big Hero 6), 2014

______________________________________

Độc giả đang đọc bài viết “Dạy con dũng cảm: “Va chạm” để đánh thức dũng khí trong con trẻ” tại chuyên mục Education của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!

Đọc thêm:

Để trẻ trưởng thành vẹn toàn từ sự hối tiếc

Không chỉ tiền tài, hãy dạy con những đức tính này để thành công!

Comment