Đặt kỳ vọng vào con thế nào để trẻ luôn hạnh phúc?

Đặt kỳ vọng vào con thế nào để trẻ luôn hạnh phúc?

Đảm bảo sự an toàn đối với một đứa trẻ hiện nay đã quan trọng hơn tốc độ thành công của chúng, bởi vì kỳ vọng về đứa trẻ của những bậc phụ huynh như chúng ta đã thay đổi.

Đặt kỳ vọng vào con thế nào để trẻ luôn hạnh phúc?

Gần hai năm với những biến chuyển trong suy nghĩ do đại dịch gây ra, cách chúng ta làm cha mẹ đã thay đổi, đặc biệt là những người mẹ đang ngày càng giảm bớt tư tưởng áp đặt dành cho con cái, cho chính họ lẫn con mình sự nghỉ ngơi thiết yếu thay vì một lịch trình học-làm dày đặc của cả mẹ và con như trước đây. Nhiều người cho phép con cái của họ có nhiều thời gian sử dụng thiết bị công nghệ hơn, cảm thấy bớt áp lực hơn khi phải nấu những bữa ăn công phu và quan trọng nhất – đánh giá lại liệu kỳ vọng nuôi dạy con cái mà họ đã tự thiết lập cho bản thân có đạt được hay không. Nhưng điều chỉnh kỳ vọng như thế nào khi trẻ em vốn là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương và non nớt hơn chúng ta nghĩ rất nhiều?

Covid-19 khiến chúng ta thực tế hơn về những điều mang tên “kỳ vọng”, cũng như thay đổi thứ tự ưu tiên của các kỳ vọng đó đối với cuộc đời mình. Tất cả chúng ta đều lung lay trước những khó khăn trong mọi khía cạnh của cuộc sống trong thời gian này, và khó khăn ấy càng khiến đôi vai của những người đang làm mẹ thêm trĩu nặng. Nhưng bạn phải luôn tin rằng – con cái của chúng ta sẽ luôn yêu chúng ta, thậm chí nhiều hơn nữa, dù chúng ta không phải người cha người mẹ hoàn hảo. Và chúng ta cũng thế, yêu con cái vô điều kiện cho dù kỳ vọng của mỗi người là vô hạn.  

Đặt kỳ vọng vào con thế nào để trẻ luôn hạnh phúc?

Mỗi thời điểm con lớn lên, chúng ta lại có những kỳ vọng khác nhau dành cho chúng. Khi con đi học, bạn mong con học giỏi, sau khi con vào đại học, bạn mong con có công việc tốt, khi con có sự nghiệp, bạn tiếp tục mong đợi con tìm được người bạn đời thật lòng yêu thương. Mỗi kỳ vọng đều có cấp độ khác nhau, có những kỳ vọng an toàn trong tầm với nhưng cũng có những kỳ vọng phải có nhiều nỗ lực mới đạt thành. Nhưng trong giai đoạn này đây, điều chúng ta cần, có lẽ là những kỳ vọng mang tính “thực tế”.

Đại dịch đã khiến biết bao bà mẹ phải thay đổi suy nghĩ về tốc độ tiến bộ của con, giúp họ từ bỏ một số kỳ vọng có thể bất khả thi trong “bình thường mới”. Nhưng từ bỏ không có nghĩa là bỏ cuộc, thất bại hay tụt lại phía sau, mà là họ biết sắp xếp lại kỳ vọng để mục tiêu cuối cùng là những đứa con được phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc.

Đặt kỳ vọng vào con thế nào để trẻ luôn hạnh phúc?

Vốn dĩ khi đặt ra kỳ vọng, chúng ta thường lưu tâm đến mức năng lượng, những hiểu biết về con cái trước đó và khả năng có thể làm được của con. Để tiếp tục áp dụng điều này vào thực tế hiện tại khi con sắp quay lại trường sau thời gian học tập online, bậc làm cha mẹ cần thực hiện đánh giá lại mức độ tiến bộ của con trong thời gian nghỉ dịch vừa qua, đồng thời xác định mục tiêu mới vừa tầm để con có thể hoàn thành cũng như kịp thời điều chỉnh. Trong thời điểm hậu giãn cách này, chúng ta cần thừa nhận nhiều hơn về những tác động không mong muốn của một thời kỳ ở nhà lâu dài đã có nhiều ảnh hưởng đến phát triển của trẻ nhỏ, từ đó cần đưa ra những kỳ vọng hợp lý hơn cho con và cho chính bản thân mình.

Bỏ đi những thói quen so sánh “con nhà người ta”, làm quen các nền tảng học tập trực tuyến, lấy sự bình an của con cái làm trọng,… tất cả đều là những cách hữu ích để bạn hình thành những kỳ vọng “bình thường mới” dễ thở hơn đối với bản thân và con trẻ. Hướng đến những gì bạn cho rằng có ích cho con và tin rằng khi bạn điều chỉnh, con cũng sẽ có thể làm điều tương tự trong độ tuổi của chúng. Trẻ em ngày nay có những nhu cầu khác nhau, là một người mẹ, bạn phải ghi nhớ những nhu cầu đó để học cách vừa học vừa chơi với con nhằm duy trì mối quan hệ mẹ con khắng khít.

Đặt kỳ vọng vào con thế nào để trẻ luôn hạnh phúc?

Đại dịch cũng là lúc ta phát hiện ra ta có nhiều mặt cảm xúc hơn khi giao tiếp với con cái, ta thẳng thắn hơn với con về sự nguy hiểm của dịch bệnh thay vì che giấu như mọi khi rằng tất cả vẫn ổn khi con trong vòng tay bố mẹ. Chúng ta thường bảo vệ con khỏi những điều xấu xa, không muốn chúng biết và nghe đến những điều tiêu cực để trưởng thành đầy trong sáng. Nhưng đại dịch buộc chúng ta phải giao tiếp đầy nghiêm túc với con mình, rằng có những thứ vô hình rất nguy hiểm và con phải làm gì để bảo vệ chính mình. Sự an toàn đó giờ đây đã trở nên cấp thiết hơn là những kỳ vọng về một đứa con thành đạt trong tương lai hay được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ.

Giai đoạn này cũng mang đến cho chúng ta nhiều cảm xúc tiêu cực hơn, vì thời gian ở nhà cùng con bỗng nhiên dài chưa từng có. Chưa kể bản thân mỗi người còn gặp phải nhiều tác nhân gây căng thẳng khác ngoài việc nuôi dạy con, như sự trì trệ trong sự nghiệp, vấn đề an toàn trước dịch bệnh của bản thân và gia đình, hay thậm chí đối diện với những nỗi đau mất mát bất ngờ. Trong khi đó, ở lứa tuổi nhỏ, trẻ con liên tục phát triển trí tuệ cảm xúc của chúng bằng cách quan sát xúc cảm của người lớn, tất cả cảm xúc lành mạnh lẫn tiêu cực. Vì thế, tốc độ phát triển cá nhân của bạn có thể đang bị tạm dừng, nhưng việc che chở cho con khỏi mọi cảm xúc tiêu cực đến từ cha mẹ nên được lưu tâm trong thời gian này. Chúng ta có thể thừa nhận những cảm xúc thất vọng, buồn bã, mông lung và cho phép chia sẻ chúng theo cách văn minh nhất để con hiểu cha mẹ hơn, nhưng nên nhớ rằng tâm trạng căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và giải quyết vấn đề của con trẻ. Việc giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực từ các bậc phụ huynh, đặc biệt là mẹ – người có ảnh hưởng rất nhiều trong giai đoạn tuổi nhỏ của con, sẽ giúp người lớn chúng ta nhận ra con cái của họ là ai và đối xử với chúng theo những gì chúng cần, chứ không phải theo những gì thế giới của người lớn đang đòi hỏi.

Hãy kiên nhẫn hơn sau khi đã điều chỉnh kỳ vọng, với chính bản thân mình và cả với con. Tất cả chúng ta đều cần thời gian để làm quen với những điều mới đến quá bất ngờ, cần thời gian để bình tĩnh và rồi nắm tay con hoàn thành những nhiệm vụ không còn bất khả thi.

Đặt kỳ vọng vào con thế nào để trẻ luôn hạnh phúc?

Kỳ vọng hợp lý cần một lộ trình linh hoạt, đôi khi bạn sẽ khó hoàn thành chúng một cách chính xác như kế hoạch đề ra cho con cái. Nhưng đây là lúc bạn hãy tạm quên đi khuôn khổ, đừng quá nỗ lực tuân theo một lịch trình chính xác, bỏ qua việc phấn đấu để đạt được sự hoàn hảo và không ngần ngại yêu cầu sự giúp đỡ khi cần. Chủ nghĩa hoàn hảo có thể tồn tại trong sự phát triển cá nhân của mỗi người, nhưng không nên là mục tiêu đối với gia đình cùng các thiên thần nhỏ của bạn. Bạn vẫn có thể tự tin hơn trong vai trò người cha, người mẹ trong thời đại không thể đoán trước, chìa khóa ở đây không còn là những lịch trình bó buộc, mà là cơ hội thể hiện sự ấm áp, sự quan tâm và tất cả tình yêu thương. Đôi khi con trẻ sẽ chưa thể thấu hiểu, nhưng bạn hãy tin con luôn cần bạn hơn bao giờ hết để kiên định với những mục tiêu trưởng thành mà bạn dành cho con.

Đối với những đứa trẻ lớn hơn trong độ tuổi thanh thiếu niên, khi con ở nhà quá nhiều, cha mẹ hãy nhớ đừng quá kiểm soát. Cha mẹ cần làm tất cả những gì có thể để cho những thanh thiếu niên có thời gian và không gian kết nối lại với bạn bè và phát triển những mối quan hệ xã hội. Cũng như chính chúng ta, cũng đang cần thời gian để trở lại với những vai trò khác như người sếp, người quản lý hay người bạn với những mối quan hệ cá nhân. Làm cha mẹ đủ khó, nhưng vai trò quan trọng nhất và lâu dài nhất mà một người phụ nữ cần giữ nguyên một cách trường tồn – đó là trở thành người mẹ tốt nhất có thể với con mình!

Đặt kỳ vọng vào con thế nào để trẻ luôn hạnh phúc?

Có những lý do chính đáng để thay đổi kế hoạch nuôi dạy con cái, vì vậy hãy giữ một tâm trí cởi mở, sẵn sàng thảo luận về các lựa chọn và linh hoạt thích ứng. Tất cả chúng ta đều đang tìm cách cân bằng những kỳ vọng, từ bỏ theo đuổi những giá trị không còn quá cần thiết và ưu tiên những khía cạnh khác quan trọng hơn. Khi bạn đã tìm được vị trí cho bản thân theo mức độ nhất định, bạn tin rằng con của bạn cũng sẽ làm được. Hãy để con cảm thấy chúng luôn được chào đón như chính bản thân chúng mà không phải là phiên bản bố mẹ đang ép buộc chúng trở thành.

Khủng hoảng hoàn toàn có thể trở thành cơ hội để bạn hiểu rõ con cái và chính mình. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm để bạn chọn lối sống lành mạnh và biến đại dịch trở thành một trải nghiệm đáng nhớ cho cả con lẫn mẹ. Một đứa trẻ hiểu chuyện, luôn là ước mơ của cha mẹ. Chính hành vi của bạn hôm nay, chính sự trao quyền với những thấu hiểu sẽ giúp đứa trẻ hành động, trở thành chính mình và mạnh mẽ để đứng vững trong mọi nghịch cảnh của tương lai – điều ai cũng mong muốn sau cùng trong thời gian đặc biệt này.

Text: H.D | Ảnh: Andrei Nicolescu, Abhinspire, Ksenia Shokorova

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment