Sức khỏe tinh thần tuổi dậy thì: Để gia đình luôn là điểm tựa mạnh mẽ nhất - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Sức khỏe tinh thần tuổi dậy thì: Để gia đình luôn là điểm tựa mạnh mẽ nhất

Ngày nay, có rất nhiều yếu tố gây nên những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì, có thể kể đến các áp lực từ trường lớp, thi cử hay những kỳ vọng xa vời từ cha mẹ. Không ai khác, gia đình chính là nhân tố quan trọng giúp con trẻ vượt qua thời kỳ khủng hoảng tâm lý tuổi teen này, để tránh cho những hệ lụy có thể xảy đến với chúng trong tương lai. 

Gần đây, khi chứng kiến những trường hợp ra đi đầy thương tâm của các em học sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, đã gióng lên cho tất cả phụ huynh một hồi chuông cảnh báo về cách thức nuôi dạy con ở độ tuổi dậy thì, trước khi mọi chuyện quá muộn. Ngày nay, với muôn vàn nội dung mà con trẻ tiếp cận trên mạng xã hội, sẽ vô tình tạo nên một tấm gương phản chiếu khiến con đi theo một cách vô thức nếu thiếu vắng đi sự quan tâm từ gia đình.

Sức khỏe tinh thần tuổi dậy thì: Để gia đình luôn là điểm tựa mạnh mẽ nhất

Ảnh: Internet

Là cha mẹ, bạn đã chứng kiến và quan sát các con lớn lên từng ngày. Khi năm tháng trôi qua, con bạn dần trưởng thành và thay đổi từ một đứa trẻ bé bỏng thành những thanh thiếu niên tuổi dậy thì nghịch ngợm và khó bảo. Tâm lý tuổi teen sẽ hoàn toàn thay đổi so với những gì bạn tưởng tượng và lường trước. Vì vậy, cha mẹ cần có những chiến lược rõ ràng để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho con em mình, đặc biệt khi các con đang ở độ tuổi dậy thì nổi loạn. 

Hãy là bậc cha mẹ “lành mạnh” trước tiên

Là cha mẹ, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua bản thân để tập trung lo lắng cho những đứa con của mình. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể đặt nhu cầu của con mình lên trên nhu cầu của chính bản thân. Nhưng bạn biết không, điều đó cũng có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến tâm lý tuổi teen và sức khỏe tinh thần của con bạn. Trẻ em hay thanh thiếu niên tuổi dậy thì thường lấy cha mẹ làm gương noi theo. Vì vậy, nếu bạn đang có những biểu hiện căng thẳng hoặc không ưu tiên sức khỏe tinh thần của mình, con bạn có thể học theo và có những thái độ hoặc hành vi tương tự.

Dưới tư cách là một người chủ gia đình, cha mẹ cần chú ý đến sức khỏe tinh thần của chính mình, sau đó mới có thể tạo được tiếng vang cho con cái của bạn.

Sức khỏe tinh thần tuổi dậy thì: Để gia đình luôn là điểm tựa mạnh mẽ nhất

Ảnh: Internet

Chúng ta sẽ không tránh khỏi những phút giây tiêu cực trong đời. Nhưng quan trọng hơn hết, hãy luôn nói với con trẻ rằng: mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi! Hãy dạy con một vài cách đối phó với căng thẳng thông qua những thực hành lành mạnh như thiền để bình tĩnh, hít thở sâu hay một vài động tác yoga đơn giản,…

Nếu bạn không là tấm gương sáng cho con về một lối sống lành mạnh, bạn sẽ rất khó thuyết phục chúng nghe lời mình. Bạn cũng có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của bản thân thông qua một chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện lành mạnh. Có thể nói, dưới tư cách là một người chủ gia đình, cha mẹ cần chú ý đến sức khỏe tinh thần của chính mình, sau đó mới có thể tạo được tiếng vang cho con cái của bạn.

Con là duy nhất và không hề thua kém bất kì ai

“Ai cũng là thiên tài. Nếu đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó thì nó sẽ sống suốt đời với niềm tin nó là kẻ đần độn.” Albert Einstein

Tôi tin rằng mỗi đứa trẻ sẽ có một biệt tài nào đó và cha mẹ chính là những người ươm mầm cho những tài năng đó. Bạn không thể xem nhẹ những sở trường của con, dù chúng có thiếu thực tế tới đâu. Con bạn có thể không phải là một học sinh giỏi toán cấp thành phố. Thay vào đó, con thể hiện tình yêu của mình với âm nhạc, nghệ thuật hoặc có một góc nhìn mới lạ về cuộc sống. Thì điều đó cũng đáng để khích lệ! Mỗi người sẽ là thiên tài trong lĩnh vực của họ. Hãy để con trẻ được phát huy những sở trường riêng của mình thay vì phải tuân theo những định hướng áp đặt từ gia đình và cha mẹ.

Sức khỏe tinh thần tuổi dậy thì: Để gia đình luôn là điểm tựa mạnh mẽ nhất

Ảnh: Jessica Lewis

Con luôn là đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang của ba mẹ, chứ không cần là bản sao của một “con nhà người ta” nào cả!

Các bậc phụ huynh hãy dừng việc so sánh trẻ với “con nhà người ta”. Sự so sánh sẽ khiến con tự thu mình lại và luôn nghĩ bản thân là một kẻ kém cỏi. Điều này về lâu dài trong tâm lý tuổi teen, sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của con. Đến lúc ấy, chúng ta sẽ không biết được mọi chuyện sẽ tồi tệ thế nào khi một người đã đi quá giới hạn chịu đựng của họ. Đừng tiếc lời khen ngợi với con, đó là những động lực giúp trẻ cố gắng và phát triển mỗi ngày. Hãy luôn quan sát, chú ý con và ủng hộ những khả năng và quyết định của con. Hãy thể hiện rằng: con luôn là đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang của ba mẹ, chứ không cần là bản sao của một “con nhà người ta” nào cả!

Đừng ngại nói rằng: “ba/mẹ yêu con”

Một trong những điều tốt nhất bạn có thể dành cho con khi chúng đang gặp khó khăn về tinh thần đó là tình yêu thương và sự hỗ trợ từ bạn. Bạn không cần phải hiểu tất tần tật câu chuyện của con hay có những giải pháp vĩ mô, chiến lược. Đôi lúc, một bờ vai hay một cái ôm ấm áp để con có thể khóc, cười hay tỏ bày bản thân chính là liều thuốc tinh thần vô cùng hữu hiệu. Hãy để con cảm nhận rõ hơn về hơi ấm của gia đình để chúng biết rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn vì luôn có cha mẹ ở bên cạnh. Đồng thời, bạn hãy cho phép con có cơ hội được bày tỏ cảm xúc một cách trọn vẹn mà không bị chỉ trích, phán xét. Và hãy luôn nhắc nhở trẻ rằng con sẽ không cô đơn vì luôn có bạn ở đây ủng hộ chúng trên mọi bước đường.

Tôn trọng, lắng nghe và cùng nhau giải quyết xung đột

“Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật” – Ngạn ngữ phương Tây

Các bậc cha mẹ có thể áp dụng câu ngạn ngữ trên trong việc nuôi dạy con ở độ tuổi teen, tránh để chúng phải gánh chịu những tổn thương nặng nề về tinh thần và tâm lý. Trước khi kết luận một sự việc không rõ đầu đuôi, cha mẹ hãy học cách lắng nghe con trẻ nhiều hơn, thay vì buông ra những lời nói “dao đâm” vào tim của con. Một quy tắc khắc cốt ghi tâm trong việc nuôi dạy con cái đó là không bao giờ thảo luận một vấn đề khi đang mất bình tĩnh. Bạn không cần vội, bởi vì bạn còn nhiều cơ hội để nói chuyện rõ ràng với con mà.

Sức khỏe tinh thần tuổi dậy thì: Để gia đình luôn là điểm tựa mạnh mẽ nhất

Ảnh: Internet

Khi con cái đang ở độ tuổi dậy thì, các bậc cha mẹ thường thao túng quyền lực với tư cách là bậc sinh thành, buộc con cái phải tuân theo vô điều kiện. Không chỉ riêng thanh thiếu niên, bất kỳ ai đều ghét cảm giác bị kiểm soát thái quá. Những lúc nóng giận, đừng áp đặt con cái với một lý do muôn thuở rằng: người lớn luôn đúng. Hãy ngồi xuống cùng con và tìm ra một hướng giải quyết mang tính dân chủ và xây dựng. Làm sao con trẻ có thể thoải mái bộc bạch tâm tư của mình nếu cha mẹ của chúng là người luôn la mắng quát tháo và không bao giờ lắng nghe? Bạn hãy trao quyền quyết định cho con nhiều hơn để chúng thấy rằng cha mẹ vẫn luôn tôn trọng và đề cao những quyết định của mình.

Làm sao con trẻ có thể thoải mái bộc bạch tâm tư của mình nếu cha mẹ của chúng là người luôn la mắng quát tháo và không bao giờ lắng nghe?

Học tập phải đi liền giải trí

Giữa áp lực học tập và lịch trình ngoại khóa dày đặc, thanh thiếu niên có thể dễ dàng bị cuốn vào bài vở hay các trách nhiệm học đường khác. Điều đó có thể khiến con quay cuồng trong bận rộn và không thể dành nhiều thời gian cho những niềm vui thật sự của mình. Đối với một số thanh thiếu niên, niềm vui có thể đến từ việc tập thể thao hay đi dã ngoại. Đối với những đứa trẻ khác, niềm vui có thể đến từ việc chơi nhạc cụ, làm đồ thủ công hay đơn gin chỉ là xem một bộ phim hay,…

Sức khỏe tinh thần tuổi dậy thì: Để gia đình luôn là điểm tựa mạnh mẽ nhất

Ảnh: National Cancer Institute

Những lúc như vậy, đừng cấm cảm con làm những điều chúng yêu thích. Chúng ta có cả một cuộc đời dài để học tập mọi thứ. Nhưng niềm vui và sức trẻ của tuổi teen là thứ sẽ trôi qua rất nhanh. Nếu được, bạn có thể tạo ra một truyền thống tụ họp của gia đình theo thông lệ cuối tuần. Cả gia đình có thể cùng nhau ra ngoài ăn tối, đi dã ngoại hoặc ngồi lại với nhau để xem một bộ phim hay. Đây không chỉ là cơ hội giúp gắn kết gia đình, mà còn là dịp để bạn tiếp cận và thấu hiểu con nhiều hơn.

Cha mẹ cần hiểu nhiều hơn về tâm lý tuổi teen và những khó khăn của con trẻ trong vấn đề tinh thần. Bạn hãy thường xuyên quan sát và ở bên cạnh con, cùng chúng vượt qua những khó khăn bằng sự quan tâm, thấu hiểu của mình. Đôi lúc, một lời động viên và khen ngợi từ cha mẹ chính là liều thuốc tinh thần hữu hiệu giúp con trẻ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Ảnh: Internet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment