Đi để học… - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Đi để học…

Người xưa có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Khi trẻ bước vào độ tuổi thanh thiếu niên, những chuyến đi lại càng thêm ý nghĩa và bổ ích. Trẻ không chỉ được tiếp cận một cách thực tế những bài học về cuộc sống, thiên nhiên, con người, lịch sử… mà trên tất cả, qua những chuyến đi, trẻ sẽ hiểu hơn về chính mình. Và đó mới là bài học quan trọng nhất, hiểu mình là ai và biết mình muốn gì.

Con cần lắm những chuyến đi

Thực tế, nền giáo dục Việt Nam đang bó hẹp trẻ cùng một lối tư duy, trẻ gần như chẳng có thời gian để “thở”, học ở trường, học ngoại ngữ ở trung tâm, học ngoại khóa… Càng ngày thì trẻ em Việt Nam càng ít được tiếp xúc với thiên nhiên. Và dường như phụ huynh đang mải đuổi theo những thành tích rất mơ hồ mà đôi khi “keo kiệt” cả thời gian vui chơi của trẻ. Trẻ cần lắm những chuyến đi. Bởi những chuyến đi không chỉ là khoảng thời gian để trẻ được vui chơi đúng nghĩa mà còn là bài học thực tế hơn vạn lần những trang sách chúng từng đọc.

shutterstock_404515648_huge_resize

Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây!

Chíp, con chị bạn đồng nghiệp cũ của tôi, cháu năm nay học lớp 4. Nhưng từ khi 3 tuổi, Chíp đã rong ruổi cùng mẹ trên những hành trình. Năm ít thì đôi ba lần, nhiều thì dăm bảy lần. Đi trở thành thói quen của hai mẹ con. Cái được mà ai cũng nhìn thấy là Chíp rất tự lập, cô bé tự tin với chúng bạn, hòa đồng cực tốt với môi trường, biết quan tâm đến mọi người và biết kiểm soát tật xấu của mình. Phòng của Chíp ngập những bức tranh do Chíp tự vẽ về những vùng đất cô bé đã đến. Nó cho thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên và cái nhìn rất riêng của cô bé.

Bông và An, hai công chúa con một cặp vợ chồng khác tôi quen. Anh chị mê dịch chuyển và bởi thế, hai cô con gái của họ cũng được “đào tạo” từ nhỏ. An, năm 6 tuổi đã có thể tự điền thủ tục nhập cảnh khi đi Campuchia. Theo anh chị kể thì An phải làm đến 3 lần. Còn Bông, chị An, năm nay học lớp 7, đã sở hữu một danh sách những vùng đất mà cô bé đã đặt chân tới, từ Thác Bản Giốc đến Côn Đảo. Đã từ lâu, cứ mỗi chuyến đi, hai chị em tự lo mọi thứ cho mình, anh chị cũng để tự hai cô bé lên danh sách cho chuyến đi… Được tiếp xúc, được va vấp qua mỗi chuyến đi khiến Bông, An dạn dĩ, trưởng thành hơn hẳn các bạn cùng trang lứa.

Đâu chỉ người lớn, trẻ con cũng cần lắm những chuyến đi. Đi là học hỏi, thế giới vốn rộng lớn, trẻ càng được đi nhiều, tầm mắt càng được mở rộng. Thế giới quan vì thế mà cũng rộng mở hơn.

>>> Xem thêm: Dạy con tự chủ

Đi để khám phá

Với trẻ, những chuyến đi là những hành trình khám phá đầy thực tế và bổ ích. Trẻ được học những kĩ năng chuẩn bị cho những chuyến đi. Chuyến đi đó cần phải chuẩn bị những gì, từ đó mà rèn luyện thêm tính tự lập. Trước chuyến đi, trẻ háo hức tìm kiếm thông tin về vùng đất sắp đến, nhờ đó mà trẻ có thêm kiến thức. Khi đặt chân đến vùng đất mới, trẻ được tiếp cận trực diện với con người, thiên nhiên, lịch sử so với những gì đã đọc, đã biết, vì thế mà sẽ có những đối chiếu, thắc mắc và tiếp thu chọn lọc hơn…

Mỗi bậc phụ huynh có một cách riêng để cùng trẻ khám phá vùng đất mới. Có người kĩ càng cùng con thiết kế chuyến đi. Có người giao hẳn cho con cả máy ảnh để tự chúng ghi lại những khoảnh khắc chúng thích. Có người yêu cầu con làm “báo cáo” sau mỗi chuyến đi. Cũng có phụ huynh khuyến khích trẻ ghi lại hành trình bằng góc nhìn của chúng…

Nhưng cũng không ít cha mẹ luôn “kệ” một cách cố tình. Theo bố mẹ Bông, An thì cứ đi rồi sẽ biết, cứ đến rồi sẽ hay, cái đầu rỗng là cái đầu mở. Trẻ cần được đặt vào nhiều tình huống ngoài dự tính để có thêm những bài học và rèn dũa tính cách cũng như học các kiểm soát bản thân…

small duck travelling by origami paper boat floating in a sea

Cái được lớn nhất, quan trọng nhất từ những chuyến đi là giúp trẻ khám phá chính mình, hiểu về bản thân hơn. Bởi chỉ những vùng đất mới với những thói quen mới, con người mới, ta mới nhìn thấy bản thân mình rõ hơn.

Và hiểu về bản thân

Những phát sinh ngoài dự định ban đầu hay những mới lạ ở vùng đất lạ sẽ khiến trẻ bộc lộ cá tính và đôi khi là tính xấu của mình rõ hơn. Có thể là cáu giận, vùng vằng, la lối…, vậy thì càng phải đặt trẻ vào nhiều những tình huống phát sinh để trẻ tự biết kiểm soát nhược điểm của mình. Sự va vấp và tiếp xúc với những cái mới vừa giúp trẻ có thêm nhiều bài học nhưng đồng thời, trẻ cũng tự nhìn vào đó mà soi xét bản thân. Và trong rất nhiều thứ mà trẻ được tiếp xúc đó, trẻ sẽ biết mình thích cái gì nhiều hơn và cái gì mình nên tránh, nên dừng lại…

>>> Xem thêm: Mắc lỗi để trưởng thành

Còn phụ huynh, càng có nhiều chuyến đi với trẻ cũng sẽ hiểu con mình nhiều hơn. Và một khi đã hiểu nhau rồi, thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ càng thêm gắn bó, sẽ càng thêm yêu nhau. Trẻ vì thế mà cũng sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn.

Đừng giới hạn những cái được từ những chuyến đi ở việc khám phá thiên nhiên, lịch sử hay con người ở vùng đất mới. Mà cái được lớn nhất, quan trọng nhất từ những chuyến đi còn là giúp trẻ khám phá chính mình, hiểu về bản thân hơn. Bởi chỉ những vùng đất mới với những thói quen mới, con người mới, ta mới nhìn thấy bản thân mình rõ hơn.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment