Đi một ngày đàng… • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Người xưa đã dạy “nhập gia tùy tục”, nhất là vào những dịp đặc biệt như tết cổ truyền hơn lúc nào hết bạn cần biết cách hành lễ với người lớn tuổi hoặc những lễ nghi truyền thống của từng dân tộc… để tránh phải bỡ ngỡ nếu có dịp đón tết xứ người.

Hàn Quốc

Cũng như Việt Nam, người dân xứ sở kim chi rất coi trọng ngày âm lịch, những dịp quan trọng như cưới hỏi, xuất hành và Tết đều chọn những ngày tốt, ngày vượng phát theo lịch âm. Vì thế, dù giới trẻ rất thích tết Tây nhưng tết âm lịch (Seollah) vẫn là Tết chính của Hàn Quốc.

Món ăn cổ truyền ngày tết Hàn Quốc

Món ăn cổ truyền ngày tết Hàn Quốc

Thăm gia đình người Hàn dịp tết bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy họ thức suốt đêm giao thừa, vì người Hàn tin rằng nếu ngủ trong đêm giao thừa sáng hôm sau lông mi sẽ bị bạc trắng và đầu óc kém minh mẫn. Việc thức đêm giao thừa còn mang ý nghĩa khác, ngoài việc đốt tre khô để xua đuổi tà ma (tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy) người Hàn bắt đầu chuẩn bị bàn thờ cúng gia tiên với gần 20 món do những người phụ nữ trong gia đình đảm nhận. Nếu được giúp bày mâm lễ cúng tổ tiên, bạn cần lưu ý các món ăn màu đỏ sẽ đặt bên phải bàn, các món như thịt cá nằm ở bên trái. Sau nghi thức cúng tổ tiên do người trưởng nam đứng ra thực hiện, những người trẻ sẽ làm lễ cúi lạy với người lớn tuổi (quỳ gối, áp hai mu bàn tay lên trán và cúi đầu sát đất) và nhận lì xì đầu năm.

Trẻ em Hàn quốc hành lễ với người lớn tuổi_

Trẻ em Hàn quốc hành lễ với người lớn tuổi

Ngoài ra, khi đến thăm nhà họ hàng hoặc bạn bè người Hàn, bạn cũng đừng quên chúc được yêu thích nhất: “say hay boke-mahn he pah du say oh” có nghĩa là “mong nhiều phúc lành năm mới sẽ đến với bạn”.

Trung Quốc

Ngoài nước ta, có lẽ Trung Quốc là nước “ăn tết” âm lịch (gọi là Xuân tiết, kéo dài từ mồng một đến rằm tháng giêng) lớn nhất châu Á cũng bởi nền tảng lịch sử lâu đời của quốc gia này. Trước Tết, người ta sẽ phân công nhau quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ và trang trí cửa chính, cửa sồ bằng giấy đỏ đồng thời đèn lồng đỏ cũng được treo lên để xua đi lạnh lẽo, bệnh tật cầu mong những điều may mắn.

Màu đỏ tượng trưng cho máy mắn được người Trung Quốc dùng trang trí nhà cửa khi tết về

Màu đỏ tượng trưng cho máy mắn được người Trung Quốc dùng trang trí nhà cửa khi tết về

Vào tối 30 Tết, cả gia đình sẽ cùng quây quần ăn bữa cơm sum họp đoàn viên. Ở miền Nam, bữa cơm này thường không thể thiếu món đậu phụ và cá, và dù không thích bạn cũng không nên từ chối vì trong chữ Hán các từ này đồng âm với từ “phú quý”, “dư thừa”.

Những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày tết của Trung Quốc

Những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày tết của Trung Quốc

Trong khi đó ở miền Bắc, món sủi cảo sẽ là món chính và được đại đa số yêu thích. Nếu chuẩn bị phong bao lì xì khi đến thăm viếng dịp tết, bạn đừng quên số tiền trong bao phải là con số tượng trưng cho những điềm lành, may mắn, phát tài phát lộc hoặc mang ý nghĩa phúc lộc thọ, chẳng hạn số 8 được người Trung Quốc xem là đại cát. Ngoài ra, số 1, 6, 9 cũng rất được xem trọng.

Mông Cổ

Người Mông Cổ cũng ăn Tết theo lịch Trung Quốc tuy nhiên, ngoài những nét tương đồng họ cũng có những phong tục rất riêng. Chẳng hạn, trong đêm giao thừa, bạn cần ăn thật no vì người Mông Cổ quan niệm rằng nó sẽ giúp họ tránh bị đói trong suốt năm sau.

Người Mông Cổ uống rượu Arkhi (làm từ sữa dê hoặc ngựa) vào dịp năm mới

Người Mông Cổ uống rượu Arkhi (làm từ sữa dê hoặc ngựa) vào dịp năm mới

Sáng ngày đầu năm, mọi người thường dậy sớm, mặc quần áo đẹp và nhóm lửa trước khi mặt trời mọc, nam giới thì bắt đầu lễ xuất hành mang theo thực phẩm và cầu nguyện trên đỉnh một ngọn đồi nào đó. Sau đó, mọi người bắt đầu tụ tập ở nhà người trưởng họ, thường là lớn tuổi nhất để chúc tết. Trong khi chúc Tết, các thành viên trong gia đình sẽ cầm những dải vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho lòng thương và điềm lành. Sau khi thực hiện nghi thức này, họ cùng ăn món buuz (một loại bánh như bánh bao nhân thịt cừu, bò băm nhỏ), uống rượu arkhi và trao nhau những món quà cầu chúc một năm mới thịnh vượng và ấm no.

Singapore

Tuy là một quốc gia đa dạng về văn hóa và có tốc độ phát triển cũng như hội nhập mạnh mẽ vào loại nhất khu vực, nhưng Singapore vẫn rất coi trọng dịp tết âm lịch hàng năm. Đặc biệt, với dân số gồm phần đông là người Hoa (khoảng 80%), Ấn Độ và Mã Lai nên ngoài những điểm chung còn có những lễ nghi rất riêng của từng tộc người. Chẳng hạn, khi người Hoa tổ chức lễ hội hoa đăng thì người Mã Lai tổ chức Lễ hội Hari Raya (ngày hội đánh dấu tháng ăn chay) truyền thống theo các nghi thức tập tục riêng của các tín đồ đạo Hồi.

Cam là quả mang ý nghĩa may mắn được trẻ em Singapore mang theo khi chúc tết người lớn tuổi

Cam là quả mang ý nghĩa may mắn được trẻ em Singapore mang theo khi chúc tết người lớn tuổi

Theo tục lệ, khi đi chúc tết và thăm viếng họ hàng ở Singapore, trẻ con hay người ít tuổi thường mang theo một giỏ cam, vì cam tượng trưng cho sự may mắn để chúc người lớn tuổi hơn. Đặc biệt, câu chúc tết được người Singapore ưa thích thường là Cung hỷ phát tài thay vì Chúc mừng năm mới như một số nước.

Nhật Bản

Trước năm 1873 người Nhật cũng đón tết theo lịch âm, nhưng để mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn, ngày nay người Nhật đón tết cổ truyền theo dương lịch. Tuy nhiên không vì thế mà những phong tục cổ xưa, truyền thống bị thay đổi hay mai một. Trong đêm giao thừa, người Nhật cũng thức chờ đón thời khắc 12 giờ để cùng ăn mì soba giúp xua đuổi rủi ro trong năm mới. Khi ăn, người Nhật sẽ cố ăn hết tô mì mà không cắn đứt sợi mì vì họ tin rằng, sợi mì càng dài thì tuổi thọ càng cao.

Vào sáng ngày đầu năm, mọi người sẽ cùng nhau cầu nguyện vào lúc bình minh. Người Nhật quan niệm ánh bình minh chứa đựng điều siêu nhiên kỳ diệu, mang lại may mắn, thịnh vượng và sức khỏe. Nếu đến cầu nguyện ở các đền thần đạo dịp tết, bạn cần nhớ cúi đầu hai cái, vỗ tay hai cái và cúi đầu một lần nữa để kết thúc cầu nguyện.

Tết cổ truyền dù mang tên gọi nào đi nữa cũng chứa đựng những di sản độc đáo và là “món đặc sản” với hương vị rất riêng. Để “nhập gia tùy tục” tốt, cần thiết phải tìm hiểu những lễ nghi mang tính bản địa này.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment