Đừng lo nếu con “yêu” sớm!

Đến một ngày, các bậc phụ huynh sẽ làm gì khi đứa con bé bỏng của mình nói rằng chúng đang cảm mến một người? Đừng lo lắng, vì đó là những rung động hết sức tự nhiên và đáng yêu của một đứa trẻ.

Khi cảm mến một người, con trẻ sẽ bắt đầu hình thành những cảm xúc ngại ngùng, xen lẫn hạnh phúc khi ở cạnh người bạn yêu quý của mình. Con cũng dễ cảm thấy xấu hổ và luôn muốn thật chỉn chu trước mặt người mình cảm mến. Dù con trẻ ở độ tuổi nào, các bậc phụ huynh hãy hiểu đúng về những cảm xúc rung động này để không gây ra bất kỳ xung đột và tổn thương nào đến tâm lý của các con.

“Rung động và khát khao sự yêu thương là những cảm xúc rất đỗi bình thường của một người, kể cả những đứa trẻ.”

Đừng lo nếu con “yêu” sớm!

Các giai đoạn yêu đương của con trẻ

Đến một giai đoạn, các bậc phụ huynh phải chấp nhận rằng con trẻ sẽ mong muốn thiết lập một bản sắc của riêng mình. Con sẽ mong muốn được khám phá các cảm xúc mới lạ và một thế giới đa dạng ngoài kia. Điều này có thể xuất phát từ các mối quan hệ và những trải nghiệm mới từ trường học và xã hội. Trong giai đoạn này, con trẻ cũng bắt đầu khám phá bản dạng về giới của mình thông qua các mối quan hệ hẹn hò lãng mạn.

Trong tuổi dậy thì, bộ não bắt đầu tăng cường cảm nhận những cảm xúc phức tạp và mãnh liệt. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy bối rối và nhạy cảm hơn vì con vẫn chưa đủ năng lực để xử lý được những trải nghiệm này. Các bậc cha mẹ cần nắm rõ những thay đổi trong từng độ tuổi của trẻ để hỗ trợ và định hướng đúng đắn cho các con trong giai đoạn này.

  • Từ 5-8 tuổi: Trẻ em ở độ tuổi này đã bắt đầu hình thành khái niệm về các mối quan hệ từ việc quan sát cha mẹ chúng, cũng như tiếp thu thông điệp từ các câu truyện cổ tích và phương tiện truyền thông.
  • Từ 9-11 tuổi: Con trẻ bắt đầu cảm mến và thích chơi cùng với một người bạn mà con đặc biệt chú ý. Và trẻ có thể cảm thấy xấu hổ khi được hỏi đến “đối tượng” của mình.
  • Từ 10-14 tuổi: Con trẻ có thể bắt đầu cảm thấy bị thu hút bởi những người có chung sở thích hay những đối tượng mà các con ngưỡng mộ.
  • Từ 15-19 tuổi: Trong độ tuổi này, các mối quan hệ lãng mạn có thể trở thành trung tâm trong đời sống xã hội của thanh thiếu niên.

Đừng lo nếu con “yêu” sớm!

Không cấm con yêu, nhưng phải dạy con thế nào?

Có nhiều cách để các bậc phụ huynh thấu hiểu tâm sinh lý của con trẻ và không khiến con cảm thấy áp lực vì cảm xúc thật sự của chính mình. Có hai giai đoạn chính trong quá trình rung động, cảm mến của con trẻ mà các bậc phụ huynh nên lưu ý để có thể hỗ trợ và chia sẻ cùng con.   

Giai đoạn thiếu nhi:

Trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo đến tiểu học có thể bắt đầu đề cập đến một người bạn cùng lứa mà mình cảm mến và đặc biệt yêu thích chơi cùng. Con trẻ có thể tíu tít kể về người bạn ấy một cách đáng yêu hoặc có thể cảm thấy xấu hổ khi được hỏi về “tình yêu” mới của mình.

Trong giai đoạn này, các bậc cha mẹ đừng quá bất ngờ khi đứa con bé bỏng của mình lại phát triển những cảm xúc yêu mến từ sớm như vậy. Đó hoàn toàn là những trạng thái tâm sinh lý vô cùng bình thường của một đứa trẻ. Một khi con đã mở lòng chia sẻ cùng bạn, cha mẹ đừng bày tỏ một thái độ quá mạnh mẽ trước điều ấy. Vì có thể bạn sẽ khiến con bị tổn thương và phát sinh những cảm xúc tiêu cực khi không biết mình đang sai ở đâu.

Một số cha mẹ có suy nghĩ cởi mở hơn thường hay trêu chọc khiến con luôn ngại ngùng trước cảm xúc của mình. Đừng xem đó là một câu chuyện quá khủng khiếp và to lớn. Hãy nghĩ đơn giản rằng tình cảm tự nhiên của con người là những điều vô cùng bình thường mà bất kỳ cá nhân nào cũng phải trải qua trong đời. Thay vào đó, hãy hỏi trẻ về những đặc điểm mà con yêu thích ở người bạn đó, từ đó mở ra cánh cửa cho những cuộc trò chuyện sâu hơn trong tương lai. Ở tuổi này, bạn chưa cần cho con biết những khái niệm quá sâu sắc về tình yêu, hãy thừa nhận với con rằng chúng đang có những tình bạn đặc biệt vô cùng đáng yêu và luôn được cha mẹ ủng hộ.

Đừng lo nếu con “yêu” sớm!

Giai đoạn thanh thiếu niên:

Khi trẻ bắt đầu bước qua tuổi thanh thiếu niên, những rung động đầu đời có thể bắt đầu xuất hiện, dẫn đến việc khám phá sự hấp dẫn về giới tính. Con trẻ sẽ có xu hướng “say nắng” một người có chung sở thích hay đơn giản là một người có vẻ ngoài ưa nhìn cùng học lực xuất sắc. Trong giai đoạn này, con trẻ cũng lần đầu tiên vướng phải cảm giác hụt hẫng, thất vọng khi không dám thổ lộ tình cảm của mình. Để giúp con vượt qua cảm xúc tiêu cực này, cha mẹ nên thừa nhận và tôn trọng nỗi buồn của con, đặc biệt là không buông lời phán xét khiến con càng thêm tổn thương. Đối với tuổi mới lớn, cảm xúc là một ngọn núi lửa đang chực chờ bùng cháy. Cha mẹ hãy cố gắng đặt mình vào suy nghĩ của con trẻ, khuyến khích chúng đi chơi và dành nhiều thời gian cho những hoạt động yêu thích bên cạnh việc học ở trường. Ngoài việc lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của con, hãy thẳng thắn và chân thành chia sẻ những câu chuyện của chính mình khi bạn ở lứa tuổi của con và hướng dẫn trẻ cách vượt qua những cảm xúc hiện tại.

“Miễn là không vượt quá giới hạn cho phép, tình yêu thời niên thiếu sẽ luôn là ký ức tươi đẹp giúp con vun bồi thêm những cảm xúc phong phú trong tâm hồn.”

Mặc dù, tình cảm lãng mạn trong độ tuổi này có xu hướng không kéo dài lâu khi con trẻ dần hiểu rõ hơn về đối phương. Nhưng, những cảm xúc mãnh liệt của con trong thời điểm này là hoàn toàn có thật. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên nghiêm túc xem trọng mối quan hệ của con và không chế nhạo cảm xúc của chúng. Nếu con trẻ muốn đi chơi một mình với một người bạn đặc biệt, hãy trò chuyện nghiêm túc và thiết lập ra những ranh giới cho con về mối quan hệ này. Bạn phải giải thích cho con hiểu rằng cha mẹ không hề cấm đoán việc các con yêu đương và tìm hiểu nhau. Nhưng, bạn cũng hãy cho con trẻ biết rằng đâu là giới hạn cho phép của mối quan hệ này trong khuôn khổ văn hóa Á Đông, đề phòng cho những suy nghĩ quá cởi mở của con khi tiếp xúc với các phương tiện truyền thông.

Những cuộc trò chuyện cởi mở có thể giúp con bạn cảm thấy tự tin hơn khi nói về cảm xúc của chính mình khi bắt đầu quan tâm đến một người. Và những cuộc trò chuyện này chính là nền tảng trong việc giáo dục trẻ trong nhiều chủ đề quan trọng khác, chẳng hạn như: cách đối xử tử tế với người yêu, chia tay trong văn minh hay tôn trọng cảm xúc của người khác,…

Rung động và khát khao sự yêu thương là những cảm xúc rất đỗi bình thường của một người, kể cả những đứa trẻ. Hãy hạnh phúc vì con biết yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh bằng tình cảm non nót đầu đời ấy. Miễn là không vượt quá giới hạn cho phép, tình yêu thời niên thiếu sẽ luôn là một ký ức tươi đẹp giúp con vun bồi thêm những cảm xúc phong phú trong tâm hồn.

***

Bình thường hóa chuyện con… yêu!

1. Nhớ về mối tình đầu của bạn

Bạn có nhớ giây phút lần đầu tiên bạn từng rung động trước một người là như thế nào không? Đó có phải một kỷ niệm đáng yêu của tuổi trẻ chứ? Vậy thì lúc này hãy đặt mình vào vị trí của con. Hơn ai hết, bạn là người đã trải qua cảm giác rung động đầu đời. Và bạn thừa biết rằng đó là những tình cảm vô cùng hồn nhiên, vô hại mà con phải trải qua trên hành trình trưởng thành của mình.

2. Nhìn sự việc bằng “nửa ly nước đầy”

Đừng cố gắng phản bác hay nhìn vào mặt trái của tình yêu tuổi dậy thì. Ngược lại, bạn hãy xem tình yêu trong sáng chính là một động lực để con cố gắng, hoàn thiện mình hơn để sánh bước cùng đối phương. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi đứa con trai bé bỏng một ngày nào đó bỗng trở nên ga-lăng hay đứa con gái nghịch ngợm bỗng dưng nữ tính và dịu dàng hơn bình thường, đúng không?

3. Cởi mở với người mà con yêu mến

Cha mẹ hãy là những người bạn của con, luôn cảm thông và chấp nhận người mà con đang cảm mến. Khi con trẻ biết rằng cha mẹ chính là người đồng hành cùng chúng trong quá trình trưởng thành, các con sẽ luôn tự nhận thức về hành động của mình và không vượt quá giới hạn khiến cha mẹ phải phiền lòng.:

Text: An Mi

Bài viết độc quyền trên số 142 của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment