Tết vui là bởi... tay bưng biếu quà • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Tết vui là bởi… tay bưng biếu quà

Bởi Tết vốn là dịp để thể hiện lễ nghĩa với ông bà tổ tiên, họ hàng, gia tộc, là dịp để bạn bè gặp gỡ, là khoảnh khắc của sum vầy và niềm vui hội ngộ… nên Tết cũng là bài học tuyệt vời về cuộc sống cho con trẻ.

 

Quà đẹp là bởi tay bưng

Quà Tết vốn không thiếu. Nhưng, những gói quà bán sẵn vốn chẳng thể mang lại cảm xúc đong đầy cho cả người biếu lẫn người nhận quà như những món quà được chính tay người tặng làm. Bởi vậy mà, dẫu bận rộn, không ít bà mẹ vẫn muốn giữ lại cho mình và tạo cho con những khoảnh khắc thiêng liêng của việc chuẩn bị quà biếu Tết. Họ học hỏi cách ngâm rượu, tự tay làm ô mai, mứt hay quấn từng miếng nem nhỏ xíu để làm quà tặng. Trong khi mẹ chế biến, những đứa trẻ sẽ được yêu cầu làm những việc vặt như chuẩn bị lau rửa những chiếc lọ xinh để đựng hoặc tự tay làm những chiếc nơ đỏ để trang trí cho gói quà.

Khoảng thời gian mẹ con cùng chuẩn bị quà này không chỉ giúp trẻ cảm nhận được không khí ấm cúng và sự trân trọng với món quà mang đi biếu tặng mà còn hiểu hơn về ý nghĩa ẩn sau những món quà thông qua các câu chuyện hay sự giảng giải của cha mẹ. Chúng sẽ cảm nhận được tình cảm ấm áp, lòng biết ơn hay trách nhiệm của người con với bố mẹ, ông bà, người thân qua những dịp này.

Tuy nhiên, món quà có cầu kỳ, tỉ mỉ bao nhiêu vẫn chưa là đủ nếu bàn tay người biếu thiếu đi sự trịnh trọng. Vậy nên gạt đi mọi lo toan, bận rộn, ngày cuối năm khi chuẩn bị đi biếu quà ông bà, mẹ nên cho con đi cùng, thậm chí mẹ có thể để chính tay con bê gói quà tặng. Qua đó, mẹ cũng nên chỉ cho con cách tặng quà trân trọng nhất từ những cử chỉ nhỏ như ăn mặc gọn gàng, đẹp đẽ cho tới thái độ vui tươi, bê quà bằng hai tay khi biếu quà. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên gợi ý cho con một số lời chúc đẹp đẽ khi biếu quà.

 Lời chúc cần chân thành

Người Việt ta luôn quan niệm rằng, ngày đầu năm nếu nhận được những lời chúc tốt lành, cả năm sẽ may mắn. Nên, vào những ngày đầu năm, ngoài việc dành tặng những lời chúc tốt đẹp cho người thân, bạn bè, các mẹ cũng nên dạy con những lời chúc Tết ý nghĩa.

“Người Việt quan niệm rằng, ngày đầu năm nếu nhận được những lời chúc tốt lành, cả năm sẽ may mắn. Nên, vào những ngày đầu năm, ngoài việc dành tặng những lời chúc tốt đẹp cho người thân, bạn bè, các bà mẹ cũng nên dạy con những lời chúc Tết ý nghĩa.”

Những câu chúc chung chung như “Chúc mừng năm mới”, “chúc may mắn và hạnh phúc” không sai nhưng cũng không thật gần gũi với người được chúc. Tuỳ vào từng độ tuổi, công việc của người được chúc mà mẹ gợi ý cho con những lời chúc phù hợp. Chẳng hạn với ông bà, người cao tuổi có thể đó là lời chúc: “Con chúc ông/bà khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”. Còn với người đang kinh doanh có thể đó là: “Con chúc cô/chú sức khỏe dồi dào, buôn may bán đắt”. Còn với những người làm trong các cơ quan, tổ chức, câu gợi ý hợp lý nhất nên là: “Chúc cô/chú công việc thăng tiến, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc”…

Mẹ cũng nên nhắc con khi nói lời chúc Tết, nên nhìn thẳng vào mắt người được chúc với nụ cười thân thiện, lễ phép. Và ngược lại, khi nhận lại lời chúc từ người khác, bé cũng nên tỏ thái độ vui mừng kèm lời cảm ơn chân thành.

Cung kính khi nhận lì xì

Ngày Tết không thể thiếu những chiếc phong bao lì xì màu đỏ. Những phong bao đựng tiền mừng tuổi này mang ý nghĩa như một món lộc trừ tai họa, mang lại may mắn cho trẻ nhỏ mà người tặng muốn gửi gắm vì thế mẹ cần dạy con phải thật lòng cảm ơn người tặng bằng thái độ cung kính: hai tay đón nhận phong bao và nói lời cảm ơn.

Những phong bao lì xì tượng trưng cho sự kín đáo, không nên gây sự so bì về giá trị. Vì thế, mẹ hãy dạy con sau khi nhận phong bao nên gửi bố mẹ giữ hoặc cất gọn trong túi quần, áo. Trẻ tuyệt đối không nên bóc và xem tiền lì xì trước mặt khách, cũng như bình luận về số tiền mừng tuổi làm phật lòng người tặng. Và có như vậy, con mới nhận về cho mình những may mắn.

Dạy con tri ân ông bà, cha mẹ

Tết là cơ hội tốt để bố mẹ tâm sự và chia sẻ với con về tổ tiên, sự vất vả của ông bà trong việc nuôi dạy cha mẹ thành người. Bằng những câu chuyện giản đơn mà xúc động, trẻ sẽ dần cảm nhận được những hi sinh, khó khăn, vất vả để từ đó lòng tri ân sẽ đến một cách tự nhiên với tâm hồn bé.

Dịp Tết, ngoài việc biếu quà cho ông bà, bố mẹ cũng nên gợi ý cho con có những hành động cụ thể tri ân ông bà, cha mẹ như mời nước, bóp chân, đấm lưng… Đây cũng lúc bạn nên giải thích về những mối liên hệ máu mủ ruột rà trong gia tộc để bé có thể hiểu được ý nghĩa huyết thống của gia đình mình.

 Những điều cần lưu ý:

  • Kiêng nói những điều không vui: Ngày đầu năm, việc nói những điều không vui, xui xẻo cũng như nói to, cãi nhau, nói xấu hoặc chửi mắng người khác được xem là cấm kỵ hàng đầu. Vì vậy, cha mẹ hãy nhẹ nhàng dặn con không nên cãi cọ to tiếng với bạn bè, cần lễ phép tôn trọng người lớn.
  • Tránh làm vỡ đồ đạc: Theo quan niệm của người Việt, làm vỡ vật dụng trong ngày đầu năm là không tốt. Nên, cha mẹ cũng nên dạy con cẩn trọng trong hoạt động để tránh đổ vỡ.
  • Kiêng khóc lóc, buồn tủi, bực tức: Hãy dặn bé rằng nếu gặp chuyện không vui hay không vừa lòng, bé cũng không nên khóc hay giảy nảy để cái Tết được trọn vẹn niềm vui.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment