Mắc lỗi để trưởng thành - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Mắc lỗi để trưởng thành

Khi đứng trước những lỗi lầm của con, nhiều cha mẹ thường mất bình tĩnh, giận dữ, lo lắng và thậm chí đánh đòn mà không hay rằng trẻ mắc lỗi là cơ hội tuyệt vời để trưởng thành. Và rằng, việc tạo ra một không gian để trẻ mắc lỗi là con đường ngắn nhất đưa trẻ đến thành công…  

Sự diệu kỳ của những lỗi lầm

Cho đến giờ, dù đã 3 năm sau chuyến tham quan bão táp của trường tiểu học Milton, Washington, Mỹ nhưng hình ảnh cậu bé Jeremy Wuitschick, 10 tuổi, vẫn xuất hiện trên các mặt báo và truyền hình như một anh hùng. Năm đó, khi Jeremy Wuitschick cùng bạn bè và thầy cô đang ngồi trên ô tô thì bỗng nhiên người lái xe đột quỵ và xe mất lái. Trong khi bạn bè, thầy cô sợ hãi la hét, thì Jeremy, nhanh như cắt rút vội chìa khóa. Chiếc xe kịp dừng lại an toàn ngay mép vực thẳm. Sau sự việc, trong khi người lớn chưa hết kinh ngạc về sự nhanh trí của Jeremy Wuitschick thì cậu bé hồn nhiên kể rằng ngày nhỏ cậu từng một lần khiến cha mẹ hết hồn vì “chơi” với vô lăng khi cả gia đình lái xe đi chơi và lần đó cậu đã thấy cha vội vã rút chìa khóa. Lần này đơn giản cậu bắt chước cha.

Chẳng bố mẹ nào cả gan để con nghịch dại hay chơi những trò quá ư mạo hiểm. Tuy nhiên, thực tế lại ghi nhận vô vàn tình huống mà trẻ em thoát nạn, thậm chí cứu mạng sống cho người khác trong gang tấc nhờ những… lỗi lầm trước đó. Dẫu vậy, thoát nạn chỉ là một khía cạnh trong vô vàn những kinh nghiệm quý giá mà nếu chưa từng mắc lỗi, trẻ sẽ không bao giờ có được.

Thử hỏi, một đứa trẻ chưa từng nếm trải cảm giác cô độc khi bị các bạn tẩy chay, xa lánh sao có thể hiểu được việc phải nhường nhịn, hòa đồng và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn là quan trọng ra sao. Một đứa trẻ cũng khó lòng mà tin rằng nước sôi nguy hiểm đến nhường nào nếu chưa đôi lần bị phỏng tay. Trẻ cũng chỉ hiểu được ý nghĩa thực sự của những nguyên tắc khi đi du lịch mà bố mẹ chúng vẫn rao giảng sau phen khóc hết nước mắt vì bị lạc bố mẹ giữa nơi xa lạ.

Mỗi lần phạm lỗi là một lần trẻ được tìm tòi, khám phá và dần cảm nhận được quy luật ẩn đằng sau những sự vật, hiện tượng. Đó là lý do mà những đứa trẻ hiếu động, hay nghịch ngợm và từng gặp nhiều sai lầm thường nhạy bén hơn với cuộc sống xung quanh. Cũng bởi vậy, chúng sẽ làm chủ cuộc sống tốt hơn những đứa trẻ được nuôi dạy theo lối bao bọc.

Sau những sai lầm hay thất bại, tất nhiên, trẻ sẽ trải qua một loạt các cảm xúc từ buồn bã, khó chịu, giận dữ… Những cảm xúc này khi thì thôi thúc trẻ tiếp tục, khi lại ngăn cản chúng và khiến chúng tự hoài nghi khả năng của bản thân. Trí tuệ cảm xúc của trẻ nhờ vậy cũng phát triển đến đỉnh cao.

Vì lẽ đó mà ở những nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, Anh, có những trung tâm, tổ chức lớn được tạo ra chỉ với mục đích duy nhất là “gài” bẫy trẻ. Ở đó, người ta tạo ra cả một không gian cho các cô bé, cậu bé phạm lỗi và trưởng thành từ những lỗi lầm đó. Ở Mỹ, khi đến trung tâm Nam Hướng Đạo, trẻ khó lòng tránh được những lần phạm lỗi trước vô vàn các tình huống được đặt ra. Tổ chức một cuộc đua xe đạp nhưng các thầy cô để cho trẻ tự xoay sở từ việc giành được xe đạp trước, đến đi đúng đường, đúng luật. Ngay kể cả trong trường hợp trẻ tranh cãi, đánh nhau, người lớn cũng mặc kệ. Giáo viên ngồi quan sát và tìm ra lỗi của từng trẻ. Sau đó, khi trẻ thất bại thì lúc ấy giáo viên mới giải thích phải xử lý ra sao.

Tưởng như chơi nhưng đây chính lại là nơi rất nhiều người trưởng thành. Trong số mười hai người Mỹ đổ bộ lên mặt trăng, mười một người từng sinh hoạt ở câu lạc bộ này.

“Gài” trẻ mắc lỗi

Sự tiện nghi và vội vã của cuộc sống hiện đại vô tình đã dựng nên những bức tường ngăn trẻ đến với những trải nghiệm riêng. Cả ngày dài ở trường, mọi hoạt động của trẻ gần như đã bị bó buộc theo khuôn khổ, quy định. Về đến nhà, trẻ lại ngập trong sự chăm bẵm, bao bọc đến từng nếp ăn, giấc ngủ. Đến cả những khoảng thời gian vui chơi tự do hiếm hoi, trẻ đôi khi cũng lại được định hướng sẵn chơi với bạn nào, chơi ở đâu, chơi trò gì…

“Cuộc sống vốn đầy những thứ đi ngược lại mong muốn và kế hoạch của con người. Và nếu mỗi lần đứng trước sai lầm đều vật vã, đau khổ thì quả là tai họa. Nên hãy để cho trẻ hiểu từ rất sớm rằng, sai lầm là điều khó tránh. Đau khổ, dằn vặt sẽ không giải quyết được chúng mà quan trọng là cần tránh lặp lại ở lần sau”

Dẫu vậy, nếu một khi thực sự muốn con… mắc lỗi để trưởng thành, cha mẹ cũng không thiếu những cơ hội. Theo các chuyên gia tâm lý, không đâu tốt hơn cho trẻ tự do mắc lỗi bằng những khoảng thời gian bên gia đình. Hãy buông thả trẻ và chỉ giữ vai trò là người hướng dẫn. Hãy để trẻ tự làm mọi việc, tự quyết mọi chuyện. Hẳn nhiên, trẻ tự làm đồng nghĩa với việc trẻ sẽ phải chịu trách nhiệm với những lỗi lầm mà chúng gây ra. Chẳng hạn, trước chuyến nghỉ mát, thay vì soạn đồ cho trẻ mang theo, hãy để trẻ, thậm chí chỉ 7, 8 tuổi tự lo chuẩn bị tư trang hành lý cho mình. Chắc chắn, sẽ có lần trẻ quên thứ này hay thứ khác và khốn khổ khi đi chơi vì điều ấy nhưng đó là bài học trẻ sẽ nhớ. Hay những đứa trẻ lên 5, 6 tuổi sẽ buồn bã vô cùng vì mất buổi đi ăn gà BBQ chỉ vì quên chưa làm bài tập sẽ nhớ như in lịch trình thông báo của bố mẹ…

Cuộc sống vốn đầy những thứ đi ngược lại mong muốn và kế hoạch của con người. Và nếu mỗi lần đứng trước sai lầm đều vật vã, đau khổ thì quả là tai họa. Nên hãy để cho trẻ hiểu từ rất sớm rằng, sai lầm là điều khó tránh. Đau khổ, dằn vặt sẽ không giải quyết được chúng mà quan trọng là cần tránh lặp lại ở lần sau.

Đừng buồn khi trẻ liên tục mắc lỗi

Ts. Tovah Klein cho rằng: “Một đứa trẻ không thể tiến lên nếu chúng không phạm sai lầm hay mắc lỗi. Nếu bạn không mắc lỗi và vấp ngã, bạn không thể chấp nhận rủi ro mà cuộc sống này luôn đầy rẫy những rủi ro”.

Theo tâm lý học lứa tuổi, ở mỗi độ tuổi, nguyên nhân dẫn đến sự mắc lỗi của trẻ lại khác nhau. Nhận được điểm nổi bật trong quá trình phát triển của con, cha mẹ đừng cảm thấy căng thẳng, hoảng hốt thậm chí cáu giận và thất vọng khi con mình cứ liên tục mắc lỗi. Việc giúp trẻ nhận ra những giá trị đích thực, rút ra những bài học từ chính những sai lầm là việc làm rất quan trọng của cha mẹ. Sự bình tĩnh, kiên trì phân tích, chỉ bảo của cha mẹ bằng nhiều phương pháp khác nhau sẽ giúp trẻ can đảm thừa nhận lỗi lầm của mình, từ đó có định hướng phấn đấu để thay đổi bản thân, để hoàn thiện nhân cách và phát huy lối sống lành mạnh.

Theo ThS. Trần Thị Oanh (Chuyên viên nghiên cứu các chương trình phát triển trí tuệ và kỹ năng cho trẻ)

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

 

Comment