Vun đắp yêu thương tự trong con • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Trước khi một đứa trẻ có thể nhận ra những thứ quý giá ở người khác, chúng cần phải thấy rằng chúng là ai có giá trị như thế nào. Và để mở ra cánh cửa đó, điểm khởi đầu tốt nhất là dạy cho con cái chúng ta biết cách yêu thương bản thân chúng đầu tiên.

Tất cả các bậc làm cha mẹ đều muốn nuôi dưỡng những đứa trẻ trở nên khỏe mạnh, hạnh phúc và tử tế. Cuộc hành trình hướng đến yêu bản thân là một hành động xứng đáng, nhưng nó cũng vô cùng khó khăn. Dạy con yêu bản thân không có nghĩa là khiến con ích kỷ, luôn nghĩ rằng mọi thứ con làm đều đúng, mà bạn cần để con trẻ cảm nhận tình yêu thương để tự biết quý trọng bản thân mình. Nếu học được cách yêu bản thân, trẻ sẽ lớn lên trong một môi trường an toàn, phát triển thành một người trưởng thành và biết yêu thương mọi người xung quanh. Khi thế giới tràn ngập những người như thế, ắt hẳn lòng trắc ẩn và lẽ sống tốt lành sẽ được nhân rộng ở quy mô cực kỳ lớn.

Cảm nhận được sự quan trọng

Khi con muốn trò chuyện với bạn, hãy bỏ qua những gì đang làm, nhìn vào mắt con và thực sự quan tâm đến những gì con nói đến. Có thể chỉ mất một vài phút cho toàn bộ cuộc trò chuyện, nhưng điều đó sẽ tạo ra một ấn tượng lâu dài tích cực cho trẻ nhỏ. Đừng để trẻ nhận thấy rằng chiếc smartphone của bạn quan trọng hơn chúng. Ngoài ra, hãy nói “Mẹ/Bố yêu con” tất cả những lúc bạn có thể. Hãy chắc chắn rằng con không bao giờ nghi ngờ về việc bạn có yêu chúng hay không. Ngay cả khi con ngày một lớn lên, chúng vẫn sẽ thường nghi ngờ về tình thương của bố mẹ và cảm thấy thiếu sự an toàn khi không chắc chắn về “trọng lượng” của mình trong lòng các đấng sinh thành.

Khi con có vẻ khó chịu, hãy khuyến khích trẻ nói về cảm giác của chúng một cách chậm rãi, việc nói ra những khúc mắc trong lòng của một đứa trẻ thật sự cần sự kiên nhẫn của người lớn. Bằng cách này, bạn có thể kết nối với con và giúp con xây dựng ngôn ngữ và ngữ cảnh để hiểu và đánh giá cảm xúc của chính mình. Mỗi người chúng ta đều biết giá trị thật sự của một gia đình. Nhưng hầu hết chúng ta đều đối xử với con cái theo cách chúng ta cho là đúng mà không thật sự để ý đến cảm nhận non nớt của chúng. Từ bây giờ, hãy đảm bảo rằng sự đối đáp của bạn sẽ không khiến cho lòng tự trọng của con trẻ trở nên thấp đi mà sẽ khiến chúng luôn mở lòng để chia sẻ mọi nỗi buồn hay thất vọng mà chúng phải đang đối mặt với bạn.

Tập trung vào trái tim

Hãy nuôi dưỡng con cái để con nhận ra giá trị mạnh mẽ của sự tử tế, giúp chúng biết giúp đỡ những người xung quanh, đối đãi ôn hòa với bất kỳ ai tiếp xúc, và đặc biệt chú trọng ngôn từ khi nói chuyện với những người khác. Khi trẻ học được cách trao đi, cho dù với thời gian hay vật chất như thế nào, trẻ cũng sẽ luôn cảm thấy tuyệt vời. Hãy dạy trẻ cách để cảm thấy ấm áp và kết nối với người khác bằng cách san sẻ lòng yêu thương. Khi trẻ nhận ra rằng những người chúng giúp đỡ là điều quan trọng và vô cùng xứng đáng, chúng sẽ thấy bản thân có ích và luôn cố gắng không ngừng để hoàn thiện bản thân.

Hãy hướng về trái tim và tâm trí của những đứa trẻ, để chúng hiểu được, yêu bản thân không có nghĩa là ích kỷ và chỉ biết chính mình. Nhiều đứa trẻ khi được cung phụng, chiều chuộng quá mức sẽ có tâm lý chỉ biết đến bản thân và coi thường mọi thứ xung quanh. Sự sở hữu và các lợi ích cá nhân là điều phụ huynh cần hết sức chú trọng vì nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành và phát triển tính cách rõ rệt nhất. Điều nguy hiểm là đôi khi chính cha mẹ cũng có thái độ ích kỷ, điều đó sẽ vô tình biến sự vô tư nơi con trẻ trở thành vô tâm, vì vốn trẻ em luôn học từ những người xung quanh và có xu hướng lặp đi lặp lại hành động đấy mặc kệ đúng sai.

Thói ích kỷ có thể khiến trẻ trở nên trầm cảm vì bị tập thể xa lánh, hãy giúp trẻ tránh xa những tổn thương và học cách kiểm soát cơn giận, sự tức tối. Ngoài ra, đừng quá bao bọc con trong vòng tay mà hãy tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc với đám đông, cho phép con cọ sát với những món đồ chơi, đồ vật xung quanh nhưng không hình thành thói quen chiếm hữu, việc chia sẻ những món đồ vật sẽ giúp bé dần dần nhận ra cảm xúc của người khác và bỏ qua thói hẹp hòi, kiêu ngạo.

Tiếp thêm động lực

Hãy khuyến khích trẻ em nhận ra ưu điểm của chúng. Để ý những cử chỉ nhỏ hay thói quen hằng ngày để nhận ra con bạn có tiềm năng ở lĩnh vực nào. Các kỹ năng và thế mạnh mà mỗi người sở hữu được không nhất thiết con bạn cũng sẽ giỏi. Hãy tìm từng chút một, và nhận ra điểm mạnh khác biệt của từng đứa trẻ. Nếu con thích tham gia các lớp học khiêu vũ, học vẽ hay tham gia câu lạc bộ bóng đá, đừng ngần ngại hãy đăng ký ngay cho con, để con nhận thấy rằng có rất nhiều điều mới mẻ, chúng sẽ nhận được sự tự tin để biến nó trở thành một thói quen lâu dài để học cách bảo vệ chính mình thay vì sợ hãi và luôn núp bóng bố mẹ. Những kinh nghiệm phong phú, kết hợp với sự tự tin sẽ giúp con bạn nhận ra cần phải dành tình yêu cho bản thân chúng nhiều hơn nữa.

Ngoài ra, hãy luôn khen ngợi nỗ lực của con cái thay vì xét nét thành quả. Chúng ta không thể mong đợi con trẻ có thể làm hết mình nhưng cũng đừng chê bai chúng, hãy cùng con cái nuôi dưỡng những nỗ lực thực sự của chúng, giúp con trẻ trở nên kiên trì mà không mong đợi một kết quả hoàn hảo đó mới là điều quan trọng hơn cả.

 Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Text: Hong Dang

Có thể bạn quan tâm:

10 lý do vì sao nghệ thuật rất quan trọng đối với giáo dục con trẻ

Để con “bật cao” vào đời

Comment