Nuôi dạy một đứa trẻ mạnh mẽ về tinh thần không có nghĩa là con sẽ không khóc khi buồn và không đau khổ khi thất bại. Mà đó còn là khi con đang ở trong trạng thái hưng phấn nhất vẫn biết bản thân là ai và nhiệm vụ là gì để hoàn thành vai trò của chính mình trong mọi tình huống.
Sức mạnh tinh thần là thứ giúp con trẻ bật dậy khỏi những vấp váp và mang lại cho chúng khả năng để tiếp tục, ngay cả khi chúng bị mắc kẹt với sự nghi ngờ bản thân. Việc sở hữu mục tiêu và tinh thần mạnh mẽ là chìa khóa để giúp trẻ em đạt được tiềm năng lớn nhất trong cuộc sống. Là một đứa trẻ, các con được phép thỏa sức vui chơi nhưng cần phải có khả năng tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là học tập. Một số đứa trẻ sẽ không gặp khó khăn gì trong việc điều chỉnh phiền nhiễu và tập trung vào những gì nên tập trung. Nhưng nếu con bạn là một đứa trẻ hiếu động, thích làm theo ý mình và đôi khi xem nhẹ những mục tiêu của thời tuổi thơ, thì đây là lúc các con cần sự giúp đỡ từ bậc cha mẹ.
* Khởi đầu hoàn hảo từ sự tập trung *
Những tháng cuối năm hay giai đoạn trước và sau các kỳ nghỉ lễ là thời điểm trẻ phải chạy nước rút với hàng loạt bài tập và kỳ thi đánh giá thường kỳ. Đôi khi, con sẽ trở nên xao nhãng vì chưa kịp bắt nhịp với mức độ “bận rộn” và tần suất học tập “căng thẳng” của chính mình. Điều này là nguyên do kéo theo sự trễ nải trong việc bắt đầu tập trung vào nhiệm vụ của các con. Vì thế, để mọi thứ diễn ra dễ dàng, dễ chấp nhận hơn, thời điểm bắt đầu chính là lúc quan trọng nhất. Hãy cùng con bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, và khi những điều đó được hoàn thành, con sẽ bắt đầu “lên dốc” với tinh thần hưng phấn hơn.
Đừng quên hợp tác chặt chẽ với giáo viên của con, bởi đây chính là một trong những cá nhân tốt nhất có thể hiểu con bạn, bên cạnh bạn và thu hút sự chú ý của trẻ. Đấu tranh với sự tập trung hoặc bất kỳ kỹ năng nào khác có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ. Vì vậy, hãy khen ngợi khi con chăm chỉ và đang cố gắng cải thiện sự tập trung của chính mình. Liệt kê ra những cải tiến mà con đã vượt qua, đừng quên cho biết rằng điều ấy sẽ giúp con có được thành quả và tư duy tăng trưởng cao hơn so với những giai đoạn trước đó.
* “Đặt hẹn giờ” cho những mục tiêu *
Khi những đứa trẻ phải vật lộn với sự tập trung để hướng về mục tiêu, các con có thể trở nên khó lắng nghe và làm theo chỉ dẫn. Vì vậy, hãy cố gắng không làm con quá tải với quá nhiều hướng cùng một lúc. Đồng thời, hãy đặt hẹn giờ như một lời nhắc nhở để những đứa trẻ có giới hạn về thời gian, khi đó các con sẽ biết tập trung vào việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Khi con bạn ngồi làm bài tập về nhà hoặc một nhiệm vụ không mấy “vui vẻ” khác, hãy đặt hẹn giờ cho con bạn cần làm việc bao lâu trước khi ăn uống hoặc nghỉ ngơi vui chơi. Bằng cách này, bạn có thể tăng lượng thời gian từng chút một khi con trở nên tập trung tốt hơn.
Cũng như người lớn, một số đứa trẻ cần hoàn toàn yên tĩnh để tập trung, trong khi có những đứa trẻ lại có thể làm tốt hơn khi có tiếng ồn hiện diện. Đó là lý do vì sao điều quan trọng nhất là bố mẹ nên hỏi trẻ những gì khiến con cảm thấy an tâm và thoải mái nhất. Và hãy nhớ chia sẻ về những điểm mạnh của con bạn, chứ không chỉ đề cập đến những thách thức mà con phải trải qua. Một cách thú vị để làm được điều này là tạo ra một chuỗi điểm mạnh. Khi trẻ nhận thức được những gì chúng giỏi và sự giỏi giang đó không chỉ ở một khía cạnh, nó sẽ tạo ra sự tự tin và giúp con có động lực mỗi khi vấp phải khó khăn, vướng mắc.
* Tạo điều kiện để hình thành lối sống có trách nhiệm *
Khi có mục tiêu, con sẽ trở nên có trách nhiệm hơn. Chắc hẳn, chúng ta đều muốn nuôi dạy những đứa trẻ biết sống có trách nhiệm. Bởi, ai cũng muốn sống trong một thế giới, nơi những người khác được nuôi dưỡng để có trách nhiệm, nơi người lớn không từ bỏ trách nhiệm với tư cách là một công dân. Và vì thế, để hiểu về tầm quan trọng của trách nhiệm, đứa trẻ cần phải quan tâm đến mục tiêu và lựa chọn của chúng. Tất cả trẻ em đều muốn mình là người có khả năng đáp ứng mạnh mẽ những gì người khác yêu cầu chúng làm. Tuy nhiên, đôi khi các con sẽ cố gắng che đậy mức độ căng thẳng của mình chỉ để làm hài lòng những người đã đặt kỳ vọng. Vậy nên, hãy luôn cảm nhận đến hành vi và hành động của con để biết khi nào con đang cảm thấy mệt mỏi.
Bạn không thể mong đợi chúng phát triển chỉ sau một thời gian ngắn. Mục tiêu giúp tăng dần trách nhiệm theo cách phù hợp với độ tuổi. Hãy luôn trao quyền cho con, đừng cảm thấy tội lỗi và gánh nặng, bởi đó là cách nhanh nhất bạn dạy chúng tự chăm sóc bản thân trước khi biết cách chăm sóc người khác và hướng đến mục đích sống quan trọng nhất trong đời mình.
***
Để trẻ tập trung hơn vào mục tiêu cá nhân, cần làm gì?
- Dành thời gian hợp lý cho nhiệm vụ cụ thể: Trẻ nhỏ (4-5 tuổi) thường có thể tập trung vào đâu đó trong khoảng từ 5-20 phút tùy theo nhiệm vụ. Nếu đó là một hoạt động thú vị, thời gian sẽ có thể kéo dài thêm hoặc rút ngắn đi nếu đó là những thử thách và hoạt động mới lạ mà chúng vừa biết và tiếp xúc.
- Làm một việc tại một thời điểm: Chúng ta có thể ca ngợi khả năng đa nhiệm trong cuộc sống trưởng thành, nhưng có một điều rõ ràng là đa nhiệm sẽ làm giảm sự tập trung vào một mục tiêu nhất định và khiến hiệu suất bị giảm sút. Đối với trẻ nhỏ, hãy để con hoàn thành mỗi vấn đề từng thời điểm một, có như thế khi nhiệm vụ được hoàn thành mới có thể khiến con cảm thấy tự hào và ngày một tập trung hơn.
- Thiết kế thời gian nghỉ ngơi có kế hoạch: Không chỉ tập trung vào học hành và giúp đỡ bố mẹ, trẻ em còn cần phải có thời gian để vui chơi và làm những điều khác. Hãy tạo ra những khung giờ giải lao để giúp con cảm thấy phấn khởi và lạc quan hơn, cũng như giúp con tái tạo lại năng lượng để tập trung vào những mục tiêu mới đang chờ đợi.
- Quản lý dễ dàng hơn bằng cách chia nhỏ nhiệm vụ: Đây là một chiến lược khác để giúp trẻ tiếp cận một nhiệm vụ đầy thách thức. Khi trẻ biết cách chia nhỏ nhiệm vụ ra thành từng giai đoạn để chinh phục, trẻ sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn khi tiếp cận một nhiệm vụ khó khăn và không dễ nản lòng trong học tập hay mọi tình huống khác.
- Giúp con rèn luyện óc tổ chức: Hầu hết trẻ em đều khá hỗn loạn khi buộc phải làm một điều gì đó, và điều này còn có thể hiểu là sự vô tổ chức. Nếu muốn con tập trung vào nhiệm vụ hơn, con cần có óc tổ chức để biết cách thống nhất các nhiệm vụ và thể hiện trách nhiệm của mình. Sẽ mất khá nhiều thời gian để một đứa trẻ hiểu được việc này, nhưng nếu làm được, đó sẽ là cách để con biết sống tự lập và lập kế hoạch cho công viẹc của mình.
Bài viết độc quyền của ấn phẩm Nữ Doanh Nhân.
Độc giả đang đọc bài viết “Làm thế nào để trẻ vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ học tập?” tại chuyên mục Education của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!
Đọc thêm:
Nuôi dạy con: Đồng hành mùa thi để căn bệnh “thành tích” thôi lây nhiễm
Nuôi dạy con: Làm thế nào để con trưởng thành tử tế và đầy khí chất?