Giữa cha và mẹ, ai mới là người hạnh phúc hơn? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Giữa cha và mẹ, ai mới là người hạnh phúc hơn?

Nuôi dạy con cái là trách nhiệm chung của những người làm cha mẹ, nhưng liệu ai mới là người tận hưởng được hạnh phúc thật sự trong nghĩa vụ lớn lao của mình?

Ngày nay, vấn đề bình đẳng giới đã được cải thiện rõ rệt khi phụ nữ ngày càng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng hơn trong xã hội và được quyền tự quyết cho cuộc đời mình. Nhưng phụ nữ trong vị trí của một người mẹ hay đàn ông trong vị trí một người ba dường như ít thay đổi vai trò của mình, đó là do bản năng của tạo hóa hay thứ định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức họ từ lâu đời?

Niềm hạnh phúc trong sự thư giãn tuyệt đối của ba…

Ở thời đại này, vai trò của các ông bố trong gia đình đã được cải thiện tích cực, họ biết dành nhiều thời gian hơn bên cạnh con cái. Phần lớn mục đích các ông bố bên cạnh con cái là để chơi đùa, khám phá và rèn luyện kỹ năng vận động. Bằng sự phóng khoáng của một người đàn ông, người cha sẽ cho con mình được tự do trải nghiệm, kể cả những việc có vẻ nguy hiểm nhưng vẫn âm thầm quan sát và đảm bảo sự an toàn. Dĩ nhiên, trẻ cực kỳ thích điều đó. Và đây cũng là một phần nguyên nhân khiến trẻ muốn được chơi cùng ba hơn thay vì mẹ.

Tuy nhiên, nếu phải đối mặt với những trách nhiệm to lớn, nặng nề hơn trong việc chăm sóc con cái thì ắt hẳn áp lực đối với các ông bố là điều khó tránh khỏi. Chắc chắn họ sẽ không thể chăm lo các vấn đề về dinh dưỡng, sức khỏe cho con cái tốt bằng những người mẹ. Phần lớn các ông bố sẽ không thể chủ động, tinh tế như các bà mẹ. Hơn nữa, họ sẽ không có đủ kiên nhẫn để ngồi cùng con luyện viết chữ, hay không có đủ sự tập trung để ngồi lắng nghe những câu chuyện phiếm của con. Có lẽ điều này thuộc về bản năng giới tính chăng? Nhưng dù sao đi nữa thì các ông bố cũng cảm thấy hạnh phúc trong giới hạn của mình, đó là được chơi đùa cùng con cái. Qua hình thức gắn bó này họ dạy cho con cái được rất nhiều những kỹ năng phát triển thể chất lẫn trí tuệ rất bổ ích. Họ có thể đối diện với con cái một cách thoải mái hơn, bình đẳng hơn và có sự thư giãn tuyệt đối ở đây, mặc dù đôi khi có những lúc các ông bố nóng giận thì sẽ kinh khủng hơn rất nhiều so với những người mẹ.

***

Sự phóng khoáng của người đàn ông khi làm cha mang đến cho con những trải nghiệm hạnh phúc và an toàn với cảm giác tự do và vượt qua giới hạn.

***

Hay niềm hạnh phúc trong nỗi lo toan vất vả của mẹ?

Việc chăm sóc con cái từ lâu đã được mặc định là trọng trách của người phụ nữ, với những câu thành ngữ đến nay vẫn được lưu truyền như “Con dại cái mang”, “Phúc đức tại mẫu” hay “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Kể cả người phụ nữ thời nay, mặc dù họ đã bước ra ngoài xã hội, làm những việc lớn lao hơn, nhưng việc chăm sóc, nuôi dạy con cái vẫn là nhiệm vụ không thể thay thế được, bởi nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ cao. Từ chế độ dinh dưỡng, vấn đề cân nặng đến việc con suy nghĩ gì, con thay đổi ra sao thì người mẹ sẽ luôn là người đầu tiên có thể nhận ra được điều đó. Bởi vì luôn cảm thấy lo âu về sự an toàn của con, cho nên họ sẽ có tâm lý muốn bảo bọc con trong tầm ngắm của mình. Họ không muốn cho con ra đường, không muốn con tiếp xúc với bất kỳ một thứ gì có thể tiềm ẩn sự nguy hiểm, và họ sẽ đưa ra những lời đe dọa nhằm cấm cản con làm những việc mà chúng thích, có thể là làm bẩn hoặc gây tổn thương. Vô tình điều này lại làm cho trẻ cảm thấy không vui, so với mẹ thì chúng sẽ thích chơi đùa cùng ba hơn. Chúng vẫn yêu mẹ mình nhưng chỉ tìm đến mẹ khi bị đau hoặc có nhu cầu gì đó như muốn ăn, muốn uống hay bị đau. Suy cho cùng, trẻ hiểu được một điều: mẹ luôn là chốn an toàn nhất để quay về.

Những người mẹ luôn phải suy nghĩ rất nhiều thứ để làm sao mang lại cho con sự an toàn và phát triển trọn vẹn nhất, đó là lý do khiến họ luôn mang trong mình những mối bận tâm và mệt mỏi. Tuy nhiên, không thể nói rằng những người mẹ vất vả không có hạnh phúc, bởi sự viên mãn của họ lại được xây dựng trên chính nền tảng đó, khi họ được nhìn thấy con cái được chăm lo toàn vẹn, chu đáo. Phải chăng đây cũng là một sự sắp bày của tạo hóa mà chỉ những người làm mẹ mới thấu hiểu?

***

Sự tinh tế của phụ nữ giúp con luôn biết rằng gia đình là chốn an toàn nhất để quay trở về.

***

Tất cả đều hạnh phúc như nhau với nghĩa vụ lớn lao

Đúng là như vậy, bởi vì sinh con ra, nuôi dạy con từ lúc còn nhỏ cho đến lúc lớn khôn, mỗi bước trưởng thành của con đều mang dấu ấn của ba mẹ. Hầu như mỗi giai đoạn phát triển của con cái đều có những áp lực riêng dành cho ba mẹ. Để chuẩn bị cho sự ra đời của con, ba mẹ có áp lực về kinh tế, họ phải đảm bảo một nguồn tài chính vững chắc mới có thể sẵn sàng chào đón thành viên mới. Khi con chào đời, áp lực càng nâng lên nhiều hơn nữa bởi con còn quá nhỏ với bao nhiêu thứ phải lo, từ đời sống vật chất, tinh thần đến sức khỏe. Rồi sau này khi con lớn lên một chút, bắt đầu đi học và khám phá nhiều điều mới mẻ hơn thì ba mẹ lại cần phải là những người “thầy cô” ở nhà, kiên nhẫn giảng giải những điều con chưa hiểu. Và khi con đến độ tuổi vị thành niên – giai đoạn khó dạy bảo nhất với những thay đổi nhanh chóng về thể chất lẫn tư duy, ba mẹ cần có sự can thiệp kịp thời và định hướng đúng đắn để con phát triển đúng hướng.

Cuối cùng khi con cái đã thực sự trưởng thành thì lúc này ba mẹ mới tạm thời quẳng đi nỗi áp lực, mặc dù vẫn có những ông bố bà mẹ tiếp tục ôm nỗi phiền muộn nếu như con cái của mình đã trưởng thành mà chưa thể thành đạt. Suốt quãng đời thực hiện nghĩa vụ của một đấng sinh thành, các bậc cha mẹ dường như luôn phải chạy đua với thời gian cùng sự trưởng thành của con cái và xem đó là hạnh phúc của mình. Không phải ai cũng nhận ra niềm hạnh phúc tồn tại trong chính những nỗi áp lực mà họ phải trải qua, nếu như chưa một lần làm ba mẹ.

***

Sau tất cả, hạnh phúc của cha mẹ là khi được nhìn con cái lớn khôn và hoàn thành nghĩa vụ của một đấng sinh thành.

Ảnh: Shutterstock

Comment