Để con "bật cao" vào đời • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Để con “bật cao” vào đời

Thước đo đánh giá những trẻ em từ khi chập chững ngày đầu đến trường thậm chí trở thành sinh viên vẫn là những mẫu số chung: học giỏi, thành tích cao. Cha mẹ vô tình đặt ra nhiều kỳ vọng lên vai con trẻ nhưng đã bao giờ thực sự lắng nghe con cần gì?

Có rất nhiều con đường để đi đến thành công, nhưng mục đích cuối cùng đôi khi luôn bị hạn chế bởi xã hội. Ít cha mẹ nghĩ đến việc khi thỏa mãn đam mê tức là lúc con trẻ thành công và có quyền tự hào về chính mình. Thay vì đặt ra những mục tiêu, cha mẹ hãy nên chỉ là người đồng hành giúp định hướng và khuyến khích con trở thành người như chính trẻ mong muốn.

Yêu thương đúng cách

Có thể nhiều bậc cha mẹ rất tâm lý, nhưng không tránh khỏi những “bối rối” trong cách giúp con vượt qua những căng thẳng trong học tập và cuộc sống. Và tất cả, xin hãy bắt đầu từ yêu thương, không đơn thuần cũng chẳng sáo rỗng. Đừng mải miết cố gắng cho con “cả thế giới” mà hãy trở thành những bậc cha mẹ là cả thế giới của con. Là ngọn nguồn tinh thần trẻ hướng về khi chùn chân, mỏi gối chứ không là nỗi lo sợ ám ảnh ký ức tuổi thơ về cái nhíu mày của cha, nỗi thất vọng của mẹ.

Tình yêu ba mẹ dành cho con là không thay đổi 

Khi trẻ làm tốt chẳng nên vội ca tụng cũng như khi sai phạm không vội la mắng, dù là với bất cứ lý do nào, đừng để bé nhà bạn cảm thấy cha mẹ yêu thương chúng vì những thành tích vừa đạt được. Nếu tất cả không theo quỹ đạo thì yêu thương cũng bỗng chốc tan vỡ. Trên thực tế, các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng tình yêu thương nơi cha mẹ đóng vai trò quan trọng đối với trẻ, trẻ luôn phải đối diện với nỗi hoang mang lo lắng về việc liệu cha mẹ còn thương mình nữa không! Vì thế phụ huynh đừng để khi ước mơ kỳ vọng bắt đầu cũng là lúc “khai tử” những yêu thương. Giữa cha mẹ và con chỉ còn cùng nhau thảo luận điểm số học tập hay thành tích cá nhân.

Quan tâm không kiểm soát

Niềm tin đôi khi chính là thứ khó nắm bắt nhất, nếu người trưởng thành nhận được sự tin tưởng trong công việc và cuộc sống ắt hẳn sẽ là thái độ biết ơn. Và một đứa trẻ, chúng thật sự vui vẻ và hạnh phúc khi người tin tưởng chúng không phải là thầy cô, bạn bè mà chính là ba mẹ. Điều đó như một động lực mãnh mẽ để trẻ cảm thấy bản thân vui sống. Quan trọng hơn, khi nhận được tin tưởng từ chính ba mẹ khiến con thực sự được thư giãn theo đúng nghĩa. Người lớn có những góc khuất thầm kín và trẻ con cũng cần có không gian riêng tư, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, trong khi đó không gian vô cực của những nỗi hoài nghi và kiểm soát sẽ chỉ đổi lại sự bức bối ngột ngạt. Thay vì vậy cha mẹ hãy trở thành người bạn “lớn”, dùng sự đồng cảm để cùng con chia sẻ cuộc sống lẫn thu nhỏ những khoảng lặng.

Hướng đến mục tiêu

Cùng trẻ tạo dựng nên những mục tiêu mang tính chất thời điểm quyết định, hãy là người nhạc trưởng biết giúp con khơi gợi cảm hứng để tạo nên những nốt bổng ngân vang cũng như bên con để điều chỉnh những mục tiêu quá cao trở nên thích hợp hơn. Cha mẹ cần đủ sự tinh tế để tạo dựng nền tảng từ những mục tiêu “vừa sức” và hỗ trợ con kịp thời để chinh phục điều đó. Tin chắc rằng niềm vui cảm thấy bản thân mình đạt được những thành quả dù nhỏ nhoi cũng là chất xúc tác để bé nhà bạn cảm thấy những gạch đầu dòng mình phải vượt qua không còn đáng sợ.

Kỳ vọng đúng tầm

Mỗi đứa trẻ dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa cũng có cho mình những tâm tư, tình cảm khác nhau và những nỗi sợ hãi vô hình. Việc phụ huynh cung cấp đủ phương tiện để hướng đến thành công cho con là điều tốt, tuy nhiên không phải lấy đó làm lý do để có thể “đòi hỏi” quá nhiều. Bỗng dưng biến việc học tập trở thành một “nghĩa vụ” đi kèm với các “quyền lợi” mà cha mẹ đã đáp ứng cho trẻ.

Xóa mờ làn ranh thành tích

Hãy xóa bỏ những ranh giới định kiến về thành tích, vì mỗi trẻ em đáng sống cuộc đời bình thường. Không nhất định phải trở nên xuất sắc vẫn có thể làm phong phú sắc màu của chính con. Việc đặt thêm những mục tiêu và kỳ vọng đôi khi khiến mọi thứ trở nên gượng ép. Con cố gắng học giỏi, chăm chỉ trong hoạt động lớp vì cha mẹ chúng muốn vậy. Điều này dần sẽ giết đi nguồn vui sống của một đứa trẻ, và còn gì tàn nhẫn hơn khi tâm hồn con trẻ phải gánh chịu những áp lực vô hình đến từ chính những người thân yêu nhất.

Tách khỏi áp lực xã hội

Xã hội ngày nay không ngừng đặt ra những yêu cầu để những đứa trẻ phát triển toàn diện, học kiến thức và học cả năng khiếu. Tuy nhiên ba mẹ cần tỉnh táo nhận ra đâu là điều thực sự tốt cho trẻ, bởi không phải cứ “hiểu” quá nhiều sẽ thành công và “biết” hơn người khác sẽ hạnh phúc.

Thay vào đó, ba mẹ hãy lắng nghe để hiểu được mong muốn của con, những môn học trẻ thực sự hứng thú, kỹ năng ngoại khóa con thực sự muốn trao dồi. Thêm vào đó là không ngừng tạo sự đồng cảm, động viên tinh thần con vì cũng có những trường hợp trẻ tự đặt ra kỳ vọng và thấy bản thân kém cỏi tựa việc cố gắng chạy “nước rút” khi gần về đích nhưng sức lực có giới hạn.

Khơi gợi cách thức

Mọi áp đặt đều sẽ trở thành rào cản khiến trẻ quẩn quanh với những áp lực. Có thể bạn sẽ không bắt trẻ làm theo hoàn toàn thì ít nhất, hãy gợi ý cách thức để con làm điều đó tốt nhất. Việc này không chỉ có ý nghĩa giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn với khó khăn mà còn tạo dựng nên lòng tin tưởng bé dành cho cha mẹ.

Các bậc phụ huynh sẽ bất ngờ trước việc trẻ cảm thấy mình trở nên thanh thản hơn khi đón nhận những thử thách trong đời và mỉm cười với cuộc sống. Bởi vượt lên tất cả, cốt lõi là để trẻ thấu hiểu mỗi người sinh ra đều mang bản sắc và sứ mệnh riêng. Những trải nghiệm thách thức trong đời thực chất là để rèn giũa và tôi luyện con thành người tốt hơn nhưng cũng cần “vừa sức” để không nhằm mục đích vùi dập ý chí nơi con trẻ.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

Dạy trẻ cạnh tranh tích cực

Ngoại trưởng Singapore: Món quà quan trọng nhất cho con là yêu mẹ của chúng

Comment