Dạy trẻ cạnh tranh tích cực - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Dạy trẻ cạnh tranh tích cực

Trước mỗi cuộc thi ở trường hay bảng tổng kết cuối năm khiến bé nhà bạn lo lắng, căng thẳng thậm chí đôi khi muốn từ bỏ. Vậy làm thế nào để bảo vệ trẻ khỏi những nỗi thất vọng và hướng con đến việc cạnh tranh nhưng mang một ý nghĩa mới hoàn toàn “tích cực”?

Giữa cuộc đua vẫn không ngừng tiếp diễn, cạnh tranh là yếu tố giúp trẻ phát triển và ngày càng trở nên tốt hơn. Bên cạnh đó, một tư duy cạnh tranh lành mạnh còn giúp trẻ sở hữu các kĩ năng cần thiết cũng như tinh thần đương đầu nếu có khó khăn. Vì vậy ngay từ ban đầu, ba mẹ không nên loại bỏ khái niệm cạnh tranh trong suy nghĩ của bé. Mà hãy bắt đầu cho trẻ thấy mỗi lần cạnh tranh chính là vượt qua và chiến thắng chính bản thân mình.

Quan tâm đến quá trình

Ba mẹ chẳng thể tách rời con khỏi những hoạt động và càng không thể lúc nào cũng xây dựng rào chắn để bảo bọc trẻ suốt những năm tháng cuộc đời. Do đó, cách tốt nhất là hãy khuyến khích bé nhà bạn tham gia những chương trình ngoại khóa và cố gằng ở bên cạnh con để hỗ trợ về tinh thần và cả kĩ năng.

Dành thời gian cùng bé luyện tập và cho con thấy được chúng đã tiến bộ qua từng ngày thế nào. Có thể chỉ rõ thành tích ở thời gian hoặc khiến trẻ thích thú khi ngày càng hoàn thiện kỹ năng của mình. Song song đó, lý giải cho bé hiểu rằng, mình đã làm được. Vì thế, nếu cuộc thi diễn ra, bé đón nhận kết quả thua cuộc so với một bạn khác thì hãy khéo léo khơi gợi câu chuyện về quá trình chinh phục của con và khiến trẻ tin rằng, ngay từ khi bắt đầu con đã chiến thắng bản thân mình.

Cạnh tranh không đáng “xấu hổ”

Mỗi đứa trẻ thường có phản ứng khác nhau khi đối mặt với thách thức, một số xem đó là sự khích lệ góp phần phấn đấu cho tương lai, số còn lại cho đây có thể trở thành sức ép đè nặng lên tâm lý. Trên thực tế, nhiều trẻ xem việc mình cạnh tranh, thi đua với người khác sẽ là yếu tố quyết định tất cả sau này. Nếu thắng sẽ được tung hô, còn kẻ thua cuộc trở nên lầm lũi.

Vì vậy, ba mẹ hãy cho trẻ thấy cạnh tranh không phải là điều đáng xấu hổ mà chỉ là cách ta đặt ra mục tiêu cho chính mình và từng bước hoàn thiện điều đó từng ngày. Có thể hôm nay kết quả học tập của trẻ chưa tốt bằng bạn cùng lớp, nhưng trong tương lai, nếu cố gắng con sẽ làm được thậm chí còn tốt hơn.

Hãy biết cách so sánh

Thông thường, đối mặt với việc trẻ làm sai, không ngoan hay chưa tốt ở một điểm nào đó khiến chúng ta hình thành tư tưởng so sánh. Và sau đó, không ngần ngại chỉ trích hành động của trẻ. Điều này, lâu dần sẽ hình thành trong suy nghĩ của trẻ cảm giác lo sợ phải cạnh tranh, dù đứng trước những gì bản thân có năng lực để vượt qua vẫn khiến trẻ ngại ngần.

Vì vậy, để trẻ có suy nghĩ tích cực trong việc cạnh tranh ba mẹ hãy tâm niệm “so sánh” cũng là cả “nghệ thuật”, bắt đầu từ thái độ của ba mẹ. Không nên quát mắng, lớn tiếng hay tức giận với trẻ. Mà ngược lại, hãy dùng thái độ ôn hòa, cùng con phân tích nguyên nhân của việc đã qua. Chỉ so sánh với hình ảnh trước đây của con, ví dụ như thời gian gần đây con luôn trễ giờ đến trường, còn trước đây con luôn đi ngủ sớm vào tối hôm trước và thức dậy đúng giờ.

Nỗ lực để đạt được mục tiêu

Ngay từ khi trẻ có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh thậm chí sử dụng “chiêu trò” để đạt được điều mình mong muốn. Lúc này đây, ba mẹ cần kiên quyết và tạo cơ hội để trẻ cạnh tranh công bằng với nhau bằng trò chơi hay hình thức nhanh chóng hoàn thành việc gì đó và phần thưởng là thứ mình mong đợi.

Chắc rằng sau những lần nỗ lực hết mình để chinh phục thử thách của ba mẹ sẽ giúp trẻ hiểu rằng phải giành lấy một cách công bằng và bỏ nhiều công sức mới có được điều mình yêu thích. Những lần cạnh tranh ít nhiều sẽ là nền móng vững chắc để trẻ vươn xa hơn cũng như để con học được cách sắp xếp chướng ngại một cách hợp lý để hoàn thành mục tiêu khác trong đời.

Ghi nhận sự cố gắng

Hầu hết trẻ sẽ cảm thấy tự tin, vui vẻ hơn gấp nhiều lần khi đón nhận lời khen từ ba mẹ so với nhận được lời khen đến từ một người khác. Do đó, ba mẹ hãy đồng hành cùng con và đưa ra những nhận xét cũng như lời khen đúng lúc cho việc làm của bé. Giữa những cuộc thi có sự cạnh tranh hay ganh đua nhau từng chút một thì lời khen của phụ huynh sẽ là nguồn lực tiếp sức cũng như phần nào giúp trẻ cảm thấy “nhẹ nhõm” hơn rất nhiều sau khoảng thời gian căng thẳng.

Các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra, ba mẹ dành quá nhiều kỳ vọng và mong muốn vào những danh hiệu và khả năng chỉ khiến trẻ cảm thấy áp lực hơn rất nhiều. Thay vào đó hãy chú tâm vào nỗ lực của con sẽ giúp bé có tâm lý thoải mái hơn rất nhiều trước khi bước vào những cuộc cạnh tranh lớn hơn trên đường đời.

                                Must read: Dạy trẻ ý nghĩa sum vầy

Đối mặt với thất vọng

Khi thất bại trong cuộc thi hoặc thua kém bạn cùng lớp thường khiến trẻ cảm thấy thất vọng và dễ nản lòng. Nhưng chắc chắn đây là lúc bé cần ba mẹ bên cạnh nhất, hãy tìm cách an ủi, động viên cũng như giải thích cho bé thấy rằng trong cuộc chiến có thắng thua là chuyện bình thường và thất bại không phải là điều quá tồi tệ.

Bạn cần hướng trẻ đến những suy nghĩ tích cực khi chỉ ra cho con thấy bé đã tích lũy được những kinh nghiệm và trưởng thành hơn từ cuộc đua này mới là điều đáng trân trọng. Dù không thành công nhưng chúng đã vượt qua và khắc phục được những khó khăn, chúng thấy hài lòng với những gì mình làm được thì chúng đã trở thành người chiến thắng. Đồng thời, tự vực bản thân đứng lên sau thất bại mới là điều đáng khen ngợi bởi đâu phải chỉ cạnh tranh một lần trong đời.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

Ba đã dạy con gái trưởng thành như thế

8 cách giúp trẻ rèn luyện tư duy phản biện

Comment