Dạy con ham đọc sách • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Dạy con ham đọc sách

Các bậc cha mẹ luôn thừa nhận tầm quan trọng của sách với đời sống, lợi ích của việc đọc sách trong việc nâng cao tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn của cả trẻ em lẫn người lớn. Nhưng thật không đơn giản để tạo dựng được thói quen đọc sách thay vì những tiêu khiển thời công nghệ số… Vậy, làm thế nào để nuôi dạy những đứa trẻ trở nên thông minh, tự lập và có trách nhiệm?

shutterstock_135006695_resize

Lợi ích của việc đọc sách

Gắn kết cha mẹ – con cái

Khoảng thời gian cha mẹ đọc sách cùng con là những khoảnh khắc ngọt ngào, êm đẹp đối với cả hai. Đó cũng là hoạt động tương tác kết giao chặt chẽ giữa cha mẹ và con cái, tạo ra mối quan hệ bền vững, sâu đậm hơn. Thay vì coi đọc sách là một nhiệm vụ hay công việc thì bạn nên coi đó là một thú vui, bởi chẳng bao lâu, khi con bạn lớn dần lên, chúng sẽ tách khỏi bạn và sống cuộc đời của chúng. Bạn sẽ tiếc hùi hụi những ngày thơ bé chúng cuộn tròn trong lòng bạn nghe như nuốt từng lời cho mà xem. Với đứa trẻ, được lớn lên cùng với những trang sách qua giọng đọc của cha mẹ là một hành trang tuyệt vời.

Phát triển kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp

Các nghiên cứu chỉ ra rằng kỹ năng ngôn ngữ của trẻ nhỏ có liên quan trực tiếp đến những gì đứa trẻ được nghe mỗi ngày. Do đó, những em bé được cha mẹ đọc sách, trò chuyện cho nghe mỗi ngày sẽ sớm biết nói và vốn từ cũng phong phú hơn hẳn những em bé không được nghe thường xuyên. Và khi trẻ có thể nói sớm, nói nhiều, khả năng giao tiếp của trẻ cũng trở nên sớm thành thục và phát triển tốt hơn về sau. Vì thế cha mẹ còn chần chờ gì nữa mà không đọc sách cho con nghe ngay từ những ngày đầu đời để trẻ có thể trở thành những đứa trẻ hoạt ngôn, tự tin trong giao tiếp khi trưởng thành hơn.

Tăng cường trí tuệ, cảm xúc cho tr

Các nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ số thông minh (IQ), óc tưởng tượng và chỉ số cảm xúc (EQ) đều có liên quan mật thiết đến lượng từ vựng mà trẻ được tiếp xúc khi còn nhỏ. Việc cha mẹ đọc sách, kể chuyện thường xuyên hàng ngày sẽ giúp trẻ tích lũy được vốn từ vựng đa dạng, phát triển tư duy logic, phán đoán tốt hơn, kích thích trí tưởng tượng và bồi đắp đời sống cảm xúc phong phú.

Thành tích học tập tốt hơn

Với những ưu thế vượt trội về kỹ năng ngôn ngữ, óc tưởng tượng, tư duy logic và những trải nghiệm phong phú, trẻ ham đọc sách từ nhỏ nhìn chung có thành tích học tập tốt hơn những trẻ em không có những trải nghiệm tương tự với sách vở. Thêm vào đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ ham đọc sách từ nhỏ cũng có tính tự giác cao hơn, độ tập trung lâu hơn và khả năng ghi nhớ tốt hơn – những điều này sẽ rất có ích khi chúng đi học.

Muốn con ham đọc sách…

 …cha mẹ phải ham đọc

Sẽ thật nực cười nếu bạn muốn con cái bạn ham đọc sách trong khi bạn lại chỉ thích dán mắt vào TV xem trò chơi truyền hình, say mê “cày games” trên máy tính hoặc mê mải lướt facebook trên smartphone. Cha mẹ luôn luôn là tấm gương của con trẻ, trong mọi lĩnh vực. Vì thế, muốn dạy cho con niềm ham mê với sách vở, bản thân bạn phải là người thích đọc sách và luôn tận dụng mọi khoảng thời gian để đọc. Hãy tắt các thiết bị kỹ thuật số và cầm sách lên – đọc cho con nghe khi bé chưa biết chữ; đọc và thảo luận cùng bé khi bé đã có thể đọc; và đến khi con bạn đã biết chọn sách cho riêng mình, bạn sẽ có thời gian để nghiền ngẫm những cuốn sách mình yêu thích. Cha mẹ hãy tạo ra thói quen đọc sách mỗi ngày cho trẻ ở những khung giờ cố định như sau bữa tối, trước giờ đi ngủ hay thậm chí là sau khi thức giấc, ít nhất 15 phút mỗi ngày.

…càng sớm càng tốt

Cha mẹ ham đọc sách có thể tạo dựng thói quen đọc sách cho con ngay từ khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Đọc sách mỗi ngày và tâm sự với bé về những điều vừa đọc được, đọc to một đoạn thơ với âm điệu du dương hay một mẩu chuyện vui vẻ, hài hước, bạn tin không, bé dù mới là một bào thai vẫn có thể cảm nhận được hết đấy. Khi bé chào đời, hãy đọc sách cho bé nghe mỗi ngày vừa để bồi đắp trí tuệ vừa giúp gắn kết tình cảm giữa cha mẹ với trẻ. Khi trẻ đã biết sử dụng các giác quan (3-6 tháng) hãy cho trẻ nhìn, sờ, thậm chí là gặm những cuốn sách nhiều hình ảnh rực rỡ. Trẻ từ 1-2 tuổi đã có thể “đọc” cuốn sách gồm những hình ảnh thân quen như đồ dùng/đồ chơi của bé với những dòng mô tả ngắn gọn. Lớn hơn nữa, 2-3 tuổi bé đã có thể nghe và kể lại những câu chuyện cổ tích/ đồng thoại ngắn, học thuộc lòng một bài thơ… Nói tóm lại, bạn càng cho trẻ tiếp xúc với sách càng sớm thì khả năng bé ham mê sách càng cao.

… dẫn bé đi nhà sách thường xuyên

Trong khi hệ thống thư viện công cộng ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập và bất tiện, may thay ở các thành phố lớn lại có khá nhiều nhà sách. Vì thế, bên cạnh việc dẫn con đi công viên, vườn trẻ, siêu thị, cha mẹ hãy đưa con đến nhà sách thường xuyên, hàng tuần hoặc hàng tháng, để khơi dậy niềm ham mê sách vở cho trẻ. Với những trẻ đã đủ lớn và bộc lộ cá tính, hãy cho phép trẻ lựa sách theo ý trẻ, bởi khi trẻ thích, chúng sẽ đọc ngốn ngấu, còn khi bị ép buộc theo ý thích của cha mẹ chúng sẽ rất nhanh chán. Để phòng “cháy túi”, cha mẹ có thể đặt ra “hạn ngạch” với trẻ trước khi đi, rằng hôm nay chúng ta được phép mua bao nhiêu cuốn/trong khoảng bao nhiêu tiền… Ở nhà, cha mẹ hãy chuẩn bị một tủ sách nhỏ cho con – có thể đặt trong phòng riêng của trẻ hoặc một góc riêng trong nhà. Đó sẽ là hành trang của riêng trẻ, trong suốt tuổi thơ của trẻ. Cha mẹ cũng nên lưu ý những sách báo nhạy cảm, nội dung, hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi các bé cần phải để ở một tủ riêng kín đáo của cha mẹ.

… tạo hứng thú

Điều cuối cùng và là điều quan trọng, cha mẹ phải tạo ra hứng thú đọc sách cho trẻ bởi mọi sự ép buộc đều không có giá trị và không mang lại kết quả nếu thực sự các bé không muốn. Cha mẹ hãy biết cách khơi dậy lòng yêu sách, niềm hứng thú đọc sách của các bé từ những việc đơn giản nhất. Với trẻ dưới 1 tuổi, những cuốn sách nhiều màu, bắt mắt là một thứ đồ chơi hấp dẫn. Với trẻ 2-3 tuổi, hãy tạo ra các trò chơi nhìn hình đoán chữ, giả vờ đọc sai một vài từ trong bài thơ/câu chuyện bé đã thuộc để cho bé có cơ hội “sửa lỗi” cho cha mẹ. Với trẻ lớn hơn, những câu hỏi xoay quanh câu chuyện/nhân vật sẽ khiến trẻ thích thú. Với trẻ đã đi học, hãy khuyến khích trẻ kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ của chúng, thảo luận về nội dung/nghệ thuật của cuốn sách, cảm nhận của trẻ…

Thay vì coi đọc sách là một nhiệm vụ hay công việc thì bạn nên coi đó là một thú vui, bởi chẳng bao lâu, khi con bạn lớn dần lên, chúng sẽ tách khỏi bạn và sống cuộc đời của chúng. Bạn sẽ tiếc hùi hụi những ngày thơ bé chúng cuộn tròn trong lòng bạn nghe như nuốt từng lời…

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment