Cạnh tranh bền vững bằng văn hóa doanh nghiệp • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Cạnh tranh bền vững bằng văn hóa doanh nghiệp

“Văn hóa doanh nghiệp” đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Tại buổi hội thảo thường kỳ của VietnamWorks tổ chức trong tháng 09/2018, Ông Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Nguyên Phó tổng giám đốc Nguồn nhân lực Marico Đông Nam Á, đã chia sẻ tầm quan trọng và những đúc kết sau nhiều năm trong nghề để “kích hoạt văn hóa doanh nghiệp” từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững, đặc biệt trong tuyển dụng nhân tài.

Sa sút trong hoạt động, có phải văn hóa doanh nghiệp đã biến mất?

Doanh nghiệp liên tục chứng kiến nhân viên không còn nhiệt huyết, làm việc không hiệu quả, thể hiện trái ngược với giá trị mà công ty hướng đến,… Liệu đây là dấu hiệu cho thấy văn hóa doanh nghiệp đã biến mất? Theo ông Tuấn, văn hóa không thể biến mất, nó luôn ở đó và chờ được “kích hoạt”. Ông nhấn mạnh “Tổ chức không thay đổi, chỉ có con người thay đổi”, do đó, để thay đổi văn hóa doanh nghiệp hãy bắt đầu từ con người.

Lấy hình ảnh ẩn dụ là cái cây, tán cây mà chúng ta có thể nhìn thấy chính là tầm nhìn, chiến lược của tổ chức, còn bộ rễ khỏe mạnh dưới lòng đất chính là những quan niệm và niềm tin của cả nhân viên và doanh nghiệp. Thay đổi được nó cũng như nuôi dưỡng được một bộ rễ khỏe mạnh, ta sẽ sớm được hưởng những trái ngọt là nền văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, bền vững.

Thay đổi cá nhân để thay đổi tổ chức

Dựa trên kinh nghiệm quản lý nhân sự qua nhiều năm, ông Tuấn đã xây dựng được một mô hình giúp thay đổi hành vi của nhân viên, từ đó tạo dựng văn hóa doanh nghiệp. Mô hình ACHI được thể hiện như sau:

  • ATTITUDE (Thái độ): Thái độ là cách đánh giá và hành động trước một sự việc của mỗi người, mỗi người sẽ có những phản hồi và thái độ khác nhau tùy sự việc, tích cực hoặc tiêu cực. Doanh nghiệp cần tiếp cận và điều chỉnh thái độ nhân viên, giúp họ có cái nhìn tích cực và họ hiểu được sự ảnh hưởng của thái độ đến hành vi và kết quả của sự việc.
  • CONTEXT (Ngữ cảnh): Tạo ra ngữ cảnh để hỗ trợ cho việc thay đổi hành vi của nhân viên bằng cách xây dựng một môi trường tích cực, điều kiện làm việc thoải mái, giúp nhân viên dễ dàng gắn kết và tương tác. Ví dụ như doanh nghiệp đang muốn hướng đến việc xây dựng một môi trường cởi mở và kích thích đối thoại thì hãy thử thay đổi thiết kế sang mô hình văn phòng mở – nơi không có vách ngăn giữa nhân viên và cấp trên.
  • HABITS (Thói quen): Thói quen là một hành động được lặp đi lặp lại, về lâu dài khiến cho não bộ cảm thấy “thỏa mãn” khi được lặp lại hành vi đó theo chu kì. Hiểu được bản chất này, doanh nghiệp có thể thay đổi hoặc tạo ra các thói quen. Ví dụ như việc di dời khu vực hút thuốc cách xa nơi làm việc, khiến thói quen này bị “cản trở” và nhân viên sẽ mang tâm lý “ngại” khi hút thuốc, và họ sẽ dần từ bỏ được.
  • INSIGHTS (Sự thấu hiểu): Giúp nhân viên thấu hiểu về văn hóa của doanh nghiệp thông qua các hoạt động gắn kết trong nội bộ. Để các hoạt động này tạo được sức ảnh hưởng đến nhân viên thì từ mặt nội dung cho đến hình ảnh cần phải tác động được đến tâm lý của họ (những điều họ mong muốn, yếu tố gây xúc động,…)

Cần kết hợp những yếu tố trong mô hình này để thay đổi hành vi cá nhân, từ đó kích hoạt văn hóa doanh nghiệp tích cực, lành mạnh.

Văn hóa doanh nghiệp là lợi thế cạnh tranh bền vững

Con người là trái tim của mọi tổ chức, nhân viên là “tài sản” quý giá nhất mà doanh nghiệp sở hữu. Nhiều doanh nghiệp cố gắng tạo ra lợi thế cạnh tranh từ giá rẻ hơn hoặc cung cấp sản phẩm tốt hơn mà quên mất một năng lực cạnh tranh bền vững chính là con người. Với các yếu tố khác, đối thủ sẽ nhanh chóng đón nhận những gì doanh nghiệp đang làm, làm tốt hơn và biến nó thành lợi thế cạnh tranh của họ. Trong khi đó, văn hóa doanh nghiệp lại không thể sao chép dễ dàng. Văn hóa doanh nghiệp giúp đoàn kết nội bộ, xây dựng mối quan hệ gắn kết với khách hàng, đối tác và tác động tích cực đến kết quả kinh doanh.

Đặc biệt, văn hóa còn giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu nhà tuyển dụng. Tiền lương và phúc lợi, dù công ty này có tốt, chắc chắn sẽ có những công ty tốt hơn. Khi đó, những câu chuyện xoay quanh văn hóa sẽ trở thành điểm dựa của doanh nghiệp để chứng minh sự khác biệt của mình trong cuộc đua thu hút nhân tài.

Có thể bạn quan tâm:

7 câu hỏi “cấm kỵ” nên tránh đặt ra với nhà tuyển dụng!

Để không lãng phí thời gian chốn công sở

Comment