7 câu hỏi “cấm kỵ” nên tránh đặt ra với nhà tuyển dụng! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

7 câu hỏi “cấm kỵ” nên tránh đặt ra với nhà tuyển dụng!

Bước chân vào vòng phỏng vấn chính là cơ hội “ngàn năm có một” để ứng viên tìm hiểu về tổ chức, văn hóa công ty cũng như vị trí mà mình sắp đảm nhận. Tuy nhiên, có những câu hỏi sẽ khiến ứng viên mất điểm ngay lập tức trước mắt nhà tuyển dụng. Dưới đây là một số ví dụ bạn cần xóa sổ ngay khỏi danh sách của mình và thay thế bằng những câu hỏi tinh tế sau.

1“Công ty của anh/chị làm về điều gì? Đối thủ chính là ai?”

Bạn có nhận ra sự thiếu chuẩn bị của mình khi đặt câu hỏi này? Phần lớn nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng viên là người thiếu cẩn thận và không chú trọng đến công việc họ ứng tuyển khi đặt ra những câu hỏi ngớ ngẩn như thế. Nếu có thể tìm thấy dễ dàng trên Google, bạn không cần phải đợi đến buổi phỏng vấn để chất vấn cùng nhà tuyển dụng.

Thay vào đó, ứng viên có thể hỏi rằng: “Anh/chị mô tả văn hóa công ty mình như thế nào?” Câu hỏi này sẽ cho bạn thấy góc nhìn của nhà tuyển dụng về môi trường bạn sắp làm việc, và liệu công ty sẽ quan trọng sự hài lòng của nhân viên hơn hay chỉ tập trung vào mức độ phát triển của công ty.

2“Lương của tôi sẽ là bao nhiêu?”

Khoan hãy bàn đến vấn đề về tiền nong. Nếu như chuyện lương bổng được khéo léo đưa vào một cách tự nhiên, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ về điều này. Tuy nhiên, bạn sẽ không muốn trực tiếp đặt ra vấn đề chỉ ngay sau vài câu trao đổi đầu tiên.

Để bày tỏ một cách tế nhị hơn, ứng viên có thể hỏi: “Anh/chị có thể cho biết bước tiếp theo sau buổi phỏng vấn hôm nay?” hoặc “Có điều gì công ty cần thảo luận trước khi đưa ra thư mời làm việc chính thức không?” Việc đặt ra một lời đề nghị thay vì một quyết định sẽ giúp ứng viên cho nhà tuyển dụng một khoảng thời gian hợp lí để họ có thể suy nghĩ và đưa ra câu trả lời phù hợp, không chỉ là một quyết định đột ngột nhất thời.

3“Làm sao để tôi có thể thăng chức nhanh chóng?”

Chưa chi mà bạn đã vội vã muốn leo lên nấc thang cao hơn trong sự nghiệp? Hãy cân nhắc đến thời điểm hiện tại, khi mà thậm chí bạn vẫn chưa được tuyển vào chính thức. Do đó, bạn cần tập trung hơn vào những công việc hoặc yếu tố ảnh hưởng đến vị trí này.

Ứng viên có thể đặt ra câu hỏi như:”Những nhân viên trước đây đã làm gì để thành công trong vị trí này?”. Trọng tâm của câu hỏi này sẽ giúp ứng viên tìm ra lời giải đáp về cách công ty đánh giá thành công và năng lực của một nhân viên, từ đó đưa ra quyết định thăng chức phù hợp.

4“Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không hòa hợp với sếp và đồng nghiệp?”

Khi đặt ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn là người từng có “tiền sử” xung đột hoặc mâu thuẫn với đồng nghiệp. Do đó, họ có thể đánh giá ứng viên là kiểu người rất khó để có thể hòa hợp hoặc làm việc chung hiệu quả.

Thay vào đó, ứng viên hãy đặt ra những câu hỏi dò đoán ý nhà tuyển dụng như: “Tôi sẽ báo cáo công việc với ai?” trong trường hợp bạn phải làm việc dưới nhiều tầng quan hệ, do đó, bạn cần biết những ai sẽ giám sát công việc của bạn trước khi chấp nhận vị trí này. Hoặc, ứng viên cũng có thể hỏi: “Anh/chị có thể cho tôi một ví dụ về cách làm việc với các quản lí ở công ty?”. Câu hỏi này đặc biệt quan trọng khi bạn muốn tìm hiểu liệu sếp của bạn có thật sự là kiểu lãnh đạo biết cách “dùng” người và thấu hiểu được thế mạnh của nhân viên mình quản lí hay không.

5“Anh/chị có kiểm tra các trang mạng xã hội của tôi hoặc lý lịch của tôi?”

Các ứng viên thường giả định rằng nhà tuyển dụng thường có xu hướng xâm nhập vào đời tư của họ để tìm hiểu và đánh giá về con người họ. Và khi đặt ra câu hỏi này, dù bạn không có ý định gì, nhà tuyển dụng cũng sẽ bắt đầu hoài nghi về tính cách của bạn hoặc thói quen đời sống mà bạn đang áp dụng.

Hãy đặt ra một câu hỏi khéo léo để dò xét nhà tuyển dụng: “Liệu anh/chị có cần tôi cung cấp thêm thông tin gì để hiểu rõ hơn không?”. Câu hỏi này không chỉ thể hiện thái độ lịch sự mà còn giúp ứng viên tìm hiểu xem liệu nhà tuyển dụng đã “đào sâu” thông tin về bạn đến đâu. Ngoài ra, nó còn chứng tỏ được sự năng nổ và nhiệt huyết của bạn với công việc.

6“Anh/chị đã kết hôn chưa? Mức lương hiện tại của anh/chị là bao nhiêu?” 

Đừng bao giờ hỏi nhà tuyển dụng những câu hỏi mang tính chất cá nhân, nếu bạn không muốn bị liệt kê vào “danh sách đen” của công ty.

Ứng viên có thể đưa ra vấn đề thảo luận với nhà tuyển dụng theo hướng: “Mục tiêu sự nghiệp anh/chị đặt ra là gì? Và nó đã thay đổi thế nào từ khi anh/chị nắm giữ chức vụ này?. Phần lớn nhà tuyển dụng rất yêu thích việc chia sẻ về cách họ xây dựng sự nghiệp của cá nhân mình. Vào cuối đoạn hội thoại, hãy cố gắng đan cài một cuộc thảo luận về sự nghiệp dưới góc nhìn của một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi như: “Đâu là dự án thú vị nhất anh/chị đã từng thực hiện?”. Khi đặt câu hỏi này, ứng viên không chỉ gặt hái được những kinh nghiệm chia sẻ từ nhà tuyển dụng mà còn hình dung được bức tranh tổng thể về các bộ phận tại công ty, và cách thức hoạt động giữa các bộ phận này.

8“Tôi đã thể hiện như thế nào? Liệu tôi có vượt qua vòng phỏng vấn?”

Một câu hỏi ép buộc nhà tuyển dụng đưa ra quyết định ngay lập tức thường không phải là một cách xử lí khôn ngoan. Nếu bạn thật sự mong muốn nhận được ý kiến hoặc nhận xét, hãy đợi đến khi công ty gửi thư mời làm việc hoặc thư từ chối đến bạn. Sau đó, bạn có thể cân nhắc đến việc gửi một bức email chia sẻ về những gì bạn đã làm được, hoặc cần cải thiện để thể hiện tốt hơn trong những lần phỏng vấn sau.

***

Để thay thế cho câu hỏi kết thúc cuộc phỏng vấn này, ứng viên có thể lựa chọn các ví dụ tinh tế và không kém phần lịch sự dưới đây:

“Anh/chị mô tả một ứng viên phù hợp với vị trí này như thế nào? Và tôi sẽ được bao nhiêu điểm khi so sánh với ứng viên đó?”

Đây là một cách để kiểm tra nhanh liệu các kỹ năng và điều kiện của bạn đã thật sự phù hợp với những yêu cầu công ty đang cần. Nếu tất cả những yếu tố đều không hài hòa, có lẽ bạn cần chọn lựa cách ra đi nhanh chóng để không phải mất thời gian cho cả đôi bên và “đâm đầu” vào một vị trí không dành cho mình.

“Có ai khác trong công ty tôi cần phải chào hỏi trước khi ra về?”

Một câu hỏi chào tạm biệt vô cùng lịch sự và khéo léo thể hiện sự tôn trọng của bạn với nhà tuyển dụng cũng như ban lãnh đạo công ty. Nếu nhà tuyển dụng giới thiệu bạn với các quản lí khác hoặc nhân viên trong văn phòng, bạn sẽ biết được công ty vô cùng chú trọng đến hiệu quả của sự phối hợp làm việc giữa các nhân viên cũng như cơ hội thuận lợi hơn để bạn đặt chân vào công ty.

Và cuối cùng, hãy chắc rằng bạn sẽ kết thúc buổi phỏng vấn bằng câu hỏi quan trọng này:

“Tôi đã trả lời hết tất cả vấn đề của anh/chị chưa?”

Không chỉ nhà tuyển dụng thấy được sự quan tâm của bạn đến họ mà đây cũng là cách để bạn đánh giá xem, liệu các câu trả lời của bạn đã làm hài lòng nhà tuyển dụng đến mức nào. Nếu nhà tuyển dụng đáp rằng bạn đã trả lời tất cả vấn đề họ đặt ra, có thể đó là một dấu hiệu tốt cho bạn. Khi nhà tuyển dụng đưa ra mong muốn liệu bạn có thể giải thích thêm về vấn đề X, hoặc ý định của bạn khi đề cập việc Y, thì đây chính là cơ hội tuyệt vời để bạn “chữa cháy” và làm lại từ đầu.

Theo VNW.

Có thể bạn quan tâm:

Lời nhắn của sếp gửi nhân viên bị sa thải: “Đến một công ty làm việc, đừng chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, trước tiên hãy học sao cho mình đáng tiền!”

Cùng nhân sự bước qua thay đổi

Comment