Làm sao để khơi gợi lòng can đảm của con trẻ? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Làm sao để khơi gợi lòng can đảm của con trẻ?

Người làm cha mẹ luôn mong muốn con được hạnh phúc, thành công, tự tin đối mặt với thế giới và tận dụng tối đa cơ hội. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những đứa trẻ tự tin, không sợ hãi sẽ phát huy năng lực tốt hơn bạn bè đồng trang lứa. Khi không bị nỗi sợ kìm kẹp, mỗi con người sẽ mạnh mẽ hơn để vượt qua mọi thử thách và theo đuổi ước mơ.

Làm sao để khơi gợi lòng can đảm của con trẻ?

Trong một môi trường liên tục biến động như ngày nay, sự lo lắng, sợ hãi có thể ngăn con đạt được điều mình mong muốn. Khi sợ hãi, bên cạnh nhiều tác động tiêu cực lên thể chất, về tâm lý con sẽ khó tập trung, hiếu động hơn, dễ bị kích động hoặc đột nhiên trở nên thụ động, thờ ơ. Để đối mặt và vượt qua, không có cách nào khác là con phải học “làm bạn” với những nỗi sợ. Vậy cha mẹ phải làm gì để giúp con?

Làm sao để khơi gợi lòng can đảm của con trẻ?

Không sợ hãi không có nghĩa là không tồn tại nỗi sợ. Không sợ hãi là khi trong lòng có nỗi sợ, sự lo lắng hay điều nghi ngại nhưng vẫn mạnh mẽ đối mặt, vượt qua và vững tin tiến bước. Tâm lý sợ hãi không có gì đáng xấu hổ, mọi người dù lớn hay bé, ai cũng từng tồn tại cảm xúc sợ hãi. Vì thế, nỗi sợ cần được thừa nhận trước khi có thể bị đánh bại. Bạn hãy dạy trẻ cách điều tiết cảm xúc và thừa nhận nỗi sợ hãi như một việc bình thường.

Điều quan trọng trẻ nên hiểu rằng, sợ hãi là cảm xúc tự nhiên của con người, là một cơ chế cảnh báo về những nguy hại có thể xảy ra, là lời kêu gọi hành động tự bảo vệ bản thân. Mặc dù đối diện và vượt qua sợ hãi là điều phải thực hiện, nhưng trong nhiều trường hợp, nỗi sợ lại điều cần phải có và lành mạnh. Ví dụ như nếu con bạn sợ nhảy xuống dòng sông đầy cá sấu thì điều đó chẳng có gì vô lý cả.

Làm sao để khơi gợi lòng can đảm của con trẻ?

“Mẹ ơi, con không thể làm điều này!” là câu nói quen thuộc khi trẻ sợ hãi. Việc phủ nhận hay chỉ đơn giản nói những câu như: “Đừng sợ hãi!”, “Chẳng có gì phải sợ cả!” không phải cách hiệu quả giúp con vượt qua. Thông thường, sẽ có khoảng cách nhất định giữa những điều con nói mình sợ so với thứ thật sự gây nên nỗi sợ. Nếu con nói sợ căn phòng hay không gian kín, có thể điều con thực sự lo lắng là phải ở một mình. Khi con bảo sợ người lạ, đó có thể do con tự ti về ngoại hình.

Bước quan trọng giúp con vượt qua nỗi sợ hãi là xác định rõ ràng nỗi sợ thực sự là gì, bắt nguồn từ đâu và có hình thù thế nào. Bạn hãy giúp con nhận diện đúng nỗi sợ và cùng tìm phương pháp giải quyết phù hợp. Hãy dạy con cách phân biệt nỗi sợ hãi vô lý, không cần thiết với nỗi sợ hãi giúp con sinh tồn bằng cách phân tích tình huống, lợi ích lẫn rủi ro, hậu quả. Từ đó, hướng dẫn con tiếp cận và vượt qua bằng phương pháp, kế hoạch phù hợp.

Làm sao để khơi gợi lòng can đảm của con trẻ?

Nếu cha mẹ dễ sợ hãi, con cái cũng có khuynh hướng trở nên giống vậy. Trẻ em học rất nhiều từ người lớn. Do đó, cha mẹ nên cố gắng làm gương bằng cách tự mình khắc phục nỗi sợ hãi của bản thân. Thực tế, có thể bạn sẽ không hoàn toàn che giấu được sự sợ hãi với con nhưng cũng không nên có phản ứng quá mức, thay vào đó chính bạn cũng cần tự học cách tiết chế sự lo lắng và vượt qua. Từ đó, con của bạn sẽ học được rằng lo sợ là một điều bình thường ai cũng gặp trong cuộc sống, và quan trọng là học cách cha mẹ chúng cũng đang tự vượt qua nỗi sợ của chính mình.

Cha mẹ không nên hù dọa trẻ chỉ vì muốn chúng vâng lời, chẳng hạn nói “Hãy đi kế bên mẹ, nếu không ông kẹ sẽ bắt con.” Những câu như thế có thể gây nên nỗi sợ hãi không cần thiết nơi trẻ. Thay vào đó, hãy kể với con những câu chuyện về bản thân hay tấm gương có tinh thần không sợ hãi, mạnh mẽ đối mặt và vượt qua khó khăn để đạt được thành công, hạnh phúc.

Làm sao để khơi gợi lòng can đảm của con trẻ?

Ảnh: Kelli Mcclintock

Làm sao để khơi gợi lòng can đảm của con trẻ?

Cha mẹ không nên bỏ qua khi con thể hiện sự lo lắng về điều gì đó, cũng như không nên phản ứng thái quá. Bạn nên khuyến khích trẻ mở lòng và cùng thảo luận về suy nghĩ, cảm xúc của con. Hãy biểu hiện rằng bạn luôn sẵn sàng lắng nghe trẻ thổ lộ những nỗi sợ trong lòng, cũng như sẽ không bao giờ mặc kệ con với nỗi sợ đó, miễn là chúng cố gắng.

Hãy liên tục nhắc nhở rằng con luôn được yêu thương và không bao giờ đơn độc trên hành trình chiến đấu với nỗi sợ. Hãy trở thành người cỗ vũ lớn nhất, giúp trẻ cảm thấy yên tâm vì biết rằng luôn có cha mẹ ở bên. Điều này sẽ giúp con phát triển tinh thần không sợ hãi và tự tin tiến bước. Ngoài ra, những lời khen, phần thưởng khi trẻ có tiến bộ cũng góp phần khuyến khích trẻ khắc phục tình trạng này.

Sợ sai, sợ thất bại là điều thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Nhưng thất bại là một phần quan trọng của cuộc sống. Hầu hết những phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử đều là kết quả của một chuỗi nỗ lực thất bại trước khi đạt thành tựu. Thomas Edison đã thất bại hơn 10.000 lần trước khi phát minh ra bóng đèn, nhưng ông luôn xem chúng như những cơ hội để học hỏi.

Đừng để nỗi sợ thất bại kìm hãm khả năng phát triển của con bạn. Hãy dạy cho con tầm quan trọng của thất bại đối với thành công. Một vài lần làm sai không đồng nghĩa với việc con sẽ luôn thất bại trong cuộc sống. Hãy hướng dẫn chúng cách rút ra bài học kinh nghiệm sau sai lầm để làm tốt hơn ở những lần kế tiếp.

Nếu được cha mẹ bảo bọc quá mức, trẻ sẽ có khuynh hướng cái gì cũng sợ. Đôi lúc, trẻ phải tự mình đối mặt và trải qua nỗi sợ hãi để biết cách khắc phục chúng. Cha mẹ hãy khuyến khích con tự tin đón nhận thử thách và đưa ra quyết định cho các vấn đề của mình. Bạn hãy phân tích cho trẻ những khía cạnh tích cực của vấn đề và nhắc về những lần con sợ hãi nhưng vẫn vượt qua được và đã cảm thấy hưng phấn thế nào. Cách này sẽ giúp con tự tin vào khả năng của chúng trước thử thách cuộc sống. Hãy cho con thấy rằng chúng có đủ năng lực đạt được nhiều mơ ước mà không cần cảm thấy sợ hãi.

Hãy để con thoải mái thể hiện quan điểm cũng như cách lựa chọn, giải quyết vấn đề chứ đừng ép buộc. Bên cạnh đó, đón nhận thử thách mới sẽ thúc đẩy trẻ thoát khỏi vùng an toàn và tạo cơ hội cho chúng học hỏi, thích ứng lẫn phát triển nhanh chóng. Bạn có thể tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với các thử thách phù hợp độ tuổi và sở thích rồi nâng cao dần. Việc đối mặt với những thách thức mới mẻ và từng bước thực hiện được sẽ giúp xua tan nỗi sợ hãi và truyền cho trẻ nhiều năng lượng tích cực hơn.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân | Ảnh: Internet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment