EDUCATION | Nữ doanh nhân dạy con thế nào?

EDUCATION | Nữ doanh nhân dạy con thế nào?

Những nữ doanh nhân để có thể tồn tại và phát triển trong cuộc đời này vốn đã cần nhiều nỗ lực. Vậy nên cách nuôi dạy con của họ sẽ có nhiều khác biệt, mang đậm những thuộc tính đặc trưng của một phụ nữ làm kinh doanh. 

Cách thức nuôi dạy con của các nữ doanh nhân luôn phản ánh rõ nét những giá trị, kinh nghiệm và triết lý sống mà họ tích lũy được trong quá trình kinh doanh. Trong đó, có 7 điều đáng để chúng ta học hỏi:

1. Khát vọng truyền cảm hứng và làm mẫu

Một trong những đặc điểm nổi bật trong cách nuôi dạy con của nữ doanh nhân là khả năng tạo động lực và làm mẫu cho con cái. Với nhiều nữ doanh nhân, việc nuôi dạy con không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là khơi dậy niềm đam mê, khát vọng và sự tự tin cho con trẻ. Họ tin rằng, để con cái có thể vươn tới thành công, điều quan trọng nhất là phải có một tấm gương sáng, một nguồn động lực vô hình nhưng mạnh mẽ.

Trong suốt giai đoạn trưởng thành, từ tấm gương của người mẹ, những đứa trẻ có thể học hỏi được nhiều điều về cuộc sống, bên cạnh kiến thức sách vở. Dù những người mẹ khác cũng có thể là hình mẫu cho con trẻ ở nhiều phương diện, nhưng những đứa trẻ có xuất phát điểm từ gia đình kinh doanh sẽ học hỏi thêm về bản lĩnh và tự tin của người mẹ là một nữ doanh nhân. 

Những nữ doanh nhân luôn mong muốn các con của mình không bao giờ chỉ nhìn vào mỗi sự thành công mà quên đi việc phải nỗ lực để đạt được mục tiêu. Họ thường dành thời gian để chia sẻ những câu chuyện, những thất bại và thành công của mình với con cái, từ đó giúp chúng hiểu rằng mọi ước mơ đều có thể trở thành hiện thực nếu có niềm tin và sự nỗ lực.

2. Giáo dục về tài chính và kỹ năng kinh doanh

Bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn con cái trưởng thành và thành công khi chúng lớn lên, bao gồm cả cách chúng biết quản lý tài chính của mình. Trong đó, quản lý tiền là việc không hề dễ dàng, dù với cả người lớn. Việc chờ đợi đến khi trưởng thành mới tìm hiểu cách chi tiêu tiền một cách hiệu quả sẽ khiến cho cuộc sống sau này của con trẻ gặp nhiều khó khăn hơn. 

Trẻ nhỏ có thể không phải đối mặt với những quyết định tài chính làm thay đổi cuộc sống trong những năm tháng trẻ thơ, nhưng khi lớn lên chúng sẽ phải đối mặt. Vì vậy, ngay từ sớm, các nữ doanh nhân thường dạy con mình về tiền bạc, giúp chúng trở nên độc lập hơn về tài chính khi lớn lên. Họ hiểu rằng kiến thức về tài chính không chỉ giúp con cái quản lý tốt cuộc sống mà còn là nền tảng vững chắc để chúng có thể tự tin bước vào thế giới kinh doanh.

Nữ doanh nhân dạy con

Nhiều người sẽ cho rằng, nói chuyện về tiền bạc với trẻ nhỏ có vẻ là quá sớm hoặc lãng phí thời gian và sức lực, nhưng trên thực tế trẻ thường chú ý và ghi nhớ được nhiều điều hơn chúng ta nghĩ. Chỉ cần tổ chức những trò chơi tài chính đơn giản, hoặc cho con tham gia vào các hoạt động kinh doanh nhỏ như bán hàng online, làm đồ handmade để bán, các nữ doanh nhân đã giúp cho con mình học cách quản lý tiền bạc song song với phát triển kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian và tư duy sáng tạo. 

Chúng ta càng sớm trò chuyện về tiền bạc với con thì chúng càng có nhiều cơ hội học cách quản lý tiền của mình đúng cách. Rồi sẽ đến một lúc nào đó, con bạn sẽ có nhu cầu sở hữu những thứ vượt quá khả năng cho phép của chúng. Khi đã được dạy về cách quản lý tài chính từ sớm, trong suy nghĩ của con trẻ sẽ nảy sinh sự đắn đo cho việc lựa chọn món đồ đó so với ngân sách của mình. Đây là kết quả mà những người mẹ nữ doanh nhân mong muốn nhận được khi giáo dục con trẻ về tài chính. 

3. Khuyến khích sự sáng tạo và độc lập

Sự độc lập và sáng tạo trong quá trình kinh doanh dường như ảnh hưởng nhiều đến cách nuôi dạy con của các nữ doanh nhân. Họ biết rằng hai tính cách này sẽ là chìa khóa giúp giải quyết các vấn đề trong kinh doanh và đó là những tố chất mà họ không ngừng tìm cách để khơi dậy và nuôi dưỡng trong con cái.

Nữ doanh nhân hiểu rằng tự do sáng tạo và trải nghiệm là cách tốt nhất để các bạn nhỏ có thể phát triển từ tư duy đến hành động. Nhiều người còn tạo điều kiện cho con cái tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, thể thao, hoặc các dự án sáng tạo. Họ cũng khuyến khích con cái thử nghiệm và học hỏi từ những thất bại. Càng sớm giao cho trẻ những trách nhiệm lớn, chúng sẽ càng trở nên tự tin và độc lập hơn. Việc này giúp trẻ phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và sự tự tin trong bản thân.

4. Xây dựng giá trị và trách nhiệm xã hội

Một trong những giá trị cốt lõi mà nữ doanh nhân thường truyền đạt cho con cái là ý thức về trách nhiệm xã hội và các giá trị sống. Một người đã từng trải qua nhiều thăng trầm trên chốn thương trường sẽ tin rằng thành công không chỉ là đạt được mục tiêu cá nhân mà còn là góp phần vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

Nhiều nữ doanh nhân tổ chức các hoạt động từ thiện, tham gia các dự án cộng đồng cùng con cái, từ đó giúp trẻ hiểu được giá trị của sự chia sẻ và giúp đỡ người khác. Việc này không chỉ giúp con cái hình thành nhân cách tốt mà còn nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự cảm thông của chúng đối với những người xung quanh.

Nữ doanh nhân dạy con

5. Giáo dục khả năng đối phó với áp lực và thất bại

Là cha mẹ, chúng ta luôn mong muốn bảo vệ con mình khỏi những thực tế khó khăn của cuộc sống, dù là cảm giác đau đớn khi bị từ chối hay nỗi thất vọng khi thất bại. Nhưng nếu không được kiểm soát, bản năng bảo vệ ban đầu đó có thể ngăn cản chúng ta trang bị cho con mình những kỹ năng xử lý cuộc sống tốt hơn. Thêm vào đó việc được bao bọc quá kỹ lưỡng khiến trẻ em sẽ trưởng thành trong sự ỷ lại và không có chí tiến thủ. Và với những gia đình kinh doanh, đây là điều không mong muốn với những thế hệ tiếp nối. 

Thất bại là điều không thể tránh khỏi. Và nữ doanh nhân luôn thấu hiểu điều đó để dạy cho con cái của họ về việc đối mặt với áp lực hay những điều không như ý trong cuộc sống thay vì tìm kiếm “phao cứu hộ” từ cha mẹ. Thất bại không phải là một điều gì quá tồi tệ, nó chỉ là một bước đệm để chúng ta tiến đến thành công với sự mạnh mẽ và kiên cường hơn. 

Thông qua những lần kể con nghe về thất bại trong sự nghiệp, những khó khăn đã vượt qua, nữ doanh nhân sẽ giúp con cái hiểu rằng, thất bại chỉ là một phần của cuộc sống và quan trọng là cách chúng ta đối mặt và học hỏi từ những thất bại đó. Việc này giúp con cái phát triển sự bền bỉ, kiên nhẫn và không bao giờ bỏ cuộc.

6. Khuyến khích học hỏi và phát triển bản thân

Kiến thức và kinh nghiệm là tài sản quý giá nhất của mỗi người. Càng có nhiều kiến thức và trải nghiệm sống, bạn sẽ đủ mạnh mẽ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Chính vì thế, nữ doanh nhân luôn khuyến khích con cái không ngừng học hỏi, khám phá và phát triển bản thân. Là con của một người làm kinh doanh, trẻ sẽ luôn hiểu rằng sự phát triển cá nhân là chìa khóa để đạt được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. 

Bên cạnh học tập ở trường lớp, những người mẹ doanh nhân cũng thường tạo điều kiện cho con cái tham gia các khóa học, hội thảo, hoặc các chương trình phát triển kỹ năng để giúp con khai mở tư duy và vận dụng điều đó trong cuộc sống. Đồng thời, họ cũng dành thời gian đọc sách, học hỏi và chia sẻ kiến thức với con, giúp trẻ phát triển tư duy toàn diện và luôn sẵn sàng đối mặt với những thử thách.

7. Tạo điều kiện theo đuổi đam mê và ước mơ

Một điểm đặc biệt khác trong cách nuôi dạy con của nữ doanh nhân là việc khuyến khích con cái theo đuổi đam mê và ước mơ của riêng mình. Với họ, sự hài lòng và thành công thực sự chỉ đến khi con cái được làm những gì mình yêu thích và tin tưởng.

Các nữ doanh nhân sẽ tìm cách để hướng dẫn con tìm ra nguồn cảm hứng, phát triển kỹ năng cần thiết và hỗ trợ con trong việc thực hiện những ước mơ của chúng. Việc này không chỉ giúp con cái phát triển tối đa tiềm năng mà còn mang lại cho chúng sự hài lòng và niềm vui trong cuộc sống. 

Nữ doanh nhân dạy con

***

4 thử thách nữ doanh nhân phải đối mặt khi có con

Khi có con nhỏ, nữ doanh nhân có thể gặp nhiều thách thức trong việc cân bằng giữa công việc kinh doanh và cuộc sống gia đình. Sau đây là 4 thách thức các nữ doanh nhân thường gặp phải khi có con nhỏ:

Đạt được sự cân bằng

Giữ sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống là rất quan trọng nếu bạn muốn tránh bị kiệt sức. Việc phân chia thời gian giữa công việc và gia đình có thể khiến bạn cảm thấy như bị kéo theo hai hướng ngược nhau. Về lâu dài, nếu không có sự cân bằng tốt giữa con cái và công việc kinh doanh có thể là điều vô cùng khó khăn.

Phụ nữ cần cố gắng tách biệt công việc và gia đình, mặc dù đôi khi không thể tránh khỏi việc chúng sẽ chồng chéo lên nhau. Bạn hãy ưu tiên những gì quan trọng tại từng thời điểm, đặt ra ranh giới rõ ràng và dành thời gian để làm việc đó.

Vượt qua định kiến xã hội

Những quan điểm lỗi thời như phụ nữ phải ở nhà trông con, trong khi người cha đảm đương vai trò trụ cột gia đình vẫn còn phổ biến. Nhiều người xung quanh sẽ luôn cố gắng gửi thông điệp đến bạn rằng dù bạn là người làm kinh doanh nhưng trên hết bạn vẫn là phụ nữ, là một người mẹ, vậy nên hãy gác lại công việc và chăm sóc con cái mình. Tuy nhiên, mỗi gia đình đều có những nhu cầu cá nhân khác nhau. Và nếu như bạn cân bằng được công việc và cuộc sống, vậy tại sao phải từ bỏ đam mê của chính mình?

Sống với áp lực từ nhiều vai trò

Điều hành doanh nghiệp và làm mẹ là một áp lực lớn, thậm chí còn áp lực hơn nếu bạn là một bà mẹ đơn thân hoặc đã ly hôn. Bạn có thể cảm thấy như mình không có thời gian nghỉ ngơi và gặp gỡ bạn bè. Ngoài vai trò là mẹ và là một chủ doanh nghiệp, bạn còn phải sắp xếp thời gian cho chính mình. Đó là điều không hề dễ dàng khi bạn có hàng tá công việc phải xử lý mỗi ngày.

Luôn sẵn sàng về tài chính

Nuôi dạy những đứa trẻ luôn là một trong những hoạt động đắt đỏ nhất với nhiều chi phí cần bỏ ra. Bạn cần lập kế hoạch cho chiến lược chăm sóc con vì điều này không thể mang tính đột xuất. Nó không chỉ là thời gian và chi phí mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của bạn và cả gia đình.  

Nữ doanh nhân dạy con
Tác giả cuốn sách nổi tiếng Lean In và cảm hứng từ mẹ

Sheryl Sandberg, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Lean In đã có những chia sẻ về mẹ mình và nhận định bà có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời cô, đồng thời chính là nguồn cảm hứng để cô ra mắt cuốn sách viết về phụ nữ và sự nghiệp.  

Theo đó, mẹ Sheryl Sandberg đã bỏ chương trình Tiến sĩ khi phát hiện ra mình đang mang thai. Bà cũng là người ủng hộ tích cực cho công việc của con gái mình, xuất hiện ở mọi chặng trong chuyến giới thiệu sách Lean In và khuyến khích cô luôn theo đuổi ước mơ và phát triển.

Sheryl Sandberg đã bày tỏ lòng biết ơn của mình: “Cảm ơn mẹ vì đã truyền cảm hứng và khuyến khích con nỗ lực từ thời thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Và cảm ơn mẹ, vì đã dựa vào và biến con cái thành công việc của cuộc đời mẹ.”

Text: Hoa Hướng Dương

Có thể bạn quan tâm:

Comment