EDUCATION | Dạy con quyết chiến nhưng không hiếu chiến!

EDUCATION | Dạy con quyết chiến nhưng không hiếu chiến!

Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường quá an toàn và đủ đầy liệu có sức chiến đấu khi khó khăn cuộc đời xuất hiện?

Dạy con quyết chiến nhưng không hiếu chiến!

Đi cùng với sự phát triển của xã hội, thế hệ trẻ em ngày nay được sống trong môi trường gia đình và xã hội nhiều thuận lợi hơn. Đặc biệt trong các gia đình có điều kiện, cha mẹ có thu nhập ổn định, trẻ không chỉ được chăm lo đủ đầy về vật chất mà cả về tinh thần, dường như ít phải lo lắng hay khát khao điều gì.

Có những đứa trẻ dường như không còn biết mong đợi hay ước mơ, không phải bởi chúng không có, mà vì việc được đáp ứng mọi nhu cầu khiến chúng không còn khám phá ra lỗ hổng nào trong nhu cầu của mình nữa. Cũng có những đứa trẻ sớm trở nên bằng lòng với cuộc sống êm đềm, thậm chí quá thiện lành, đến nỗi không còn muốn phấn đấu hay nỗ lực đạt được thành tích gì đó trong học tập hay vui chơi. Mỗi ngày trôi qua với con quá “bình yên”, không có sự cầu tiến sẽ cản trở con đấu tranh cho ước mơ, cho thành công trong tương lai.

Trong những tình huống cần biết cách đấu tranh hay thậm chí là “chiến đấu” để có được sự công bằng chính đáng, đôi khi chúng sẽ trở nên bối rối, dễ trở thành nhu nhược và chịu thua thiệt. Tuy nhiên, với những đứa trẻ có bản lĩnh, dám đứng lên bộc lộ thái độ và sự không đồng tình của chính mình, thì ranh giới giữa tinh thần “chiến đấu” đó với sự hiếu chiến dường như quá mong manh. Ở lứa tuổi niên thiếu chưa kiểm soát được hoàn toàn cảm xúc và hành động, trạng thái hiếu chiến rất dễ xảy ra nếu đứa trẻ chưa được dạy để phân biệt cách xử sự hợp lý trong từng tình huống. Một đứa trẻ sẵn sàng làm mọi cách để giành chiến thắng, bất kể gây tổn thương lên người khác, sẽ tiềm ẩn tính cách đắc thắng trong tương lai.

Có khá nhiều bậc cha mẹ băn khoăn về điều này. Nếu dạy con mạnh mẽ, dám nói dám làm, dám chiến đấu vì những điều con tin là đúng, sẽ đôi lúc vô hình trung trở thành sự khuyến khích cho con hung hăng, thích tranh cãi và hiếu thắng bởi sự quá tự tin của chính mình. Nhưng nếu dạy con chừng mực, nhún nhường, thậm chí là nhường nhịn, thì đôi lúc sẽ khiến đứa con yêu thương của mình giảm đi tinh thần “sinh tồn” trong cuộc sống. Khi có những khó khăn hay thử thách xảy ra, con sẽ dễ rút lui hoặc từ bỏ, đôi lúc biến mình thành kẻ hèn nhát dưới vỏ bọc nhầm lẫn về sự cao thượng hay bao dung.

Làm thế nào để cho con xác định được ranh giới của những điều này khi bất kỳ sự phân định nào liên quan đến cảm xúc đều khá mơ hồ và không dễ định nghĩa. Đặc biệt là với đầu óc ngây thơ của những đứa trẻ và sự muôn hình vạn trạng của mọi tình huống trên thế gian này, con phải làm sao để luôn có được tinh thần chiến đấu quả cảm và lành mạnh nhưng lại không sa đà vào thái độ hiếu chiến tiêu cực?

1. Thái độ với chiến thắng

Một trong những chìa khóa lớn nhất để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào là có thái độ khát khao với chiến thắng. Không có nó, một người sẽ khó đạt được thành quả cho dù với tiềm năng sẵn có của mình bất kể trong môi trường nào: kinh doanh, trường học, gia đình hay chuyện tình cảm. Thái độ chính là biểu hiện của bản chất bên trong một con người, mọi người xung quanh sẽ bị thu hút nếu thái độ đó là tích cực hoặc tìm cách tránh xa nếu đó là thái độ tiêu cực. Là một lựa chọn và tùy thuộc quan điểm từng người, thái độ chiến thắng chính là một tinh thần sống tích cực dễ dàng lan tỏa nhất.

nỮ DOANH NHÂN Dạy con quyết chiến nhưng không hiếu chiến!

Để chiến thắng, chúng ta cần phải chiến đấu. Việc phát triển thái độ chiến thắng ở trẻ em cũng đòi hỏi phải có những nguyên tắc giống như ở người lớn. Và để cho trẻ có tinh thần chiến đấu lành mạnh, việc phát triển khát khao chiến thắng ở những đứa trẻ cần khơi dậy được sự tự nhận thức tích cực ở chúng. Chúng sẽ biết đấu tranh dựa trên cơ sở nhận ra chúng có thể là ai, chúng thực sự là ai và chúng không phải là ai.

Hầu hết các thanh thiếu niên khi lớn lên đều cảm thấy khó nắm bắt khái niệm thua cuộc và khó chấp nhận nếu mình là kẻ thua cuộc. Vì thế, nếu giữ được thái độ chiến thắng và tinh thần chiến đấu tích cực cho chiến thắng đó, những đứa trẻ sẽ vượt qua thử thách, khó khăn trong cuộc sống một cách hiệu quả hơn. Ngay cả với những khó khăn mang tính cá nhân, ví dụ như bài thi con không được điểm cao như những bài thi thử trước đó, nếu không có tinh thần chiến thắng, con sẽ chấp nhận rằng kỳ vọng đó là không quan trọng, nhưng nếu được nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu tích cực, con sẽ tự phân tích tại sao mình “thua” với chính mình và kiên quyết cải thiện cho những lần sau. Hãy giúp con học cách nhận ra những tiến bộ cá nhân sau mỗi cuộc cạnh tranh, bất kể kết quả ra sao. Dạy chúng rằng việc con đã cố gắng hết sức và có được niềm vui trải nghiệm cũng được xem là có thành quả chứ không chỉ là những điểm số hay thứ hạng.

Tất cả những gì con học được trước hết đều qua cha mẹ, vì thế hơn ai hết bạn phải là những tấm gương sáng cho con thay vì nói suông. Khi con thua trong một trò chơi với ba mẹ và nghĩ rằng vì con còn nhỏ nên thua là bình thường và không cần cố gắng nữa, hãy chỉ cho con “vài chiêu” và chứng minh cho con thấy chỉ cần con chịu tìm hiểu và cố gắng hơn, con hoàn toàn có thể thắng được người mà con nghĩ mạnh hơn mình. Trẻ em sẽ phát triển tốt hơn và lâu dài trong xã hội với những hành vi ít hung hăng và hiếu chiến hơn, vì vậy điều quan trọng là bạn hướng dẫn con cách để chúng phản ứng thay vì chỉ là lời động viên đơn thuần.

2. Nhận thức các vấn đề

Người lớn vẫn có tư duy rằng, luôn thấy cái ly đầy một nửa chứ không thấy cạn một nửa. Nhận thức của con người luôn là chìa khóa cho rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Cách chúng ta nhìn nhận một tình huống thường là cách nó sẽ diễn ra. Vì thế, một tâm trí mạnh mẽ, một cách nhìn có niềm tin vào bản thân là rất cần thiết để con trẻ có tinh thần chiến đấu.

Có 3 bước để bạn có thể dạy con cách nhìn nhận và đánh giá những vấn đề. Đầu tiên, hãy dạy con hình dung trong tâm trí điều con muốn xảy ra. Hãy tĩnh tâm và tập trung để nghĩ về tầm nhìn đó cho đến khi có thể mô tả nó rõ ràng nhất. Một cách khác là con có thể viết những tưởng tượng này ra những trang giấy. Điều đó giúp con có thể suy nghĩ thấu đáo trước khi nói hay đưa ra bất cứ hành động gì.

Bước hai, hãy dạy con bạn rằng lời nói của chúng chứa đựng sức mạnh. Con phải nói ra được tầm nhìn mà con đã viết với thái độ tự tin rằng mình sẽ làm được. Lời nói luôn được xem là hạt giống có thể lớn mạnh bằng niềm tin và năng lực. Vì vậy, việc có thể phát biểu về những gì con khao khát và thể hiện được niềm tin đó qua lời nói sẽ có sức mạnh khích lệ con hành động. Và cũng vì thế, con đừng bao giờ nói những gì mà con không muốn thực hiện, một khi đã nói, tất cả cần bình tĩnh và rõ ràng.

Bước ba, đặt vào những gì con đã hình dung những nỗ lực cần thiết. Hãy cho con thấy việc chúng ta bỏ công sức mỗi ngày vào học tập hay làm việc để đạt được điều mình muốn giống như đặt một viên gạch xây dựng một tòa nhà. Theo thời gian, từ từ con sẽ hình thành được khung sườn, cấu trúc tòa nhà cho đến khi hoàn chỉnh. Tinh thần chiến đấu khi đặt được trọn vẹn từng viên gạch nhỏ sẽ tạo nên một thái độ đúng đắn về chiến thắng. Con sẽ hiểu rằng những thành quả như con đã từng ước mơ sẽ có được từ từng những nỗ lực nhỏ, và chỉ cần góp nhặt được những điều nho nhỏ đó là con sẽ thành công.

3. Thể hiện sự tích cực

Những đứa trẻ có thái độ chiến thắng sẽ tự tin rằng chúng làm được những gì chúng nói. Sự tự tin dựa trên nền tảng hiểu được năng lực của bản thân và biết chấp nhận thất bại khi tình huống bắt buộc phải thế sẽ giúp con bạn không rơi vào trạng thái của sự hiếu chiến. Đó chính là công dụng của tính tích cực trong niềm tin chiến thắng của con trẻ mà chúng ta từng có câu “thắng không kiêu, bại không nản”.

Vậy thì, bạn hãy dạy con trước hết cần tập trung đánh giá tình huống con đang chạm phải. Sự phản ứng đúng đắn có được khi con có thể dự đoán và nhìn thấy những kết quả ngay khi sự việc bắt đầu. Một ngày tồi tệ không bằng cả một đời tồi tệ. Một thất bại nhỏ không thể ảnh hưởng cả thành công to. Tinh thần chiến đấu đã có thì sự thua cuộc chỉ để tiếp thêm động lực. Khuyến khích con hãy hướng mắt về nơi bức tranh toàn cảnh cuối cùng mà con mong đợi, hãy nhìn nơi con đến thay vì những gì mà con đang trải qua. Những nét chấm phá tuy nhỏ vẽ nên bức tranh chỉ cần con hiểu và trân trọng nó thì gần như đó cũng là một chiến thắng đáng biểu dương, con sẽ không cần khăng khăng đạp lên tất cả chỉ để chạm đích đến cuối cùng.

Bạn cũng cần dạy con bảo vệ sự tích cực mà con đang có. Tránh những người bạn có suy nghĩ tiêu cực cũng như biết từ chối việc họ thể hiện thái độ tiêu cực lên con thông qua lời nói hoặc hành vi. Khi những lời nói và hành động tiêu cực được phát ra, chúng đang tìm đất để bén rễ và phát triển. Hãy chỉ rõ để con đừng là đất, đừng tạo điều kiện cho những cách nghĩ tiêu cực nảy mầm trong lòng.

Có một khái niệm bạn có thể sử dụng khi dạy con đó là “fairplay”, hãy “chơi đẹp”, hãy đối xử công bằng với tất cả trong bất kỳ tình huống nào. Người thắng xứng đáng phải nhận được tưởng thưởng tương đương nỗ lực của họ, còn người thua cho dù là vì chưa nỗ lực hết mình hay vì lý do bất khả kháng nào cũng phải chấp nhận sự thật rằng mình chưa hội đủ những yếu tố để giành chiến thắng. Vậy thì tinh thần “chơi đẹp” phải được thể hiện, tôn vinh người thắng cuộc thay vì ghen tức và nghiêm túc rút kinh nghiệm cho những lần sau.

Con cần tập được cách thể hiện thái độ tích cực trong mọi tình huống để dần dần đó trở thành thói quen. Khi một sự việc nào đó xảy ra, hãy dành vài giây để phân tích tình huống và đưa ra lựa chọn ứng xử để tìm thấy điều tích cực trong đó hoặc ít nhất là tìm thấy sự bình yên. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng ngay cả với người lớn và cần phải luyện tập, kiên nhẫn theo thời gian.

4. Thực hành sự quyết đoán

Khi đối mặt những tình huống mang tính cạnh tranh, con của bạn phải có được kỹ năng quyết đoán thay vì thể hiện hai thái cực đối lập là thụ động hoặc hung hăng.

Trước khi hình thành được tính quyết đoán, dĩ nhiên trẻ cần được luyện tập và phát triển khả năng tự điều chỉnh bản thân thông qua được định hướng và nhắc nhở về những việc cần làm cũng như tấm gương của người lớn. Cha mẹ phải có thể nêu gương được cho con về các kỹ năng xã hội cần có như sự bình tĩnh, sự phân tích… để hình thành được sự quyết đoán của mình. Cha mẹ cũng hãy để cho trẻ tập luyện dần dần qua các tình huống xung đột với bạn bè đồng trang lứa hay với anh chị em trong nhà. Việc bọn trẻ cùng nhau đàm phán để giải quyết các mâu thuẫn hay hiểu lầm nhìn từ góc độ người lớn có thể rất trẻ con, nhưng thực tế đây là cách rèn luyện vô cùng lợi ích giúp xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề, là nền tảng cho sự quyết đoán sau này.

nỮ DOANH NHÂN Dạy con quyết chiến nhưng không hiếu chiến!

Sự quyết đoán thể hiện ở một số trẻ em tự nhiên hơn những đứa trẻ khác, nhưng nghiên cứu về phát triển kỹ năng xã hội cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đào tạo các kỹ năng quyết đoán cho chúng. Một gợi ý là bạn có thể bắt đầu với những điểm mạnh trong ứng xử của con và xây dựng các tình huống đóng vai ở nhà, nơi trẻ cảm thấy an toàn để thực hành các kỹ năng mới. Thông qua đó, con bạn sẽ giảm dần việc nhờ đến bạn giải quyết khi có các vấn đề xã hội vì con đã biết phải làm gì và nói gì.

5. Khiêm tốn với khen ngợi

Đừng biến con thành những “kẻ nghiện khen ngợi”. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều muốn con cái mình đứng đầu bảng thành tích hay chiến thắng trong các trò chơi. Tuy nhiên, điều quan trọng là dạy chúng ăn mừng một cách khiêm tốn mà không khoe khoang. Khi con bạn giành chiến thắng, hãy dạy con trở thành người chiến thắng khiêm tốn bằng cách thể hiện thiện chí và trân trọng người thua cuộc. Thay vì nhấn mạnh vào chiến thắng của con, hãy khen ngợi những nỗ lực, những tiến bộ mà con đã đặt để vào đó.

Nhiều chuyên gia đã chứng mình rằng, việc cha mẹ cố gắng động viên con cái bằng cách nhiệt tình cổ vũ hoặc khen ngợi có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Thực tế, việc khen ngợi quá nhiều có thể sẽ biến con trẻ thành những “kẻ nghiện khen ngợi”. Những đứa trẻ này có thể sẽ trở nên ích kỷ và thường xuyên bất mãn khi mọi thứ không được như ý. Và chính những lời khen hay ca ngợi “lên mây” lại là giọt nước giúp hạt mầm của sự kiêu căng và ỷ lại lớn dần trong trẻ. Điều này sẽ có hai trường hợp xảy ra, một là càng làm cho ý chí của chúng giảm dần, dễ cảm thấy thỏa mãn và rồi dẫn đến bất mãn hay thất vọng nếu một ngày nào đó chúng thua cuộc, hai là khiến chúng trở nên đắc thắc, tự tin thái quá và rồi sở hữu tính hiếu chiến tiêu cực lúc nào không hay với quyết tâm chiến thắng bằng mọi giá.  

nỮ DOANH NHÂN Dạy con quyết chiến nhưng không hiếu chiến!

Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Nữ Doanh Nhân số 144.2023 | Text: Jenni Võ, Ngọc Tâm

Có thể bạn quan tâm:

Comment