Đừng quên chia sẻ cùng thiên thần bé nhỏ về giá trị hai tiếng “sum vầy”.
Sẽ có những dịp họp mặt gia đình họ hàng, nhưng đôi khi con của bạn tỏ ra không thích đám đông, nếu còn nhỏ trẻ có thể sợ hãi “trốn” vào một góc. Điều đó ít nhiều khiến không khí trở nên không trọn vẹn, vậy làm sao dạy con hiểu ý nghĩa của sự sum vầy?
Đừng chờ đợi lễ, tết
Có thể nói thời gian là khái niệm chỉ dành cho người lớn chúng ta, còn đối với trẻ con, chúng chẳng bao giờ quan tâm điều đó. Vì vậy, đừng đợi đến những ngày lễ hay tết mới dạy con về ý nghĩa của những từ “sum vầy” hay “đoàn tụ” mà hãy cho trẻ thời gian để kịp thích nghi với những dịp đặc biệt đó. Nếu nhà ông bà ở gần, ba mẹ hãy thường xuyên đưa trẻ đến thăm vào cuối tuần để tình cảm thêm khắng khít. Song song đó, những cuộc thăm hỏi giao lưu cùng họ hàng người thân sẽ khiến bé không cảm thấy lạ lẫm khi có dịp bà con họp mặt.
Thông điệp hình ảnh
Việc lưu giữ những khoảnh khắc tươi đẹp cùng người thân sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc dạy con ý nghĩa sum vầy khi mà đây là một khái niệm vốn trừu tượng mà bạn chẳng thể nào quát mắng để trẻ nghe theo. Mỗi tối khi gia đình quây quần bên nhau, hãy cho con xem hình ảnh về những người thân trong đại gia đình, song song đó khéo léo lồng ghép những câu chuyện liên quan đến nhân vật trong ảnh. Trẻ con bao giờ cũng tiếp thu hình ảnh tốt hơn những lời nói, hình ảnh giúp con sẽ không quá lạ lẫm trước ông bà hay người thân. Có chăng là việc trẻ gặp được người trong hình ảnh, bây giờ là đời thực – tươi mới và sống động hơn nhiều.
Sống trong yêu thương
Việc thấu hiểu sở thích lẫn suy nghĩ của con sẽ ít nhiều giúp trẻ cảm giác mình được quan tâm. Vì thế cha mẹ hãy sẵn sàng bên trẻ những lúc trẻ cần tâm sự, gặp phải vướng mắc trong cuộc sống hay chỉ đơn giản là chia sẻ hướng giải quyết để trẻ vượt qua. Bởi yêu thương là những điều vốn tự nhiên khó cưỡng cầu, chỉ có thể trao gửi từ trái tim đến trái tim, một khi trẻ cảm nhận được thì tự khắc chúng sẽ biết cách để yêu thương ba mẹ. Ví như khoảnh khắc trẻ can đảm bày tỏ tình cảm với ba mẹ, hãy tinh tế gợi ý hỏi trẻ có yêu ông bà hay cô chú hay không, điều này nhằm nhắc nhở sự hiện diện của người thân khác nữa trong tâm trí bé.
“Sum vầy bắt nguồn từ những điều bình dị trong cuộc sống chứ không là một lý thuyết khô cứng và trịnh trọng”
***
Gieo lòng biết ơn
Ngay trong cuộc sống thường nhật, ba mẹ hãy dạy cho trẻ nói lời cảm ơn khi nhận được quà từ người khác. Điều này sẽ hình thành trong suy nghĩ của bé về lòng biết ơn, từ đó vô hình chung giúp bé cảm thấy việc cảm ơn một người xa lạ, chẳng hạn như lúc nhận được phong đỏ mừng tuổi không quá sức và cũng chẳng mấy khó khăn. Việc bày tỏ lòng biết ơn sẽ giúp bé trở thành đứa trẻ giàu tình cảm và dễ dàng làm quen với những người thân ít có dịp tiếp xúc.
Ươm mầm hối tiếc
Ngay lúc trẻ không hợp tác đừng cố nài ép mà hãy để trẻ làm theo ý muốn của mình. Rồi sau đó sẽ trò chuyện chia sẻ cùng con, chia sẻ cho bé biết cô, chú hôm ấy buồn vì con không cười và chắc còn lâu lắm mới gặp lại. Mục đích của điều này nhằm để tạo sự nuối tiếc trong tâm trí bé, đến dịp gặp mặt lần sau, chắc hẳn ba mẹ sẽ bất ngờ khi đón nhận một phiên bản bé con hoàn toàn mới.
San sẻ việc nhỏ
Hãy bỏ qua suy nghĩ bé còn nhỏ mà hãy để con cùng tham gia. Trong quá trình cùng nhau đi chọn quà cho các thành viên trong gia đình họ hàng, đến lúc gói quà ba mẹ hãy chia sẻ và nói con hiểu ý nghĩa của việc tặng quà. Cũng như tâm sự để con hiểu vì sao lại chọn món quà này cho ông bà hay lí do chọn món quà kia cho cô, dì, chú bác. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bày các món quà gia đình mình được nhận để trẻ thấy rằng việc biếu tặng rất giàu ý nghĩa.
Kiên nhẫn lý giải
Hãy xác định việc dạy bé về ý nghĩa sum vầylà cả một quá trình, vì thế ba mẹ hãy lên dây cót tinh thần và chuẩn bị cho mình lòng kiên nhẫn. Ví như khi con có mối quan tâm, tò mò về một người nào đó trong họ hàng nội ngoại, bạn hãy kiên nhẫn giải thích cho con hiểu. Đây chính là “thời cơ” đáng giá mà bạn không nên bỏ qua bởi khi trẻ tò mò muốn tìm hiểu sẽ nhanh chóng nắm bắt hơn.
Tấm gương phản chiếu
Như đã nói trong giai đoạn trẻ còn nhỏ thì những lời ba mẹ nói đều trở nên vô nghĩa vì vậy không gì hiệu quả và thiết thực bằng hành động của chính bạn. Đó có thể là những kỳ nghỉ về quê ăn Tết để sum họp cùng ông bà. Hay nghĩa cử cao đẹp để quyên góp ngày cuối năm bằng cả tấm lòng. Đừng quên cho trẻ cùng tham gia vào hoạt động này bằng việc xếp quần áo hay đi cùng để trao. Song song đó, bạn đừng quên thiết lập mối quan hệ giữa người lớn với nhau vào các dịp lễ tết để trẻ quen với việc tạo lập niềm vui từ sự gắn kết với người thân. Cuối cùng, bạn sẽ bất ngờ khi trẻ học theo rất nhanh và cảm thấy không còn cảm thấy lạ lẫm trước dòng họ nội ngoại, bởi vốn trẻ đã tiếp xúc với nhiều người ở những hoạt động cùng nhau.
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm: