Hại nhiều hơn thương - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Hại nhiều hơn thương

Dù con có ở độ tuổi nào thì phụ huynh luôn xem chúng còn nhỏ, cần được chăm sóc và bảo vệ mọi lúc mọi nơi. Việc chăm chút này xuất phát từ suy nghĩ tích cực, trách nhiệm thiêng liêng của cha mẹ. Nhưng sự bảo bọc thái quá đó có khi lại gây hại nhiều cho con về sau

Theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh cần hướng dẫn con tự làm một số việc phục vụ cá nhân như xếp quần áo, chăn màn, tắm rửa… khi trẻ bước sang cấp trung học cơ sở, lứa tuổi đã có sự độc lập nhất định. Tùy từng độ tuổi mà cha mẹ có những tác động khác nhau, nếu không khéo léo thì có thể gây nên sự hiểu lầm là con bị bỏ mặc, không còn được chăm sóc, yêu thương.

Điều rất cần thiết trong việc giáo dục con cái là phải cân đối được giữa tình thương và kỷ luật. Dù “cán cân” lệch sang bên nào, trẻ đều gặp phải những vấn đề về cảm xúc. Chính vì thương, sợ rằng con gặp khó khăn, hiểm nguy, khổ cực… nên không ít bậc phụ huynh đã dọn sẵn cho trẻ một con đường bằng phẳng, trơn láng. Nhưng đến một ngày nào đó, những đứa trẻ đó sẽ trở nên như thế nào khi không có cha mẹ bên cạnh? Xoay quanh vấn đề này, Thạc sỹ tâm lý Tô Nhi A, Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM, đã đưa ra những thiếu sót mà trẻ bị ảnh hưởng khi được cha mẹ bảo vệ và bảo bọc quá mức.Scream

THIẾU KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Trẻ được cha mẹ bảo bọc quá an toàn sẽ ít có cơ hội tiếp xúc với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Trong khi đó, con đường mà trẻ dần tiến bước không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Bởi thế, bạn đừng để đến một lúc nào đó con mình sẽ không tự thân giải quyết được những khó khăn mà phải chờ người khác giúp đỡ.

>> Phụ huynh cần: Trao cho con chiếc “chìa khóa” để mở cánh cửa kỹ năng giải quyết những vấn đề. Vì bạn không thể đi theo suốt cuộc đời con, nên ngay từ bây giờ, hãy hình thành nơi trẻ khả năng đối mặt và giải quyết những tình huống trong cuộc sống.

 

THIẾU KHẢ NĂNG SỐNG TỰ LẬP

Mỗi đứa trẻ biết rằng chúng sẽ thích và làm gì hơn ai hết. Vì thế, việc phụ huynh áp đặt hoặc vạch sẵn đường và làm thay cho con hết mọi thứ sẽ dần dần hình thành nơi trẻ tính dựa giẫm, ỷ lại người khác.

>> Phụ huynh cần: Cho trẻ làm mọi việc để phục vụ sinh hoạt cá nhân. Có thể, những lần đầu trẻ sẽ làm sai và kết quả không như mong muốn. Lúc này, bạn phải chịu khó cùng con dọn dẹp “chiến trường” và hướng dẫn thêm để trẻ rút kinh nghiệm lần sau làm tốt hơn. Cứ thế về lâu dài, trẻ từ từ học được cách sống tự lập, không phụ thuộc vào người khác nữa.

 

>> Bài liên quan:

Để trẻ tự “dàn xếp”

 

THIẾU KỸ NĂNG LAO ĐỘNG

Không khó để nhận ra những đứa trẻ được cha mẹ bảo vệ thái quá, chúng thường thiếu tính chủ động, lười lao động dù chỉ là việc nhỏ như dọn chén của mình sau mỗi bữa ăn. Mọi việc trẻ đều chờ được phục vụ tận răng. Tuy nhiên, trẻ thiếu kỹ năng lao động sẽ khó hòa nhập với những người xung quanh hoặc trong công việc. Từ đó, tạo nên những căng thẳng không đáng có, cũng như áp lực về tinh thần.

>> Phụ huynh cần: Biết cách giao việc cho con. Bạn có thể lên sẵn danh sách những công việc cần trẻ làm trong nhà. Lưu ý rằng, bạn nên có sự thỏa thuận cùng con trước để xem trẻ sẽ làm được những việc gì. Chắc chắn, trẻ sẽ cảm thấy hứng khởi nhận việc từ cha mẹ vì chúng cũng muốn được thừa nhận là người trưởng thành. Đừng bắt tay làm cùng hoặc làm thay con khi thấy trẻ loay hoay mãi không xong việc nhé. Trong trường hợp này, hãy để trẻ tự dọn dẹp những “hậu quả” đã gây ra nếu có.  Bored boy throwing a paper airplane

THIẾU KỸ NĂNG GIAO TIẾP

Từ việc thiếu kỹ năng lao động, trẻ sẽ làm sai, gây ảnh hưởng thêm đến nhiều việc khác. Lúc này, trẻ càng cảm thấy tự ti vì bản thân không thể tự giải quyết những khó khăn dù là việc nhỏ trong khi người khác lại làm được. Điều này tác động không nhỏ đến kết quả học tập của trẻ. Thậm chí, chúng sẽ trở nên lẻ loi khi sống cùng tập thể bởi không tương giao được với bạn bè.

>> Phụ huynh cần: Xóa bỏ rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp cho trẻ. Bạn nên chủ động tạo cho con môi trường tiếp xúc, giao lưu với bạn bè. Việc cấm đoán con chơi với bạn này hay bạn kia vì sợ trẻ bị ảnh hưởng thói tật xấu là chưa đúng. Bạn phải nhớ rằng sự phát triển toàn diện nơi con trẻ rất cần môi trường giao tiếp tốt.

 

>> Bài liên quan:

Dạy con tự chủ

 

THIẾU KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG

Cuộc sống luôn chứa đựng những khó khăn, nếu cha mẹ cứ thay mặt con giải quyết mọi việc thì chỉ khiến chúng không còn có cơ hội tiếp xúc để trải nghiệm. Về sau, chúng không thể giải quyết những khó khăn đó khi đối mặt. Sống và làm việc trong môi trường tập thể, trẻ muốn thể hiện chính kiến cá nhân lại không biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào.

>> Phụ huynh cần: Hàn gắn vết nứt do bị sốc môi trường cho trẻ. Đơn giản là vì trẻ không thể mang phong cách được cha mẹ bảo bọc, chăm chút ra ứng xử với người khác. Tùy vào từng môi trường, trẻ cần được hướng dẫn để thích nghi tốt nhất.

THIẾU KHẢ NĂNG ĐỐI MẶT THẤT BẠI

Thất bại là điều không thể tránh khỏi trên đường đi của trẻ. Thông thường do thương con nên phụ huynh hay giải quyết mâu thuẫn thay cho trẻ. Chẳng hạn như bênh vực con trước bạn bè hay thầy cô giáo. Hành động này không mang đến lợi ích gì ngoài những tác động tồi tệ đến nhân cách trẻ. Chúng sẽ nghĩ rằng chỉ cần cậy thế, cậy lực là giải quyết được tất cả.

>> Phụ huynh cần: Chấp nhận để con bị vấp ngã, trầy xướt, thậm chí chảy máu… Khi đó, bạn nên tạo cho con có được cảm giác an toàn bằng cách đồng hành, giúp trẻ nhận ra chúng đã sai chỗ nào và cần sửa đổi những gì. Chắc chắn qua những lần thất bại, trầy trụa về thể chất lẫn tinh thần, trẻ sẽ trưởng thành hơn trong cuộc sống.

 

Có thể bạn quan tâm: 

Khi con ước gì được nấy

Giới hạn của… bênh con

Comment