Nghề thấp, nghề cao - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Nghề thấp, nghề cao

Quan niệm “danh giá” hay “cao quý” dành cho nghề nghiệp thay đổi theo thời cuộc, nhưng ở thời nào cũng có người cân đong, đo đếm nghề nào “thấp”, nghề nào “cao”

Rows of colourful crayons, close-up

Con trai tôi chuẩn bị thi đại học. Mặc dù học lực rất khá, nó vẫn hoang mang chẳng biết chọn trường nào giữa mênh mông các trường đào tạo với hàng trăm ngành nghề. Nó hỏi ý kiến, thế là tôi cũng… bối rối, chưa biết định hướng con thế nào. Thành ra, bố con tôi đã có cuộc tranh luận về nghề hết sức cởi mở.

Tôi giảng giải:

“Con ạ, để sống, con người ta phải lao động bằng một nghề nào đó. Tự cổ chí kim, nghề là đòi hỏi đầu tiên của mỗi người khi đến tuổi trưởng thành. ‘Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’…”

Thằng con tôi ngắt ngang:

“Bố nói lý thuyết quá! Con muốn được tư vấn cụ thể nên chọn nghề gì kia”

“Thế tiêu chí chọn nghề của con như thế nào? Dễ xin việc, có thu nhập cao hay nhàn hạ?”

“Nghề nào danh giá một tí!”

“Ái chà! Con ơi, cái quan niệm ‘danh giá’ hay ‘cao quý’ dành cho nghề nghiệp nó thay đổi theo thời cuộc. Chả thế mà các cụ nhà ta có câu ‘Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ’. Hoặc giả, nghề ca hát mà lớp trẻ tụi con đang mơ ước, vừa có danh vừa có thực, lại bị các cụ thời phong kiến xếp là ‘xướng ca vô loài’. Ví dụ nữa là cái nghề chữ nghĩa của bố đây, mấy cụ nho cụ táo thì kêu ‘Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao’ (tạm dịch: Mọi nghề đều tầm thường, riêng nghề đọc sách là cao quý). Thế nhưng, dưới con mắt của xã hội bây giờ thì…”

Tôi không nói hết câu, thằng con cười cười:

“Vâng, bây giờ là thời của đại gia, của các doanh nhân!”

“Con nói đúng. Thời kinh tế thị trường, thương nghiệp được chú trọng, những người làm kinh doanh được tôn vinh. Nhưng có lẽ con chưa biết, đã có thời thương nghiệp bị rẻ rúng, vị trí của thương nghiệp bị đẩy xuống hàng áp chót của bảng xếp hạng ‘sỹ, công, nông, binh, thương’. Người làm nghề thương nghiệp còn bị gọi bằng những cái tên miệt thị như ‘con buôn’, ‘bọn phe phẩy’ kia đấy”

“Thế còn nghề y, nghề giáo thì sao hả bố?”

Tôi nghĩ đến mấy cái scandal về cô giáo, bác sỹ báo chí đăng tải gần đây, thủng thẳng đáp:

“À, ngày xưa bố đã tin rằng có hai nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, đó là nghề giáo dạy người và nghề y cứu người. Nhưng xem ra, thời kinh tế thị trường này, niềm tin ấy đang bị lung lay”

“Bố nói như thế, chả lẽ không có nghề cao quý hay sao?”

 

——————

“Nghề và người làm nghề có một mối quan hệ tương tác. Một nghề sẽ trở nên cao quý nhờ có những người làm nghề cao quý”

——————

 

“Bố không có ý đó. Theo quan điểm của bố, ‘nghề’ và ‘người làm nghề’ có một mối quan hệ tương tác. Một nghề sẽ trở nên cao quý nhờ có những người làm nghề cao quý. Nghề giáo cao quý bởi có những người thầy vĩ đại, có tư tưởng và nhân cách lớn như Khổng Tử, Aristotle, Chu Văn An… Nghề y cao quý nhờ có những người tài năng, y dược của họ ảnh hưởng mãi đến các thế hệ thầy thuốc sau này như Hippocrates, Pasteur, Yersin, Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông…”

“Nói như bố thì người làm nghề mới là yếu tố quyết định mang lại vinh quang cho nghề đó?”

“Đúng! Chính những người làm nghề có tài năng, tâm huyết và sự cống hiến đã mang lại ‘thương hiệu’ cho mỗi nghề. Ở Việt Nam, nói đến nông học là phải nhắc đến Lương Định Của. Nói đến văn học, phải kể tên Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng… Nói đến toán, phải nhắc tới Lê Quý Đôn, Lê Bá Khánh Trình, Ngô Bảo Châu… Nói đến thương nghiệp, phải nhắc doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Họ hẳn phải là những người làm nghề với tất cả sự đắm đuối, mê say. Còn con, con mê cái gì?”

Bị hỏi đột ngột, thằng con tôi ngập ngừng:

“Con chả mê gì sất, chỉ thích mỗi máy tính!”

“À, vậy con nên thi vào trường công nghệ thông tin và hãy noi gương Bill Gates!”

Thằng bé gãi đầu, nhoẻn miệng cười:

“Cả thế giới mới có một Bill Gates, con không dám mơ đâu. Con chỉ mong được học và làm nghề mình yêu thích là hạnh phúc rồi”

“Nếu thế, con chỉ có thể trở thành một kỹ sư máy tính. Nhưng thôi, khả năng mình có vậy, có nghề để sống lương thiện tử tế cũng tốt rồi!”

Thằng bé đột ngột lái chuyện:

“Theo bố, có nghề tầm thường không?”

Tôi đáp luôn:

“Không!”

Thằng bé vặn hỏi:

“Kể cả nghề trộm cướp?”

“Ái dà! Ông con đáo để gớm! Nhưng con ơi, theo quan điểm của bố, chỉ những lao động chuyên môn mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng mới được coi là nghề. Vì thế, không có nghề tầm thường. Con vẫn nhớ chuyện trả ví chứ?”People joined in pattern, each with word bubbles

Nghe tôi nhắc, thằng bé cười. Hồi năm ngoái, tôi đánh mất chiếc ví với tất cả giấy tờ, thẻ nhà báo, chứng minh nhân dân, bằng lái và giấy đăng ký xe. Nghĩ đến việc phải làm lại đống giấy tờ ấy mà toát mồ hôi hột. Tôi vội vàng đăng thông báo tìm giấy tờ với lời hứa hậu tạ. Tin vừa đăng, có người đã gọi điện hỏi “giá hậu tạ” cụ thể là bao nhiêu? Mất tiền nhưng bớt khối chuyện phiền phức, tôi không ngần ngại quyết luôn: Năm triệu! Hai ngày nữa trôi qua, một người đàn bà bịt kín khẩu trang, chân đi ủng, tay đeo găng cầm ví đến. Khỏi phải nói tôi mừng đến thế nào. Nghĩ đây là người đã gọi điện hỏi giá hôm trước, tôi rút tiền ra trả như đã hứa. Người đàn bà làm nghề nhặt rác ngượng ngùng bảo chị chẳng đọc thông báo nào hết. Chị bới được chiếc ví này mang về cho con chơi mới phát hiện ra số giấy tờ của tôi và cứ theo địa chỉ tìm đến trả. Nói rồi, chị cương quyết không nhận tiền, quày quả đạp xe đi. Tôi đứng nhìn theo chị mà lẩn thẩn nghĩ ngợi. Nếu so sánh chị với những ông bác sỹ trong bệnh viện vòi phong bì, những cảnh sát giao thông chặn xe ăn tiền mãi lộ, những “doanh nhân” buôn lậu trốn thuế, những quan chức tham nhũng, những “tiến sỹ giấy” mang danh nhà khoa học, hưởng lương nhà nước nhưng suốt đời chỉ ngồi uống trà nói phét thì chưa biết ai quý hơn ai.

 

Có thể bạn quan tâm: 

6 bí quyết xây dựng nội lực doanh nghiệp

Mạng xã hội và thương hiệu doanh nghiệp: “Để người ta nói”

Comment