QUYỀN ĐƯỢC HOANG PHÍ - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

QUYỀN ĐƯỢC HOANG PHÍ

Dường như năm nào cũng vậy, kết thúc một năm tài chính bao giờ cũng khiến nhiều người tất bật hơn với đủ các thể loại báo cáo, tổng kết dự án… Dù chạy nước rút trong chặng đua với thời gian nhưng dường như người ta cũng không quên dành thời gian để mà thảnh thơi mua sắm. Suốt một năm làm lụng, có lẽ đây là dịp “danh chính ngôn thuận” tự thưởng cho mình, và vì vậy người ta thường cho mình cái quyền được hoang phí một chút, âu, cũng là lẽ dĩ nhiên.

1Bản thân tôi thường không hay băn khoăn mỗi khi tiêu một món tiền lớn cho một món đồ nào đó mình cảm thấy thích và muốn có. Chẳng hạn, muốn “đổi đời” chiếc máy tính bảng cũng cứ thế chi gần hai mươi triệu đồng mặc dù sau đó tài khoản tiết kiệm gần như trống trơn, hay chi ngay một khoản không nhỏ rinh về một “lô” dụng cụ lam bánh, lò nướng… dù sau đó năm thì mười họa mới lôi ra dùng một lần. Nhiều người sẽ bảo tôi hoang phí, tôi lại không tán thành bởi tôi cho rằng mình đã thu về giá trị tinh thần to lớn là niềm vui khi bản thân được nuông chiều. Khi vui, bản thân mới có động lực kiếm tiền và tiếp tục vòng quay của nó. Cũng nhờ đó, tôi hoàn toàn có thể khôi phục quỹ tiết kiệm trong một vài tháng sau. Tôi quan niệm, nếu bạn thực sự muốn một thứ gì đó dù nó đắt đỏ, bạn cũng sẽ có cách mua được! Nghĩ mà xem, món có thể ăn và muốn ăn nhưng phải nhịn mà thèm thì sẽ buồn biết bao cũng như nhiều người rõ ràng có khả năng nhưng lại luôn khiến người xung quanh nghĩ rằng mình là một kẻ “nghèo kiết xác” vì luôn than vắn thở dài mỗi khi nói đến chuyện tiền bạc. Lại có người luôn phân bua khi quyết định không mua món mình thích bởi “tôi tiết kiệm chứ không keo kiệt”. Sao phải thế, bạn tiết kiệm là việc tốt và nếu mua món hàng ấy để làm mình vui hơn lại càng hay, chỉ cần bản thân làm đúng thì chẳng có gì phải dò xét ánh mắt người khác hay lo lắng ai đó đang nghĩ rằng mình keo kiệt…

Tôi có dịp gặp khá nhiều doanh nhân thành đạt, nam có, nữ có nhưng dù giàu “nứt đố đổ vách” nhưng không có nghĩa là phải luôn ăn món đắt nhất trong thực đơn, mua chiếc xe thuộc hàng hiếm… Họ chuộng lối sống giản dị cũng như nhiều người mắc bệnh “có tiền không biết xài vào đâu” mà chi cho siêu xe hay thích đặt phòng tiêu chuẩn Tổng thống mỗi khi đi du lịch, công tác. Nếu có người chẳng mảy may quan tâm xem người khác nghĩ gì về mình, chỉ cần không nợ lương nhân viên hàng tháng, tiền tích lũy ngày càng tăng, thi thoảng ủng hộ quỹ này quỹ kia và cứ đúng năm giờ chiều là xách giỏ ra về, tự tay nấu cơm cho con, sáng ra đủng đỉnh nấu bữa sáng, thắt cà vạt cho chồng đi làm… thì cũng có người thích diện “bóng loáng” mỗi khi ra ngoài hay luôn thật nổi trội giữa đám đông nhưng rõ ràng, họ có tiền và hoàn toàn có quyền chọn cách giản dị hay “hoang phí”.

2Nói về chuyện hoang phí, dạo gần đây có khá nhiều anh hùng bàn phím thay nhau “ném đá” đám cưới thế kỷ của một cặp đôi nọ hay “cạnh khóe” một cô ca sĩ kia chỉ bởi cô ấy đặt mua những bộ váy áo quá đắt đỏ cho mỗi tuần xuất hiện trên truyền hình. Họ tự cho mình cái quyền phán xét cách tiêu tiền và túi tiền của người khác bằng cách vin vào một lý do theo tôi là rất buồn cười: “nên để làm từ thiện thì tốt hơn”. Tại sao vậy? Chẳng lẽ họ phải luôn cần kiệm, lấy thiện nguyện là mục đích thì nhân cách mới cao quý?. Nhiều người hay cho rằng những người nhiều tiền tốt nhất không nên mua quần áo, túi xách đắt tiền mà nên dùng tiền ấy làm từ thiện và đó nghiễm nhiên trở thành thứ trách nhiệm được gán cho. Còn những anh hùng kia, chỉ cần quan tâm bằng lời nói là đã “thiết thực” lắm rồi. Tôi nghĩ, thiện nguyện là tự tâm mỗi người và khi họ muốn, luôn có một khoản dành riêng cho việc này. Tôi cũng tán đồng ý với ý kiến của anh chồng ca sĩ nọ, nếu nhìn bằng con mắt của nhà kinh doanh hãy xem đó là vốn đầu tư cần thiết và không thể đánh đồng vốn đầu tư với tiền dành cho từ thiện.

“Nhiều người sẽ bảo tôi hoang phí, tôi lại không tán thành bởi tôi cho rằng mình đã thu về giá trị tinh thần to lớn là niềm vui khi bản thân được nuông chiều. Khi vui, bản thân mới có động lực kiếm tiền và tiếp tục vòng quay của nó”.

Tương tự như vậy, cứ mỗi dịp cuối năm, khi bàn về kế hoạch mừng năm mới bằng các sự kiện ngốn tiền tỉ như đèn trang trí hay kế hoạch bắn pháo hoa chẳng hạn, dân tình lại lao xao và câu chuyện dành tiền cho người nghèo lại được lấy ra làm cái cớ. Tôi thầm nghĩ, chuyện từ thiện có thể làm quanh năm, còn bắn pháo hoa phải chăng mỗi năm cũng chỉ có vài dịp hiếm hoi để hàng triệu người có thể được truyền đi niềm hân hoan mới mẻ, được khích lệ động viên và cùng chúc mừng những gì đã làm được. Rất nhiều người trong số những người luôn dương cao ngọn cờ “từ thiện” ấy cũng thả ga mua sắm dịp cuối năm nhưng lại thấy khó chịu khi người khác “hoang phí” theo cách của họ.

3Dĩ nhiên, chẳng ai lại đi cổ xúy cho việc sống hoang phí vì tích lũy mới chính là nên tảng vững chắc cho cuộc sống hiện tại và hạn chế rủi ro trong tương lai. Cũng giống như tỷ phú Warren Buffet từng nói: “Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu mà hãy chi tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm” nhưng cũng đừng vì thế mà để hai chữ “tiết kiệm” khiến bạn trở thành lão Ebezener Scrooger bủn xỉn trong câu chuyện A Christmas Carol của Charles Dickens. Mỗi khi thuyết phục bản thân quẹt thẻ vì món đồ gì đó, tôi sẽ quyết định chi món tiền cao hơn cho cùng một sản phẩm muốn mua, vì tôi muốn nhận được những giá trị cộng thêm mà chiếc máy rẻ hơn vài triệu sẽ không có, hỏng hóc cũng hạn chế. Lấy số tiền ấy, chia cho tổng số năm có thể sử dụng sẽ thấy phần tiền hao phí mỗi năm không đáng là bao, như vậy vẫn khá tiết kiệm. Mua xe cũng vậy, nhiều người bàn ra khi anh bạn tôi quyết định mua chiếc xe vài tỉ đồng và mỗi lần thay phụ kiện hay bảo dưỡng phải vào chính hãng với số tiền không nhỏ bởi những “em” càng đẹp lại càng mong manh và cần được nâng niu rất kỹ. Bạn tôi chỉ cười bảo, nếu cách đây chục năm tớ sẽ mua “con xe cà tàng” vì đó là lúc tớ xem xe như một công cụ chuyên chở trong giai đoạn vất vả cày cuốc, nhưng bây giờ, xe với tớ là vật trang sức, là bộ mặt để ra ngoài nên chẳng xem là hoang phí. Thời gian dành cho tích lũy đã qua, giờ là lúc anh ấy cho mình quyền được “xài sang”.

Lời anh ấy nói chẳng sai, ai cũng vậy, luôn yêu bản thân mình trên hết thảy mọi thứ và vì vậy, việc thỏa mãn bản thân cũng là một nhu cầu rất chính đáng. Dù bạn tiết kiệm hay hoang phí cũng là vì bản thân bạn mà thôi, và đó chính là quyền mà không ai có thể quyết định thay bạn được.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment