“Bắt tay” chồng cũ - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

“Bắt tay” chồng cũ

Cùng chồng cũ nuôi dạy con cái là một viễn cảnh thật đẹp và lý tưởng. Trên thực tế, việc “bắt tay” với người đàn ông từng khiến bạn mất bao thời gian và công sức để đạt được thỏa thuận ly hôn có thể là cơn ác mộng thật sự

Xã hội đã cởi mở hơn với việc ly hôn. Tuy nhiên, đây vẫn là một quyết định can đảm ngay cả với những người phụ nữ mạnh mẽ. Không bàn đến việc ai có lỗi, bạn, một người phụ nữ hiện đại sở hữu cái đầu tỉnh táo và thức thời, nhận ra sự vô nghĩa khi cố gắng diễn tròn vai bà chủ gia đình hạnh phúc. Bạn độc lập về tài chính, có khả năng kiếm tiền không thua kém chồng, và chính điều đó giờ cho bạn thêm lý do để tự tin đưa ra đề nghị ly hôn.Divorce and Separation concept

SỢI DÂY RÀNG BUỘC

Xin chúc mừng, cuối cùng bạn cũng đã thoát ly khỏi cuộc hôn nhân không còn tình yêu. Thuận lợi giành được quyền nuôi con, cuộc sống bạn dường như chuẩn bị bước sang một trang mới tràn ngập màu hồng. Nhưng, thực tế hình như không phải vậy…

Chồng cũ có thể là một người đàn ông gia trưởng đến mức nào nhưng nói cho cùng vẫn là cha của con bạn. Việc cả hai không còn sống chung dưới một mái nhà không làm thay đổi mối liên hệ huyết thống ấy. Trong mắt con trẻ, cha luôn là hình mẫu người anh hùng vĩ đại nhất. Trừ phi bản thân chồng cũ cố tình biến mất khỏi cuộc sống của mấy mẹ con, bạn không cách nào cách ly anh ta hoàn toàn với trẻ.

Một số người đàn ông trở thành cha tốt hơn sau khi ly hôn như một cách bù đắp cho con. Số khác lại thay đổi tiêu cực đến nỗi không thể nhận ra. Bất kể trường hợp nào, dù “người cũ” chỉ thỉnh thoảng xuất hiện nhưng cũng đủ khiến việc nuôi dạy con vốn không dễ dàng càng trở nên khó khăn hơn.

 

***

“Đứng trước mối quan hệ phức tạp này, bạn phải luôn nhớ đến tình yêu dành cho con quan trọng hơn sự căm ghét đối với chồng cũ”

***

 

GIẢI PHÁP NÀO CHO BẠN?

Cùng nuôi dạy con đòi hỏi cả hai phải hợp tác và giao tiếp với nhau. Nếu không, con cái là đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất. Vấn đề lớn nhất ở đây là dù rất nghiêm túc tìm cách “bắt tay” hiệu quả với chồng cũ, nhưng bạn không thể buộc đối phương “đáp lại” tương tự. Bạn hy vọng chồng cũ hợp tác nuôi dạy con trong khi anh ấy lại không cho thấy thiện chí của mình, điều này càng khiến tình hình thêm xấu đi. May mắn thay, bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình hình mà không cần đến chồng cũ. Bằng cách tự thay đổi chính mình, bạn cũng giải thoát bản thân khỏi những mệt mỏi khi phải đối diện với anh ấy.  

 

>> Bài liên quan:

LÀM BẠN NHÉ, CHỒNG CŨ!

 

Hy vọng cha – của – con – bạn trở thành mẫu hình người cha lý tưởng có thể khiến bạn vỡ mộng toàn tập. Trong khi một số người chồng cũ chuyển biến tích cực với vai trò làm cha, số còn lại trở nên ngày càng xấu tính và phiền toái. Đừng kỳ vọng nhiều hơn những gì anh ấy thể hiện khi vẫn còn là chồng của bạn! Anh ấy giờ đã có cuộc sống riêng và những ưu tiên khác bạn. Dù nghĩ rằng chồng cũ nên cố gắng hơn trong vai trò làm cha, bạn cũng không phải “cảnh sát gia đình” để yêu cầu anh ấy thực hiện nghĩa vụ như thế nào.

Căm ghét là một từ nặng nề nhưng dường như lại rất phù hợp để nói về người – từng – là – chồng. Tuy nhiên, căm ghét chỉ có tác dụng làm tăng thêm cơn stress cho bạn và ảnh hưởng không tốt đến việc nuôi dạy con. Hãy nhớ, cùng nuôi dạy con không đòi hỏi cả hai phải trở thành bạn bè mà chỉ cần sự hợp tác. Đứng trước mối quan hệ phức tạp này, bạn phải luôn nhớ đến tình yêu dành cho con quan trọng hơn sự căm ghét đối với chồng cũ. Khi sánh vai chồng cũ tháp tùng cùng con trong những dịp đặc biệt, bạn đừng quên mình không phải là nhân vật chính. Chỉ như vậy, mọi việc mới trở nên nhẹ nhàng và dễ chấp nhận hơn cho bạn.Mid adult woman holding large jigsaw pieces of family

Nếu không nghĩ cho “cục cưng”, bạn đã không đồng ý để chồng cũ tham gia vào việc nuôi dạy con. Dù vậy, cảm giác không thoải mái không thể tránh. Tâm trí con người thường dễ bị che phủ bởi những ý nghĩ tiêu cực. Những lúc như vậy, bạn nên cố gắng đặt mình ở vị trí của con khi “nhìn” chồng cũ để thấy những mặt tích cực hơn. Trẻ con thường làm mọi thứ nhằm duy trì sự gắn bó cùng bố mẹ, ngay cả khi cả hai có cư xử tồi tệ với nhau thế nào. Hãy học hỏi từ con trẻ thái độ vị tha này.

“Chia sẻ” con với chồng cũ là một bài học lớn về sự thỏa hiệp. Bạn có thể không hài lòng việc anh ấy chiều con một cách vô điều kiện, hoặc những gì mấy cha con làm khi ở cùng nhau. Nhưng không hài lòng thì sao? Phần lớn những điều này đều nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn. Việc lập ra một danh sách những quy tắc nuôi dạy con chỉ phát huy hiệu quả khi cả hai cùng nghiêm túc tôn trọng. Rõ ràng, bạn không thể thay đổi chồng cũ, chỉ có thể học cách kiểm soát sự lo lắng của mình. Thỉnh thoảng ngủ trễ hoặc ăn những món ăn nhanh cũng không đáng ngại, nhưng phản ứng thái quá chỉ làm xấu đi hình ảnh của bạn trong mắt con. Biết “buông tay” không chỉ giúp bạn thanh thản hơn và giảm stress, mà còn đem đến cơ hội tận hưởng khoảng thời gian quý giá khi được – ở – một – mình.

Điều cuối cùng, đừng bao giờ nghi ngờ về ảnh hưởng của bạn đối với con. Việc bạn là mẹ của chúng là một sự thật không bao giờ thay đổi. Con bạn luôn yêu bạn vô điều kiện, không ai thay thế được vị trí bạn trong lòng chúng. Thay vì lo lắng một cách vô ích, hãy dành toàn tâm toàn ý để làm một người mẹ tốt và mạnh mẽ.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

Kim – Hỏa chung nhà

VỢ GIÀ CHỒNG TRẺ: DUYÊN HAY NỢ ĐỜI?

 

Comment