LÀM BẠN NHÉ, CHỒNG CŨ! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

LÀM BẠN NHÉ, CHỒNG CŨ!

Chưa bao giờ việc giữ hòa khí giữa những người đã từng là vợ chồng lại được người trẻ đề cao như ngày nay. Những phụ nữ từng một lần lỡ dở luôn xem việc giữ cho hình ảnh người chồng cũ tốt đẹp trong mắt con là niềm tự hào. Còn chuyện đàn ông tặng quà cho vợ cũ được xem như điều hiển nhiên trong vô vàn những hành động mà “đàn ông hiện đại phải vậy”.  

Văn minh ly hôn

Chuyện các cặp vợ chồng đã ly hôn nhưng vẫn tung tăng cùng nhau đưa con đi công viên, cùng thức đêm canh con ốm… ngày càng trở thành điều “tất, lẽ, dĩ, ngẫu (nhiên) với không chỉ những người trẻ từng một lần lỡ dở. Số phụ nữ đang sống trong cảnh cơm ấm canh ngọt cũng thừa nhận rằng: có “dở” mới coi chồng cũ là thù. Những ông chồng mấp mé trên bờ vực ly hôn thì trầm ngâm: Dẫu gì cô ấy cũng là mẹ của con mình, xung khắc mà làm gì. Còn những cô gái chưa bước chân vào hôn nhân khi có dịp bàn đến chuyện văn hóa ly hôn, cũng mạnh mẽ tuyên bố sau này nếu lấy chồng mà không sống được cùng nhau thì sẽ chỉ là khác nhà chứ nhất định không là… thù địch. Hẳn người ta hiểu sự đối đầu khiến cuộc sống địa ngục lắm.

Mid adult woman toying with gold wedding ring on fingerTrước đây, 90%, nếu không muốn nói nhiều hơn, các cặp vợ chồng, khi nhận giấy ly hôn đều thề rằng bầu trời này nếu có mình thì không có… nó (ý là chồng/vợ cũ). Và hiển nhiên, những gì sau đó sẽ đi theo quy luật tất yếu: thù hằn, nói xấu,… và đau khổ chồng chất như một điều không thể tránh.

Khi đã căm thù, người ta như thể đeo cho mình thêm một chiếc kính loạn thị dù mắt đang tinh tường. Mọi thứ xung quanh bỗng chốc bị biến dạng. Căm thù càng lớn thì độ biến dạng càng cao. Khi đó, cái gì cũng được người ta kết thành tội:

  • Chồng gửi tiền phụ cấp trễ: Vô trách nhiệm, quỵt cả tiền chăm con!
  • Chồng nổi nóng khi dạy con: Anh có ra hồn gì mà dạy con tôi. Lừa tôi đủ rồi, đừng hại con tôi nữa!
  • Chồng thăm con nhiều hơn: Đừng đầu độc nó chống lại tôi!…

Khi hận thù đã sống ở trong lòng, mọi thứ đều trở nên tiêu cực và độc ác. Kể cả nếu chỉ có hai người, yêu ghét thế nào thì đơn giản chỉ là sự lựa chọn cách ứng xử. Nhưng nếu hai người đã có con chung, sự hận thù người cũ chẳng khác gì tự tay tẩm thuốc độc cho con mình. Thứ thuốc độc đó sẽ ăn dần, ăn mòn tâm hồn của con trẻ. Lũ trẻ không còn phân biệt được đúng sai, không biết tin lời ai và những nghi hoặc về cuộc đời, những thương tổn sẽ theo chúng suốt phần đời còn lại. Nhiều đứa trẻ sống trong cảnh bố mẹ hận thù sau ly hôn đã nảy sinh tâm lý không muốn kết hôn khi trưởng thành.

o-DIVORCE-facebookBởi lẽ đó, nhiều mà cặp vợ chồng trẻ, có hiểu biết một khi đã rơi vào thảm kịch ly hôn không thể cứu vãn thì sau những đêm trắng đau khổ, vật vã và thậm chí cả hận thù, họ quyết định đi đến thỏa thuận trong êm đẹp, không cùng nhà nhưng vẫn là bạn. Họ chẳng cần phải xóa tên nhau trên facebook cá nhân, cũng chẳng dại gì thay số điện thoại, vừa tốn công, vừa ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác. Có chăng họ đổi tên lưu trong điện thoại từ chồng yêu, vợ yêu sang bố/mẹ của con gái, con trai gì đó. Kiểu lưu điện thoại của người cũ bằng những cụm từ như thằng điên, con dở hơi được xem là thô thiển mà… chỉ những kẻ ít học mới thế. Một người đàn ông hay đàn bà có thanh lịch đến mấy nếu lộ ra việc cư xử tệ bạc với vợ/chồng cũ sẽ bị đồng nghiệp, người xung quanh nhìn thiếu thiện cảm. Nhìn cách một người đàn ông cư xử với vợ cũ sẽ biết anh ta là mẫu người nào. Xem lối hành xử của một người phụ nữ với chồng cũ, biết ngay cô có là người gia giáo…

Không để con trẻ thêm thiệt thòi

Ngày nay, đôi khi nhìn một cặp vợ chồng đưa con đi chơi ở công viên hay các trung tâm mua sắm, khó mà đoán được tình trạng hôn nhân thực của họ. Vẫn vui vẻ chăm sóc con, đứa trẻ vẫn níu áo cha, nắm tay mẹ. Họ vẫn thi thoảng trao đổi vài câu với nhau. Người đàn ông vẫn chu đáo rút ví trả tiền và mua đồ cho mẹ con. Phụ nữ vẫn xách túi cho chồng cũ. Chỉ khác một điều họ không tay trong tay và ngoảnh mặt hai nơi khi vô tình ngồi chung ghế đá.

Trong thời đại người người dùng facebook, các cặp vợ chồng ly tan cũng không dại gì “cửa đóng then cài” mạng xã hội này và từ bỏ những mối quan hệ chung, bạn bè chung. Họ vẫn tham gia những buổi offline như thường. Họ vẫn hỏi thăm nhau, bình luận các sự kiện hay ảnh của nhau trên facebook. Thậm chí, có nhiều người còn công khai gọi nhau là vợ cũ, chồng cũ một cách rõ ràng. Mà cũng đúng, vợ cũ, chồng cũ có gì sai mà phải e ngại, giấu giếm.

24021818Cùng chăm sóc con những khi ốm đau, hay nhà có việc đại sự, ma chay, người cũ vẫn có mặt như một điều vốn thế. Thậm chí, có những cặp vợ chồng, dù đã mỗi người sống một nhà nhưng vẫn tạo điều kiện giúp nhau làm ăn, dạy dỗ con cái. Thậm chí, có người còn tâm sự chuyện yêu đương, tình cảm với người mới cho người cũ nghe. Có những ông chồng dù đã yên bề gia thất với người mới nhưng thi thoảng nhìn ảnh vợ cũ tưng bừng vui chơi trên facebook, vẫn kín đáo nhắn vài dòng vào hộp tin nhắn của người cũ rằng: “Dù sao em cũng cần có một người đàn ông bên cạnh”.

Khi hôn nhân tan vỡ, hầu như tình yêu của hai người trong cuộc không còn. Không còn tình cảm, để đối xử như bạn bè với nhau là điều không dễ. Tuy nhiên, sau giai đoạn khủng hoảng tinh thần, người khôn ngoan sẽ lấy đứa trẻ làm mục tiêu để hàn gắn và xây dựng mối quan hệ bè bạn với người cũ.

Rất nhiều đứa trẻ đã trở nên hư hỏng, bướng bỉnh sau khi bố mẹ ly hôn. Nhưng ngược lại, có rất nhiều đứa trẻ vẫn trưởng thành bình thường vì đơn giản bố mẹ chúng luôn xem nhau là những người bạn. Ngày giỗ chạp ở nhà nội, chúng vẫn được mẹ đưa về dự và biếu quà cáp cho ông bà. Vì thế, mẹ chúng vẫn là con dâu được lòng bên nội. Còn bố chúng, không tết năm nào mà quên lì xì cho ông bà ngoại. Chúng vẫn được sống trong không khí gia đình và trưởng thành từ sự yêu thương, tôn trọng.

Không ai lo lắng và tốt với con hơn bản thân người sinh ra chúng. Hơn nữa, dẫu có ghét cay ghét đắng, thì hàng tuần, có lẽ người gọi điện thoại nhiều nhất cho con vẫn là người từng một thời chung nhà. Dẫu có bực mình, thì hàng tháng tên người cũ cũng lấp ló trong tin nhắn người gửi tiền vào tài khoản cá nhân (để nuôi con). Chưa kể, khi không có ai đón con, khi con ốm đau… chồng/vợ cũ vẫn là người đầu tiên cần tìm đến. Hẳn sẽ đau tim lắm, nếu chừng ấy dịp phải đối mặt vớikẻ thù…

Bài viết độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment