“Em còn phải làm việc…” - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

“Em còn phải làm việc…”

Tham vọng là một động lực sống tốt cho đến khi nó ảnh hưởng xấu lên đời sống tình cảm. Trở thành một workaholic (người nghiện việc), bạn có thể trả giá bằng chính tình yêu của mình

Workaholic là sự kết hợp của Type A individual (người tham vọng) và alcoholic (người nghiện rượu). Gần 50 năm sau khi được Tiến sỹ tâm lý Richard I. Evans phát minh, nó đang có khuynh hướng bị lạm dụng. Bởi, không phải bất cứ người nào làm việc nhiều cũng là workaholic.Stressed Secretary

YÊU HAY NGHIỆN?

Có hai kiểu người làm việc nhiều: những người yêu công việc đến mức làm bất kể giờ giấc và những người nghiện việc.

Mark Zuckerberg chính là kiểu thứ nhất. Dù việc trở thành tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới có thể không là mục tiêu ban đầu của anh, nhà sáng lập trang mạng Facebook hẳn đã dành một quỹ thời gian khổng lồ để làm việc. Chuyện Mark luôn mặc chiếc áo phông màu xám của Facebook hàng ngày để giúp tiết kiệm thời gian vào buổi sáng đủ cho thấy anh bận thế nào. Nhưng chính tình yêu với việc mình làm mới là yếu tố quyết định giúp Mark đưa Facebook đến thành công rực rỡ.

Một người yêu công việc đến mức quên thời gian chẳng phải là vấn đề to tát nếu được bạn đời/người yêu thông cảm. Họ phải chấp nhận sự thật “nửa kia” có nhu cầu làm việc lớn hơn nhu cầu ở cùng mình. Chấp nhận ở đây không có nghĩa chịu đựng, họ phải thật sự hiểu và thoải mái với điều đó. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, cần đối phương dành nhiều thời gian cho mình. Tuy nhiên, số khác như vợ của Mark Zuckerberg không có nhiều nhu cầu “tay trong tay, mắt nhìn mắt” với nửa còn lại. Quan trọng là bạn phải biết mình muốn gì và đâu là lựa chọn phù hợp nhất.NDN_Em con phai lam viec_2_resize

Đáng tiếc, rất ít người may mắn được làm việc điên cuồng vì đam mê. Phần lớn chúng ta gồng mình làm việc vì những động cơ không “trong sáng”. Công việc khi này trở thành cứu cánh cho những vấn – đề – không – liên – quan – đến – công – việc, đúng kiểu một người nghiện rượu mượn rượu giải sầu. Đó là điều chị Thu, sếp một công ty quảng cáo lớn, đang trải qua. Đây đã là chủ nhật thứ ba trong tháng chị “đóng quân” ở công ty. Trước những “đôi mắt hình viên đạn” của người thân, bạn bè, chị cười cười đáp: “Còn chút việc gấp phải xử lý”. Chỉ có chị biết không phải như vậy. Là một quản lý thành công và nhiều kinh nghiệm, chị thừa năng lực để nhanh chóng giải quyết mọi vấn đề phát sinh. Đơn giản, chị đang tránh về nhà. Chị sợ cảm giác xa lạ của nơi đã trở thành “tổ lạnh”. Cùng với sự thăng hoa trong sự nghiệp của cả hai, thời gian vợ chồng chị dành cho nhau ngày càng ít ỏi đến đáng thương lại không được tận dụng một cách trọn vẹn. Gần đây, chị thường bắt gặp mình tự hỏi: “Từ bao giờ cả hai không còn tìm được sự đồng điệu?”, “Lần cuối mình cười thật sự khi ở bên anh là khi nào?”. Chưa tìm được câu trả lời, chị quyết định ăn ngủ với công việc, như một cách để cho mình thời gian suy nghĩ.

 

>> Bài liên quan:

Cớ sao phải… gồng?!

 

Khác với chị Thu, chị Thủy lại “hiến tế” bản thân cho công việc vì chiếc ghế trưởng đại diện đang để trống. Dù không muốn thừa nhận, tất cả chúng ta đều có nhu cầu được công nhận bởi người khác. Một số tìm kiếm điều đó từ gia đình, người yêu hoặc bạn bè. Workaholic như chị Thủy tìm kiếm sự công nhận từ cấp trên. Chứng tỏ mình là một “tài sản giá trị” của công ty chính là “gót chân Achilles” và động lực của các workaholic này.

Một số workaholic lại xem công ty như nhà bởi ở đó họ mới thấy mình “tồn tại”. Chưa tới giờ làm việc, Thảo, trưởng phòng kế toán, đã có mặt và bao giờ cũng là người cuối cùng rời khỏi công ty. Thảo sống hướng nội nhưng người yêu cô lại rất quảng giao, thích tụ tập bạn bè. Thời gian đầu, Thảo còn ép mình cùng dự những cuộc hẹn ấy để chiều lòng người yêu. Nhưng sau vài lần, cô nhận thấy sự có mặt của mình chỉ khiến không khí buổi gặp gỡ trở nên gượng gạo nên dần hạn chế rồi không tham gia nữa. Lý do trăm lần như một là “Công ty gần đây nhiều việc quá”, khiến mối quan hệ của Thảo và người yêu dần chuyển biến xấu.

——————-

“Nếu chưa tìm được cách hiệu quả để “cai việc”, bạn vẫn có thể cứu vãn tình yêu của mình. Mỗi ngày, hãy dành chút thời gian để “hiện diện” trong cuộc sống của nửa kia. Thế là đủ”

——————-

NGHIỆN GÌ CŨNG NGUY HIỂM

Dù động cơ là gì, nghiện việc luôn là “kẻ phá bĩnh” chuyện tình cảm. Ưu ái cho quỹ thời gian làm việc, bạn hy sinh (cố ý hay không cố ý) nhiều cơ hội quan trọng để tích lũy thêm ký ức đẹp, nuôi dưỡng ngọn lửa tình yêu. Thời gian dành cho nhau bị cắt xén không khỏi khiến “nửa còn lại” của chị Thủy hoang mang: “Chẳng lẽ mình không còn hấp dẫn trong mắt cô ấy?”, “Phải chăng chuyện tình này đã đi đến cuối con đường?”… Nghìn vạn giả thuyết được đặt ra, nhưng không có đáp án vì người duy nhất có thể trả lời… quá bận để trả lời.    

Ngập đầu trong công việc, không có thói quen thể dục đều đặn? Bạn đang ở trên đúng quỹ đạo để ngày càng kém tự tin hơn về sắc vóc của mình. Mặt khác, vắt kiệt tinh lực trên bàn làm việc, bạn còn bao nhiêu nhiệt tình và sức khỏe để “yêu”? Hậu quả, chất lượng và tần suất gối chăn bắt tay nhau trượt dốc. Tình dục không tình yêu? Chuyện thường. Tình yêu không tình dục? Chuyện tế nhị, đặc biệt trong đời sống hôn nhân. Sớm muộn gì việc thiếu “vitamin yêu” cũng gây tổn thương sâu sắc cho người bạn yêu.

 

>> Bài liên quan:

Ngôn ngữ tần suất SEX

 

Mải việc, bạn trở nên qua quýt trong ăn uống. Nuốt vội cái gì đó cũng xong, thực đơn quen thuộc là mì gói, thức ăn nhanh. Bạn cho rằng sự “dễ tính” này chẳng liên quan đến chuyện tình cảm? Nghĩ lại đi bạn nhé. Thưởng thức bữa tối cùng nhau là cơ hội tuyệt vời để gắn kết với người bạn yêu. Nhưng, điều đó thật xa xỉ vì… bạn phải làm việc.

Ai đó đã nói tình cảm như một khu vườn (hoa) cần được chăm sóc thường xuyên mới có thể khoe sắc thắm. Chẳng mối quan hệ nào có thể bền vững nếu người trong cuộc không dành đủ thời gian cho nhau. Nếu chưa tìm được cách hiệu quả để “cai việc”, bạn vẫn có thể cứu vãn tình yêu của mình. Mỗi ngày, hãy dành chút thời gian để “hiện diện” trong cuộc sống của nửa kia. Thế là đủ. Tình yêu là một mối quan hệ rất nhạy cảm, có thể không cần “nuôi dưỡng” cầu kỳ nhưng phải thường xuyên.

 

Có thể bạn quan tâm:

5 bí quyết hoàn thiện môi trường làm việc

“Sếp” trong nhà

 

Comment