“Sếp” trong nhà - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

“Sếp” trong nhà

Quen với việc điều hành công việc ngoài xã hội, nhiều người phụ nữ vô hình trung đã đem phong cách sếp về ngay trong chính tổ ấm của mình

Nhiều nữ quản lý, nữ doanh nhân thừa nhận rằng tính chất công việc đã ít nhiều ảnh hưởng đến họ khi trở về nhà. Theo đó, người chồng bỗng dưng trở thành “nhân viên” bất đắc dĩ, phải chịu đựng sự “sai bảo”, “ra lệnh” đầy quyết liệt từ vợ mình. Thế nhưng, với những đấng mày râu Á Đông, mấy ai chịu được cảnh vợ lấn lướt mình như thế.

Làm sao để người phụ nữ thoát khỏi “vai sếp” khi trở về nhà? Hầu hết các nữ quản lý, nữ doanh nhân đều có câu trả lời chung rằng mỗi người cần biết cách cân bằng giữa công việc và gia đình. Tuy nghe chừng đơn giản, nhưng để cân bằng được điều ấy trên thực tế, quả thật không hề dễ dàng. Trong trường hợp này, sự cảm thông, chia sẻ từ phía người chồng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần giúp người phụ nữ của mình tìm lại sự cân bằng để trở về đúng “vai”.Woman stepping on man with stiletto heel

NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI GÌ?

Không tránh khỏi “tái diễn”

Dù biết rằng ai ai cũng có những áp lực công việc riêng, nhưng quan trọng là bản thân mỗi người phải kiểm soát được hành động của mình. Nếu người vợ vẫn duy trì thói quen ra lệnh người nhà phải làm cái này, làm cái kia theo ý mình thì chuyện “đổ vỡ” rất dễ xảy ra. Nhưng trên thực tế, đôi lúc, áp lực công việc quá nhiều khiến cho người phụ nữ không tránh khỏi tái diễn việc ra lệnh, chỉ huy khi về nhà. – chị Vy 

Nhờ bằng lời ngọt ngào

Sau một ngày đi làm vất vả, khi về nhà, gặp những việc chưa hoặc không vừa ý, nhiều chị em phụ nữ có biểu hiện nói lớn tiếng, trách móc là lẽ thường. Nếu không có sự cảm thông từ phía người bạn đời thì càng khiến họ trở nên khó chịu. Đây là những phản ứng vô thức, theo thói quen. Theo tôi, người vợ có thể nhờ chồng làm việc một cách nhẹ nhàng bằng những lời nói ngọt ngào. Tôi nghĩ, khi ấy, người chồng sẽ vui vẻ làm, thậm chí làm rất tốt nữa là đằng khác. – Tường Vi 

Chuyện nhà còn khó hơn công việc

Những gì thuộc sở hữu “của”, người ta càng muốn quản lý và điều khiển, nên không tránh khỏi chuyện bực mình khi ai đó không làm vừa ý mình. Tuy nhiên, bản thân tôi sớm nhận ra rằng, sống như thế về lâu dài sẽ không ổn lắm, bởi ai cũng có tự do của riêng mình. Nếu như người khác hạn chế quền tự do cá nhân bạn hoặc ra lệnh bạn làm việc gì đó thì bạn cũng cảm thấy khó chịu. Chính từ những bài học rút ra trong mối quan hệ gia đình đã giúp tôi thay đổi cách lãnh đạo ở công ty đấy. Đó là lãnh đạo chứ không phải ép buộc. Qua đây cho thấy chuyện gia đình còn khó hơn việc công ty. Giải quyết được chuyện gia đình, bạn sẽ giải quyết được việc công ty. Theo tôi, cthử thách bản lĩnh của người lãnh đạo là chính trong gia đình, chứ không phải ở công ty. – chị Liênnot listening

Ý KIẾN TỪ CHUYÊN GIA TÂM LÝ

4 lời khuyên dành cho người vợ

>> Thay đổi nhận thức và suy nghĩ: Đây là điều quan trọng và đầu tiên mà người vợ cần điều chỉnh. Bạn cần nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình, là chỗ dựa và nơi hỗ trợ tinh thần rất lớn cho bạn. Bất kỳ người phụ nữ nào cũng sẽ cảm thấy không hạnh phúc một khi gia đình không êm ấm.

>> Thay đổi hành vi: Ban đầu, người chồng có thể cảm thông cho những biểu hiện “sếp” của bạn. Nhưng nếu bạn cứ duy trì thói quen nghề nghiệp ấy ở nhà, thì sẽ khiến cho bầu không khí gia đình trở nên căng thẳng. Hãy cảm nhận, ý thức và tìm cách điều chỉnh hành vi ấy của mình trước khi quá muộn.

>> Cân bằng giữa công việc và gia đình: Bạn nên chia sẻ những khó khăn trong công việc của mình với chồng, đừng ngại ngùng gì ngay cả khi anh ấy không làm chung lĩnh vực với bạn. Bởi lẽ, dù không hỗ trợ được cho bạn về công việc nhưng anh ấy có thể là chỗ dựa tinh thần vững chắc, cảm thông và động viên bạn. Điều này giúp tình cảm vợ chồng thêm gắn bó với nhau nhiều hơn.

>> Tham gia hoạt động gia đình: Gia đình cần sự quan tâm, chăm sóc của bạn. Vì vậy, bạn cần hạn chế mang việc bên ngoài về nhà, mà phải biết cân bằng giữa công và tư. Chỉ như thế, bạn mới có nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động gia đình như nấu ăn, làm bánh… để gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong nhà ngày càng khắng khít với nhau.Businesswoman dominating businessman

3 điều dành cho người chồng

>> Thông cảm và bình tĩnh: Dĩ nhiên, bạn không hề cảm thấy thoải mái trước hành vi “sếp” của vợ. Thế nhưng, nếu bạn phản ứng ngay thì vô hình trung làm mất đi tiếng nói chung giữa vợ chồng. Bạn phải thật sự bình tĩnh, đợi đến lúc phù hợp để góp ý cùng cô ấy, mới mong khắc phục được thực trạng này. Hãy nhớ rằng, nóng nảy hay khiêu khích cô ấy là cách bạn đã “tiếp tay” cho mâu thuẫn vợ chồng bùng phát đấy.

>> Công nhận cảm xúc của vợ: Áp lực công việc, thói quen nghề nghiệp có ảnh hưởng đến mọi người trong cuộc sống đời thường, chứ không phải chỉ riêng với vợ bạn. Bạn cũng nên biết rõ điều này để có cái nhìn sự việc nhiều chiều một cách thấu đáo. Từ đó, bạn mới có thể chia sẻ, trở thành chỗ dựa tinh thần và giúp cô ấy khắc phục hành vi của mình.

>> Chia sẻ cởi mở: Đây là giải pháp giúp cả hai hiểu rõ đối phương cần gì, mong muốn được gì… Từ đó, bạn có thể dần giúp vợ mình nhận ra hành động chưa hợp lý của cô ấy. Một khi đã làm mọi cách mà vẫn không khiến vợ nhận ra vấn đề, bạn hãy chia sẻ những rạn nứt có thể xảy ra nếu cô ấy vẫn cứ mãi duy trì thói quen “làm sếp” bên ngoài về nhà.

 

Có thể bạn quan tâm: 

Sếp nữ trẻ, Được và Mất

Ai sợ làm Sếp?

 

Comment